Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
4 trọng tâm chỉ đạo điều hành
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả" với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành là:
Thứ nhất, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế. Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô; duy trì và khơi thông các động lực tăng trưởng; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát huy có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai, xây dựng bộ máy kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.
Thứ ba, phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Thứ tư, chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.
Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Thực hiện hiệu quả các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường; điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý theo lộ trình và liều lượng phù hợp. Phấn đấu GDP năm 2019 tăng khoảng 6,8%, kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4%.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN). Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Triển khai hiệu quả Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay. Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia dưới 49% GDP.
Cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%. Phấn đấu tăng thu ngân sách khoảng 5% so với dự toán và tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Điều hành chi ngân sách theo dự toán được giao; phấn đấu nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27% - 27,5%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 63% - 63,5% tổng chi NSNN. Tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; tiết kiệm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài... Cân đối nguồn lực để thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết Trung ương. Kiểm soát bội chi NSNN năm 2019 ở mức không quá 3,6% GDP. Triển khai thực hiện cam kết quốc tế, sửa 71 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, chống xói mòn nguồn thu.
Xây dựng, trình Bộ Chính trị Đề án và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tạo thuận lợi thương mại kết hợp với tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại,... xử lý nghiêm vi phạm. Tăng cường quảng bá, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm nội địa. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ kiểm tra chuyên ngành, đồng thời kiểm soát hiệu quả hàng hóa, thiết bị nhập khẩu. Bảo đảm cân đối xuất, nhập khẩu; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8 - 10%, kiểm soát nhập siêu dưới 2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 12%.
Bám sát diễn biến tình hình, điều hành hiệu quả để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là về đầu tư, lương thực, năng lượng..., kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân; củng cố hệ thống thông tin, báo cáo; nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo, phục vụ quản lý, điều hành; tổ chức tốt tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, triển khai Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; kịp thời ứng phó có hiệu quả các biến động trên thị trường thế giới, nhất là thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại.
Thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược
Nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Trong đó, về thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Sớm xây dựng, trình Quốc hội Đề án nội luật hóa các cam kết hội nhập quốc tế trong các Hiệp định. Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, lao động, bất động sản và khoa học công nghệ. Triển khai Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm; cơ cấu lại tổ chức các sở giao dịch chứng khoán; đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới. Hoàn thiện thể chế, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm... và các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng cao như nghệ thuật, vui chơi, giải trí. Phát triển thị trường lao động, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu; triển khai thực hiện chính sách việc làm công, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; mở rộng thị trường lao động ngoài nước; bảo đảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh, khuyến khích phát triển thị trường nhà ở cho thuê. Phấn đấu diện tích bình quân nhà ở toàn quốc là 24,5 m2 sàn/người. Phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học công nghệ và thị trường khoa học công nghệ, đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, khơi thông nguồn lực, thu hút mạnh nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng, như dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao...; hoàn thiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Phát huy vai trò động lực phát triển của các đô thị, thúc đẩy mạnh mẽ đô thị hóa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng tại các đô thị lớn, đô thị ven biển. Thực hiện thí điểm các mô hình phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị xanh... Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,2%; khoảng 88% người dân đô thị được cung cấp nước sạch và 87% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý. Phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng, mạng di động 5G.
Đồng thời, gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển. Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra; đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp học sinh; có giải pháp tập hợp và sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động đã làm việc ở nước ngoài trở về nước. Chuẩn bị xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường đại học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Phấn đấu đến cuối năm 2019 có 60% - 62% lao động được đào tạo, trong đó 24% - 24,5% lao động được đào tạo từ 3 tháng trở lên, có văn bằng, chứng chỉ. Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược thời kỳ 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020.
Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; khơi thông thể chế để tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; xây dựng dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư công. Bổ sung, hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực. Rà soát các chương trình mục tiêu để bãi bỏ các nội dung chồng chéo, kém hiệu quả. Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; công khai kết quả thực hiện...
Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công khai doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán và xem xét trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung vốn, hợp vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư có hiệu quả (theo cơ chế thị trường) vào các công trình lớn, trọng điểm quốc gia, có yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động. Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ. Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel II. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.
Quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ, chuyển đổi lên công nghệ cao hơn, tiến tới nghiên cứu, phát triển công nghệ mới; xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, khởi nghiệp sáng tạo; đảm bảo vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Phát huy các nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ. Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hỗ trợ, tạo sự liên kết với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, đưa khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp trở thành một đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa". Phát triển kinh tế số; xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, từng bước tạo môi trường pháp lý để triển khai kế hoạch chuyển đổi số; thay đổi mô hình quản trị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường, đô thị thông minh,...
Về thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản; phát triển chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp với điều kiện vùng, miền, sản phẩm, ngành hàng; coi phát triển nông nghiệp hiệu quả cao là trọng tâm, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và phát triển thị trường là khâu đột phá. Nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm từ khu vực nông thôn, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế. Phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp đạt khoảng 3%, xuất khẩu đạt 42 - 43 tỷ USD; có 50% số xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cơ bản không còn xã dưới 5 tiêu chí, mỗi tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch 5 năm trong năm 2019; đẩy mạnh triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP); Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020; triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng, triển khai Đề án phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; xử lý dứt điểm và chấm dứt tình trạng phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tập trung xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các dự án công nghiệp trọng điểm. Khuyến khích đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo, phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông... Triển khai hiệu quả Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông. Phấn đấu tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 8,57%.
Chú trọng phát triển các dịch vụ tích hợp, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý hiệu quả các hoạt động dịch vụ mới như casino, cá cược... Xây dựng, triển khai phương án tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ và giải pháp toàn diện cho thương mại điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, nhất là vận tải xuyên biên giới. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu; mở rộng áp dụng thị thực điện tử; quản lý chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là hoạt động lữ hành, lưu trú. Phấn đấu khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,83 - 7,2%; lĩnh vực du lịch thu hút được khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động từ 30% - 50%. Phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Phấn đấu có 140 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.