Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Phải có sự phối hợp đồng bộ

Tiềm năng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) là rất lớn, mặt khác, trong điều kiện hội nhập toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu, nhiều cơ hội mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó, nguồn vốn

Thế nhưng, vấn đề đang được tranh luận hiện nay là tốc độ phát triển hiện nay vẫn chưa xứng tầm của một vùng KTTĐ. Nguyên nhân chính là sự phát triển không đồng bộ, mang tính tự phát, dẫn đến chất lượng quy hoạch vùng thấp; sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng chưa tốt, nên hiệu quả còn hạn chế.      

Với vai trò là đầu mối giao lưu quốc tế, là cửa ngõ giao thông quan trọng, là nơi hội tự các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nối miền Đông, miền Tây Nam bộ và các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới; Vùng KTTĐPN còn là trung tâm khoa học-công nghệ, thương mại, dịch vụ, đặc biệt với Trung tâm Điện lực Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nhà máy Điện Bà Rịa, Hiệp Phước (tổng công suất điện năng trên 30% tổng công suất điện năng cả nước), công trình khí-điện –đạm Cà Mau (đang được gấp rút xây dựng để tận dụng nguồn khí đốt từ bể Nam Côn Sơn) Trung tậm Điện lực Nhơn Trạch, vùng còn giữ vai trò là trung tâm năng lượng quan trọng quốc gia. Ngoài 66 KCN-CCN với diện tích 16.423 ha chiếm 56,8% diện tích KCN cả nước và 70,7% diện tích KCN của các vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Trong số KCN-CCN kể trên, có 46 KCN đã đi vào hoạt động đang phát huy lợi thế về thu hút 3.033 dự án, trong đó có 1.801 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ USD và gần 66.200 tỷ đồng Việt Nam. Không chỉ thu hút vốn đầu tư, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế toàn vùng, các KCN-CCN còn đóng góp 20% giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của cả nước (khoảng 10 tỉ USD), xuất khẩu hàng năm chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu công nghiệp của cả nước (khoảng 4,5 tỷ USD).

Tuy nhiên, sự phát triển vùng KTTĐPN vẫn còn nhiều bất hợp lý, đe dọa sự phát triển bền vững của vùng kinh tế này. Thực tế là, hiện nay, đa phần các DN hoạt động tại các KCN-CCN vẫn theo phương thức gia công, sơ chế, giá trị gia tăng thấp; tích lũy từ nội bộ thấp; các KCN, KCX phân bố chưa hợp lý; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp chưa cao, tỉ trọng dịch vụ giảm, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; ô nhiễm môi trường gia tăng; di dân cơ học và một số vấn đề xã hội còn nhiều phức tạp. Phát triển chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường…

Đến nay, vùng KTTĐPN vẫn chưa xác lập được một nền kinh tế vùng, chưa thực sự tạo được động lực phát triển cho vùng cũng như góp sức thúc đẩy sự phát triển của những tỉnh, thành lân cận. Khi nói đến vùng KTTĐPN, các nhà quản lý, các nhà kinh tế chưa biết được một cách rõ ràng thế mạnh của vùng là gì. Từng địa phương có qui hoạch tổng thể phát triển KCN riêng, nhưng các tỉnh, thành trong vùng lại không có qui hoạch chung, không có qui hoạch định hướng; Các KCN gần như giống nhau, trong đó chủ yếu phát triển những ngành nghề truyền thống như giày dép, dệt may, còn những ngành có tính hiện đại hóa cao, có tính chất lôi kéo sự phát triển kinh tế của địa phương, của cả vùng thì lại phát triển chưa tương xứng. ở một số địa phương còn có tình trạng qui hoạch KCN tràn lan; có nơi, để thu hút nguồn vốn đã bằng cách “ trải thảm đỏ” chào đón, nhưng kết quả vẫn rất ít nhà đầu tư tìm đến, do cơ sở hạ tầng còn yếu, dịch vụ không phát triển…

Trước những khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10-10-2007 về quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương đối với những vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để đạt hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, sự phối hợp phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận giữa các bộ, ngành; giữa các bộ, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với nhau trong vùng kinh tế trọng điểm, nhằm tạo ra “khung kết cấu hạ tầng” đồng bộ, hiện đại. Hoạt động phối hợp được thực hiện thông qua hội nghị của các tổ thường trực điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Trên cơ sở nội dung chuẩn bị do các bộ, ngành và địa phương soạn thảo, đưa ra, các bộ, ngành, địa phương bàn bạc, thảo luận tại các hội nghị để thỏa thuận và thống nhất. Nội dung phối hợp tập trung vào việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu, huy động vốn đầu tư phát triển, phát triển đào tạo và sử dụng lao động và việc thiết lập hệ thống thông tin, cung cấp thông tin cho vùng.

Tại buổi hội thảo “Báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ tuyên truyền về vùng KTTĐPN” trong tháng 10/2007 vừa qua, ông Trần Du Lịch-Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM đưa ra ý kiến, để giải quyết vấn đề trước mắt là qui hoạch phát triển, liên kết hạ tầng giao thông vùng có lợi nhất, phối hợp xử lý môi trường, liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương phải tính toán được mỗi năm có bao nhiêu lao động ra khỏi nông nghiệp bước vào khu vực công nghiệp, dịch vụ để có bước chuẩn bị đào tạo phù hợp. Cần một trung tâm thông tin thị trường lao động có tầm hoạt động cấp vùng. Ông cũng có kiến nghị, các địa bàn như Tiền Giang - Long An - TP.HCM nên ngồi lại và trước mắt mượn tiền làm QL50 chứ đừng ở đó mà chờ ngân sách. Phát hành trái phiếu, vay ưu đãi cũng được và Viện Kinh tế TP.HM giúp làm dự án, làm ngay QL50 nối với đô thị cảng Hiệp Phước - Nam Sài Gòn. Như vậy, toàn bộ phía nam Tiền Giang - Long An sẽ phát triển bật lên ngay. Cứ mở đường, qui hoạch khu dân cư và đấu giá đất đó, sẽ đủ sức để làm.

Còn theo ý kiến của ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP.HCM: “TP.HCM sẽ chỉ tập trung vào các hoạt động kinh tế sử dụng nhân lực và công nghệ cao, “nhường sân” thu hút sản xuất công nghiệp cho các tỉnh bạn có ưu thế về nhân công và đất rẻ”.

Trong bước đường phát triển của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của vùng KTTĐPN với vai trò là “đầu tàu kinh tế của cả nước”. Vì vậy, các địa phương phải thường xuyên ngồi lại bàn bạc để tìm ra giải pháp về cơ chế chính sách và biện pháp khắc phục các tồn tại, nhằm góp phần duy trì sự phát triển ổn định cao của vùng KTTĐPN.