Nhớ lại thời kỳ cắt điện, nhà máy chỉ sử dụng 50% công suất

Tình trạng thiếu nguyên, nhiên vật liệu ngày càng gay gắt, chỉ đáp ứng được 1/2 hoặc 1/3 nhu cầu của công nghiệp. Số ngày công mà công nhân phải ngừng việc do thiếu nguyên vật liệu, thiếu thiết bị máy móc và phụ tùng thay thế, cắt điện, nước… ngày càng tăng, dẫn đến các nhà máy chỉ sử dụng khoảng 50% công suất.
cắt điện
Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại cho chạy thử đồng bộ không tải Tổ máy số 1, (Ảnh: TTXVN)

Cắt điện trong những năm 1976 - 1980 khá phổ biến khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Trong sản xuất công nghiệp, ngày 17/6/1980, Ban Bí thư ra Thông báo Kết luận Hội nghị bàn về cải tạo công thương nghiệp tư doanh ở miền Nam, trong đó nêu:

-“Năng lực sản xuất của phần lớn xí nghiệp sau khi cải tạo (kể cả xí nghiệp quốc hữu hóa và xí nghiệp công tư hợp doanh) chưa được sử dụng tốt; năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế giảm; nhìn chung, quản lý kém hơn trước”;

-“Tài sản thu được qua cải tạo (cả tài sản cố định và vật tư hàng hóa) bị hư hỏng, mất mát nhiều”;

-“Đời sống của công nhân và nhân dân lao động có nhiều khó khăn hơn. Vai trò làm chủ tập thể của công nhân và lao động trong các xí nghiệp đã cải tạo chưa được đề cao. Lực lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề chưa được sử dụng tốt, một số người đã bỏ việc, đi ra nước ngoài”.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguyên, nhiên vật liệu ngày càng gay gắt, chỉ đáp ứng được 1/2 hoặc 1/3 nhu cầu của công nghiệp. Số ngày công mà công nhân phải ngừng việc do thiếu nguyên vật liệu, thiếu thiết bị máy móc và phụ tùng thay thế, cắt điện, nước… năm 1976 chiếm 2%, năm 1977 là 3,1%; năm 1978 là 2,9%; năm 1979 là 3,3% và năm 1980 lên tới 4,4% 221. Tình hình này dẫn đến “các xí nghiệp chỉ sử dụng khoảng 50% công suất… hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thiếu nghiêm trọng”.

Trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 1976, thiên tai xảy ra liên tiếp (hạn hán, bão lụt, sâu bệnh) với mức độ nặng nề và nhịp độ dồn dập khác thường, không phải 3 năm mất 1 vụ như trước đây, mà 3 năm mất 3 vụ, làm đảo lộn nhiều dự tính trong kế hoạch.

Trên thực tế, sản lượng thóc đã sụt giảm khá mạnh. Năm 1976 đạt 11,8 triệu tấn, liền 4 năm sau đó 1977, 1978, 1979, 1980 giảm xuống còn 10,9 triệu tấn, 9,8 triệu tấn, 11,3 triệu tấn và 11,6 triệu tấn. Nếu tính sản lượng lương thực (quy ra thóc), năm 1980 đạt 14,4 triệu tấn, tăng 6,6% so với 13,5 triệu tấn của năm 1976. Nhưng cũng trong thời gian này, dân số đã tăng 9,3%, từ 49,1 triệu lên 53,7 triệu người. Do đó, thường xuyên phải nhập khẩu lương thực, từ gạo cho đến ngô, lúa mỳ, bột mỳ. Năm 1976 nhập 632 nghìn tấn gạo và bột mỳ. Con số này liên tục tăng cao trong 2 năm tiếp theo, đạt đỉnh vào năm 1978 với 1,39 triệu tấn, sau đó giảm xuống 887 nghìn tấn năm 1980.

Trong tài chính, giá cả, đây là giai đoạn lạm phát cao, chỉ số giá cả hàng hóa liên tục tăng ở mức 2 con số; trong đó, giá lương thực, thực phẩm luôn là đầu tàu kéo chỉ số giá hàng hóa nói chung tăng mạnh.

Sau cuộc thu đổi tiền tháng 5/1978, bước đầu đã rút bớt được một lượng đáng kể tiền mặt đang quá nhiều trong lưu thông, thị trường giá cả có lắng dịu đôi chút, nhưng có những nhu cầu đột xuất mới về an ninh quốc phòng, về các vấn đề xã hội nên chi tiền mặt về lương, trợ cấp xã hội và chi cho quốc phòng đã tăng nhanh, ngân sách nhà nước tiếp tục bội chi và tín dụng ngân hàng cũng mất cân đối giữa nguồn vốn không đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng vốn.

Sự mất cân đối cung - cầu, khiến cho nội thương và ngoại thương giai đoạn này phải căng mình để tập trung cao độ nguồn hàng, nhằm cung ứng vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho các ngành kinh tế, và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân.

Đaò Mạnh Đức