Phân đạm Phú Mỹ thành công nhờ hỗ trợ nông dân thiết thực

Chỉ trong 2 tháng, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã tạo nên một “hiện tượng” khi 2 lần được Forbes vinh danh.

Chất lượng hàng đầu

Ngày 31/5/2016, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí tiếp tục được vinh danh trong danh sách 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn. PVFCCo là đơn vị duy nhất trong ngành phân bón 4 năm liền vinh dự đạt được danh hiệu này.

Hơn một tháng sau, ngày 5/7/2016 PVFCCo được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn trong Top 40 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, với giá trị thương hiệu đạt 27 triệu USD và được Forbes Việt Nam nhắc đến như một thương hiệu dẫn đầu trong ngành phân bón: “Hiện nay Đạm Phú Mỹ chiếm lĩnh 50% thị phần tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, (ĐBSCL) Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên”.

Hai lần vinh danh cho thấy, PVFCCo được đánh giá là doanh nghiệp có năng lực nhất trong ngành phân bón nội địa, kinh doanh hiệu quả với doanh thu năm 2015 đạt 10.047 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.488 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức là 40%, có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong cả lĩnh vực phân bón và hóa chất.

Thành công đến nhờ PVFCCo luôn chăm chút đến chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm phân bón Phú Mỹ do PVFCCo cung cấp đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, được kiểm nghiệm, chứng nhận bởi phòng thí nghiệm hiện đại của Nhà máy Đạm Phú Mỹ và các đơn vị uy tín như Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) và Trung tâm Phân tích và Thử nghiệm 2 - VINACONTROL. Đồng thời, từ năm 2015, các sản phẩm phân bón Phú Mỹ cũng đã được Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng sau quá trình kiểm nghiệm khắt khe tại các cơ quan kiểm tra chất lượng của Nhật Bản.

Năm 2016 là thời điểm hết sức khó khăn với PVFCCo, khi thị trường phân bón quốc tế ảm đạm do giá dầu giảm. Ở trong nước, tác động bất lợi về thời tiết, thiên tai như ngập mặn ở ĐBSCL, hạn hán tại miền Trung - Tây Nguyên... đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu phân bón. Để vượt qua những thách thức này, PVFCCo bên cạnh việc tiếp tục đầu tư vào chất lượng, đã bắt đầu hướng tới đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm mới chuyên dụng, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường trên nền sản phẩm Ure Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ. Triển khai các dự án hóa chất, hóa dầu với quy mô lớn, công nghệ hiện đại tạo bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hóa chất.

Đến với nhà nông

Sản phẩm Đạm Phú Mỹ với lợi thế về thương hiệu, hệ thống phân phối và chính sách hậu mãi tốt, nhưng điểm mấu chốt để Đạm Phú Mỹ chiếm lĩnh 50% thị phần tại khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên như hiện nay là do PVFCCo thực hiện nhiều hoạt động hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ canh tác nông nghiệp cho bà con nông dân. Kể từ khi thành lập tới nay, PVFCCo đã tổ chức hàng chục ngàn hội thảo, mô hình trình diễn nhằm hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón hợp lý đồng thời cung cấp bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ thích hợp cho mọi loại cây trồng trên cả nước.

Mới đây nhất là Chương trình “Bác sỹ nông học”, một sáng kiến thiết thực, thời sự, tương tác giữa bốn nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - doanh nghiệp), gồm các hoạt động chính là khảo sát thực địa đồng ruộng; lấy mẫu để phân tích và Hội thảo khoa học có sự tham gia tích cực của người dân địa phương để cùng tìm giải pháp thực tiễn cho các vấn đề trong canh tác nông nghiệp.

Từ giữa tháng 04/2016, các chuyên gia khoa học và cán bộ của PVFCCo đã trực tiếp khảo sát thực tế tại đồng ruộng Long An, lấy mẫu vật (đất, nước, cây trồng….) để phân tích. Tiếp đó, trong Hội thảo được tổ chức từ ngày 25-26/4/2016, dựa trên kết quả khảo sát, phân tích, các cơ quan chức năng và chuyên gia cùng trình bày báo cáo và thảo luận về nguyên nhân, thực trạng mức độ thiệt hại, đưa ra khuyến cáo cho bà con nông dân về các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp như sử dụng giống chịu mặn, sử dụng đúng và cân đối các loại phân bón, áp dụng lịch thời vụ hợp lý… cho từng đối tượng cây trồng ở mỗi tiểu vùng canh tác khác nhau.

Để tăng cường hỗ trợ cho công tác dự báo, phòng tránh và đánh giá chính xác mức độ nhiễm mặn tại các tỉnh ĐBSCL, PVFCCo còn tặng máy đo độ mặn cho 13 tỉnh ĐBSCL để sử dụng. Đây là loại thiết bị chuyên dụng, hiện đại, có độ chính xác cao và thuận tiện trong việc sử dụng. Ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết: “Thiết bị này sẽ giúp các địa phương nhanh chóng phát hiện và nhận định mức độ ảnh hưởng của xâm nhập mặn để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh hoặc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do đất nhiễm mặn gây ra, đồng thời duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân địa phương”.
Lê Nam