Tỉnh Thái Bình nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng, Với nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên, xã hội, trong những năm qua, Thái Bình đã có được những bước tăng trưởng, phát triển đáng kể về kinh tế, thương mại và dịch vụ.

Tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá 5 năm (2001 – 2005) của Tỉnh đạt 341,79 triệu USD, tăng bình quân 21,5%/năm. Trong đó, riêng năm 2005, đạt 98 triệu USD, tăng 19,5%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 53 USD, hàng hoá của Thái Bình đã có mặt ở trên 35 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu vào những thị trường lớn, giàu tiềm năng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông,… Năm 2005, toàn Tỉnh có 47 doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu trực tiếp. Trong 5 năm, kim ngạch nhập khẩu của Tỉnh đạt 292,493 triệu USD, tăng bình quân 14,2%. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là thép, kẽm, máy móc thiết bị và nguyên liệu dệt.

Với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, trong 5 năm, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ của Tỉnh đạt 14.165 tỷ đồng, tăng bình quân 14,5%/năm. Đây thực sự là những con số ấn tượng, minh chứng cụ thể nhất cho sự phát triển nhanh và mạnh của Thái Bình.

Định hướng phát triển

Thái Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thương mại - du lịch tới năm 2010. Trong thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại – du lịch, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, giá cả và tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, từ nay đến năm 2010… Thương mại – Du lịch Thái Bình đang phát triển theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu, kết hợp với củng cố tổ chức thị trường trong nước, kết hợp chặt chẽ kinh doanh nội địa và xuất khẩu, gắn sản xuất với tiêu thụ,.. mục đích là để tạo nên những biến đổi sâu sắc trên thị trường, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, phân công lại lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

Để phát huy những tiềm năng sẵn có về du lịch trong những năm tới Thái Bình tập trung xây dựng một số khách sạn lớn ở những địa điểm du lịch thuận lợi như: xây dựng một số khách sạn ở biển Đồng Châu, một số khách sạn 4 sao ở thành phố Thái Bình. Tiếp tục xây dựng tour, tuyến du lịch mới, xâu chuỗi để khai thác các điểm du lịch, xây dựng phố biển du lịch. Kết hợp với các tỉnh phía bắc như Ninh Bình, Nam Định, Hà Tây, Quảng Ninh,… để hình thành nên một thị trường du lịch năng động.

Giải pháp thực hiện

Trong giai đoạn từ 2006 – 2010, Thái Bình đã đưa ra định hướng phát triển thị trường hàng hoá xuất khẩu đối với từng mặt hàng cụ thể. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Với các mặt hàng như may mặc, thủ công mỹ nghệ, thuỷ hải sản, Thái Bình sẽ phát triển các mặt hàng có lợi thế so sánh về nhân lực, ngành nghề truyền thống, chú trọng đầu tư phát triển nguyên liệu, hiện đại hoá công nghệ, trang thiết bị, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngành nông nghiệp toàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển trồng cây rau quả, đồng thời phát triển trồng cây dược liệu.

Trong thời gian này, Thái Bình sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho thương mại – du lịch trong tỉnh, nghiên cứu cơ chế khuyến khích đầu tư chế biến hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu như hỗ trợ tiền khảo sát, lập dự án, chính sách về đất, thuế,… đưa ra chính sách thưởng xuất khẩu, đắc biệt là xuất khẩu mặt hàng mới.

Báo cáo của Sở Thương mại – Du lịch Thái Bình.

 

  • Tags: