Kề chân cầu Long Biên, trên bãi Phúc Xá có một “xóm trên sông” – nơi những người làm nghề ăn xin, nhặt rác, đánh giày, bán nước rong, làm thuê làm mướn… quần tụ. Trẻ con trong xóm cũng sớm lam lũ mưu sinh như người lớn, chúng không được đến trường. Nhưng mấy năm gần đây, đã có nhóm “Vì người nghèo” - các cô cậu sinh viên tình nguyện trong nhóm đã mang cái chữ đến cho bọn trẻ nơi này, mang niềm vui đến cho những cư dân dật dờ trên sông nước ấy.

“Cõng” chữ lên thuyền

Nguyễn Thuỳ Dương - trưởng nhóm “Vì người nghèo” - dáng người cao, khuôn mặt sắc sảo quyết đoán, nước da ngăm ngăm, đôi mắt sắc và cái miệng cười trông rất duyên - hồ hởi kể: “ Em vô tình biết được cuộc sống của dân xóm trên sông này. Không thể ngờ Hà Nội lại có những đứa trẻ thiệt thòi như  thế. Là thanh niên tình nguyện, bọn em không đành lòng”. Từ khi tham gia nhóm, Dương và các bạn luôn tìm mọi cách đem lại niềm vui cho những thân phận nơi xóm trên sông nghèo khó, đem chữ lên thuyền cho bọn trẻ. Những nỗ lực của các bạn sinh viên đã có kết quả : hầu hết trẻ trong xóm nay đều đã biết đọc biết viết, một số em đã được đi học nghề. Như em Dân trước làm nghề đánh giầy nay đã đi làm len ở Hải Phòng, lương tháng 1,5 triệu đồng, các em Hoa, Quang, Thuỷ làm may, lương tháng 800.000đ…

Trước đây, nhóm “Vì người nghèo” thuộc CLB tình nguyện trẻ của báo Sinh viên Việt Nam, nhưng 2 năm nay đã tách ra hoạt động độc lập. Hiện nay, khoảng 30 thành viên của nhóm đều là những sinh viên trường Đại học, Cao đẳng, học sinh THPT… Tất cả đều rất nhiệt tình và yêu trẻ. Nhiều thành viên của nhóm chỉ tham gia hoạt động được một thời gian rồi phải nghỉ để đi du học, hoặc đi làm ở nơi xa, nhưng vẫn quan tâm đến mọi hoạt động của nhóm.

Ban đầu lớp học được “đặt” trên thuyền nhà ông bà Thành, nhưng từ khi ông bà Thành bán thuyền đi, lớp học phải “di dời” sang thuyền nhà chị Lĩnh. Có những buổi học, trời mưa to, mái dột, gió to, phòng hở, không thể thắp nến, lũ trẻ phải nằm bò ra thuyền, cô giáo thì đứng ngoài thuyền đọc chính tả. Những bữa cơm đạm bạc với rau luộc và muối rang, những đêm mùa đông rét cắt da cắt thịt… càng thôi thúc nhóm tình nguyện viên một ý tưởng: Đưa lớp học lên bờ bằng bất cứ giá nào.

Những tấm lòng cao cả

Khi ý tưởng ấy biến thành sự thật cũng là lúc nhóm “Vì người nghèo” tròn 2 tuổi. Căn phòng gần 7m2 tuy hẹp nhưng được cái vuông vắn, 4 vách là gỗ tạp, cót ép đã được các “thầy cô” mua nylông hoa về dán cho sạch, được thuê với giá 300.000đ/ tháng. Số học sinh trong lớp cũng đã lên tới 25- 30 em. Những đứa trẻ đen nhẻm, gầy quắt, già dặn trước tuổi đã ngoan lên nhiều và luôn quấn quýt với các anh chị trong nhóm. Hà - thành viên nhóm - kể: “Không chỉ dạy cho các em biết chữ, bọn em còn cố gắng giúp các em lấy lại sự trong sáng, ngây thơ đã mất của những trẻ em nơi đây. Sớm bị quăng vào đời, trẻ trong xóm rất ham kiếm tiền và ương ngạnh, luôn dè chừng mọi người xung quanh. Nếu đưa ra một phép tính mà đơn vị đo là tiền thì bọn trẻ tính rất nhanh, nhưng nếu đó là những con số đơn thuần thì nhiều đứa sẽ kêu toáng lên là khó lắm chịu thôi. Có đứa còn bảo em chỉ cần học để biết tính tiền là đủ…”

