Đất nước và nền kinh tế Pêru

            Quốc gia Nam Mỹ - Pêru có diện tích lớn thứ 20 thế giới, có đường bờ biển dài 2.414 km tiếp giáp Thái Bình Dương rộng lớn - một trong những lý do khiến tiềm năng phát triển kinh tế - thương mại của nước này được đánh giá cao. Pêru hiện vẫn là một quốc gia đang phát triển, với thu nhập bình quân đầu người khoảng trên 3.600 USD, kém hơn nhiều nước trong khu vực, và còn tới hơn 50% dân số sống dưới mức nghèo.

            Trong giai đoạn giữa những năm 1990, nền kinh tế Pêru đã có những tăng trưởng nhờ thu hút mạnh đầu tư nước ngoài chủ yếu cho chương trình tư nhân hóa nền kinh tế của Chính phủ. Sự tăng trưởng này đã được khuyến khích bởi một chính sách bình ổn và tự do hóa kinh tế góp phần làm giảm bớt các rào cản thương mại và xóa bỏ các hạn chế đối với các dòng vốn. Tuy nhiên, những năm tăng trưởng thành công đã bị gián đoạn cho tới thời điểm 1998 do sự kết hợp các yếu tố bao gồm hiện tượng El Nino, ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và tình trạng giao động của chương trình tư nhân hóa nền kinh tế.

            Pêru đã đặt kế hoạch thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển các ngành du lịch, khaimỏ, sản xuất sản phẩm hóa dầu, điện và nước. Mới đây, Chính phủ Pêru cũng đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và giữ đà tăng trưởng kinh tế. Năm 2008, kinh tế Pêru đã tăng trưởng với tỷ lệ cao nhất các nước Mỹ latinh và cũng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước đang phát triển. Mặc dù lạm phát tại Pêru đang gia tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhất khu vực. Nền kinh tế nước này đã mở cửa cho thương mại quốc tế và các cải cách đang được thực hiện nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh, giảm các thủ tục và xóa đói nghèo. Tăng trưởng GDP của Pêru trong năm 2009 dự kiến là 6%.

            Khai thác khoáng sản và thủy sản là hai lĩnh vực chính thúc đẩy phát triển kinh tế tại Pêru. Kim ngạch xuất khẩu khoáng sản của Pêru chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu khoáng sản Pêru đã tăng từ 9,76 tỷ USD năm 2005 lên 14,715 tỷ USD năm 2006 và trên 12 tỷ USD năm 2008. Về xuất khẩu thủy hải sản, dòng hải lưu lạnh ngoài khơi đã mang đến cho Pêru một lượng cá dồi dào, đóng góp quan trọng cho xuất khẩu của nước này. Trong năm 2007, Pêru đã xuất khẩu 1.931.200 tấn sản phẩm thủy sản. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2007 đạt 1,9253 tỷ USD, tăng 8,8% so với 1,769 tỷ USD năm 2006, năm 2008 đạt trên 2,2 tỷ USD.

            Bên cạnh đó, Pêru cũng có một nguồn lực nông nghiệp dồi dào với các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đa dạng và có giá trị. Các sản phẩm chủ đạo là măng tây, cà phê, bông, đường, gạo, khoai tây, ngô, nho, cam, chuối, coca, thịt gia cầm, thịt bò, các sản phẩm bơ sữa, cá. Xuất khẩu nông sản của quốc gia này hàng năm đạt gần 3 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp Pêru cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nông dân và tạo điều kiện tiếp cận thị trường quốc tế cho các nhà xuất khẩu.

            Tại châu Á, các thị trường xuất khẩu chủ lực của Pêru là Trung Quốc, Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan và Singapore. Châu Á là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của Pêru, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là khoáng sản (đồng, chì, sắt, kẽm, bạc vàmôlypđen), bột cá, gỗ, giấy, áo (làm từ chất liệu bông) và các sản phẩm luyện kim. Thương mại song phương Pêru và Trung Quốc đã tăng hơn hai lần từ 2 tỷ USD năm 2004 lên 5,5 tỷ USD năm 2007, trong đó Pêru là nước xuất siêu.

            Hiện nay, ngoài việc tăng cường quan hệ với khu vực Mỹ Latinh, Pêru có chính sách tập trung khai thác tam giác Bắc Thái Bình Dương gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời mở rộng quan hệ với châu Âu, chú trọng thị trường Đông Âu.

            Pêru là thành viên của Liên hiệp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

            Quan hệ Việt Nam - Pêru

            Việt Nam và Pêru chính thức thành lập quan hệ ngoại giao ngày 14/11/1994. Phía Pêru mong muốn thúc đẩy và mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, thủy sản, khoa học kỹ thuật và nhất là trong trao đổi thương mại. Tại Hội nghị APEC lần thứ 16 tại thủ đô Lima, Pêru trong năm 2008, Việt Nam và Pêru đã thống nhất sẽ lập cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở Lima và của Pêru ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, hai nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế mà hai nước cùng là thành viên như Liên hợp quốc, APEC, FEALAC…

            Ngày 3/7/1998, Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa hai nước được ký kết. Giữa Việt Nam và Pêru đã có Hiệp định khung về nông nghiệp, thủy sản, đầu tư, khoa học kỹ thuật.

            Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Pêru hiện nay còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng to lớn giữa hai nước, tuy mới được triển khai nhưng đang trong chiều hướng phát triển.

            Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pêru từ năm 2001 đến nay đã tăng khoảng 2 lần, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ Pêru. Việt Nam chủ yếu xuất sang Pêru gỗ và các sản phẩm gỗ, giầy dép, cao su, đồ nhựa, quần áo, săm lốp các loại, xe đạp và phụ tùng và nhập của Pêru bột cá, mỡ, dầu cá, sợi acrylic. Số liệu năm 2008, Việt Nam xuất khẩu sang Pêru đạt 81,2 triệu USD và nhập 187,4 triệu USD từ Pêru.

            Tiềm năng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Pêru

            Việt Nam và Pêru đã nhất trí tập trung nỗ lực thúc đẩy những lĩnh vực thế mạnh của nhau như về nông nghiệp, công - nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và khai thác mỏ; khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh và thiết lập quan hệ đối tác bạn hàng trực tiếp; nhất trí về tầm quan trọng của việc khuyến khích các chuyển thăm của các đoàn doanh nghiệp hai nước.

            Phấn đấu đến năm 2011, hai nước có thể nâng kim ngạch thương mại lên 350 triệu USD/năm. Các sản phẩm điện tử, lương thực thực phẩm của Việt Nam chất lượng tốt, giá hợp lý, có thể chiếm lĩnh thị trường Pêru. Để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu từ Pêru, Việt Nam cần khai thác các mặt hàng xuất khẩu tốt sang Pêru gồm cao su, săm lốp các loại, giầy dép, hàng dệt may các loại, hàng thủ công mỹ nghệ, hạt tiêu, xe đạp và phụ tùng.

 

 

  • Tags: