Sẽ bao quát được bao nhiêu phần trăm “khu vực kinh tế chưa được quan sát”?

Trong số 5 thành tố này, Tổng cục Thống kê đã thu thập và tính toán cho thành tố thứ 3, 4 và 5. Còn thành tố 1 và 2 rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Đề án do Tổng cục Thống kê thực hiện.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Nếu Đề án này hoàn thiện, liệu chúng ta có thể thống kê bao quát toàn bộ quy mô nền kinh tế? Đương nhiên là không. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều tồn tại nền kinh tế chưa quan sát được. Ngay cả với các nước phát triển, có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao cũng rất khó khăn và không thể định lượng chính xác được khu vực kinh tế này.

Trước đây Tổng cục Thống kê cũng từng khẳng định rằng, Khu vực kinh tế chưa được quan sát, bao gồm 5 thành tố: (1) kinh tế ngầm, (2) kinh tế phi pháp, (3) kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, (4) hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu, (5) hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản. Trong số 5 thành tố này, Tổng cục Thống kê đã thu thập và tính toán cho thành tố thứ 3, 4 và 5. Còn thành tố 1 và 2 rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin. Hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, người lao động, xã hội và tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. Còn kinh tế bất hợp pháp là các hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bị luật pháp cấm hoặc sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trở thành bất hợp pháp do các nhà sản xuất không hợp pháp sản xuất ra. Ví dụ như hoạt động cờ bạc (trái phép) hoặc mại dâm thì khó thống kê được. Nhóm này bao gồm các đơn vị sản xuất không đăng ký kinh doanh và cả những đơn vị có đăng ký kinh doanh các ngành nghề hợp pháp nhưng không kinh doanh đúng với hoạt động đã đăng ký.

Như vậy, khi Đề án hoàn thiện và thực thi, chúng ta cũng chưa thể quan sát và thống kê toàn bộ quy mô nền kinh tế, nhưng chắc chắc số liệu sẽ sát thực hơn, tạo cơ sở tin cậy cho những quyết sách của cơ quan quản lý nhà nước.  Thực tiễn từ các nước cố gắng quan sát và thống kê khu vực kinh tế không chính thức cho thấy, việc chính thức hóa khu vực phi chính thức là cần thiết với 4 lý do căn bản sau

  1. Đánh giá toàn diện, đầy đủ quy mô của nền kinh tế
  2. Bảo đảm về thu thuế;
  3. Bảo vệ phúc lợi cho người lao động ở khu vực phi chính thức.
  4. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ kinh doanh của mỗi tổ chức cá nhân

Nhưng muốn đưa khu vực này vào khu vực chính thức thì cần khuyến khích các hộ gia đình phát triển lớn mạnh để trở thành các doanh nghiệp bằng cách tạo môi trường kinh doanh tốt và chính sách tốt.

Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho các bộ ngành thực hiện Đề án

a). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xác định căn cứ xây dựng Đề án; nghiên cứu sự cần thiết của Đề án; xác định quan điểm xây dựng Đề án; nghiên cứu phương pháp luận liên quan đến khái niệm, phạm vi hoạt động kinh tế chưa được quan sát; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở Việt Nam về khu vực kinh tế chưa được quan sát; xây dựng phương án thu thập thông tin để đánh giá kết quả sản xuất của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam; đề xuất các giải pháp để thống kê được các hoạt động thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát;...

b). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì đề xuất các định hướng, giải pháp, cơ chế quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) chủ trì đề xuất các chính sách liên quan đến thuế nhằm mở rộng cơ sở thuế, chống sói mòn thất thu thuế; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì đề xuất các giải pháp thống kê đối với hoạt động xuất nhập khẩu chưa được ghi chép trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

c). Bộ Công Thương chủ trì đề xuất các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

d). Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để triển khai Kế hoạch xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành.

Gia Vỹ