Lớp học được tổ chức vào các buổi sáng và chiều thứ 3, 5, 7. Nhóm cũng có đề cương bài giảng cụ thể từ lớp 1 đến lớp 5, tủ sách luôn được các “giáo viên” tự nguyện bổ sung bằng mọi cách, vào mọi dịp có thể. Mỗi tháng, nhóm tổ chức cho bọn trẻ đi thăm quan một lần. Ngày 10/4 vừa qua, nhóm vừa đưa các em  đi thăm Bảo tàng Dân tộc học. Cứ 3 tháng lại tổ chức khám sức khoẻ cho bọn trẻ một lần. Các ngày Tết thiếu nhi, Trung thu và Tết Nguyên đán, nhóm đều tổ chức các chương trình vui chơi cho bọn trẻ và tặng quà cho chúng. Các thành viên trong nhóm thường tham gia làm thiếp, bán hoa, nhặt phế liệu… lấy tiền góp quỹ. Trong xóm có anh Vũ Văn Học, năm nay 40 tuổi, bị bệnh lao trong khi có 3 con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng tháng, nhóm đã trích 300.000đ cho anh Học chữa bệnh. Một số “nhà thuyền” trong xóm quá tạm bợ, gác trên những tấm xốp kết lại với nhau đã sắp rã hết, nhóm cũng đang có kế hoạch giúp vật liệu và tự tay tham gia làm lại. Điều đáng nói là nhóm “Vì người nghèo” không giới hạn hoạt động ở xóm này, mà còn giúp đỡ nhiều người nghèo khó, neo đơn nơi khác trong Thành phố. Như ở sau chùa Hà có chị Sáu bị mù làm nghề bán vé số. Nhóm thường xuyên lui tới giúp đỡ chị Sáu, ngày nào nhóm cũng cử người đưa chị đi làm bằng xe máy, chiều lại đón về. Tết vừa qua, nhóm tổ chức tặng quà cho 200 trẻ con nhà nghèo, mỗi túi quà trị giá 50.000đ.

Dương, Hương và Hà là 3 thành viên hoạt động lâu nhất trong nhóm. Tên tuổi, hoàn cảnh của những người trong xóm trên sông họ thuộc làu. Cả xóm đều quý các bạn trẻ này như con em trong nhà, bất kỳ việc gì từ nhỏ đến lớn đều bàn với các bạn.

Tư cách pháp nhân – chuyện khó

Dù đã hoạt động đa dạng vài năm qua, và thực chất “Vì người nghèo” đã hoạt động như một tổ chức tình nguyện phi chính phủ ở Việt Nam, nhóm vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động của nhóm vẫn bị các cơ quan chức năng và không ít người coi là loại hoạt động không chính thức, không được phép. Và vì thế, việc xin tài trợ rất khó khăn. Thời gian qua, cũng có một số cá nhân không nêu tên ủng hộ tiền, sách vở, quần áo cho nhóm gửi đến bọn trẻ. Dương cho biết: “Để được ra nhập vào một tổ chưc phi chính phủ, có tư cách pháp nhân phải có 70 triệu làm vốn điều lệ. Không biết bao giờ quỹ của nhóm mới có số tiền lớn như vậy, trong khi hàng tháng vẫn phải chi rất nhiều khoản”. Được biết, ngoài điều kiện vốn, còn phải thêm một số điều kiện khác như: 2/3 số thành viên của tổ chức phải tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành, người đứng đầu tài khoản phải tốt nghiệp đại học… Mới nghe thì có vẻ hợp tình hợp lý, nhưng lại là quá khó thực hiện đối với những bạn trẻ đang còn trên ghế nhà trường, trên giảng đường đại học. “Không có tư cách pháp nhân, đến cổng bảo tàng không thể chìa ra tờ giấy giới thiệu có đóng một con dấu tròn xin giảm hay miễn tiền vé, tụi em phải chi đủ tiền vé cho lũ trẻ”, Thắng - một sinh viên trong nhóm từng dẫn lũ trẻ đi tham quan kể. Các thành viên luôn tận dụng tối đa các mối quan hệ để giúp bọn trẻ.

Chìa cho tôi xem cuốn sổ tay ghi kế hoạch một loạt hoạt động dự kiến làm nay mai, Dương tin chắc cả nhóm sẽ làm được. Chẳng hạn như chương trình phát cháo từ thiện trong bệnh viện sẽ thực hiện vào cuối tháng 4, tổ chức khám chữa bệnh cho trẻ vào tháng 5, đưa 50 em đi chơi Chùa Thầy bằng xe máy cũng vào tháng 5, rồi tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi cho các em. Rồi thì làm hồ sơ cho một số em đi học may v.v... Công việc phía trước còn rất nhiều. Các cô cậu sinh viên sắp bước vào mùa thi quyết liệt, nhất là những “thầy cô giáo” trong nhóm hiện đang học lớp 12, cần phải ôn thi đại học, cao đẳng. Nhưng tất cả đều chung sức chung lòng với quyết tâm “đưa bọn trẻ lên bờ, được đi học ở những trường lớp chính thức, rồi sẽ tạo cho chúng một nghề để sau này có thể tự kiếm sống bằng nghề đó”, như lời Dương khẳng định./.

  • Tags: