Một số vấn đề về thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam

Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ thẻ là một trong những mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Ở Việt Nam, thị trường thẻ tín dụng thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nhất định c

1. Vài nét về thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam, những kết quả ban đầu

Thị trường thẻ ngân hàng của Việt Nam được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, phải sau năm 2002, sau sự kiện Vietcombank triển khai hệ thống giao dịch ATM dựa trên nền tảng kết nối trực tuyến toàn hệ thống và thẻ ghi nợ nội địa lần đầu tiên được phát hành tại Việt Nam thì thị trường thẻ ở Việt Nam mới có những bước phát triển đáng kể. Sau hơn 10 năm phát triển, tính đến ngày 31/12/2013, tổng số lượng thẻ phát hành đã đạt hơn 66,2 triệu thẻ - tăng hơn 20% so với năm 2012 và gấp hơn 44 lần so với số lượng thẻ năm 2005. Tổng doanh số thanh toán thẻ theo đó cũng đạt hơn 1.206.704 tỷ đồng, tăng 23,37% so với năm 2012 và gấp khoảng 47 lần doanh số giao dịch năm 2005. Số lượng tổ chức phát hành cũng tăng từ 20 ngân hàng năm 2005 lên 50 ngân hàng với khoảng 490 thương hiệu thẻ các loại bao gồm thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng và thẻ trả trước. Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ phát hành, số lượng máy ATM và máy POS phục vụ giao dịch thanh toán thẻ cũng tăng lên đạt khoảng 15.300 ATM và gần 130.000 POS.

Trong xu thế phát triển chung của dịch vụ thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng cũng đã đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng. Năm 2010, dư nợ thẻ tín dụng chỉ đạt khoảng 52 triệu USD tương đương 1.083 tỷ đồng với số lượng thẻ phát hành là 530.000 thẻ thì đến năm 2013, dư nợ thẻ tín dụng đã đạt khoảng 126 triệu USD tương đương 2.624 tỷ VND; số lượng thẻ tín dụng cũng đạt khoảng 2,43 triệu thẻ; doanh số giao dịch và số lượng giao dịch trên thẻ tăng khoảng 30% mỗi năm trong giai đoạn từ 2010 - 2013.

Để đạt được kết quả này, trong những năm qua, các ngân hàng đã rất chú trọng đến việc đầu tư vào công nghệ hiện đại, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, xây dựng và đổi mới quy trình nghiệp vụ để hỗ trợ tốt nhất cho việc phát hành và thanh toán thẻ. Hệ thống chấp nhận thẻ (POS) cũng được đầu tư và mở rộng. Tính đến cuối tháng 9/2014, toàn hệ thống có hơn 15.800 máy ATM và gần 160.000 điểm chấp nhận thẻ. (Vụ Thanh toán, 2014).

Bên cạnh đó, các sản phẩm thẻ tín dụng cũng ngày càng được đa dạng hóa. Hầu hết các thương hiệu quốc tế như American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners Club, Discover và UnionPay đều đã có mặt tại Việt Nam. Ngoài các loại thẻ tín dụng thông thường, các ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành các loại thẻ đồng thương hiệu (co-branded card) liên kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp bán lẻ, hàng không, trường học, câu lạc bộ,… Hiện tại, đã có khoảng hơn 60 sản phẩm thẻ loại này đang có mặt trên thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam. Có thể kể đến một số sản phẩm như Vietnam Airlines-Techcombank Visa; Vietnam Airlines-VP Bank Platinum MasterCard; Bac A Bank-TH True Mart; BIDV-Lingo Card;… Song song với việc gia tăng số lượng thẻ và nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ, các ngân hàng cũng rất chú trọng đến việc liên kết với các đối tác, để cùng đẩy mạnh các loại hình, dịch vụ thanh toán qua thẻ với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho chủ thẻ. Qua đó, khách hàng dần hình thành thói quen sử dụng thẻ để thanh toán nhờ những tiện ích vượt trội mà thanh toán thẻ mang lại như nhanh chóng, tiện dụng, an toàn và tiết kiệm.

