Lâu nay, dư luận xã hội chỉ quan tâm đến việc nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) không được áp dụng trong thực tế, mà không đề cập đến những đề tài KHCN thành công được áp dụng trong thực tế mang lại hiệu quả cao, nhưng do giải ngân các nguồn vốn nói chung thường bị chậm và việc giải ngân vốn ngân sách cho các đề tài nghiên cứu KHCN nói riêng cũng còn nhiều bất cập. Do đó đã dẫn đến những điều làm hạn chế việc khai cũng như kết quả đề tài và làm cho những người làm KHCN chân chính lâm vào cảnh chán nản, hàm oan.
Sau đây là một thí dụ điển hình. Đề tài đã và đang triển khai có hiệu quả và sáng được biểu dương khen thưởng Bằng khen của Bộ Y tế, chiều lại phải đối chất với cơ quan pháp lý, mà cả hai đều đúng về cùng một vấn đề có thật.
Như tít bài báo này đã phản ánh phần nào của bản chất vấn đề liên quan đến Dự án “Nghiên cứu chế tạo các modul điều khiển thông minh để phục vụ sản xuất máy Điện tim và máy Siêu âm chẩn đoán” của Công ty Điện tử Đống Đa, thuộc TCT Điện tử - Tin học Việt Nam. Dự án này thực chất là một phần của Dự án lớn “Sản xuất trang thiết bị y tế”. Đây là một chương trình hành động quan trọng, lâu dài giữa Bộ Công nghiệp và Bộ Y tế đã cam kết thực hiện từ 05/02/1998. Cả hai dự án đều phục vụ cho Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế đến năm 2010 (“Từng bước sản xuất các trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị có chất lượng ngang bằng với các nước trong khu vực, để đến năm 2010, có thể đáp ứng được trên 50% nhu cầu thiết bị y tế của cả nước”). Mặt khác, đây là một hướng đi chiến lược của TCT Điện tử và Tin học Việt Nam và của riêng Công ty Điện tử Đống Đa- sau nhiều năm theo đuổi điện tử dân dụng không mấy thành công. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công nghiệp cũng rất ủng hộ Dự án này và hỗ trợ thiết lập các mối quan hệ với Bộ Y tế và các cơ sở trong mạng lưới y tế của cả nước.
Thời gian từ năm 1998 đến năm 2003, Dự án “Sản xuất một số trang thiết bị y tế thay thế hàng nhập khẩu” (đây là bước 1 của Dự án lớn trên) được Cty Điện tử Đống Đa thực hiện và đã đưa Công ty dần dần hồi phục, thoát khỏi những bế tắc kéo dài từ năm 1995 vì độc canh sản phẩm điện tử dân dụng truyền thống. Mục tiêu ban đầu Dự án đưa ra chỉ sản xuất 4 loại sản phẩm, nhưng thực tế Cty đã đưa ra thị trường hơn 20 loại sản phẩm khác nhau với số lượng lớn khoảng 10.000 sản phẩm các loại gồm: nồi hấp tiệt trùng, tủ sấy tiệt trùng, tủ ấm nuôi cấy vi sinh, máy hút dịch, máy lắc máu, tủ lưu trữ và bảo quản máu, nồi luộc dụng cụ y tế…
Nhờ vậy, Công ty Điện tử Đống Đa đã thực sự thay đổi cơ bản về sản phẩm, tập trung và sản xuất sản phẩm thiết bị y tế có tính cạnh tranh cao, thắng nhiều lô thầu quốc tế, thay thế nhiều hàng nhập ngoại, sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật mới, có thiết kế riêng, có thương hiệu MEDDA, quản lý chất lượng theo ISO 9001. Sản phẩm thiết bị y tế không những đã tạo ra nhiều công việc, thu nhập ổn định cho người lao động, mà còn là sản phẩm của ngành Điện tử nước nhà, nhất là TCT Điện tử và Tin học Việt Nam đã có sản phẩm y tế mang thương hiệu của chính mình. Đặc biệt, từ năm 2002, sau khi có Quyết định 130/2002/QQĐ-TTg ngày 20/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục thực hiện cam kết giữa 2 Bộ Công nghiệp và Bộ Y tế, Cty Điện tử Đống Đa đã xây dựng Dự án bước 2 “Chế tạo các modul điều khiển thông minh phục vụ sản xuất máy điện tim và máy siêu âm chẩn đoán dùng trong y tế”. Dự án này đã được TCT ĐT&TH Việt Nam phê duyệt với quyết tâm cao và đã cam kết hỗ trợ 46 tỷ đồng từ nguồn vốn của TCT. Đây là mảng điện tử chuyên dùng đầy tiềm năng về thị trường cũng như có khả năng cạnh tranh cao nhờ hai đặc thù của phần giá trị gia tăng: một là, thông qua cải tiến phần mềm (phần mềm điều khiển và phần mềm ngân hàng chẩn đoán bệnh lý người Việt Nam, mà các hãng nổi tiếng nước ngoài không dễ gì có được; hai là, thông qua cải tiến phần cứng (bao gồm cả mẫu mã) cho phù hợp với điều kiện sử dụng và đối với người bệnh trên cả nước thuộc những vùng kinh tế, khí hậu và trình độ khác nhau. Hơn thế nữa, giá máy sản xuất trong nước từ trước đến nay, nếu tính năng tương đương của nước ngoài thì giá thành bao giờ cũng thấp, thậm chí có sản phẩm giá thành chỉ bằng 1/4 so với giá nhập.
Chính vì vậy, Dự án lớn này đã nhiều lần được Tổng Công ty hỗ trợ cho vay vốn (tổng cộng đến nay hơn 10 tỷ đồng) và Bộ Công nghiệp ủng hộ nghiên cứu và đặc biệt, năm 2004, Bộ KHCN đã hỗ trợ 3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Trong môi trường chưa hoàn thiện, như Bộ KHCN đã thừa nhận “Cơ chế cấp phát tài chính còn gò bó, không đảm báo tiến độ cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng thực hiện các đề tài, dự án…”. Chính vì vậy, Công ty Điện tử Đống Đa đã phải làm cái điều “hợp lý, nhưng không hợp pháp” trong vấn đề giải ngân 3 tỷ mà Bộ KHCN đã hỗ trợ cho Dự án.
Do lần đầu tiên thực hiện Dự án có yếu tố chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, lại phải giải ngân tiền ngân sách hỗ trợ trước thời điểm 31/12/2004, trong khi khối lượng công việc nhiều, chỉ mới ở giai đoạn đầu và nguồn vốn của Công ty đang gặp khó khăn, nên việc cố gắng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ để Dự án đảm bảo tiến độ đã dẫn đến việc giải ngân hình thức phần vốn ngân sách 2004. Việc làm này đã làm ảnh hưởng đến tiến trình của Dự án và sai phạm về nguyên tắc tài chính.
Nguyên nhân nào đã dẫn đến việc Cty Điện tử Đống Đa vi phạm nguyên tắc giải ngân tiền Ngân sách?
Ngày 13/8/2004, Bộ KHCN thông báo cho Bộ Công nghiệp về việc cho Cty ĐT Đống Đa 3 tỷ đồng vốn hỗ trợ năm 2004 cho Dự án thuộc Chương trình kinh tế kỹ thuật về Công nghệ thông tin, nhưng ngày 3/9/2004, Bộ Công nghiệp thông báo cho ĐT Đống Đa về 3 tỷ đồng hỗ trợ lại ghi nguồn vốn từ Chương trình KTKT về Tự động hóa. Sự khác biệt về tên nguồn vốn đã làm cho Tổng công ty ĐTTH và Cty ĐT Đống Đa mất thêm thời gian cho việc xác định và điều chỉnh thông tin chính xác.
Ngày 2/11/2004, Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất máy điện tim 3/1 kênh mới được ký và ngày 4/11/2004, Cty ĐT Đống Đa đem theo Hợp đồng trên, trị giá 241.000 USD trình ra Kho bạc nhà nước xin được giải ngân vốn hỗ trợ theo các Bộ đã thông báo. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước thì hợp đồng có nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài có giá trị từ hơn 30.000 USD phải làm thủ tục để Bộ KHCN thẩm định công nghệ và phải trình Chính phủ cho phép. Qua tìm hiểu, thời gian cần thiết cho 2 khâu này khoảng 75 ngày. Trong khi đó, thời hạn chỉ còn 56 ngày là hạn cuối cùng giải ngân (31/12/2004). Tuy vậy, Cty ĐT Đống Đa đã cố gắng, kiên trì hết sức để theo đuổi việc giải ngân với hy vọng nhận được sự thông cảm của các cơ quan chức năng cho phép làm thủ tục cần thiết để giải ngân.
Sức ép giải ngân vốn ngân sách năm tài chính nhiều khi đã làm tốn thêm tiền của vào công đoạn phát sinh và đã làm cho nhiều nơi nhận tiền ngân sách phải “biến tướng” thủ tục dẫn đến “hợp lý, nhưng không hợp pháp”. Cả gần một tháng chạy ngược, chạy xuôi chưa có kết quả thì ngày 1/12/2004, Kho bạc nhà nước thông báo đôn đốc TCT ĐTTH và Cty ĐT Đống Đa gửi Hồ sơ pháp lý và chứng từ thanh toán cho khối lượng hoàn thành nghiệm thu đến hết ngày 31/12/2004. Thời hạn 30 ngày còn lại chính là thách thức lớn nhất đối với những con người có tâm huyết với Dự án. 30 ngày định mệnh sẽ quyết định sự thành bại của một hướng đi đúng sau nhiều năm tìm kiếm sản phẩm mới cho ngành Điện tử. Thực là khó, với thời gian 30 ngày, chắc không có một đơn vị nào có thể có chứng từ thanh toán khối lượng hoàn thành, nghiệm thu. Vì sản phẩm y tế cao cấp để được Bộ Y tế cho phép lưu hành thì cần có thời gian thử nghiệm thực tế. Chính vào những trường hợp như thế này càng có điều kiện để bộc lộ những con người của công việc thật sự và vì sự nghiệp chung họ đã dám chịu trách nhiệm.
Qua tìm hiểu thực tế, xuất phát từ động cơ vì công việc chung, không vụ lợi, Ban Quản lý Dự án đã áp dụng biện pháp tình thế theo sơ đồ “Giải ngân theo Hợp đồng hình thức, bảo toàn tiền được giải ngân để thực thi Hợp đồng theo tiến độ thực”. Chính vì vậy, thay vì nộp “Hồ sơ pháp lý và chứng từ thanh toán cho khối lượng hoàn thành nghiệm thu” theo quy định, thì họ đã phải hợp lý bằng 2 Hợp đồng hình thức (một với SOFT PROMOTION Việt Nam - SPV và với Công ty cổ phần Máy tính và truyền thông Việt Nam – VIETCOM). Việc chọn 2 đối tác là hoàn toàn có tính toán đến việc thực hiện Dự án. SPV chính là đối tác thực hiện việc chuyển giao công nghệ theo uỷ quyền của đối tác nước ngoài (HEIN hãng chuyển giao công nghệ cho Dự án) và VIETCOM là thành viên của TCT ĐTTH đều là đối tác tin cậy, không lo việc không hoàn trả tiền giải ngân hình thức.
Thực tế quá trình giải ngân có thể tóm tắt như sau: Kho bạc nhà nước giữ lại 5% tổng vốn hỗ trợ theo quy định, số còn lại chuyển về tài khoản 2 đối tác trên. Sau khi đã trừ thuế VAT phải nộp và giữ lại phí quản lý 3,5% giá trị hợp đồng, hai đối tác trên đã chuyển ngay số tiền còn lại vào tài khoản của Cty ĐT Đống Đa. Như vậy, bằng sự thông cảm, trung thực và trách nhiệm của hai đối tác, việc giải ngân hình thức đã được thực hiện an toàn và minh bạch. Ngày 12/5/2005, hai đối tác đã chuyển trả nốt số tiền tương ứng 3,5% phí quản lý.
Như vậy, 3 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho Dự án sau giải ngân hình thức được bảo toàn nguyên vẹn, không có hiện tượng thất thoát, chia chác cho bất kỳ ai, bất kỳ cấp nào, đơn vị nào với bất kỳ ký do gì và đã thể hiện tính minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của Hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất máy điện tim phục vụ Dự án quan trọng kể trên.
Như vậy, có thể kết luận về việc ĐT Đống Đa do điều kiện khách quan vi phạm quy định về giải ngân, nhưng việc giải ngân cho đến nay, có thể khẳng định là minh bạch và không có thất thoát dù chỉ một đồng của Nhà nước.
Những vấn đề cần quan tâm và rút kinh nghiệm
Việc giải ngân của Dự án rõ ràng sai về quy tắc hành chính, nhưng có lẽ cũng cần hiểu thêm, nếu quy tắc hành chính chưa hoàn chỉnh, thuận lợi, buộc người ta muốn làm được việc đôi khi đành phải “liều” vi phạm. Do vậy, khi xem xét việc vi phạm quy tắc hành chính thì việc cần làm là phải tìm hiểu khách quan bản chất sự việc, động cơ thực hiện, không nên chỉ phiến diện nhìn vào hiện tượng để rồi vội vã kết luận thiếu khách quan, thiếu chiều sâu bản chất của cội nguồn động cơ, chỉ bằng ngôn từ cứng nhắc của lôgíc hình thức (mặc dù trên nền tảng trách nhiệm, nhưng chưa đủ khách quan khoa học) có thể quy kết và đẩy người có tâm huyết vì công việc lâm vào vòng lao lý. Từ trước đến nay, nhiều quy định chưa thấu tình đạt lý nên việc vi phạm là điều cũng dễ hiểu và cần được cảm thông một cách khách quan và dũng cảm.
Như trường hợp cụ thể này, nếu Ban QL Dự án có kinh nghiệm xin kéo dài thêm thời hạn quyết toán, có thời gian chuẩn bị hơn, không bị sức ép của quy định về giải ngân theo năm tài chính, thì chắc không có những hợp đồng giải ngân hình thức.
Nhìn chung, đối với những hợp đồng giải ngân hình thức, sẽ có hai hệ quả: (phụ thuộc “đạo đức” của đơn vị thụ hưởng tiền giải ngân để triển khai chi tiết hưởng mức thật hay giả) là tiền được dùng vào mục đích cuối cùng, được làm thật và có thể bị thất thoát (ở các mức độ khác nhau). Vấn đề của các cơ quan quản lý, giám sát là cần phân biệt chính xác, kẻo “quân ta đánh quân mình”.
Có một khía cạnh, ít ai để ý, là 3/9/2004 có thông báo tiền hỗ trợ, nhưng hơn tháng sau, ngày 16/10/2004, TCT ĐTTH mới xác định được thành phần và ra quyết định thành lập Ban Quản lý để quản lý Dự án trong giai đoạn mới. Lý do chính là do mất thời gian dài, Cty ĐT Đống Đa phải tìm Giám đốc và chọn giám đốc thay cho giám đốc về huu. Giám đốc mới được bổ nhiệm lại không chuyên về lĩnh vực y tế. Khách quan mà nói, nhân sự của Ban Quản lý Dự án này có lẽ là có một không hai ở Việt Nam. Trưởng Ban là Phó Giám đốc, hai phó Ban: một là Giám đốc Điện tử Đống Đa (mới bô rnhiệm) và một còn lại - là Phó Tổng Giám đốc TCT ĐTTH (đều là cấp trên trực tiếp của Trưởng Ban). Phải chăng cái điều không bình thường đó là có lợi cho việc thực hiện Dự án? Đúng như vậy, chính vì cơ cấu nhân sự này, nếu tinh ý, thay vì công việc chung mà lãnh đạo cấp cao lại chấp nhận làm cấp phó. Dự án đã chọn được cán bộ có năng lực chuyên sâu nhiều năm về tổ chức sản xuất thiết bị y tế làm chủ trì. Với thế “chồng chéo” nhu vậy, khó có thể (thựcc chất là không thể), “tạo sự đoàn kết nhất trí nếu thành viên nào đó muốn tạo tiêu cực tập thể, cố tình làm thất thoát tiền của ngân sách”.
Ngày 9/5/2005, Báo Tiền phong có bài “Moi gần 3 tỷ đồng ngân sách bằng hồ sơ khống” nói về vấn đề này. Tiếc rằng, thực chất sự việc không diễn ra như tít bài báo phản ánh, có trao đổi mới biết tít bài báo này đã làm những người đang thực hiện Dự án rất buồn, khổ tâm vì oan ức (không biết có ai thấu hiểu) xen lẫn phẫn nộ.
Báo chí có sức mạnh riêng và đặc biệt, cho nên, những báo lớn, có uy tín cần luôn thận trọng, khách quan khi phản ánh những vấn đề nhạy cảm và phải tính toán dùng từ sao cho hợp cũng như tác động của bài báo theo hướng tích cực hay tiêu cực. Đặc biệt, khi nhận thông tin, phóng viên chững chạc không chỉ nghe một phía, mà nhất thiết nghe nhiều nguồn trái ngược khác nhau và luôn có trình độ am hiểu nhất định để bài báo có tác dụng, sống lâu, người đọc trong cuộc mới tâm phục khẩu phục. Nhiều người đã không hiểu sao Báo Tiền phong hơi dễ dãi trong việc dùng tít bài báo như vậy.
Hơn nữa, đây là Dự án đang trong quá trình triển khai, có yếu tố nước ngoài về chuyển giao công nghệ, nên viết theo kiểu “lập lờ”, ai hiểu sao cũng được, sẽ làm ảnh hưởng đến một dự án lớn của Chương trình trọng điểm nhà nước về thiết bị y tế. Chưa kể đến việc bài báo đã nêu một số chỗ không chính xác và đã làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu Viettronics của TCT ĐTTH với hơn 3.000 CBCNV đã và đang sản xuất ra nhiều sản phẩm điện tử dân dụng, chuyên dụng mà người tiêu dùng trong nước chấp nhận.
Có lẽ, khi viết bài báo “Moi…” trên, nhóm tác giả chưa biết sự trớ trêu của cuộc đời là: Tại Hội nghị hai ngày 18-19/4/2005 “Triển khai Nghị quyết số 46 NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 18/2005/QĐ -TTg ngày 21/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nghiên cứu chế tạo và sản xuất trang thiết bị y tế đến năm 2010” Bộ trưởng bộ Y tế đã tặng Bằng khen cho Công ty Điện tử Đống Đa “vì thành tích đóng góp vào việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân” khích lệ những người đã đạt thành tích tiếp tục lao động đối mặt với những khó khăn để cho ra những sản phẩm mới đầy cam go./.