Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM trình UBND thành phố bản Quy chế phân chia lợi ích của Chương trình chế tạo thiết bị chi phí thấp, thay thế nhập khẩu. Theo đó, các thiết kế sẽ được đăng ký sở hữu trí tuệ và đơn vị nghiên cứu có quyền hưởng 30% giá trị sản phẩm. Nếu đơn vị nghiên cứu tạo ra sản phẩm thứ 2 từ bản quyền này, phải thông báo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp và trích lại 5% giá trị sản phẩm về Sở. Việc trích nộp được tiến hành tới khi hoàn đủ ngân sách đầu tư. Thông thường, kinh phí cho nghiên cứu chiếm khoảng 50% ngân sách đầu tư cho thiết bị. Theo quy chế, Chương trình chế tạo thiết bị chi phí thấp, thay thế nhập khẩu sẽ hoạt động theo quy trình mang tính pháp lý cao, từ khâu ký hợp đồng, đăng ký sở hữu trí tuệ tới phân chia lợi ích bản quyền thiết kế. Trước khi đặt hàng chính thức, doanh nghiệp và Sở Khoa học Công nghệ thành phố, đơn vị trực tiếp phân bổ ngân sách cho các đề tài, phải có 1 hợp đồng ghi nhớ. Trong đó, hai bên dự kiến cụ thể về giá thành và thời gian thực hiện, thông số kỹ thuật của sản phẩm. Quy trình này nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và đơn vị thiết kế, chế tạo, tránh những vướng mắc phát sinh trong quá trình chuyển giao sản phẩm giữa các đơn vị. Năm nay, Chương trình chú trọng đầu tư vào những công nghệ cao, giá trị lớn như: robot hàn cho ngành đóng tàu, thiết bị sấy cọc bê tông cho ngành xây dựng, công nghệ mạ thép... Các sản phẩm này của nước ngoài có giá vài chục nghìn tới hàng triệu USD. So với hàng ngoại nhập, giá thành robot hàn của Chương trình chế tạo chỉ bằng 1/3, thiết bị sấy và công nghệ mạ thép chỉ bằng khoảng 1/5. Chương trình đã nhận hợp đồng sản xuất hàng nghìn robot hàn. Hiện Thành phố đã tiếp nhận hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Australia... với tổng giá trị trên 300.000 USD

  • Tags: