Tóm tắt:

TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư; được xem là hiệp định thế kỷ, tạo động lực cho những đổi thay mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà Hiệp định mang lại, lĩnh vực ngân hàng sẽ đối mặt với không ít thách thức...

Từ khóa: Ngân hàng thương mại, cơ hội, thách thức, lĩnh vực ngân hàng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước thành viên TPP.



1. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Sau 10 năm ròng rã với 19 vòng đàm phán chính thức, ngày 05/10/2015, Việt Nam đã đạt thỏa thuận cuối cùng, hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là sự kiện lớn nhất đối với Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây.

TPP, viết tắt của từ Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), là một hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 12 thành viên của TPP bao gồm: Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động…

Hiệp định TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư và sẽ trở thành hạt nhân để hình thành FTA chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với những nội dung có tính bước ngoặt, đây được xem là hiệp định thế kỷ, tạo động lực cho những đổi thay mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi TPP mang lại, lĩnh vực ngân hàng sẽ đối mặt với không ít thách thức.

2. Cơ hội đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam

Hiệp định TPP ra đời sẽ tạo ra nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

(1) Việc gia nhập TPP cho phép các doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế có thêm cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phát triển mạng lưới kinh doanh, thị trường, tạo cơ sở quan trọng để các ngân hàng có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính và dịch vụ ngân hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải tận dụng để phát triển mạnh về quy mô, đa dạng hóa dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải tăng cường hợp tác, sáp nhập, hợp nhất, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động và tăng khả năng tích lũy, tích tụ để trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn, từ đó giữ vững được vị trí của mình trước xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế. Điều đó có nghĩa là vị thế của các ngân hàng ở Việt Nam sau sáp nhập, tái cơ cấu sẽ được nâng lên mạnh mẽ cả về lượng và chất; không những sẽ giúp thị phần trong nước được kiểm soát, bảo vệ, tăng trưởng mà còn là cơ sở để phát triển kinh doanh ra các nước khác trong khối, góp phần thúc đẩy hệ thống tài chính - ngân hàng phát triển bền vững.

(2) TPP tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản. Bên cạnh đó, cơ hội kinh doanh từ các nguồn vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Từ đó, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều sau khi gia nhập TPP; tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa.

(3) Hiệp định TPP mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển sản xuất trong toàn khu vực và xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.

Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, Hiệp định dành 2 chương "Đầu tư" và "Dịch vụ tài chính" quy định việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính. Trong các quy định về đầu tư, các thành viên TPP đã đưa ra các nguyên tắc yêu cầu các chính sách và bảo hộ đầu tư công bằng và không phân biệt đối xử nhằm bảo đảm nguyên tắc cơ bản của luật pháp, trong khi vẫn bảo đảm khả năng của Chính phủ các thành viên để đạt được các mục tiêu chính sách công hợp pháp. TPP cung cấp các cơ hội mở cửa thị trường đầu tư và qua biên giới quan trọng, trong khi đảm bảo rằng các thành viên TPP duy trì quyền quản lý đầy đủ đối với các tổ chức và thị trường tài chính, thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.

Hiệp định cũng bao gồm các quy định cụ thể về tranh chấp đầu tư liên quan tới tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trên cơ sở tập quán luật thương mại quốc tế, cũng như các quy định liên quan tới các chuyên gia dịch vụ tài chính trong ban trọng tài và cơ chế trình tự đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ khác.

Tóm lại, hiệp định TPP sẽ mở triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra thêm nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tương lai.

3. TPP và thách thức đối với ngành Ngân hàng

Mặc dù mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc với luồng vốn ngoại của khu vực song Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức bởi hiện hệ thống ngân hàng nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định.

Khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhìn chung chưa cao, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch chưa đồng đều; quản trị rủi ro tại các ngân hàng còn có những bất cập... Trong khi đó, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng còn đơn điệu, tính tiện ích chưa cao, công nghệ ngành ngân hàng còn lạc hậu so với thế giới. Đây là những bất cập của hệ thống ngân hàng hiện nay, nhất là khi chúng ta gia nhập TPP với xu hướng quốc tế hóa hệ thống ngân hàng.

(i) TPP sẽ khiến những ngân hàng quy mô nhỏ có nguy cơ không còn tồn tại.

Chương về dịch vụ tài chính của TPP là một khía cạnh mà 12 thành viên của TPP rất cẩn thận suy xét để vừa đảm bảo mang đến lợi ích tổng thể cho nền kinh tế nhưng cũng vừa bảo vệ phần nào hệ thống tài chính nước nhà trước sức ép cạnh tranh mới. TPP sẽ cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài bán dịch vụ của mình sang thị trường các quốc gia thành viên khác mà không cần phải thành lập chi nhánh tại đó. Điều này đồng nghĩa với việc, sau khi cho phép các ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con có vốn 100% nước ngoài theo thỏa thuận khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), giờ đây nước ta sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm đa dạng hơn của các ngân hàng ngoại mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc mở cửa hệ thống ngân hàng nội địa trong TPP có thể sẽ mang đến một dòng chảy vốn lớn từ các ngân hàng ngoại vào Việt Nam trong khi quy mô hoạt động vẫn còn rất khiêm tốn. Điều này sẽ khiến sức ép cạnh tranh dành cho các ngân hàng nội địa sẽ lớn hơn, buộc các ngân hàng này sẽ phải nhanh chóng tái cấu trúc, cải thiện hiệu quả hoạt động bằng công nghệ và đưa ra các sản phẩm tài chính có chất lượng hơn cho thị trường nếu không muốn mất thị phần.

Chiến lược “bán lẻ” của các ngân hàng nước ngoài với những thế mạnh về sản phẩm dịch vụ đa dạng, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng điện tử, công nghệ ngân hàng hiện đại, kỹ năng tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp… là những vấn đề mà các ngân hàng Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

(ii) TPP sẽ mang đến những thay đổi to lớn đối với các quyết định của Chính phủ, giảm nhiều quyết định hành chính. Đó là cơ chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện chính phủ các quốc gia sở tại nơi mình hoạt động nếu họ cảm thấy chính phủ quốc gia này đưa ra các quy định bất hợp lý, trái với TPP và gây thiệt hại cho họ.

Do đó, các quyết định mang nhiều tính hành chính các bộ, ngành thực hiện trong nhiều năm nay sẽ phải được tính toán và xem xét rất cẩn trọng trước khi đưa ra, đặc biệt nếu các quyết định ấy ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Việc gia nhập TPP đặt ra yêu cầu cho các ngân hàng Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị hoạt động, quản trị rủi ro. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của hội nhập và thực hiện các cam kết, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Mặt khác, gia nhập TPP có thể làm tăng các giao dịch vốn và rủi ro của hệ thống ngân hàng trong điều kiện cơ chế quản lý chưa thật sự hoàn thiện, nhất là cơ chế thanh tra, giám sát, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các NHTM Việt Nam... Việc mở “room” tuy giúp các ngân hàng nội địa có thể tiếp nhận luồng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn nhưng cũng làm gia tăng sức ép bị thâu tóm hay chịu sự chi phối của các ngân hàng Việt Nam.

(iii) Các thành viên TPP sẽ phải điều hành tỷ giá theo chuẩn mực quốc tế. Các thành viên của TPP đưa ra cam kết không phá giá đồng nội tệ của mình để mang lại lợi thế cạnh tranh. Các chính sách về điều hành tỷ giá của NHNN trong các năm tới sẽ theo các chuẩn mực chung của các nước thành viên TPP.

Bên cạnh đó, TPP đặt ra yêu cầu cao về khả năng kiểm soát tiền tệ của NHNN Việt Nam trong điều kiện mở cửa thị trường tài chính ngân hàng. Bởi, gia nhập TPP cũng đồng nghĩa với việc thị trường tiền tệ Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn trước những biến động nhanh nhạy của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, do vậy rất dễ tạo ra những rủi ro hệ thống cho các NHTM Việt Nam.

Tuy nhiên, bỏ qua những lo âu về sức ép cạnh tranh mới, TPP đang mang đến một cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng, kể cả trong và ngoài nước, là họ sẽ có cơ hội cải thiện mạnh mẽ doanh thu hoạt động nhờ tài trợ cho các hoạt động thương mại gia tăng giữa các thành viên TPP. Có thể thấy, khi tham gia Hiệp định TPP, việc kịp thời nắm bắt những cơ hội để vươn lên khẳng định mình luôn là sự lựa chọn thông minh của tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác định trước những thách thức để kịp thời đổi mới là việc làm cần thiết mà các ngành nghề kinh tế, nhất là lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng phải thực hiện. Để thích ứng được với những nội dung đã được thông qua tại Hiệp định TPP, hệ thống các ngân hàng phải chủ động hội nhập sâu rộng hơn nữa, không ngừng thay đổi để phù hợp với yêu cầu của các nước và đặc điểm của các ngân hàng trong hệ thống và trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kỷ yếu Hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Ý nghĩa và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam” (Tháng 3/2013);

2. PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa (2013), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam, NXB Thời đại;

3. Toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP (Tháng 11/2015), Bộ Công Thương Việt Nam;

4. TS. Đào Lê Kiều Oanh (2014), Cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam khi tham gia TPP, Tạp chí Phát triển và Hội nhập.

Ngày nhận bài: 5/01/2016.

Ngày chấp nhận đăng bài: 25/01/2016.

Thông tin tác giả:

ThS. Ngô Minh Trang, ThS. Nguyễn Khánh Ly

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Điện thoại: 0915870988

Email: [email protected]

COMMERCIAL BANKS OF VIETNAM IN THE WAKE OF THE TRANS - PACIFIC PARTNERSHIP (TPP)

MSC. Minh Trang Ngo, MSC. Khanh Ly Nguyen

Hanoi University of Natural Resources and Environment

Abstract:

TPP or Trans-Pacific Partnership Agreement represents the new generation of the Free Trade Agreeement in which there are 12 nations of the Asia-Pacific region. If the previous free trade agreements mainly focus on goods, services and investment, the TPP is regarded as the agreement of the 21st century due to its deep and wide intervention in the internal and sensitive policies of the member country such as intellectual property right, public procurement, and labor… Joining the TPP will certainly bring both opportunities and challenges to Vietnam. Finance and Banking is one of the sectors facing difficulties in the years ahead…

Keywords: Commercial banks, opportunities and challenges, the banking sector, Trans-Pacific Partnership (TPP), the TPP member countries.