Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu – Thương hiệu hàng hóa
Để phát triển nhãn hiệu (trong ngôn ngữ báo chí hoặc kinh doanh người ta gọi là “Thương hiệu”), một doanh nghiệp phải thực hiện các bước sau: Thiết kế nhãn hiệu, đăng ký xác lập quyền với cơ quan thẩm quyền, sử dụng và khuếch trương nhãn hiệu, bảo vệ nhãn hiệu trước các vi phạm. Với các bước đi trên, một nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ được hình thành, phát triển và dần tạo lập được uy tín đối với người tiêu dùng, giúp cho doanh nghiệp thực hiện được kinh doanh lợi nhuận. Như vậy, nhãn hiệu sẽ trở thành một tài sản vô hình của doanh nghiệp, giá trị của tài sản phụ thuộc vào uy tín và quy mô nhãn hiệu được sử dụng, nó sẽ là một công cụ đắc lực cho kinh doanh, và sẽ là nguồn vốn rất có giá trị khi doanh nghiệp thực hiện việc chuyển nhượng, bán li-xăng hoặc liên doanh. Vì thế, nhãn hiệu hàng hóa được liệt vào một trong các đối tượng truyền thống của sở hữu công nghiệp gồm: Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa….
Hiện nay, trên thế giới có một số nhãn hiệu nổi tiếng được định giá vài chục triệu USD, còn tại Việt Nam, nhiều vụ chuyển nhượng nhãn hiệu cho các công ty nước ngoài đạt giá trị rất lớn.
Bảo hộ bằng luật pháp
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, Nhà nước đã ban hành Luật nhãn hiệu hàng hóa. Luật nhãn hiệu hàng hóa ngăn chặn không cho phép bên thứ 3 sử dụng hàng hóa trùng sản phẩm cùng loại với nhãn hiệu được đăng ký, mà còn ngăn chặn cả việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tương tự cho các sản phẩm tương tự, nếu việc sử dụng này gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa. Nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp cũng được Nhà nước bảo hộ bằng luật chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp.
ở Việt Nam, các điều luật liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp được quy định tại Chương 2 phần 6 của Bộ Luật Dân sự. Chính phủ đã ban hành các Nghị định 63/CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp trong bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp. Nhà nước còn ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để xử lí những hành vi vi phạm.
Quyền được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa
Mục đích của Luật nhãn hiệu hàng hóa là bảo vệ doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu hàng hóa trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình. Vì vậy, chỉ có những chủ thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp mới được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Theo Luật trên, để Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình, doanh nghiệp phải nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, mặc dù chủ sở hữu không nộp đơn yêu cầu bảo hộ, nhưng nhãn hiệu vẫn được bảo hộ theo một cơ chế bảo hộ đặc biệt).
Luật nhãn hiệu hàng hóa quy định việc cấp văn bằng bảo hộ theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Nghĩa là, có hai chủ thể trở lên nộp cho cùng một nhãn hiệu hàng hóa thì người nộp đơn đầu tiên sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, nếu nhãn hiệu đó đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ. Tuy nhiên, Luật cũng quy định, khi nộp đơn không được yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi. Nếu văn bằng bảo hộ được cấp, khi phát hiện thấy người nộp đơn không trung thực, thì văn bằng đó có thể bị hủy theo yêu cầu của người thứ ba.
Một số yếu tố khác…
Thương hiệu đóng một vai trò hết sức quan trọng không chỉ đối với hàng hóa của doanh nghiệp, sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và đối với cả nền kinh tế quốc gia trong thời đại cạnh tranh không biên giới như hiện nay. Trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, nên chăng Nhà nước cần hình thành một chiến lược dành cho các thương hiệu Việt Nam? Cần có chính sách hỗ trợ như: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu nhanh chóng; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu; xử lý nghiêm những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quyền sở hữu thương hiệu. Về phía doanh nghiệp, cần chú trọng đăng ký bảo hộ thương hiệu ở trong và ngoài nước một cách nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời. Đây là yếu tố không thể thiếu đối với doanh nghiệp để phát triển lâu dài và bền vững, là cơ sở pháp lý để bảo vệ thương hiệu, đồng thời cũng là thước đo đánh giá cho sự phát triển của doanh nghiệp.