Tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn vốn sinh kế của hộ dân ven biển tỉnh Kiên Giang

NGÔ THỊ HIỂU (Trường Đại học Kiên Giang)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu lên nguồn vốn sinh kế của các hộ gia đình tại 2 ấp thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Kết quả cho thấy, các hộ dân ở cả 2 khu vực có trình độ học vấn không cao, hoạt động sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên sẵn có. Hoạt động nuôi trồng thủy sản của các hộ dân bị tác động lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn, sạt lở đê biển dẫn đến giảm năng suất, mất diện tích đất dẫn đến đời sống kinh tế gặp khó khăn. Bài viết cũng đề xuất một số giải pháp nhằm giúp người dân ở đây thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo toàn nguồn vốn sinh kế và nâng cao mức sống.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, vốn sinh kế, mức sống hộ gia đình.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, biến đổi khí hậu là một trong những vấn nạn đáng quan tâm nhất đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Với các biểu hiện chính là sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển dâng cao. Biến đổi khí hậu được coi là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 và có tác động to lớn đến sinh kế của cộng đồng, đặc biệt là đối với cộng đồng cư dân ven biển. Ngay cả khi không phải đối mặt với biến đổi khí hậu, các địa phương vùng ven biển đã phải đối mặt với những áp lực về phát triển và những yếu kém trong quản lý. Các tác động do biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ tiếp tục làm khuếch đại và trầm trọng hơn những áp lực hiện tại đối với cư dân vùng ven biển, từ đó làm tăng thêm các thách thức về quản lý bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của việc thay đổi khí hậu. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), các khu vực quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long ngập nếu mực nước biển dâng 1 mét, gây mất rừng ở những khu vực rừng ngập mặn lớn và đất canh tác (Lê Anh Tuấn, 2012). Những lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu bao gồm: nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước. Vùng bị dễ tổn thương nhất là ven biển và miền núi. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, phụ nữ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng đối với vùng ven biển, sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu (Nguyễn Thị Lan, 2019).

Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản và tính mạng của nhân dân. Tại Xã Vân Khánh Tây thuộc huyện An Minh, mưa dông phát triển mạnh trên vùng biển trùng với thời điểm đỉnh triều cường làm nước biển dâng cao nhanh bất thường, tràn qua tuyến đê biển gây ngập sâu, có nơi ngập hơn một mét nước. Sau đó, nước đột ngột rút nhanh cuốn trôi nhà cửa và nhiều tài sản, đồ dùng trong nhà của các hộ dân sống ven đê thuộc xã này (Báo Nhân dân, 2020). Mưa bão, sóng to gió lớn, triều cường gây sạt lở bờ biển, đê biển trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sạt lở nghiêm trọng 2 điểm tuyến đê biển Tây khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Cổng thông tin điện tử Kiên Giang, 2020).

Chính vì vậy, nghiên cứu về nguồn vốn sinh kế của cư dân ven biển xã Vân Khánh Tây có ý nghĩa quan trọng. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học giúp cơ quan quản lý địa phương xây dựng các chương trình thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, góp phần giúp cộng đồng cư dân ven biển đảm bảo sinh kế bền vững.

1. Phương pháp nghiên cứu

Địa bàn nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện tại 2 ấp Cây Gõ và Phát Đạt là đại diện 2 khu vực ven biển thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang.

Phương pháp thu thập số liệu: Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp 60 hộ trong khu vực khảo sát của 2 ấp, mỗi ấp chọn ngẫu nhiên 30 hộ để ghi nhận thực trạng sử dụng các nguồn vốn sinh kế trước hiện trạng ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu thuộc 2 ấp (Cây Gõ và Phát Đạt) thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.

Phương pháp phân tích số liệu: Các số liệu sau khi thu thập và phân tích được tổng hợp và xử lý bằng Microsoft Excel 2016. Từ đó, tác giả xây dựng bộ tiêu chí thích ứng biến đổi khí hậu đảm bảo sinh kế của cộng đồng tại địa phương và có khả năng nhân rộng các địa phương có đặc điểm tự nhiên tương tự.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Hiện trạng biến đổi khí hậu tại khu vực nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu đã liệt kê các loại hình thiên tai đã và đang xảy ra trên địa bàn nghiên cứu nhằm nắm bắt rõ hơn những yếu tố của các hộ dân bị tác động trực tiếp của bởi biến đổi khí hậu. Đây là những yếu tố có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất tạo nguồn vốn sinh kế cho người dân.

