Một số thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam

Bộ Công Thương vừa có văn bản thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam (SG04). Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Về cơ sở tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

Ngày 15 tháng 12 năm 2015, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của nhóm 4 công ty đại diện cho 38,6% lượng sản xuất phôi thép và 34,25% lượng sản xuất thép dài của cả nước. Như vậy, các công ty này đã thoả mãn yêu cầu về tư cách đại diện của ngành sản xuất trong nước (chiếm trên 25% lượng sản xuất trong nước). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ủng hộ đơn yêu cầu chiếm 19,3% sản lượng phôi thép và 46,5% sản lượng thép dài trong nước, trong khi đó các doanh nghiệp phản đối vụ kiện chiếm 6,8% sản lượng phôi thép và 12,05% sản lượng thép dài của cả nước. Như vậy, sản lượng của các doanh nghiệp nộp đơn và ủng hộ vụ việc (57,9% phôi thép và 80,75% thép dài) lớn hơn nhiều so với sản lượng của các doanh nghiệp phản đối vụ việc [1].

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam trong năm 2015 đã tăng hơn 3 lần so với 2014 (từ 590 nghìn tấn lên gần 1,89 triệu tấn) và lượng nhập khẩu thép dài cũng tăng tương ứng gần 50% (từ gần 900 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn). Các số liệu ban đầu cũng cho thấy ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại từ tình trạng gia tăng nhập khẩu đột biến này.

Theo quy định của pháp luật về tự vệ của Việt Nam, nếu các doanh nghiệp nộp hồ sơ đáp ứng đầy đủ điều kiện, nhập khẩu gia tăng, có dấu hiệu về thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa lượng nhập khẩu gia tăng và thiệt hại thì Bộ Công Thương phải ra quyết định tiến hành điều tra. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296/QĐ-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2015 về việc khởi xướng điều tra vụ việc.

2. Về cơ sở áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời

Sau khi Bộ Công Thương ra quyết định điều tra, Bộ đã gửi Thông báo điều tra đến các bên liên quan bao gồm: các nhà sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu, Đại sứ quán các nước có liên quan và Thông báo theo quy định của WTO cũng như xác minh số liệu nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan.

Ngày 30 tháng 12 năm 2015, Bộ Công Thương đã gửi bản câu hỏi điều tra đến tất cả các bên liên quan. Sau đó, cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất trong nước để xác minh số liệu trong bản trả lời câu hỏi điều tra có phù hợp với hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp hay không. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đã hoàn thành báo cáo sơ bộ trình Bộ Công Thương và kiến nghị áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời căn cứ trên các nội dung sau:

- Kết luận sơ bộ cho thấy có sự gia tăng nhập khẩu đột biến đối với phôi thép và thép dài, đặc biệt là phôi thép;

- Kết luận sơ bộ cho thấy ngành sản xuất trong nước đang hứng chịu thiệt hại từ việc nhập khẩu gia tăng, đặc biệt là với các doanh nghiệp sản xuất phôi thép. Lượng sản xuất năm 2015 chỉ tăng hơn 1% so với năm 2014 trong khi con số này của năm trước là gần 10%. Công suất sử dụng của ngành phôi thép giảm từ gần 60% năm 2014 xuống còn dưới 50% năm 2015. Nhìn chung, công suất thực tế của ngành sản xuất trong nước mới chỉ bằng gần một nửa công suất thiết kế. Tốc độ gia tăng bán hàng năm 2015 của ngành sản xuất trong nước chỉ bằng khoảng ¼ so với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ trong nước. Thị phần phôi thép và thép dài nhập khẩu năm 2015 đã tăng mạnh và chiếm tương ứng gần 30% và 20% trên tổng tiêu dùng trong nước, gấp 3 lần thị phần năm 2013.

- Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Đặc biệt, nhập khẩu phôi thép tháng 1/2016 là 339,768 tấn, tăng 231.83% so với tháng 1/2015. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 là 269 USD/Tấn, giảm 67.6% so với cùng kỳ 2015. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4-5 triệu tấn trong năm 2016, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015. Dưới tác động của lượng nhập khẩu quá lớn đó, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như trong năm 2015 mà có thể sẽ phải đóng cửa ngay lập tức.

Về các ý kiến cho rằng phôi thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc không gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước và ngành sản xuất thép trong nước không chịu thiệt hại từ việc phôi thép bán giá rẻ của Trung Quốc, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

- Để xác định thiệt hại do phôi thép nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các công ty sản xuất phôi thép trong nước ngay sau khi nhận được Bản trả lời câu hỏi điều tra của các doanh nghiệp này. Kết quả thẩm tra các doanh nghiệp cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước đều chịu thiệt hại nghiêm trọng từ việc giá bán phôi thép Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2015 (giảm 27%). Các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận và công suất sử dụng của Ngành sản xuất phôi thép trong nước đều sụt giảm mạnh, tồn kho gia tăng trong năm 2015. Những doanh nghiệp chỉ sản xuất phôi hầu như đã phải dừng lò hoặc hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động trong ngành. Trong đó, công ty thép Việt Trung (công suất 500.000 tấn/năm) đã phải dừng sản xuất, có nguy cơ phải đóng cửa mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2014.

- Căn cứ trên các số liệu về lượng nhập khẩu phôi thép gia tăng đột biến, cơ quan điều tra đã tính toán và chứng minh có hiện tượng ép giá và kìm giá của phôi thép nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước.

Như vậy có thể thấy quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời được đưa ra dựa trên kết luận điều tra và thẩm tra tại chỗ, phù hợp với các quy định của WTO và pháp luật Việt Nam. Báo cáo điều tra chi tiết đã được gửi tới các bên quan tâm đến vụ việc để góp ý và bình luận, đảm bảo tính minh bạch của vụ việc điều tra.

3. Về các ý kiến phản đối vụ việc

Sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã nhận được công văn của 7 nhà sản xuất thép dài trong nước từ phôi nhập khẩu đề nghị loại bỏ mặt hàng phôi thép ra khỏi phạm vi điều tra với lý do chưa đủ tính pháp lý để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này (yếu tố về tăng nhập khẩu đột biến, nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng, tác động kinh tế xã hội).

Trong quá trình điều tra vụ việc, Bộ Công Thương sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp phản đối nêu trên (dự kiến vào đầu tháng 4/2016) để làm rõ cơ sở, lập luận của các doanh nghiệp đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ. Chứng cứ và cơ sở lập luận của các bên liên quan đối với vấn đề này sẽ được trình bày trong báo cáo cuối cùng của vụ việc. Bộ Công Thương bảo đảm sẽ phân tích, đánh giá tất cả các ý kiến bình luận liên quan đến vụ việc dựa trên quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, từ đó đưa ra báo cáo cuối cùng trên cơ sở khách quan, có tính đến lợi ích kinh tế xã hội tổng thể và ảnh hưởng đến từng phân khúc sản xuất.

4. Về tác động của việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời

Đối với ý kiến về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài chỉ mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn hiện nay trên thị trường, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

- Với thuế tự vệ tạm thời là 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho sản phẩm thép dài sẽ giúp bảo vệ tạm thời các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thép dài trong nước.

- Trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 doanh nghiệp lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần. Chỉ số HHI [2]của thị trường phôi thép là 1.390, xếp vào loại thị trường tập trung ở mức độ vừa phải.

- Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 doanh nghiệp lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần. Chỉ số HHI của thị trường thép dài là 741, xếp vào loại thị trường không mang tính tập trung.

Theo thông tin từ một số phương tiện truyền thông, sau khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời, giá thép trong nước cũng như nhập khẩu đều gia tăng. Theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, việc giá phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 100USD/tấn là do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng vào thời gian này dẫn đến việc giá thép trong nước tăng theo.

Có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra.

Ngoài ra, để đảm bảo xem xét tất cả các khía cạnh của vụ việc khi đưa ra kết luận cuối cùng, ngày 17/3/2016, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp nguyên đơn đề nghị báo cáo tình hình giá bán mặt hàng phôi thép và thép dài trước và sau khi có Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Ngoài ra, Bộ cũng có công văn gửi Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị Hiệp hội phối hợp với các thành viên theo dõi giá phôi thép, thép dài và có biện pháp ổn định tình hình thị trường, kịp thời thông báo cho Bộ Công Thương.

5.Về thời gian hiệu lực của Quyết định

Theo quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 [3], danh sách “hệ thống văn bản quy phạm pháp luật” không bao gồm các Quyết định của Bộ trưởng, như vậy Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 07/3/2016 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó Quyết định này không chịu sự điều chỉnh của các Điều 150 về quy định đăng Công báo và Điều 151 quy định về thời điểm hiệu lực của Luật nói trên.

Trong các quy định hiện hành tại hệ thống pháp luật về tự vệ cũng như quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đều không quy định về thời gian hiệu lực của các quyết định áp dụng biện pháp tự vệ (cả chính thức và tạm thời). Đối với Quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thời gian kể từ khi Quyết định được ban hành đến khi có hiệu lực là khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị với các thay đổi về thuế và để Tổng cục Hải quan ban hành văn bản hướng dẫn các Chi cục hải quan địa phương đối với vấn đề thu thuế. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng 15 ngày là khoảng thời gian hợp lý để Quyết định có hiệu lực kể từ khi ban hành.

Đối với các ý kiến cho rằng đây là khoảng thời gian các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ hàng, Bộ Công Thương cho rằng ý kiến này là chưa thỏa đáng vì thời gian này không đủ để hàng hoá có thể được bốc xếp tại cảng đi ở nước ngoài và kịp làm thủ tục thông quan tại cảng đến ở Việt Nam.

Đối với các ý kiến cho rằng có hiện tượng các doanh nghiệp găm hàng chờ tăng giá, Bộ Công Thương cho rằng đây có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường. Tuy nhiên, với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép của Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế (có thể dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực) thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt.



[1] Bản tính toán sản lượng của các bên được thể hiện ở Phụ lục 1

[2] Chỉ số Herfindahl - Hirschmann Index: đánh giá mức độ tập trung trên thị trường (biến động từ 0-10.000)

[3] Phụ lục 2 của báo cáo