Từ ngày 1/1/2005, sẽ có khoảng 165 mã hàng dệt may các loại được tự do xuất khẩu vào thị trường EU mà không gặp phải trở ngại nào. Các quốc gia sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường EU với những lợi thế của riêng mình. Trung Quốc là một đối thủ mạnh nhất trong xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tại thị trường EU, sau đó là ấn Độ, một số nước khác ở châu á và các quốc gia vùng Địa Trung Hải. Theo các chuyên gia kinh tế dự báo, xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, giá hàng dệt may của Trung Quốc thấp hơn giá của các nước EU từ 50-70%, thấp hơn giá của ấn Độ 30% nên đã làm chủ thị trường này. Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp hàng may mặc số 1 cho thị trường EU với số lượng rất lớn, giá thành hạ, chất lượng tốt và đa dạng hoá sản phẩm. Xuất khẩu hàng may mặc của một số quốc gia được thể hiện ở bảng dưới đây:
Bảng: Xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường EU(15) năm 2002
Đơn vị : Triệu USD
Quốc gia
Giá trị
Thị phần (%)
Tốc độ tăng hàng năm (%)
2001
2002
Trung Quốc
9764
11,5
4
15
Thổ Nhĩ Kỳ
6604
7,8
5
22
Bănglades
2554
3,0
5
2
ấn Độ
2533
3,0
4
7
Indonesia
1411
1,7
- 5
- 13
Thái Lan
934
1,1
2
- 4
Pakistan
904
1,1
4
7
Việt Nam
645
0,8
- 3
- 6
Campuchia
399
0,5
36
13
Philippin
299
0,4
-15
7
Nguồn :Báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2003
Qua bảng trên ta thấy, các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường EU luôn đạt được giá trị và tốc độ tăng hàng năm cao, đứng đầu là Trung Quốc, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Banglades, ấn Độ, Pakistan và Campuchia - một quốc gia mới nổi lên về xuất khẩu hàng may mặc cũng đạt được tăng trưởng về xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường EU với tốc độ đáng kinh ngạc. Trong khi đó, Việt Nam năm 2001, kim ngạch xuất khẩu giảm 3%, năm 2002 tiếp tục giảm 6% và năm 2004 hy vọng có thể có sự cải thiện chút ít nhờ vào Hiệp định hàng dệt may giữa Việt Nam và EU ký đầu năm 2003. Về thị phần xuất khẩu, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 11,5%, đạt được mức độ ảnh hưởng rộng khắp EU, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế là có vị trí địa lý gần EU, do thời gian cung cấp hàng ngắn, chí phí giảm, nắm bắt nhanh chóng những cơ hội kinh doanh, nên dễ dàng đạt được thị phần lớn hơn và đứng vị trí thứ hai; sau đó đến Banglades, ấn Độ. Trong tương lai gần, ấn Độ sẽ vượt lên trên Banglades do ấn Độ đang đẩy mạnh đầu tư cho ngành Dệt-May của mình và tập trung xuất khẩu vào hai thị trường chính là thị trường Hoa Kỳ và thị trường EU. Với Việt Nam, thị phần hàng may mặc xuất khẩu rất nhỏ bé, chỉ chiếm 0,8% thị trường EU và chỉ hơn Campuchia 0,3%. Nếu như trong những năm tới, chúng ta không đạt được sự gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu, thì chắc chắn thị phần của hàng may mặc Việt Nam sẽ thu hẹp lại bằng hoặc nhỏ hơn so với Campuchia. Đành rằng, Campuchia đang nhận được nhiều hơn ưu đãi thương mại từ phía EU so với Việt Nam, nhưng với tốc độ tăng trưởng như vậy, cộng với sự gia tăng đầu tư cho nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng với các chính sách thông thoáng đẩy mạnh xuất khẩu, thì chẳng mấy chốc, Campuchia sẽ đuổi kịp Việt Nam cả về giá trị xuất khẩu và thị phần xuất khẩu. Cho đến nay hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU vẫn còn dễ dàng hơn so với Trung Quốc và nhiều nước khác, do các nước này còn bị hạn chế bởi hạn ngạch nhập khẩu. Nhưng, chỉ còn vài tháng nữa là đến hết năm 2004, việc hạn chế bởi hạn ngạch sẽ bị loại bỏ, thì hàng may mặc của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn nhiều và sự cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt hơn.
Bên cạnh việc bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu hàng may mặc, Hệ thống ưu đãi thương mại (GSP) của EU cũng thay đổi. Tháng7/2004, EU đã đưa ra những hướng dẫn đối với Hệ thống ưu đãi thương mại cho các quốc gia trong 10 năm, từ năm 2006 tới năm 2015. Trong đó, EU sẽ tập trung dành ưu đãi cho các nước nghèo nhất trên thế giới và những quốc gia có nhu cầu phát triển đặc biệt. Hệ thống ưu đãi thương mại của EU trong thời kỳ tới sẽ được đơn giản hoá và giảm từ 5 nhóm xuống còn 3 nhóm:
- Thứ nhất là những thoả thuận chung.
- Thứ hai là những thoả thuận đặc biệt. Trong nhóm này, EU miễn thuế và không áp dụng chế độ hạn ngạch cho 50 nước nghèo nhất trên thế giới khi tiếp cận thị trường EU.
- Thứ ba là một thoả thuận GSP + mới, với những ưu đãi thuế quan cho các quốc gia có những nhu cầu phát triển đặc biệt.
Hệ thống ưu đãi thương mại mới sẽ xem xét các sản phẩm của một quốc gia xuất khẩu, sản phẩm nào có khả năng cạnh tranh trên thị trường EU thì sản phẩm đó không được hưởng ưu đãi thương mại mà buộc phải cạnh tranh bình đẳng. Hệ thống ưu đãi thương mại mới cũng sẽ dành cho các quốc gia chấp nhận tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường và đáp ứng các quyền lợi xã hội.
Hiện nay, Hệ thống ưu đãi thương mại trong thời kỳ 2006-2015 còn đang được các quốc gia thành viên, Nghị viện và Uỷ ban Kinh tế và Xã hội của EU thảo luận. Đến khoảng tháng 10/2004, Hệ thống ưu đãi thương mại mới sẽ được đưa ra công bố thực hiện. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thể biết chắc chắn những ưu đãi thương mại mà hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường EU được hưởng. Nhưng cũng theo các chuyên gia kinh tế dự đoán, những ưu đãi thương mại cho Việt Nam sẽ không nhiều, mức độ ưu đãi còn tùy thuộc vào mức độ mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại, thuế quan đánh vào hàng hoá nhập khẩu từ EU, sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư của EU với các nhà đầu tư của các quốc gia khác của Việt Nam, giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư của EU. Nếu các vấn đề trên không được thay đổi, thì Việt Nam sẽ nhận được rất ít ưu đãi từ Hệ thống ưu đãi thương mại mới. Đây cũng là khó khăn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam sang thị trường EU trong những năm tới.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, các nhà xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam phải chủ động chuẩn bị tốt hơn cho mình các điều kiện để tồn tại và phát triển trên thị trường EU. Đó là chất lượng sản phẩm tốt, giá thành hạ và thời gian giao hàng nhanh chóng, đúng hạn. Đây là những yếu tố quan trọng trong kinh doanh hàng may mặc tại thị trường EU, làm giảm áp lực cạnh tranh, giảm khó khăn trong xuất khẩu và gia tăng lợi thế cho hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam. Việc gia nhập WTO của Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu các doanh nghiệp quá trông chờ vào những ưu đãi thương mại mà EU dành cho hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam, không chuẩn bị tốt cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm may mặc và các biện pháp khác đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU thì thị trường EU sẽ lại giống như thị trường Canada những năm trước. Khi thị trường Canada còn áp dụng hạn ngạch đối với hàng may mặc của Việt Nam thì chúng ta còn chiếm được một thị phần nhất định, nhưng khi Canada không áp dụng hạn ngạch đối với hàng may mặc Việt Nam nữa, thì chúng ta mất thị trường này. Thời gian đến ngày 1/1/2005 không còn nhiều, các quốc gia xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường EU cũng đang gấp rút hoàn thiện những chiến lược kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam cũng phải xây dựng cho riêng mình các giải pháp để vượt qua những khó khăn thách thức theo hướng sau đây:
Thứ nhất: Nghiên cứu và đánh giá lại toàn bộ thị trường, với những cơ hội mới, thách thức mới, các điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, các đối thủ cạnh tranh, phướng hướng hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh, nhu cầu thị trường EU về hàng may mặc sau năm 2004.
Thứ hai: Đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm của các doanh nghiệp đạt được chứng chỉ quản lý chất lượng ISO 9000, chứng chỉ về môi trường ISO 14000 và chứng chỉ trách nhiệm xã hội SA 8000. Những doanh nghiệp chưa đạt các chứng chỉ này thì cần phấn đấu bởi vì đó là những tấm giấy thông hành tốt nhất cho hàng may mặc Việt Nam tiếp cận, mở rộng thị phần và nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác trên thị trường EU.
Thứ ba: Đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng may mặc không bị áp đặt hạn ngạch, cần tránh hiện tượng tập trung vào sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng dễ làm, còn những mặt hàng khó làm hay những mặt hàng có yêu cầu kỹ thuật cao thì bỏ qua.
Thứ tư: Xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm may mặc Việt Nam. Hiện nay, khách hàng tại các nước EU không hề biết tới thương hiệu sản phẩm may mặc của Việt Nam, mặc dù, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp không thua kém sản phẩm cùng loại của các đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân là do từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu xuất khẩu hàng gia công cho nước ngoài dưới các thương hiệu của nhà nhập khẩu hoặc những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, mà không chú ý tới việc xây dựng cho riêng mình một thương hiệu. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hàng may mặc của Việt Nam trên thị trường EU.
Thứ năm: Sử dụng có hiệu quả đội ngũ Việt kiều tại các quốc gia thành viên của EU trong việc thiết lập các kênh phân phối, điều tra nghiên cứu thị trường và quảng bá sản phẩm may mặc Việt Nam rộng rãi trong công chúng. Việt kiều sẽ là cầu nối tuyệt vời đưa sản phẩm may mặc Việt Nam vào các hội chợ triển lãm, các trung tâm thương mại ở nước ngoài./.