2. Những hạn chế còn tồn tại

Thứ nhất, việc phát triển thẻ tín dụng những năm vừa qua chủ yếu thiên về số lượng chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành. Hiện tại, tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ rơi vào khoảng từ 60 - 70%, tùy từng ngân hàng và từng loại thẻ. Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với các tổ chức phát hành. Mặt khác, việc phát hành “ồ ạt” thẻ tín dụng của các ngân hàng trong thời gian vừa qua cũng tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao khi mà các điều kiện đảm bảo an toàn đã bị nới lỏng quá mức.

Thứ hai, dư nợ cho vay qua thẻ mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng. Tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay qua thẻ chỉ đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, chiếm 2,7% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng và trung bình chỉ có khoảng 3,3 thẻ tín dụng/100 người trưởng thành.

Thứ ba, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, dao động trong khoảng từ 1,25% - 2,65%/tháng tùy thuộc vào từng ngân hàng, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… có thể dễ thấy được chi phí sử dụng thẻ tín dụng của chủ thẻ là rất lớn. Bên cạnh đó, đối với các điểm chấp nhận thẻ, hiện tại, các điểm này đang phải trả phí dịch vụ thanh toán theo quy định cho ngân hàng khoảng 2% để phục vụ vào các khoản đầu tư máy POS và trả phí 1% cho tổ chức thẻ quốc tế. Với mức phí cao như vậy, trên thực tế đã có nhiều trường hợp đơn vị chấp nhận thẻ đã không nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc chuyển mức phí này sang cho chủ thẻ.

Thứ tư, cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… Hệ thống chấp nhận thẻ còn hạn chế, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hằng ngày. Hệ thống máy chấp nhập thẻ tín dụng (POS) của Việt Nam, hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam chỉ có 1 POS/1.000 người. Số lượng thẻ phát hành tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn số điểm chấp nhận thanh toán.

3. Một số đề xuất

Thứ nhất, các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại đặc biệt là các thiết bị thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ. Đồng thời đầu tư, mở rộng liên kết, hợp tác trong thanh toán thẻ thông qua việc triển khai toàn diện hoạt động kết nối các hệ thống thẻ để khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư.

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thẻ, gia tăng tiện ích và các ưu đãi đối với chủ thẻ, để tăng khả năng thu hút khách hàng và đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các sản phẩm thẻ thông minh, chuyển đổi dần từng bước từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip chuẩn EMV để đảm bảo an toàn hơn cho các giao dịch tại các đầu đọc thẻ, góp phần giảm chi phí và rủi ro trong phát triển hoạt động thẻ.

Thứ ba, không nên quá chú trọng vào việc gia tăng số lượng thẻ mà cần nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ; Tăng cường các hình thức chăm sóc khách hàng trong và sau khi sử dụng thẻ để gia tăng tỷ lệ thẻ hoạt động thường xuyên.

Thứ tư, gia tăng số lượng thẻ phát hành đi đôi với việc tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh thẻ. đáp ứng được các điều kiện đảm bảo an toàn, cần từng bước điều chỉnh giảm lãi suất và các khoản phí để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ. Việc gia tăng số lượng người sử dụng thẻ và tỷ lệ thẻ hoạt động thường xuyên sẽ giúp ngân hàng giảm được những khoản chi phí không cần thiết mà vẫn giữ được lợi nhuận cao ngay cả khi giảm lãi suất và phí.

Thứ năm, đồng mở rộng liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ, trường học, các đơn vị đối tác… để gia tăng các ưu đãi và quyền lợi cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ. Đây cũng là biện pháp thích hợp để giúp ngân hàng tăng cường sức quảng bá, gia tăng chỉ số nhận biết, nâng tầm và tăng giá trị thương hiệu của mình, nhất là khi liên kết với một doanh nghiệp hoặc các đối tác lớn, có uy tín.