Nam Ðịnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Nam Ðịnh lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2010-2015) xác định "Tập trung đầu tư, phát triển, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh
Kết quả đáng ghi nhận

Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy Nam Ðịnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TU, ngày 25-7-2011 về "Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn, giai đoạn 2011- 2015", UBND tỉnh Nam Ðịnh xây dựng Kế hoạch số 37/KH-UBND, ngày 12-8-2011 để thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06, Kế hoạch số 37, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh Nam Ðịnh có bước phát triển tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Nam Ðịnh là một trong mười địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM.

Toàn tỉnh hiện có 125 làng nghề CN-TTCN, với 310 cơ sở sản xuất, 52 nghìn hộ, 135 nghìn lao động; 166 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN trong tổng giá trị sản xuất chiếm từ 10% trở lên; trong 96 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2015 có 78 xã, thị trấn có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) hơn 15%. Trong giai đoạn 2011-2014, giá trị SXCN nông thôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 23%/năm, năm 2014 ước đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng hơn 65% so với năm 2010; tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn chiếm hơn 53% tổng giá trị SXCN toàn tỉnh.

Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, nghề sẵn có tại địa phương, tỉnh Nam Ðịnh còn tích cực triển khai công tác đào tạo nghề, truyền nghề mới cho lao động nông thôn. Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành các công ty may mới và các cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp may lớn trong tỉnh về đầu tư, đó là các xã Hải Ðường, Hải Phương (Hải Hậu), Xuân Kiên (Xuân Trường), Việt Hùng (Trực Ninh), Ðại Thắng (Vụ Bản)...; phát triển nghề mây tre đan, thêu; mộc mỹ nghệ ở Hải Minh (Hải Hậu); móc sợi ở huyện Xuân Trường; nghề thúc, dát đồng ở thị trấn Ngô Ðồng (Giao Thủy), xã Yên Bình (Ý Yên)... Hàng hóa của làng nghề Nam Ðịnh có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước; một số mặt hàng đã xuất khẩu ra nước ngoài. Hầu hết các hộ làm nghề đều có thu nhập khá. Ngành nghề nông thôn phát triển tạo việc làm mới cho hơn 31 nghìn lao động, cùng với chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa (năm 2014 giá trị sản phẩm trên một ha canh tác ước đạt 95 triệu đồng) đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, giảm hộ nghèo, góp phần quan trọng vào Chương trình xây dựng NTM, thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn (2011- 2015). Trong 96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015 đã có 17 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy may ở xã Yên Tân
Hoạt động sản xuất CN-TTCN, làng nghề ở nông thôn phát triển đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp toàn tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2014, giá trị SXCN tăng bình quân 22%/năm; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 14%/năm; năm 2014, giá trị xuất khẩu ước đạt 591 triệu USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2013. Trong bốn năm (2011-2014) thu hút hơn 100 dự án đầu tư (trong đó có 21 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 224 triệu USD) tạo việc làm cho hơn 18 nghìn lao động tại địa phương.

Những kinh nghiệm bước đầu

Từ thực tế chỉ đạo, lãnh đạo việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 37 của UBND tỉnh Nam Ðịnh, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm bước đầu sau đây:

Một là, trong thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông huyết mạch; tạo lập, cải thiện môi trường thu hút đầu tư bằng các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp qua công tác khuyến công và xúc tiến thương mại, ưu tiên cung cấp điện cho sản xuất...

