Quản lý giá và chất lượng phân bón đã trở thành vấn đề thời sự, đối với dư luận và bà con nông dân. Các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cũng đang quan tâm sâu sắc đến vấn nạn này. Nhu cầu tiêu thụ lớn lại chưa có một cơ chế quản lý thống nhất, chặt chẽ thì tất yếu sẽ xuất hiện nhiều loại phân bón khác nhau trên thị trường, với giá cả, chất lượng khác nhau. Điều này đã được các cơ quan quản lý nhà nước cảnh báo từ lâu và được đăng tải trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Điều đáng nói ở đây là tình trạng phân bón kém chất lượng (PBKCL) và phân giả tràn lan, không kiểm soát được đã mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho những kẻ sản xuất, buôn bán phân giả. PBKCL gây tác hại rất lớn cho nền kinh tế, đồng thời làm cho quyền lợi của bà con nông dân bị xâm hại, bị “móc túi”. Sản xuất, buôn bán, lưu hành PBKCL, không đúng tiêu chuẩn, không đạt chất lượng đăng ký là một trong những hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc quản lý chất lượng và giá cả các loại phân bón, đang được đặt ra hết sức cấp bách. Cần phải coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, đồng bộ của các cấp, các ngành để bà con nông dân yên tâm khi sử dụng phân bón.
Xin được lấy Công ty Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao làm ví dụ. Để sản xuất phân NPK đúng tiêu chuẩn, Công ty đã chi phí hết 1.900.000 đồng/tấn. Nếu tính thêm chi phí quản lý, khấu hao tài sản, thuế giá trị gia tăng… thì giá thành lên tới 2.200.000 đồng/tấn. Trong khi đó, Công ty hiện vẫn đang bán ra thị trường với giá khoảng 2.000.000 đồng/tấn. Đây là giá ưu đãi của Công ty giành cho người tiêu dùng. Nói cách khác, Công ty đang “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm tối đa chi phí, để hỗ trợ cho bà con nông dân mỗi tấn gần 200.000 đồng... Như vậy không thể có đơn vị nào bán được với giá thấp hơn nữa, nếu không thì cần phải xem xét lại về mặt chất lượng… Qua đây có thể thấy được, sự cố gắng của Công ty Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao đối với việc hạ giá thành sản phẩm, đưa phân bón cho bà con nông dân với giá cả hợp lý nhất.
Hiện nay có trên 150 chủng loại phân bón NPK khác nhau lưu hành trên thị trường thì cũng có tới trên 150 đơn vị, cơ sở sản xuất nhỏ với thiết bị lạc hậu. Với “công nghệ cuốc xẻng”, họ trộn một số loại phân phụ gia vào với nhau rồi đóng bao, cho ra đời các loại phân NPK kém chất lượng, bán ra thị trường. Vì lợi nhuận các cơ sở này đăng ký hàm lượng dinh dưỡng một đằng nhưng thực tế lại làm một nẻo. Thậm chí, có nơi dùng cả đất sét nghiền nhỏ, đất đen, bùn, xỉ than... đóng bao, lừa người tiêu dùng là phân bón “chất lượng cao” nhưng bán với giá rất rẻ. Họ thường đưa ra chiêu bài bán trả chậm, cho nợ đầu vụ cuối vụ thu hoạch lấy tiền hoặc trả hoa hồng cao hơn Công ty, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng phân bón có uy tín, nổi tiếng trong nước.
Theo số liệu của các đợt kiểm tra, thanh tra và báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên thị trường đang tràn lan các loại PBKCL. Tình trạng PBKCL ngày càng diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Năm 2003, tỷ lệ PBKCL là 30%, năm 2004 kiểm tra 11 công ty với 81 chỉ tiêu thì có 45 chỉ tiêu không đạt chất lượng, Nhiều ý kiến cho rằng, 60% số phân bón sản xuất trong nước hiện nay có vấn đề về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt từ 40% đến 50% so với tiêu chuẩn đăng ký. Đặt phép tính đơn giản của Công ty Supe Lâm Thao đang sản xuất, cứ 1% dinh dưỡng N+P2O5+K2O thì bình quân phải chi phí tối thiểu hết 120.000 đồng thì bà con nông dân đã bị các cơ sở sản xuất PBKCL móc túi rất nhiều tiền. Ví dụ, tổng hàm lượng dinh dưỡng đăng ký phân NPK8.10.3 là 21% nhưng qua kiểm tra chỉ có 12,6% dinh dưỡng. Theo cách tính trên, bà con bị móc hầu bao mỗi tấn phân 1.008.000 đồng. Nếu một cơ sở sản xuất cả năm với số phân bón NPK là 40.000 tấn thì họ đã thu về một khoản lợi nhuận siêu ngạch là trên 40 tỷ đồng.
Rất nhiều người cho rằng, giá phân bón hiện nay quá cao, nhưng thực ra nếu so sánh giá phân bón và giá thóc, ta thấy: Vào đầu thập niên 90, khi phân lân bán với giá 789 đồng/kg, giá thóc là 500 đồng/kg, thì mỗi kg thóc mua được 0,63 kg phân. Đến giữa những năm 90, mỗi kg thóc mua được 1,0 kg lân. Cuối thập niên 90, mỗi kg thóc mua được 1,5 kg lân và đến nay với giá bán Supe lân Lâm Thao là trên 1.500 đồng/kg, giá thóc trung bình là 3.500 đồng/kg, thì mỗi kg thóc đã mua được tới trên 2,3 kg lân. Hiện tại, giá phân bón sản xuất trong nước đang ở mức hợp lý. Giá phân không tăng lên mà so với giá thóc còn đang có xu hướng ngày càng rẻ đi rất nhiều.
Đành rằng, vẫn đang có những ý kiến chưa hoàn toàn thống nhất về sự so sánh giữa giá thóc và giá phân. Nhưng qua khảo sát trên, phần nào chúng ta cũng có thể đánh giá được những băn khoăn, trăn trở của các nhà quản lý trong cuộc chiến khắc phục tăng giá đầu vào và kết quả vượt khó của những doanh nghiệp chân chính, đang sản xuất phân bón - một trong những mặt hàng chiến lược, đầu tư cao nhưng lợi nhuận thấp. Trong khi luôn phải chịu sức ép từ nhiều phía, để đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng, giá cả, dịch vụ của bà con nông dân, thiết nghĩ: kiến nghị từ Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và kinh doanh phân bón hiện nay mau chóng được Chính phủ quyết định là: “nâng mức phạt từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng hiện nay lên 100 triệu đến 120 triệu đồng; thu giấy phép kinh doanh; cần thiết thì truy cứu trách nhiệm hình sự - nhằm đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân và giữ uy tín cho những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón làm ăn nghiêm túc”.