Ngành Điện: NSLĐ và bài toán tái cơ cấu

Theo EVN, hiện tại, năng suất lao động của EVN đang thấp nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu lấy giá trị sản lượng 120 tỷ kWh điện phát ra hàng năm trên tổng số lao động là 110.000 người, thì một người trong một năm chưa đạt được 1.100.000 kWh điện. Nhìn từ đó, để muốn đưa năng suất lao động lên cao thì EVN cần phải giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề mang nhiều đột phá mới.

Một trong những vấn đề đó là thực hiện công việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo lộ trình Chính phủ đặt ra, trong việc đó, chốt quan trọng là công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp. Bởi khi cổ phần hóa xong một doanh nghiệp, thì lúc đó công ty không trực thuộc Nhà nước nữa, mà Nhà nước chỉ nắm giữ một tỷ lệ phần trăm cổ phần nào đó, còn lại do nhiều đơn vị, kể cả cán bộ công nhân viên, công chúng là cổ đông, chắc chắn họ sẽ kiện toàn lại bộ máy, rút gọn biên chế, đưa nhiều giải pháp công nghệ mới trong vận hành, trong quản lý và việc quản lý lao động sẽ chặt chẽ hơn, chi tiêu đồng tiền cũng chặt chẽ hơn..., làm cho sự đổi mới ở công ty đó sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay, chắc chắn, NSLĐ cũng thay đổi theo hướng tăng cao hơn.

Sau khi cổ phần hóa thì quan hệ giữa EVN và các công ty phát điện là quan hệ ở khâu mua bán điện và đương nhiên, lúc đó sẽ tách khỏi bộ máy quản lý của EVN một lượng người khá lớn. Đó là yếu tố để làm cho NSLĐ của ngành Điện tăng lên.

Nâng cao NSLĐ là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với EVN

Vừa qua, Chủ tịch HĐQT của EVN đã ra quyết định kể từ năm 2014 và những năm tới, toàn ngành Điện sẽ không được tiếp nhận bất kỳ một cán bộ công nhân viên nào nữa. Những năm tới, sản lượng điện sẽ tăng thêm khoảng 50 - 60 tỷ kWh/năm. Đồng nghĩa với việc con người không tăng, sản lượng điện tăng, đấy cũng là yếu tố giải quyết bài toán NSLĐ.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA): Tiếp theo, ngành Điện cần tách riêng những đơn vị thành viên không nằm trong dây chuyền sản xuất ra điện. Ví dụ, 4 công ty tư vấn điện hiện tại, các ban quản lý dự án nguồn và lưới điện hiện tại và một số đơn vị khác nữa không nằm trong dây chuyền sản xuất ra điện thì được tính NSLĐ bằng tiền họ làm ra hàng năm. Như vậy, đã tách ra được một lượng người khá lớn với NSLĐ khác nhau, không phải của 110.000 người nữa.

Một vấn đề khá quan trọng nữa là sắp xếp, cơ cấu lại các dây chuyền sản xuất thật hợp lý, không để nhiều người quản lý trên một đơn vị sản phẩm mà phải một hoặc hai, ba người quản lý trên nhiều đơn vị sản phẩm. Việc đó, có nghĩa là cần phải có một sự tinh giản, biên chế bộ máy từ trên xuống dưới trong hệ thống dây chuyền sản xuất điện.

Tóm lại EVN cần phải đưa ra tiến độ để giải bài toán, lồng ghép giữa tái cơ cấu, tăng NSLĐ từ nay và các năm tiếp theo.

Ngành Than: Tăng NSLĐ con đường duy nhất

Tới đây, Vinacomin sẽ kết thúc khai thác tại nhiều khu vực và đưa mỏ xuống sâu. Hiện nay, Vinacomin chủ yếu khai thác than hầm lò với tỷ lệ hầm lò trên tổng số than nguyên khai là gần 50%, dự kiến đến năm 2015, tỷ lệ này sẽ lên tới 65%, tăng tới 20 triệu tấn than hầm lò chỉ trong vài năm. Khai thác than hầm lò xuống mức sâu hơn, đương nhiên Vinacomin sẽ phải chịu giá thành cao hơn như: chi phí thông gió, thoát nước, chi phí đi lại, vận tải than, vật liệu, chi phí điện năng, công tác an toàn v.v... Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đang phải chịu áp lực rất lớn về công tác an toàn, môi trường và công tác xã hội. Mỗi năm, toàn Tập đoàn chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác mỏ. Tất cả các chi phí trên đều được trích trên đầu tấn than khai thác để thành lập các loại quỹ về môi trường, công tác xã hội… Vì những lý do đó mà hiện nay giá thành khai thác của nhiều đơn vị tăng cao. Nhưng dường như, những chi phí đó đã là những yếu tố không thể cắt giảm.Vì vậy tăng NSLĐ là con đường duy nhất với ngành than

Về cơ chế tiền lương, Vinacomin khoán cả quỹ lương đối với bộ máy quản lý, phòng ban, các đơn vị không làm ra sản phẩm. Các đơn vị phải giao khoán tiền lương cho từng phòng ban, phân xưởng trên cơ sở định biên lao động từng đơn vị, nếu tiết kiệm được lao động thì được hưởng nguyên tổng tiền lương khoán. Đối với các đơn vị sản xuất chính làm ra sản phẩm đơn vị xây dựng hệ thống định mức lao động phù hợp với điều kiện thực tế để các đơn vị phát huy hết khả năng đạt NSLĐ cao nhất.

Cũng như ngành Điện, Vinacomin hết sức quan tâm nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất than trong khai thác. Việc làm này không những có ý nghĩa bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, mà còn đem lại những hiệu quả kinh tế to lớn. Với nhiều giải pháp đồng bộ trong quản lý, điều hành cũng như nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến, giảm chi phí sản xuất, mong rằng, ngành Than sẽ giải được bài toán NSLĐ, từ đó cân đối được giá thành sản xuất, ổn định việc làm và đời sống cho người lao động.

Theo World Bank, NSLĐ thấp không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, càng không phải là vấn đề của riêng ngành Điện hay ngành Than, mà là vấn đề của toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, tại hội nghị với Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ quan ngại về thực trạng trong số 51 triệu lao động mà chỉ 18% qua đào tạo từ sơ cấp, trung cấp, trong khi lao động cầm tay chỉ việc có thể làm được việc chỉ đạt 49%. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao, chiếm tới 49% nhưng GDP tạo ra từ lĩnh vực này lại chỉ đạt khoảng 18%.

Vì vậy, trước yêu cầu của Thủ tướng về việc cần có kế hoạch tổng thể, phải tập trung đầu tư công nghệ cũng như nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ công nhân, toàn xã hội phải cùng vào cuộc!

Ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương (ILO/ADB):

NSLĐ có thể tăng nhiều nhất thông qua chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn.

Báo cáo của ILO/ADB gần đây cho thấy, NSLĐ trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Ở những quốc gia như Cambodia, Lào và Việt Nam vẫn còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, vậy nên có thể có NSLĐ chung thấp hơn. Ngược lại, Singapore có thể có mức NSLĐ cao hơn, bởi vì nền kinh tế của nước này chủ yếu dựa vào ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp như tài chính và bảo hiểm. Tương tự, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức (ở đó, người lao động thường không được tiếp cận với những công nghệ mới nhất hoặc hiện đại nhất) có thể có NSLĐ chung thấp.

Có hai con đường để tăng NSLĐ cho các quốc gia ASEAN. Một là tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Tuy nhiên, NSLĐ có thể tăng nhiều nhất thông qua con đường thứ hai - chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn. Bởi vậy, các quốc gia cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp. Để làm được điều này, các chính phủ cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.