Ngân hàng Sacombank (STB) có thể trích lập thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC trong quý 4/2023

NIM của Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) được kỳ vọng sẽ dứt đà giảm và dần phục hồi từ năm sau. Dự kiến, ngân hàng này sẽ trích lập thêm 1.000 tỷ đồng dự phòng nữa cho trái phiếu VAMC trong quý 4/2023.

NIM sẽ dứt đà giảm, phục hồi từ đầu năm sau nhưng với tốc độ chậm

Ngân hàng Sacombank
Dự kiến NIM của Ngân hàng Sacombank sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhưng với tốc độ chậm.

Kết thúc quý 3/2023, tỷ lệ NIM của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Ngân hàng Sacombank, mã cổ phiếu STB - sàn HoSE) đạt 3,7%, giảm 28 điểm cơ bản so với quý 2/2023.

Đây cũng là quý giảm NIM thứ 2 liên tiếp của ngân hàng này do ảnh hưởng của chi phí vốn cao cùng chất lượng tài sản đi xuống khiến thu nhập lãi của Ngân hàng Sacombank trong quý 3/2023 giảm 6,97% so với quý 2/2023, gây áp lực lên NIM.

Theo đánh giá của một số tài chính, xu hướng giảm NIM của Ngân hàng Sacombank sẽ chỉ mang tính tạm thời và sẽ dần hồi phục trong năm 2024. Do các khoản huy động khách hàng lãi suất cao kì hạn 1 năm giai đoạn từ quý 4/2022 - quý 2/2023 sẽ đáo hạn trong nửa đầu năm 2024. Đây là các khoản vay có lãi suất trên mức 7,5%, cao hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn trước đó của Ngân hàng Sacombank (khoảng 5,5%).

Ngân hàng Sacombank
Diễn biến NIM của Ngân hàng Sacombank qua các quý. (Nguồn: Ngân hàng Sacombank, KBSV)

Đồng thời, mặt bằng lãi suất huy động đang được duy trì ở mức thấp. Tính đến giữa tháng 12/2023, lãi suất huy động cá nhân kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng Sacombank đang ở mức 5,3%, thấp hơn mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 (khoảng 5,5%) - vốn là giai đoạn có mức chi phí vốn tốt nhất trong nhiều năm qua.

Hiện hãng Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) nhận định, mức lãi suất huy động trung bình của Ngân hàng Sacombank nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở quanh mức thấp 5,5% trong bối cảnh cầu tín dụng chưa thể sớm hồi phục mạnh. Qua đó, hỗ trợ NIM của ngân hàng này phục hồi.

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục NIM của Ngân hàng Sacombank sẽ ở mức vừa phải, theo KBSV. Nguyên nhân chủ yếu do, trong nửa cuối năm 2023, ngân hàng này đã liên tục hạ lãi suất cho vay cũng như đưa ra các gói vay hỗ trợ lãi suất thấp; qua đó, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản đi xuống ảnh hưởng đến thu nhập lãi, qua đó tác động tiêu cực đến NIM của Ngân hàng Sacombank.

Có thể trích lập thêm khoảng 1.000 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC trong quý 4

Trong quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Sacombank đạt 2,2%, tăng 41 điểm cơ bản so với quý 2/2023 - xác lập quý có nợ xấu tăng thứ 4 liên tiếp của ngân hàng này. Tuy nhiên, đây được xem là diễn biến không quá bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn làm tăng nợ xấu, khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập dự phòng từ đầu năm.

Điểm sáng đối với Ngân hàng Sacombank là nợ nhóm 2 trong quý 3/2023 đạt 0,71%, giảm 44 điểm cơ bản so với quý 2/2023 - nằm trong nhóm các ngân hàng có nợ nhóm 2 thấp nhất, qua đó giảm đáng kể áp lực trích lập trong thời gian tới.

Trong quý 3/2023, Ngân hàng Sacombank thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 333 tỷ đồng và trích lập 494 tỷ đồng cho trái phiếu VAMC, lần lượt giảm 60,5% và giảm 7,3% so với quý 2/2023. Nợ tái cơ cấu theo TT02/2023-NHNN đạt 1.441 tỷ đồng, tương đương 0,3% tổng dư nợ tín dụng.

Theo quan điểm của KBSV, nợ xấu của Ngân hàng Sacombank có thể sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà hồi phục và bộ đệm dự phòng của ngân hàng nầy vẫn đang ở mức khá khiêm tốn. Tuy nhiên, cơ cấu cho vay tương đối an toàn là cơ sở để Ngân hàng Sacombank có thể kiểm soát tốt chất lượng tài sản trong năm 2024.

Giá cổ phiếu STB Ngân hàng Sacombank
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Ngân hàng Sacombank (STB): Có thể kết thúc tái cơ cấu trước thời hạn, NIM dần phục hồi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện tại, với số dư nợ trái phiếu VAMC còn lại chưa trích lập của Ngân hàng Sacombank là 3.888 tỷ đồng. Kế hoạch trích lập 100% trái phiếu VAMC trong năm nay phụ thuộc vào việc ngân hàng này có bán thành công khoản nợ liên quan đến dự án KCN Phong Phú.

Theo đánh giá mới đây của SSI Research, dự báo Ngân hàng Sacombank có thể sẽ trích lập thêm khoảng 1.000 tỷ đồng dự phòng nữa cho trái phiếu VAMC trong quý 4/2023 dựa theo Thông tư 06/VBHN-NHNN. Theo Thông tư này, việc trích lập dự phòng cụ thể hàng năm cho trái phiếu VAMC phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản nợ tồn đọng và dự phòng lũy kế của VAMC.

Hiện SSI Research nhận định các khoản nợ được đảm bảo bằng quyền tài sản tại Khu công nghiệp Phong Phú sẽ được Ngân hàng Sacombank xử lý trong năm 2024 thay vì năm 2023 như kế hoạch trước đây. Việc xử lý dứt điểm khoản nợ này sẽ giúp Ngân hàng Sacombank hoàn nhập khoản dự phòng 1.600 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/12, thị giá cổ phiếu STB đạt 26.600 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 18% so với hồi đầu năm nay.

Duy Quang