Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi. Trải qua bao thăng trầm và biến động cùng lịch sử đất nước, nghề làm nón làng Chuông vẫn tồn tại, người ta bảo, nón làng Chuông bóng hơn, đẹp hơn, bền hơn nón lá làm từ  những vùng khác. Có một thời “ai mà có được chiếc nón lá làng Chuông chính hiệu để đội thì tha hồ mà “vênh”, đi qua làng Chuông mà không mua một chiếc nón về làm quà thì thật “chẳng ra sao” - Bác Quỳnh- người Hà Nội đã tâm sự như thế. Vậy mà, cuộc sống hiện đại hôm nay đã làm mất dần đi những bóng nón trắng... ¦u điểm của nón lá là rộng vành, thoáng mát có thể sử dụng cả đi nắng đi mưa, đặc biệt, một thời nó là nét đẹp đặc trưng tăng phần duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều nhà văn, nhà nhiếp ảnh, hoạ sỹ... cả trong và ngoài nước đã lấy hình ảnh chiếc nón lá làm chất liệu nghệ thuật cho những sáng tác của mình. Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại hơn với loại phương tiện đi lại, phổ biến nhất là xe gắn máy thì đội nón không những không đẹp mà còn gây cản trở giao thông. Chiếc nón một thời vừa là vật hữu dụng, vừa là vật để làm duyên của những cô gái nay đã được thay thế bằng những chiếc mũ với hàng loạt các kiểu dáng và chất liệu vừa sang trọng lại vừa hiện đại. Nói vậy không phải là chiếc nón lá trắng không còn tồn tại, nhưng có lẽ, đa số chỉ xuất hiện ở những vùng nông thôn, nơi mà người phụ nữ quanh năm với việc đồng áng. Còn ở thành thị, chiếc nón lá chỉ còn ở trên đầu những người “hoài cổ”.

Tôi tìm về làng Chuông (xã Phương Trung huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây) vào những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ lên tới 38-390C, nhưng không khí ở đây chẳng có gì để chứng minh rằng, đây là nơi sản xuất ra một vật dụng rất hữu ích cho mùa hè. Vẫn có những cảnh mua bán nhưng số lượng không lớn, khách hàng chủ yếu từ Thái Nguyên, Nam Định, Lạng Sơn... tìm đến và đặt mua nón lá trắng (còn gọi là nón Xuân Kiều) theo kiểu cầm chừng, loại nón này xuất hiện ở làng Chuông từ năm 1930. Nhưng trong bài viết này, tôi muốn viết về một sản phẩm khác- nón thúng quai thao.

Nón quai thao là sản phẩm truyền thống của làng Chuông từ lâu đời. Sau này, sự xuất hiện của nón lá trắng chóp nhọn là cứu cánh giúp cho làng nghề phát triển và tồn tại cho đến ngày nay. Sự mai một của nghề làm nón thúng quai thao bắt đầu từ lâu lắm rồi và có lẽ vì một điều rất đơn giản là sự thiếu tiện dụng của nó, bởi nó là sản phẩm mang tính nghệ thuật và văn hoá đặc trưng Bắc Bộ. Sự mai một của nghề làm nón thúng quai thao không chỉ làm mất đi một làng nghề có tiếng bao đời mà hơn cả là mất dần đi một nét văn hoá, nón thúng quai thao bây giờ chỉ còn là vật dùng cho một số đoàn văn công và là món quà độc đáo mà những du khách nước ngoài đến Việt Nam, yêu Văn hoá Việt Nam muốn sưu tầm và tặng bạn bè. Điều này buộc những người tâm huyết với nghề nón làng Chuông phải suy nghĩ và hành động. Tháng 7/2002, một tổ chức khôi phục lại nghề nón thúng quai thao đã ra đời.

Tổ chức này ra đời bắt đầu từ ý tưởng của bà Phạm Thị Ba, 72 tuổi-một người gắn bó lâu năm với nghề và tha thiết giữ nghề. ý tưởng của bà ngay lập tức được Hội phụ nữ xã Phương Trung ủng hộ và nhiệt tình tham gia. UBND xã Phương Trung cũng hết sức tán thành, song vì nguồn kinh phí có hạn nên xã chỉ giúp đỡ được 200.000đ. Bà Ba vay mượn được 5 triệu đồng cùng với 4 triệu đồng do Tỉnh hỗ trợ, để mở một lớp dạy nghề tập hợp được gần 30 người chủ yếu là các chị em trong Hội phụ nữ, dưới sự hướng dẫn của những người có tay nghề cao, tâm huyết với nghề làm nón thúng quai thao. Sau 3 tháng “ăn cơm nhà đi học nghề”, các thành viên của lớp học đã có thể làm hoàn thiện một chiếc nón thúng quai thao. Lô hàng đầu tiên ra đời từ những đôi bàn tay khéo léo và nhiệt tình đó là 280 chiếc nón thúng quai thao, theo đánh giá của những người “thầy”  thì đây là những sản phẩm hoàn hảo cả về chất lượng và mẫu mã, đáp ứng đúng tiêu chuẩn cổ truyền của một chiếc nón quai thao. Thành quả ban đầu này được đón nhận trong sự mừng tủi của những con người luôn đau đáu với nghề. Nhưng ngay sau đó, vấn đề mới nảy sinh là làm sao tiêu thụ được 280 sản phẩm đầu tiên này. Mỗi thành viên trong hội lại phải trở thành những nhân viên marketing bất đắc dĩ, họ phải sử dụng các mối quan hệ quen biết từ các đoàn văn công (Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh được coi là sử dụng nhiều nón thúng quai thao nhất hiện nay cũng đặt mua ngay tại địa phương), tới việc mời chào khách du lịch chủ yếu là khách nước ngoài. Giá bán những sản phẩm này từ 20.000-30.000/chiếc. Tất cả các chị em đều làm bằng lòng say mê và thiết tha muốn giữ nghề, chứ không ai tính toán đến thu nhập. Chẳng thế mà bán hết lô hàng đầu tiên này mỗi chị em được nhận 200.000đ gọi là bồi dưỡng.

Theo dự tính, lớp thứ hai sẽ được mở vào thời gian gần đây. Nhưng một điều mà những người tâm huyết rất trăn trở là làm sao thu hút được lớp trẻ đến với lớp học (lớp đầu tiên thành viên trẻ nhất cũng đã ngoài 40 tuổi). Lớp con cháu mới chính là lực lượng kế cận thực sự để giữ nghề và phát triển nghề mà những người tha thiết nghề như bà Phạm Thị Ba hướng đến. Thực tế cuộc sống hiện nay khó có thể thực hiện được điều đó, nhưng bằng những cố gắng của mình, tổ chức khôi phục nghề làm nón thúng quai thao của xã Phương Trung đã đạt được những thành công bước đầu.

Để giữ được một làng nghề như nón làng Chuông thì chỉ lòng say mê, nhiệt tình của những người yêu nghề thôi thì chưa đủ. Điều họ cần hơn cả vào lúc này là sự quan tâm, ủng hộ và có những định hướng cụ thể của những người có trách nhiệm. Họ đang không chỉ cố gắng giữ nghề cổ truyền của ông cha mà còn giữ lại một nét văn hoá, một niềm tự tôn dân tộc. Biết đâu đấy khi chọn lựa những sản phẩm văn hoá liệt vào hàng di sản thế giới, UNESCO sẽ chọn nón thúng quai thao? Một điều rất dễ nhận thấy là, trong bất kỳ một chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng cả ở trong nước và “nước ngoài”  đều không thể thiếu tiết mục nghệ thuật với chiếc nón thúng quai thao và biết bao bạn bè quốc tế đã phải trầm trồ mà đội thử lên đầu “xem thế nào”.

Với những người làng Chuông thì không chỉ nghề làm nón thúng quai thao mà nghề làm nón lá trắng chóp nhọn cũng đang dần mai một. Thử hỏi có còn ai về làng Chuông để sắm nón mỗi dịp xuân về như bài ca dao xưa? Ngay giữa mùa hè khi cái nắng làm cháy tóc, đen da cũng còn bao người đội trên đầu chiếc nón làng Chuông nữa?.
  • Tags: