Quảng Trị: Nhân rông mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Việc thực hiện sản xuất sạch hơn nhằm mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phấn đấu đến năm 2020, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trong

Xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được xem là một xu thế trong sản xuất công nghiệp hiện nay trên toàn thế giới. Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra tại Đề án khuyến công năm 2017, trong những tháng đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Trị tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị tăng cường hoạt động khuyến công, chú trọng công tác xúc tiến thương mại, nâng cao năng suất, chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn bằng việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại gia công cơ khí cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thiết bị sản xuất ván ghép thanh tại nhà máy đa phần là thiết bị nhập khẩu, đạt các tiêu chuẩn sản xuất

Một trong những địa chỉ thành công được kể đến đó là doanh nghiệp tư nhân Nguyên Phong. Nằm trong chương trình khuyến công của năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Trị đã chọn Nhà máy gỗ Nguyên Phong để đầu tư “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh”.

Thực hiện đề án, doanh nghiệp đã đầu tư cho dây chuyền ván ghép thanh hơn 7 tỷ đồng, trong đó vốn khuyến công đầu tư 100 triệu đồng. Sau quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc thiết bị, doanh nghiệp đã tiến hành sản xuất thử sản phẩm đạt yêu cầu. Thiết bị sản xuất ván ghép thanh tại nhà máy đa phần là thiết bị nhập khẩu, đạt các tiêu chuẩn sản xuất. Nhờ đầu tư thêm dây chuyền ván ghép thanh doanh nghiệp đã tạo thêm việc làm cho 35 công nhân trong tổng số 140 công nhân của doanh nghiệp có mức lương ổn định.

Nếu như Nguyên Phong thành công ở việc “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất ván ghép thanh” thì mô hình chế biến tinh dầu lạc tại Công ty TNHH MTV Từ Phong huyện Cam Lộ được xem là mô hình có tính đột phá và có khả năng mang lại hiệu quả. Bởi cho đến nay trên địa bàn huyện có tới 1.200 ha trồng lạc với hơn 2.000 tấn lạc thu được mỗi năm nhưng chưa có đơn vị chế biến.

Đó là điều bất lợi cho nông dân, nhất là trong bối cảnh giá lạc khá bấp bênh như hiện nay. Được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại hỗ trợ kinh phí 70 triệu đồng, năm 2015 công ty đã bắt tay vào xây dựng mô hình trình diễn và đến nay mô hình chế biến tinh dầu lạc của công ty đã đi vào hoạt động ổn định.

Đặc biệt, tại Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền của Công ty CP Phân bón Bình Điền Quảng Trị, ông Lê Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Kể từ khi ứng dụng thí điểm khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn ở Công ty CP Bình Điền Quảng Trị. Với sự hướng dẫn của các chuyên gia, qua phân tích hiện trạng ban đầu cũng như những khuyến cáo đưa ra một số cơ hội sản xuất sạch hơn, chủ yếu là bố trí sắp xếp lại kho bãi tập kết nguyên liệu, bảng biểu nội quy, quy trình vận hành máy móc thiết bị của doanh nghiệp theo hướng thân thiện và bền vững đã đem lại thật nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được thực hiện trong khuôn khổ đề tài của Sở Công Thương Quảng Trị nghiên cứu thực hiện, nhằm mục đích giúp cho doanh nghiệp nhận diện được các cơ hội chi phí sản xuất, cải thiện hiện trạng về môi trường và điều kiện làm việc của người lao động. Trong đó hiệu quả nhất là nâng cao năng suất lao động, giảm được tiêu hao do rơi vải, chống lãng phí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các chỉ tiêu môi trường không khí xung quanh và độ ồn của nhà máy đều nằm trong giới hạn cho phép…

Đây là những tín hiệu tích cực, làm cơ sở cho việc áp dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, nhất là đối với các dự án sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp hiện nay.


Thu Thủy