Nhiệt điện: Công nghệ là chìa khóa

Mặc dù được đánh giá tích cực về mặt công nghệ, song các nhà máy nhiệt điện than vẫn tiềm ẩn khả năng gây tổn hại tới môi trường nếu không chấp hành nghiêm quy trình vận hành, quy trình đánh giá tác đ

Ưu thế của nhiệt điện

So với các nước phát triển cao đã bão hòa về nhu cầu điện, Việt Nam cùng với các quốc gia đang phát triển, đang ở giai đoạn phát triển điện năng ở mức rất cao. Nhưng sản lượng điện tính trên đầu người nước ta hiện chỉ xấp xỉ 1.500 kWh/người, bằng 1/2 bình quân toàn thế giới, cho thấy nhu cầu phát triển điện năng còn rất lớn.

Cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện nay rất đa dạng với thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời… Mặc dù vậy, hiện nay nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, chỉ còn một số dự án mở rộng và các công trình thủy điện vừa và nhỏ có công suất dưới 30 MW mới có thể khai thác được.

Các loại năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời thì có hệ số công suất thấp, chi phí đầu tư lớn nên chỉ có thể coi đây là nguồn bổ trợ.

Như vậy để đảm bảo cung ứng điện năng cho đất nước, chỉ có thể phát triển 2 nguồn là nhiệt điện than và nhiệt điện khí. Tuy nhiên, nhiệt điện khí có chi phí đầu tư khá đắt, khoảng 20 US cent, tức trên 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân đến hộ gia đình hiện nay mới chỉ 1.600 đồng/kWh. Hơn nữa, nguồn khí tự nhiên mà nước ta khai thác cũng đã đến giới hạn, chúng ta sẽ phải nhập khẩu khí sau năm 2025.

Đó là những nguyên do khiến nhiệt điện than bắt buộc phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển nguồn chủ yếu trong những năm tới. Trong cơ cấu công suất nguồn điện hiện nay, nhiệt điện than chiếm khoảng 34% với sản lượng trên 13.000 MW. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3 năm nay, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Trên thế giới, tỷ trọng nhiệt điện than hiện nay vẫn đang rất cao, tính trung bình trong tổng cơ cấu nguồn chiếm gần 50%. Quốc gia sử dụng ít tỷ trọng nhiệt điện than cũng chiếm gần 30%, còn nhiều lên tới 70-80%. Nhiều đất nước phát triển hơn nước ta cả hàng chục năm, nhưng vẫn phải sử dụng nhiệt điện than và chiếm tỷ trọng lớn như Hoa Kỳ (60%), Trung Quốc (65%), Pháp (55%), Úc (60%)… Nhiều quốc gia phát triển khác cũng bắt đầu chuyển sang phát triển nhiệt điệt than như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Công nghệ là chìa khóa

Ưu thế cơ bản của nhiệt điện đốt than là giá than ổn định và có thể cạnh tranh với các nguồn nhiên liệu khác. Ở Việt Nam, than có trữ lượng khá lớn với hai loại chủ yếu là than antraxit Quảng Ninh và than nâu vùng đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên điểm trừ của nó là sử dụng nhiều nguyên liệu than, nếu không xử lý tốt có khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Để khắc phục tình trạng này, đối với các nhà máy nhiệt điện than, có 2 yêu cầu bắt buộc: Thứ nhất, là xử lý tối đa các khí thải độc hại NOx, SOx và lắp đặt lọc bụi tĩnh điện để tạp chất không đào thải ra môi trường; thứ hai, xử lý các chất thải tro, xỉ.

Tại Hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11/2016, các chuyên gia đầu ngành về năng lượng và nhiệt học đều cho rằng công nghệ sản xuất của nhiệt điện than tại Việt Nam hiện nay là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới. Cụ thể, thông số hơi là công nghệ cận tới hạn và siêu tới hạn, hiệu suất loại cao, công suất tổ máy lớn, đảm bảo độ an toàn, tin cậy cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện chỉ còn 3 nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ là nhiệt điện Uông Bí, Ninh Bình và Phả Lại, tuy nhiên các nhà máy này đều đã lắp đặt hệ thống khử bụi tĩnh điện, đang có kế hoạch đầu tư khử lưu huỳnh.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt tại các nhà máy nhiệt điện, tất cả các chất phát thải độc hại đều được xử lý trước khi thải ra môi trường. Các phương pháp xử lý đều là công nghệ hiện đại, được đầu tư lớn. Do đó, khi nhà máy điện thực hiện nghiêm túc việc xử lý các chất thải, thì sẽ không gây tác động tới môi trường.

Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN đều được đầu tư công nghệ hiện đại, như: Hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện (ESP) hiệu suất cao, hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thải (FGD), công nghệ lò đốt Low- NOx, thiết bị khử NOx độc lập (SCR)... Về cơ bản đã xử lý được các khí thải độc hại ra môi trường.

Đối với chất thải tro, xỉ, hiện các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía Bắc (như Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1) đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro, xỉ… Tại miền Nam, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy trong toàn đời dự án để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông lấn biển… và xuất thành phẩm qua cảng Vĩnh Tân. UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp đất, dự kiến Cty sẽ nhận tro xỉ từ ngày 1/1/2017. Với nhiệt điện Duyên Hải 1, Cty đã ký hợp đồng mua bán tro xỉ với 3 doanh nghiệp là Liên danh Cty CP Dịch vụ kỹ thuật và thương mại Hoàng Quý với Cty CP Việt Long và Cty TNHH Hoàng Sơn… tiêu thụ tro xỉ của Nhà máy với số lượng 1,62 triệu tấn/năm.

Như vậy, công nghệ hiện đại của các nhà máy nhiệt điện chính là “chìa khóa” mở ra cánh cửa vừa đảm bảo an ninh năng lượng vừa hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường.