Về địa lý, Hoa Kỳ nằm ở Bắc Mỹ, phía đông là Bắc Đại tây dương, phía tây là Bắc Thái bình dương, phía bắc tiếp giáp với Canađa, và phía nam tiếp giáp với Mêhicô.
Diện tích: 9.631.418 km2 chiếm 6,2% diện tích toàn cầu, trong đó diện tích đất đai là 9.158.960 km2 và diện tích mặt nước là 470.131 km2. Dân số: 297.9 triệu người.
Hoa Kỳ là một quốc gia giầu tài nguyên, khoáng sản như: than đá, đồng, chì, molybden, phốt phát, uranium, bô xít, vàng, quặng sắt, thuỷ ngân, nicken, muối kali, bạc, tungsten, thiếc, dầu lửa, khí tự nhiên, gỗ.
Hoa Kỳ tách ra khỏi khối thuộc địa Anh năm 1776 và được công nhận là một quốc gia độc lập sau khi Anh và Hoa Kỳ ký Hiệp ước Paris năm 1783. Khi mới thành lập, Hoa Kỳ chỉ có 13 bang. Hiện nay, Hoa Kỳ có 50 bang và 5 khu hành chính trực thuộc, gồm thủ đô Washington D.C., Samoa, Guam, Virgin Islands và Puerto Rico. Chính vì thế, quốc kỳ của Hoa Kỳ hiện nay có 50 ngôi sao đại diện cho 50 bang và 13 vạch trắng và đỏ tượng trưng cho 13 thuộc địa Anh đã tuyên bố độc lập và trở thành 13 bang đầu tiên của nước này.
Thủ đô là Washington D.C (Washington là họ của Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington, và DC là viết tắt của The District of Columbia - tên trước đây của vùng đất này). Washington DC có diện tích 176 km2 và khoảng gần 600 nghìn dân.
Tình hình đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam:
Hoa Kỳ là nước đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Năm 2004, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hoa Kỳ đạt 252 tỉ USD. Tại Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam là thành viên của WTO, các công ty Hoa Kỳ bắt đầu có kế hoạch làm ăn lâu dài với Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, logistics (vận tải, giao nhận…), phân phối, xuất nhập khẩu, bán lẻ, năng lượng, bất động sản, sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao và lắp ráp máy tính, gia công cơ khí, các dịch vụ phục vụ kinh doanh, giải trí, giáo dục, và y tế.
Bên cạnh việc đầu tư thành lập doanh nghiệp mới các công ty Hoa Kỳ sẽ rất quan tâm đến việc mua lại một phần các công ty đang hoạt động tại Việt Nam (kể cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) và tham gia vào quản lý các công ty này. Ví dụ, Quỹ TPG và Qũy đầu tư Intel gần đây đã mua 10% cổ phần của FPT trị giá 36,5 triệu USD. Một số công ty Hoa Kỳ khác đang tìm kiếm khả năng mua cổ phần chiến lược ở Việt Nam. Ví dụ, một ngân hàng lớn Hoa Kỳ đang có kế hoạch mua cổ phần của một ngân hàng lớn Việt Nam hay một hãng bia lớn Hoa Kỳ đang thăm dò mua cổ phần của một công ty bia lớn ở Việt Nam. Bằng cách mua cổ phần chiến lược của các công ty đang họat động ở Việt Nam các công ty Hoa Kỳ có thể cùng một lúc thực hiện được nhiều mục tiêu.
Vai trò của thị trường Hoa kỳ đối với Việt Nam nói chung và ngành Công nghiệp nói riêng:
Sau khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực tháng 12 năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng vọt. Năm 2002 và 2003 tăng lần lượt là 127,5% và 90%, chủ yếu là do tác dụng giảm thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ. Năm 2004, 2005 và 8 tháng năm 2006, tốc độ tăng đã chậm lại, lần lượt là 15,8%, 25,5% và 33,2% (năm 2006 tăng cao một phần là do giá dầu tăng cao).
Sau khi gia nhập WTO và có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu (không kể dầu mỏ) của Việt Nam sang Hoa Kỳ bình quân trong 5 năm tới có thể cao hơn so với mức bình quân từ năm 2004 trở lại đây. Khác với BTA, yếu tố tăng trưởng lần này không phải do giảm thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ (mức thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ không có gì khác so với trước khi Việt Nam gia nhập WTO), mà chủ yếu sẽ dỡ bỏ hạn ngạch dệt may (yếu tố chính trong một vài năm đầu) và tăng nguồn cung hàng xuất khẩu từ Việt Nam (yếu tố chính trong các năm tiếp theo và chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài).
Riêng đối với dệt may, tuy được bỏ hạn ngạch, song có thể sẽ không có sự tăng vọt vì nguy cơ bị kiện bán phá giá. Để đối phó với nguy cơ này, Bộ Thương mại cần nghiên cứu và sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn chuyển tải hàng dệt may từ nước ngoài qua Việt Nam vào Hoa Kỳ (trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ) để tránh tăng vọt về số lượng; đồng thời, có biện pháp phù hợp với qui định của WTO, hạn chế xuất các mặt hàng trị giá thấp để tránh giảm giá, dẫn đến Hoa Kỳ tự khởi điều tra bán phá giá.
Trong vài ba năm tới, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể chưa có thay đổi lớn. Các nhóm hàng chủ yếu vẫn là dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, dầu mỏ, cà phê, điều. Sau đó, với đầu tư của nước ngoài tăng lên, kim ngạch các mặt hàng mới như điện tử, điện gia dụng, gia công cơ khí, thực phẩm chế biến sẽ tăng dần, trong đó điện tử có thể sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu chính sang Hoa Kỳ. Ngoài ra, Việt Nam có thể là nơi một số công ty Hoa Kỳ đặt gia công phần mềm.
Những đặc điểm của thị trường Hoa Kỳ:
Hiện nay, trên thế giới và Hoa Kỳ có rất nhiều công ty bán buôn, bán lẻ, phân phối, hoặc kinh doanh thương mại chuyên bán các sản phẩm do các công ty khác sản xuất (tiếng Anh gọi chung là Original Equipment Manufacturer - OEM). Tuy được gọi là Original Equipment Manufacturer, song các công ty này thực tế không sản xuất mà chỉ bán hàng đến người tiêu dùng. Những hàng hóa họ tiêu thụ có thể do chính họ thiết kế, sau đó đặt sản xuất hoặc do chính các nhà sản xuất thiết kế.
Trong hầu hết các trường hợp OEM không thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm mà chỉ gắn thương hiệu của họ trên sản phẩm. Việc gắn thương hiệu của OEM trên sản phẩm có thể do nhà sản xuất tiến hành hoặc do bản thân OEM tiến hành. Ví dụ, giày thể thao Wilson chắc chắn không phải do Công ty Wilson sản xuất mà chỉ mang thương hiệu Wilson mà thôi. Trong một số ít trường hợp, các OEM có thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm. Ví dụ, OEM có thể mua máy tính của một nhà sản xuất nào đó sau đó kết hợp với phần cứng hoặc phần mềm của chính họ rồi bán theo hình thức hệ thống chìa khóa trao tay.
Để tiết kiệm chi phí sản xuất, bản thân các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cũng đặt gia công toàn bộ hoặc một phần hàng hóa và dịch vụ ở nước ngoài thay vì cho sản xuất tại cơ sở của mình ở trong nước. Hình thức kinh doanh này (tiếng Anh gọi là outsoursing) đang rất phát triển ở Hoa Kỳ. Ví dụ, một công ty sản xuất đồ gỗ Hoa Kỳ có thể đặt gia công linh kiện gỗ ở Việt Nam mang về lắp ráp thành tủ rượu và bán tại Hoa Kỳ (họ không đặt thành phẩm vì tủ rượu cồng kềnh, chi phí vận tải cao). Để góp phần đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất đến năm 2010 mỗi năm 6 tỉ USD, mới đây, Công ty ô tô Ford của Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi trị giá linh kiện ô tô mua từ Trung Quốc, mỗi năm dự kiến đạt khoảng 2,5 - 3 tỉ USD. Vì thế, hiện nay, nhiều hàng hóa ở Hoa Kỳ có ghi dòng chữ “Assembled in USA” (lắp ráp tại Mỹ) thay cho “Made in USA” (sản xuất tại Mỹ). Nhiều công ty Hoa Kỳ hiện nay vừa là nhà sản xuất vừa là OEM và có những công ty đã bỏ hẳn sản xuất chuyển thành OEM. Ví dụ, Công ty Nike vốn dĩ là nhà sản xuất nhưng hiện nay hoạt động chủ yếu như một OEM.
Để đáp ứng nhu cầu của các OEM và các nhà sản xuất có nhu cầu “outsouring” như vừa nói, trên thế giới hiện nay không thiếu các công ty chuyên sản xuất hàng theo hợp đồng cho các công ty khác, trong đó có những công ty lớn với doanh số hàng năm tới hàng tỷ USD. Ví dụ, Công ty Flextronics International của Xingapo có nhà máy trên khắp thế giới với doanh số 15 tỉ USD (2004), chuyên sản xuất máy chơi game Xbox cho Microsoft, điện thoại di động cho Ericsson, thiết bị chỉ đường cho Cisco, máy in cho HP…
Trong khi chưa hội tụ đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu riêng của mình như đã phân tích ở trên, thì sự lựa chọn thích hợp nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 năm tới để tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung và sang Hoa Kỳ nói riêng là tổ chức lại sản xuất để có thể cạnh tranh trở thành các nhà sản xuất và gia công chiến lược theo hợp đồng cho các OEM và các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó có các công ty Hoa Kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang phát triển theo hướng này, và Trung Quốc đang được coi là công xưởng của thế giới. Bước tiếp theo là tự thiết kế và sản xuất sản phẩm chào bán cho các OEM. Khi sản xuất đã ổn định với qui mô đủ lớn và có tích luỹ tài chính, lúc đó có thể tính đến việc xây dựng thương hiệu riêng. Nhìn chung, các nhà sản xuất thường bắt đầu xây dựng thương hiệu trên thị trường trong nước trước khi tiến ra nước ngoài, và trên thế giới hầu như không có thương hiệu cho các sản phẩm nguyên liệu thô.
Do vậy, công tác xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng cả ở tầm quốc gia và tầm doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, nên tập trung vào quảng bá khả năng sản xuất ổn định và cạnh tranh, nhất là đối với các sản phẩm cần nhiều sức lao động khéo tay. Các doanh nghiệp thay vì cho đầu tư vào xây dựng thương hiệu nên đầu tư vào mở rộng và tổ chức lại sản xuất để nâng cao và ổn định chất lượng hàng hóa và giảm giá thành để trở thành nhà sản xuất chiến lược của các công ty OEM và nhà sản xuất nước ngoài và Hoa Kỳ. Cũng vì lý do này, sắp tới khi Việt Nam phải bỏ các trợ cấp liên quan đến xuất khẩu theo cam kết với WTO, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng trợ cấp nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp nội địa.
Một vài nét về biểu thuế quan của Hoa Kỳ:
Biểu thuế nhập khẩu (hay còn gọi là biểu thuế quan) HTS hiện hành của Hoa Kỳ được ban hành trong Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 và có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 1989. Hệ thống thuế quan (thuế nhập khẩu) của Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở hệ thống thuế quan (gọi tắt là HS) của Hội đồng Hợp tác Hải quan, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tai Bruxen. Mức thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ có thể thay đổi và được công bố hàng năm.
Các loại thuế ở thị trường Hoa Kỳ:
Hoa Kỳ hiện nay đang áp dụng 6 loại thuế:
1. Thuế theo trị giá: Hầu hết các loại thuế quan của Hoa Kỳ được đánh theo tỷ lệ trên giá trị, tức là bằng một tỷ lệ phần trăm trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu. Ví dụ mức thuế tối huệ quốc năm 2004 đối với chè xanh có hương vị đóng gói không quá 3 kg/gói là 6,4%.
2. Thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng: Một số hàng hoá, chủ yếu là nông sản và hàng sơ chế phải chịu thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng. Loại thuế này chiếm khoảng 12% số dòng thuế trong biểu thuế HTS của Hoa Kỳ. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với các sản phẩm như: cam tươi là 1,9 cent/kg, nho tươi khoảng 1,13 – 1,80 USD/m3 hoặc được miễn thuế tùy thời điểm nhập khẩu trong năm.
3. Thuế gộp: Một số hàng hóa phải chịu gộp cả thuế theo giá trị và thuế theo số lượng. Hàng phải chịu thuế gộp thường là hàng nông sản. Ví dụ thuế suất MFN đối với sản phẩm nấm mã HTS 0709.51.01 áp dụng cho năm 2004 là 8,8 cent/kg + 20%.
4. Thuế theo hạn ngạch: Ngoài ra, một số loại hàng hoá khác phải chịu thuế hạn ngạch. Hàng hoá nhập khẩu nằm trong phạm vi hạn ngạch cho phép được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi đó hàng nhập vượt quá hạn ngạch phải chịu mức thuế cao hơn nhiều và có hệ quả như cấm nhập khẩu. Mức thuế MFN năm 2002 áp dụng đối với số lượng trong hạn ngạch bình quân là 9%, trong khi đó mức thuế đối với số lượng vượt hạn ngạch trung bình là 53%. Thuế hạn ngạch hiện nay đang được áp dụng với các sản phẩm: thịt bò, các sản phẩm sữa, đường và các sản phẩm đường.
5. Thuế theo thời vụ: Mức thuế đối với một số loại nông sản có thể thay đổi theo thời điểm nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với sản phẩm nho tươi nhập khẩu trong thời gian từ 15/2 đến hết ngày 31/3/2004 là 1,13 USD/m3, trong thời gian từ 1/ 4 đến hết 30/6/2006 là 1,80 USD/m3, và ngoài những thời gian trên được miễn thuế.
6. Thuế leo thang: Một đặc điểm nữa của hệ thống thuế nhập khẩu của Hoa kỳ là áp dụng thuế suất leo thang, nghĩa là hàng càng chế biến sâu thì thuế suất nhập khẩu càng cao. Ví dụ, mức thuế FMN đối với sản phẩm cá tươi sống hoặc ở dạng philê đông lạnh là 0%, trong khi đó, mức thuế đối với cá khô và xông khói là từ 4% đến 6%. Loại thuế này cá tác dụng khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu và hàng sơ chế hơn là hàng thành phẩm.
Các mức thuế áp dụng ở Hoa Kỳ hiện nay:
Mức thuế tối huệ quốc (MFN), hay còn gọi là mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường (NTR), được áp dụng với những nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và những nước tuy chưa phải là thành viên WTO nhưng đã ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Đối với Việt Nam, mức thuế Tối huệ quốc (MFN) nằm trong phạm vi từ dưới 1% đến gần 40%, trong đó hầu hết các mặt hàng chịu mức thuế từ 2% đến 7%. Hàng dệt may và giầy dép thường chịu mức thuế cao hơn. Mức thuế MFN theo giá trị nói chung bình quân khoảng 4%.
Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences - GSP). Một số hàng hoá nhập khẩu từ một số nước đang phát triển được Hoa kỳ cho hưởng GSP được miễn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chương trình GSP của Hoa kỳ thực sự được thực hiện từ 1 tháng 1 năm 1976 với thời hạn ban đầu là 10 năm. Từ đó đến nay, chương trình này đã được gia hạn nhiều lần với một số sửa đổi.
Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Đại diện Thương mại Hoa kỳ (USTR) sau khi tham khảo ý kiến công chúng, Uỷ ban Thương mại Hoa kỳ (ITC), và các cơ quan hành pháp; Tổng thống quyết định những mặt hàng và những nước đựợc hưởng GSP. Để đuợc miễn thuế nhập khẩu theo chế độ ưu đãi này, hàng hoá phải đủ các điều kiện sau: Hàng phải được nhập trực tiếp từ nước hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ và trị giá hàng hoá được tạo ra tại nước hưởng lợi phải đạt ít nhất 35%..
Những mặt hàng không được đưa vào diện hưởng GSP bao gồm: Hàng dệt may; đồng hồ; các mặt hàng điện tử nhập khẩu nhậy cảm; các mặt hàng thép nhập khẩu nhậy cảm; giầy dép, túi xách tay, các loại bao ví dẹt, găng tay lao động, và quần áo da; và các sản phẩm thủy tinh bán công nghiệp và công nghiệp nhập khẩu nhậy cảm.
Các thông tin chi tiết về GSP, danh mục các sản phẩm và các nước được hưởng GSP của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo trên trang web: http://www.ustr.gov/ reports/gsp/ của Đại diện thương mại Hoa kỳ.
Sáng kiến Khu vực Lòng chảo Caribê (Caribbean Basin Initiative - CBI). Điểm mấu chốt của CBI là cho phép Tổng thống có quyền đơn phương dành ưu đãi thương mại cho hàng nhập khẩu từ các nước và lãnh thổ nằm trong khu vực Lòng chảo Caribê để hỗ trợ cho các nước và vùng lãnh thổ này phục hồi và phát triển kinh tế. Sáng kiến này được thể hiện trong các luật của Hoa Kỳ như: Luật Phục hồi Kinh tế Khu vực Lòng chảo Caribê ban hành tháng 8 năm 1983 (hay còn gọi là CBI I), Luật Mở rộng Phục hồi Kinh tế Khu vực Lòng chảo Caribê năm 1990 (hay còn gọi là CBI II), và Luật Hợp tác Thương mại Khu vực Lòng chảo Caribê, có hiệu lực tháng 10 năm 2000 (hay còn gọi là CBI III).
Kể từ CBI I đến CBI III hiện nay, những ưu đãi thương mại mà Hoa kỳ đơn phương dành cho các nước và lãnh thổ được hưởng lợi ngày càng nhiều và lớn hơn. Hiện nay, có 24 nước và vùng lãnh thổ được hưởng lợi của CBI. Hầu hết các sản phẩm có xuất xứ từ những nước và vùng lãnh thổ này được nhập khẩu vào Hoa kỳ không bị hạn chế về số lượng và được miễn thuế. CBI III đã bổ xung một số loại hàng dệt may vào danh mục hưởng lợi (không bị hạn chế số lượng và được miễn thuế), số còn lại vẫn chịu sự điều tiết của các hiệp định dệt may song phương. Các nhóm hàng chưa được miễn thuế hoàn toàn, song được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn mức MFN bao gồm: giầy dép, túi xách tay, túi hành lý, các loại túi ví dẹt, găng tay lao động, quần áo da.
Để được hưởng ưu đãi theo CBI, hàng hoá phải đáp ứng 3 yêu cầu xuất xứ:
Phải được nhập trực tiếp từ một nước được hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ; Phải chứa ít nhất 35% hàm lượng nội địa của một hoặc nhiều nước hưởng lợi (hàm lượng nguyên liệu xuất xứ Hoa kỳ chiếm tới 15% tổng trị giá hàng hoá cũng có thể tính vào yêu cầu 35% này), và hàng hóa phải là sản phẩm được trồng, sản xuất hoặc chế tạo hoàn toàn ở nước hưởng lợi hoặc nếu có nguyên liệu nước ngoài thì nó phải được biến đổi thành sản phẩm mới hoặc khác ở nước hưởng lợi.
Các ưu đãi thuế quan khác. Hoa Kỳ còn dành ưu đãi thuế quan cho những hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ thuộc diện hưởng lợi của Luật Thương mại các Sản phẩm Ô tô (được ký hiệu trong biểu thuế là B), Hiệp định Thương mại Máy bay Dân dụng (được ký hiệu trong biểu thuế là C), Hiệp định Thương mại các Sản phẩm Dược (được ký hiệu trong biểu thuế là K), và những cam kết giảm thuế của Vòng Uruguay đối với hoá chất nguyên liệu trực tiếp của thuốc nhuộm (được ký hiệu trong biểu thuế là L).
Các mặt hàng kim loại chế biến ở nước ngoài từ kim loại mua của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá mua của Hoa Kỳ. Hàng lắp ráp từ các bộ phận mua của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá mua của Hoa Kỳ.
Quy định về nhãn hàng thực phẩm:
Bắt đầu từ ngày 01/1/2006, trên nhãn cung cấp các thông tin về dinh dưỡng thực phẩm phải ghi thêm hàm lượng axít béo chuyển hóa (TFA) ngay sau dòng về hàm lượng axít béo no (saturated) và Cholesteron. Yêu cầu này trên nhãn đối với rau quả và cá tươi là tự nguyện. Trong thời gian đến 01/01/2006, các nhà sản xuất có thể vẫn dùng nhãn cũ. Tuy nhiên, sau thời hạn 01/01/2006, các sản phẩm trên nhãn không ghi hàm lượng axít béo chuyển hóa sẽ không được phép lưu thông trên hoặc nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Các qui định hiện hành về thông tin dinh dưỡng trên nhãn hàng thực phẩm tiêu thụ tại Hoa Kỳ như sau:
- Liều lượng dùng và số lần dùng của mỗi hộp;
- Tổng lượng calo và lượng calo từ chất béo mỗi lần dùng;
- Tổng lượng chất béo và lượng chất béo no (saturated) tính theo gram; tổng lượng choresrol và sodium (miligram), tổng lượng Carbohydrate, dietary fiber, đường và protein tính bằng gam mỗi lần dùng;
- Phần trăm của tất cả các thành phần liệt kê tính theo tỷ lệ cần cho cơ thể trong một ngày trên cơ sở lượng calo cần thiết hàng ngày là 2.000 calo;
- Tỷ lệ % trong mức khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày (recommended daily allowances - RDA) của Mỹ của một số loại vitamin và chất khoáng của một lần dùng;
- Ghi các trị giá cần hàng ngày, các trị giá kiến nghị tính bằng gram hoặc miligram - tuỳ theo từng thành phần - đối với chất béo, chất béo no, cholesterol, sodium, carbohydrate, dietary fiber, cùng với lượng calo trên gram đối với chất béo, carbohydrate, và protein.