Hai là, trong quá trình quy hoạch xây dựng NTM, các địa phương đều dành quỹ đất để phát triển sản xuất CN- TTCN, phát triển ngành nghề theo mô hình điểm, cụm công nghiệp nông thôn (CNNT). Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20 cụm CNNT triển khai xây dựng hạ tầng, tiêu biểu như cụm CNNT Xuân Tiến, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), Hải Phương (Hải Hậu), Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng), An Xá (TP Nam Ðịnh), Tống Xá, La Xuyên (Ý Yên), Ðồng Côi (Nam Trực)... thu hút 471 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng; trong đó đã thực hiện là 2.706 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động; Giá trị SXCN tại các cụm CNNT năm 2014 ước đạt 2.500 tỷ đồng (giá cố định 1994), chiếm khoảng 12% giá trị SXCN toàn tỉnh. Ðồng thời đã xây dựng chín điểm công nghiệp tại các xã xây dựng NTM: Xuân Ninh, Xuân Kiên (Xuân Trường); Yên Ðịnh, Hải Ðường (Hải Hậu); Hiển Khánh (Vụ Bản); Nam Hồng (Nam Trực); Giao Yến, Hoành Sơn (Giao Thủy); Trung Ðông (Trực Ninh) với tổng diện tích gần 20 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.344 tỷ đồng; thu hút khoảng 4.170 lao động.

Ba là, thực hiện "Doanh nghiệp liên kết với làng nghề". Mô hình này được tỉnh Nam Ðịnh thực hiện thành công từ năm 2000. Qua đó đã vực dậy nhiều làng nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ bị mai một. Ðiển hình là Công ty CP Dệt may Sơn Nam liên kết với các làng dệt khăn truyền thống ở Nam Hồng (Nam Trực), Phương Ðịnh (Trực Ninh); hoặc công ty xuất khẩu thủ công mỹ nghệ liên kết với các làng nghề mây, tre đan ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Khi triển khai Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy cũng là lúc Nam Ðịnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM, từ thành công trong mối liên kết giữa doanh nghiệp với các làng nghề trước đây, Nam Ðịnh đã phát động phong trào "Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân xây dựng NTM", thông qua việc hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí lại cơ cấu lao động, tích tụ ruộng đất và tiêu thụ nông sản. Hiện có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, gắn bó lâu dài với địa bàn nông thôn Nam Ðịnh, với các ngành nghề dệt may, làm giày xuất khẩu, mây tre đan xuất khẩu và sản xuất nông sản hàng hóa. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn đều có sự chuẩn bị chu đáo từ xây dựng nhà xưởng đến dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động làm quen với tác phong công nghiệp. Ngoài việc đào tạo nghề cho công nhân tại chỗ, các doanh nghiệp còn điều động những cán bộ quản lý có kinh nghiệm và công nhân giỏi về làm nòng cốt cho các nhà máy ở khu vực nông thôn.

Thực hiện sự liên kết này, doanh nghiệp và các địa phương đều có lợi. Ðối với các địa phương, đây là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân bố lại lao động từ thuần nông sang công nghiệp; giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân. Hầu hết các xã, thị trấn có doanh nghiệp về đầu tư đạt từ 17 tiêu chí NTM trở lên.

Về phía các doanh nghiệp sẽ giảm sức ép về lao động, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh của toàn đơn vị và ổn định cuộc sống người lao động trong điều kiện kinh tế chung có nhiều khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tập trung phát triển. Theo đó, sản xuất công nghiệp giai đoạn 2010-2014 đạt mức tăng trưởng cao, tăng bình quân 22%/năm; giá trị SXCN tăng nhanh, năm 2014 ước đạt 34.500 tỷ đồng, đưa tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP tăng từ 26,2% năm 2010 lên 30,8% năm 2014. Tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp là hơn 175.000 người, chiếm gần 20% tổng số lao động của tỉnh.
Công ty CP Dệt may Liên tỉnh tại cụm CNNT xã Nam Hồng
Ðể CN-TTCN Nam Ðịnh tiếp tục phát triển ổn định, bền vững
Ðể CN-TTCN tiếp tục phát triển đồng đều, ổn định và bền vững, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Hai là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại: Thu hút đa dạng các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, chương trình khảo sát thị trường trong và ngoài nước để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất kinh doanh.
Ba là, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp yêu cầu; chủ động đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các dự án công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, vật liệu mới...
Bốn là, xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
Năm là, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương... cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Ðịnh, trong đó có CN -TTCN./.
Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Sở Công Thương Nam Định