Thông tin từ các hộ dân ấp Cây Gõ cho thấy hầu hết các loại hình thiên tai nêu ra đã và đang xảy ra trên địa bàn khu vực. Đối với thông tin thu thập được từ người dân ấp Phát Đạt thì các thiên tai như nhiệt độ cao (nóng), nhiễm mặn, khô hạn, lốc xoáy, bão, triều cường, sạt lở đê biển, sạt lở bờ sông được người dân đặc biệt quan tâm với tỷ lệ từ 30-83%. Đây cũng là nỗi lo nhiều nhất của các hộ dân ở ấp Cây Gõ với kết quả khảo sát được đánh giá rằng thiên tai đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng (tỷ lệ người dân đồng nhất ý kiến là 93-100%).

Đối với yếu tố nhiễm mặn là yếu tố được cho là nghiêm trọng nhất đối với sinh kế của hộ dân, tại ấp Cây Gõ có 100% hộ quan tâm, ấp Phát Đạt có 83% hộ quan tâm. Đây là loại hình thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tại địa phương, làm giảm thu nhập của hộ dân.

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng từ năm 2015 đến nay, theo kết quả tổng quát thấy được, các loại hình thiên tai như nhiệt độ cao (nóng), nhiễm mặn, khô hạn, lốc xoáy, bão, triều cường, sạt lở đê biển, sạt lở bờ sông được người dân cả 2 khu vực đánh giá mức độ xảy ra ngày càng tăng và khó lường.

Các yếu tố còn lại như nhiễm phèn, mưa bất thường, lũ lụt, sấm sét, nhiệt độ thấp (lạnh) được ghi nhận là thấp và diễn ra không ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người dân.

3.2. Thực trạng nguồn vốn sinh kế nông hộ vùng ven biển

3.2.1. Tình hình nhân khẩu

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, nhân khẩu là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên nguồn lực lao động. Các hộ tận dụng nguồn lao động sẵn có để giảm bớt chi phí thuê lao động và nâng cao hiệu quả quản lý để góp phần gia tăng lợi nhuận, ngược lại số lượng người phụ thuộc thể hiện gánh nặng chi tiêu và thu nhập của hộ dân (Nguyễn Duy Cần, 2019). Người phụ thuộc là người không thuộc độ tuổi lao động (người già, trẻ nhỏ và trẻ em đang đi học).

Trung bình tổng nhân khẩu ở từng hộ dân thuộc ấp Cây Gõ (8,3 người/hộ) nhiều hơn số nhân khẩu từng hộ ở ấp Phát Đạt (3,6 người/hộ). Tuy nhiên, số thành viên tham gia sản xuất lao động có giá trị trung bình tương đồng nhau (2,2 người/hộ). Đối với số người phụ thuộc, không thuộc đối tượng lao động có thu nhập ở cả 2 ấp rất thấp (0,8 người/hộ ở ấp Cây Gõ và 0,4 người/hộ ở ấp Phát Đạt). Tuy nhiên, 2 khu vực nghiên cứu thuộc vùng sâu vùng xa, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho lao động tại chỗ tăng thu nhập. Vì vậy, những hộ có người phụ thuộc sẽ gặp khó khăn trong vấn đề đảm bảo sinh kế thích ứng BĐKH, đặc biệt là hiện trạng xâm nhập mặn thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Giáo dục là yếu tố quan trọng quyết định đến thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, trình độ học vấn của người tham gia lao động, đặc biệt là lao động chính có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất và sử dụng nguồn lực của từng hộ (Nguyễn Duy Cần, 2019). Kết quả nghiên cứu cho thấy, trình độ học vấn của chủ hộ có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu kiến thức mới, ứng dụng khoa học công nghệ và khả năng tổ chức, quản lý sản xuất của gia đình (Nguyễn Duy Cần, 2019). Trình độ học vấn hộ dân ở ấp Cây Gõ nhìn chung thấp hơn so với ấp Phát Đạt ở cả 3 cấp học Tiểu học (ấp Cây Gõ: 77%; ấp Phát Đạt: 14%), THCS (ấp Cây Gõ: 17%; ấp Phát Đạt: 73%), và THPT (ấp Cây Gõ: 3%; ấp Phát Đạt: 13%). Cấp học cao hơn chỉ có 1 hộ dân có điều kiện học tập và đang là viên chức tại địa phương. Đặc biệt, các hộ dân được khảo sát không có trường hợp nào bị mù chữ, đây được xem là yếu tố quan trọng trong tình hình thích ứng biến đổi khí hậu, tiếp cận thông tin và cập nhật định hướng sản xuất mới từ chính quyền địa phương cũng như từ các phương tiện thông tin truyền thông kịp thời.

Về khả năng nhận thức của hộ dân về biến đổi khí hậu, qua phỏng vấn trực tiếp có 21/30 hộ thuộc ấp Cây Gõ và có 23/30 hộ thuộc ấp Phát Đạt nhận biết được thông tin biến đổi khí hậu, số hộ dân còn lại thì chưa được nghe qua về cụm từ biến đổi khí hậu. Hầu hết, người dân nhận định biến đổi khí hậu từ các hình thức thiên tai đã và đang xảy ra như: nhiệt độ ngày càng cao, xâm nhập mặn, bão lớn và thất thường gây vỡ đê biển từ các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình địa phương.

Thực tế, 100% các hộ dân chưa được tham gia các buổi chia sẻ thông tin tuyên truyền về biến đổi khí hậu tại địa phương từ năm 2015 trở về trước. Hộ dân ở cả 2 khu vực nghiên cứu thống nhất 100% sẽ tham gia các buổi chia sẻ thông tin và tập huấn về giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương.

3.2.2. Tình hình kinh tế

Từ khu vực chọn để nghiên cứu là vùng ven biển, rất dễ dàng nhận thấy rằng, hoạt động kinh tế của dân cư ven biển phần lớn là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên sẵn có. Do tính phụ thuộc nên thu nhập có liên quan đến tài nguyên biển thường thiếu ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cư dân. Khả năng tích lũy của cư dân trên địa bàn cũng vì vậy mà hạn chế. Từ đó, cho thấy tính dễ tổn thương của cư dân sẽ tăng cao nếu như tính phụ thuộc vào tài nguyên trong sinh kế càng nhiều (Nguyễn Lê Diệu Hiền, 2014).

Nhìn chung, hộ dân đều có đất canh tác sản xuất, và hầu như 100% tổng diện tích đất canh tác đều phục vụ cho nuôi thủy sản (tôm, cua). Hình thức nuôi thủy sản ở địa phương là quảng canh nên phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên. Vì vậy, thời tiết không ổn định sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về sản lượng đầu ra của ao nuôi, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và sinh kế của hộ dân.

Trong số 30 hộ dân ở mỗi ấp được phỏng vấn thì mỗi ấp đều có 2 hộ không có đất canh tác. Các hộ dân này là lao động tự do như đi làm thuê ở các công trình, đánh bắt thủy sản. Đây cũng được xem là khó khăn lớn, thu nhập vẫn bị phụ thuộc vào tình hình thời tiết, vì khi mưa bão thì không thể đi biển đánh bắt thủy sản hay các công trình tạm ngừng thi công.

Các hộ dân được phỏng vấn cũng đưa ra những thiệt hại do thiên tai (xâm nhập mặn) chủ yếu gây ra tình trạng mất mùa, dẫn đến năng suất giảm ở cả 2 ấp (Cây Gõ 30/30 hộ: 100%; Phát Đạt 25/30 hộ: 83%) và dẫn đến mất việc làm đối với các hộ dân không có đất canh tác.

Tình trạng hư hại nhà cửa, phải di tản chỗ ở, gián đoạn công việc, mất vốn/lỗ vốn hầu như chỉ xảy ra ở ấp Cây Gõ, các hộ dân này thuộc khu vực ven biển phải gánh chịu hậu quả của đê biển bị vỡ.

Kết quả khảo sát về thu nhập trong canh tác nuôi trồng thủy sản từ năm 2015 đến nay, 100% hộ dân ở cả 2 địa điểm có hoạt động nuôi thủy sản đều giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, tình hình bão kèm gió giật mạnh diễn ra bất thường gây vỡ đê biển, dông lốc làm hư hại nhà dân phải di tản đến nơi khác, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế người dân.

3.3. Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

Qua các nội dung gợi ý từ nhóm nghiên cứu, hầu hết các hộ dân rất đồng tình về định hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Đặc biệt, cả 2 khu vực tập trung vào định hướng chung là cần thay đổi giống cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết từng thời vụ với tỷ lệ thống nhất cao là 83% hộ dân ấp Cây Gõ và 90% hộ dân ấp Phát Đạt.

Bảng 1. Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu

biến đổi khí hậu

Đối với ấp Cây Gõ, có 83% hộ đề xuất biện pháp “Áp dụng kỹ thuật canh tác mới”, 60% hộ đề xuất biện pháp “Điều chỉnh lịch thời vụ” và 17% hộ có ý khác là “Thuận theo tự nhiên”. Trong khi đó, 17% hộ dân thuộc ấp Phát Đạt đề xuất “Đầu tư vốn và chi phí tăng gia sản xuất hiệu quả hơn”.

4. Kết luận và giải pháp

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hộ dân được phỏng vấn ở cả 2 khu vực có trình độ học vấn không cao, hoạt động sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên sẵn có, vì vậy hoạt động nuôi trồng thủy sản của các hộ dân đều bị tác động lớn từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn, sạt lở đê biển dẫn đến giảm năng suất, mất diện tích đất dẫn đến đời sống kinh tế gặp khó khăn.

Nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu  để các hộ dân xem xét và tiếp cận kịp thời trong bối cảnh hiện

Nhóm nghiên cứu kiến nghị Chính quyền địa phương cần tổ chức thêm các hoạt động truyền thông, tập huấn và phát hành các tài liệu về phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; cần thiết xây dựng một số mô hình người dân tự ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu để làm cơ sở hoàn chỉnh và phổ biến và chính quyền địa phương sớm xây dựng chiến lược và quy hoạch phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu; Nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản để giảm rủi ro trong sản xuất; Phát triển mô hình chăn nuôi để có thêm nguồn thu nhập cho các hộ dân trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Lan, (2019). Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Tạp chí Tài chính, 712, 57-60.
  2. Lê Anh Tuấn (2012). Thíchứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng (CBAC) tại tỉnh Cà Mau. Truy cập tại https://www.researchgate.net/publication/269165743_Thich_ung_voi_Bien_doi_Khi_hau_dua_vao_cong_dong_CBAC_tai_tinh_Ca_Mau
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (2018). Kế hoạch số: 160/KH-UBND ngày 23/10/2018 triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
  4. Nguyen Duy Can. (2019). Assessing livelihood vulnerability to salinity intrusion and climate variability - A case study in coastal provinces of the Mekong River Delta of Vietnam. Journal of Environmental Science and Engineering B, 8(4), 147-155.

IMPACTS OF NATURAL DISASTERS

AND CLIMATE CHANGE ON THE LIVELIHOOD CAPITAL

OF HOUSEHOLDS LIVING IN COASTAL AREAS

OF KIEN GIANG PROVINCE

• NGO THI HIEU

Kien Giang University  

ABSTRACT:

This study explores the impact of natural disasters and climate change on the household size in two hamlets in Van Khanh Tay Commune, An Minh District, Kien Giang province. This study also examines the current status of using livelihood capital sources in these two hamlets to propose strategic livelihoods solutions for agricultural households living in coastal areas. The study’s results show that surveyed households have a low level of education and their livelihood activities mainly depend on available resources. As a result, aquaculture activities of these households are greatly affected by climate change, especially saltwater intrusion and sea dyke erosion, leading to challenges in their livelihoods. This study proposes a number of climate change adaptation solutions based on local conditions for these households in order to improve their livelihood capital and quality of life.

Keywords: climate change, livelihood capital, coastal area, Kien Giang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]