Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ và ý nghĩa hiện nay

Đề tài Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ và ý nghĩa hiện nay do TS. Nguyễn Thị Thu Hà (Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm) - ThS. Nguyễn Đức Bình (Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tân Sơn, Phú Thọ) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bối cảnh hội nhập cùng với yêu cầu đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phải phát triển toàn diện về năng lực chuyên môn, về đạo đức cách mạng, đặc biệt là đạo đức công vụ. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ chính là cơ sở “thế giới quan”, là “kim chỉ nam” cho việc định hướng xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay. Bài viết nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ và chỉ ra ý nghĩa vận dụng trong thực tiễn xây dựng đạo đức ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: quan điểm Hồ Chí Minh, đạo đức công vụ, xây dựng đạo đức công vụ.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo Người, “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” [8, tr.611-612]. Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bởi vì “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, “bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân” [6, tr.16]. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam đã ghi nhận những kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn để cải cách chế độ công vụ, xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

2. Quan điểm của Chủ tịch Hồ chí Minh về đạo đức công vụ

Vấn đề xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến trong nhiều tác phẩm, như: Sửa đổi lối làm việc (1947), Chủ nghĩa cá nhân (1948), Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng (1949), Cần, kiệm, liêm, chính (1949), Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (1952), Đạo đức lao động (1952), Cần và kiệm (1952), Chống bệnh quan liêu (1953), Phải theo đúng kỷ luật của Đảng (1954), Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn (1954), Đạo đức cách mạng (1955), Người cán bộ cách mạng (1955), Đạo đức cách mạng (1958), Tiêu chuẩn của người đảng viên (1959), Cần kiệm (1959), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969),… Trong đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ bao gồm những nội dung sau.

2.1. Vai trò của đạo đức

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc của cán bộ, đảng viên; là nền tảng của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Người từng chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [5, tr.292]. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ được thể hiện sâu sắc trong Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, đó là ý tưởng về thiết lập một nền công vụ của dân, hoạt động vì nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, đó là một nền công vụ hiện đại, dân chủ, có hiệu lực từ Trung ương đến cơ sở.

2.2. Chuẩn mực của đạo đức công vụ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức là công bộc, có bổn phận phục vụ nhân dân, vì thế đạo đức công chức thể hiện tính dân chủ trong công vụ mà công chức thực hiện đối với nhân dân, thể hiện qua những chuẩn mực, như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ; có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc; có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc. Người từng khẳng định, “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính; Thiếu một mùa, thì không thành trời; Thiếu một phương, thì không thành đất; Thiếu một đức, thì không thành người” [6, tr.117]. Những chuẩn mực đạo đức công vụ này có sự quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau trong một hệ thống chuẩn mực thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính” [7, tr.392].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao phẩm chất liêm chính của cán bộ, công chức. Trong thi hành công vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, cán bộ, công chức tuyệt đối không được tơ hào dù chỉ là “cái kim, sợi chỉ” của nhân dân và phải hết sức tiết kiệm, minh bạch trong việc chi dùng công quỹ. Để thực hành liêm chính, Người cho rằng, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương sáng về liêm chính. Đức liêm chính của người cán bộ, công chức sẽ là tấm gương sáng cho nhân dân và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đối với dân tộc, liêm cùng với cần và kiệm sẽ giúp cho dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, trở thành một dân tộc văn minh và tiến bộ.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức công vụ là phải có trách nhiệm cao với công việc và thái độ làm việc đúng mực, nghĩa là “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,… là không có tinh thần trách nhiệm” [6, tr.345]. Mỗi cán bộ, công chức phải có tinh thần trách nhiệm cao thì mới hoàn thành được công việc, không ngại khó, ngại khổ theo tinh thần “đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm” [5, tr.644].

Đạo đức công vụ của cán bộ, công chức phải dựa trên tính nguyên tắc và chấp hành kỷ luật, đó là những cán bộ, công chức luôn chấp hành nghiêm các quy định, nội quy, chế độ làm việc, không tùy tiện và làm việc theo cảm tính cá nhân. Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức phải có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và những người liên quan trong thực thi công vụ, phải “thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị” [5, tr.54-55]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, tinh thần cầu thị, học tập không ngừng là cần thiết đối với mỗi cán bộ, công chức, “mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ lấy câu nói của ông thầy chúng ta. Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm” [5, tr.73-74]. Mỗi cán bộ, công chức cần có tinh thần sáng tạo, phát huy sáng kiến, không thụ động, máy móc trong thực thi công vụ.

2.3. Tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức công vụ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện thân sinh động, mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khái quát: “Bốn chữ Cần, Kiệm, Liêm, Chính - là cốt lõi đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đạo đức ấy của Bác là “tinh hoa của dân tộc”, là “lương tâm của thời đại”. Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác là điển hình của sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa tư tưởng và lối sống, suốt đời vì nước vì dân”, là tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Tổng Bí thư Trường Chinh trong Báo Nhân Dân, số 8, ngày 13/5/1951 đã viết: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đó là đại cương đạo đức của Hồ Chủ tịch, mà toàn dân ta, trước hết đồng chí chúng ta cần phải học tập và thực hành”.

Có thể thấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ mang nhiều nét mới mẻ, gắn với đạo đức cách mạng và đạo đức mới, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa đạo đức của nhân loại.

3. Ý nghĩa vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nay

3.1. Những kết quả đạt được

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho thực tiễn xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ ở nước ta hiện nay. Thời gian qua, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ trong xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã được chú trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra, “kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm” [4].

Đại đa số cán bộ, công chức đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đạo đức công vụ, trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công chức đã hướng tới hình thành người cán bộ, công chức, viên chức phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống, phong cách, giúp họ đứng vững trước những thách thức của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; đặc biệt, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ công chức đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong từng cá nhân người cán bộ, công chức như: tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao ý thức trách nhiệm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị,… Đây là những thành tựu đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh đời sống còn gặp khó khăn, thu nhập thực tế thấp, kết hợp với các tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường tới các cán bộ, công chức.

Nghị quyết Trung ương 6, khóa X có nêu: "Nhiều cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện, thử thách, trưởng thành qua thực tiễn công tác; kiên định lập trường giai cấp công nhân, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; gương mẫu thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ được giao” [1]. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành trung ương khóa XI đánh giá: “Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng” [2]. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ, trong đó, quy định cụ thể đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các chuẩn mực về đạo đức, giao tiếp, ứng xử, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, nhấn mạnh việc xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, đa số cán bộ, đảng viên đã giữ vững thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, năng động, sáng tạo, hăng hái, đã đáp ứng nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới. Đó là một trong những nguồn gốc làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

3.2. Những hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những kết quả, việc nghiên cứu và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ ở nước ta hiện nay còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước, kể cả một số cán bộ cao cấp. Trong thực tiễn, không ít cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp, vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ chưa được hệ thống đầy đủ; chuẩn mực về đạo đức công vụ chưa rõ ràng. Thiếu các cơ chế tạo động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức tự cải cách chính bản thân họ, trong đó có việc xây dựng và trau dồi đạo đức công vụ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta cũng thừa nhận: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc” [2, tr.22]. Đại hội XIII chỉ rõ, “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” [3].

3.3. Một số đề xuất giải pháp

Xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ta là yêu cầu cần thiết hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những nội dung lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm. Cùng với việc xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn thì việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng nền văn hóa công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân đã và đang là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cho mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian tới, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ vào thực tiễn xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nay cần tập trung vào các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về đạo đức cách mạng, về đạo đức công vụ. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng và nội dung trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ. Hình thức giáo dục, tuyên truyền phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức và từng đối tượng.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định về đạo đức công vụ. Tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục hành chính; công khai, minh bạch các quy định về trình tự, thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân giám sát có hiệu quả để kịp thời ngăn ngừa cán bộ, công chức có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ. Thực hiện có hiệu quả Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, tiến hành cải cách chế độ công vụ, công chức; loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà khi giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, công chức, trong đó cần chú trọng cả tài năng và đạo đức. Hoàn thiện các quy định về tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức thi tuyển các chức danh một cách công khai, đối với những chức danh quan trọng, chủ chốt cần lấy ý kiến một cách thận trọng, công khai, dân chủ trong nhân dân. Đặc biệt, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ công chức là yêu cầu cần thiết hiện nay. Đảng trực tiếp lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, vì vậy, muốn có nền công vụ liêm chính thì tổ chức Đảng các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức thực hành liêm chính, thực hiện nghiêm đạo đức công vụ. Thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng, kỷ luật để kịp thời răn đe các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, tôn vinh các điển hình mẫn cán công vụ cùng với cải cách chính sách tiền lương căn cứ theo hiệu quả công việc để cán bộ, công chức yên tâm làm việc. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường chỉ đạo công tác cải cách hành chính, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, dân chủ, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả; đặc biệt cần hoàn thiện vai trò của pháp luật trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng đạo đức công vụ theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ năm, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện cải cách, tinh giản để thanh lọc bộ máy cán bộ, công chức hiện nay. Hình thành được hệ thống pháp luật nghiêm minh, đồng thời đề cao sự giám sát của xã hội đối với các hoạt động công vụ, xã hội giám sát có tác dụng chống lại các tiêu cực của bộ máy nhà nước và của mỗi cán bộ, công chức. Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đây sẽ là phương tiện hữu hiệu, sắc bén, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức.

Thứ sáu, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các tổ chức công quyền. Đồng thời, nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp sao cho chặt chẽ, đồng bộ, không còn kẽ hở cho người xấu trục lợi. Đặc biệt, cần có đạo luật riêng về đạo đức công vụ, đạo đức công chức bởi các quy định về vấn đề này hiện đang nằm rải rác trong các luật khác nhau và chưa có sự thống nhất, chưa thật sự đầy đủ.

Thứ bảy, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động của cán bộ, công chức để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật; khen thưởng, động viên kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, những cán bộ, công chức luôn nêu cao tinh thần đạo đức công vụ, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thứ tám, mỗi người cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc việc nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; thực hiện xây đi đôi với chống và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Đây là những điều cơ bản nhất trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ, về những gì cán bộ, công chức phải phấn đấu thực hiện cho bằng được.

4. Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn sâu sắc về đạo đức công vụ, trở thành kim chỉ nam cho công tác xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ góp phần định hướng cho quá trình xây dựng đạo đức công vụ ở Việt nam hiện nay, đồng thời góp phần tạo động lực khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức rèn luyện, tu dưỡng và nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ. Nghiên cứu và vận dụng quan điểm của Người, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng công tác giáo dục, xây dựng đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và thực tiễn đã ghi nhận những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn những biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ cần khắc phục. Do đó, tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ là rất cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội Nghị Trung ương 6, khóa X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, BCHTW khóa XI, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

[5]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

[6]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

[7]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

[8]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

President Ho Chi Minh's viewpoints on civil service ethics and their significance

Ph.D Nguyen Thi Thu Ha1

Master. Nguyen Duc Binh1

1College of Food Industry

1Department of Finance and Planning, Tan Son district, Phu Tho province

Abstract:

In the context of Vietnam’s integration and the increasing requirements of national renewal, it is essential for cadres, civil servants, and public employees to comprehensively develop professional capacity and revolutionary ethics, especially civil service ethics. President Ho Chi Minh's viewpoints on civil service ethics are the fundamental guideline for building and strengthening the civil service ethics of cadres, civil servants, and public employees in the current period. This paper presented and analyzed President Ho Chi Minh's viewpoints on civil service ethics. The paper also highlighted the significance of applying President Ho Chi Minh's viewpoints to building public service ethics in Vietnam.

Keywords: Ho Chi Minh’s viewpoints, public service ethics, building public service ethics.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương