Khẳng định thương hiệu VTC

Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics (viết tắt là VTC) là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam. Trường được thành lập theo Quyết định số 2445/QĐBGD&ĐT-TCCB ngày 29/5/2003 của

Năm học này, Trường Cao đẳng công nghệ Viettronics có hơn 2.900 học sinh, sinh viên đào tạo ở các bậc cao đẳng chính quy, trung cấp chuyên nghiệp và nghề dài hạn với 12 ngành nghề đào tạo như điện tử, quản trị kinh doanh, kế toán tin học, công nghệ thông tin, quản trị thương mại điện tử, điện công nghiệp, điện dân dụng, lắp ráp, sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi, hạch toán- kế toán tin học… Là trường công nghệ duy nhất trên địa bàn TP. Hải Phòng, Nhà trường luôn cố gắng phát huy tối đa nội lực và tiềm năng để không ngừng tăng nhanh về chất lượng và số lượng học sinh, đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương và vùng đồng bằng duyên hải Bắc bộ.

 

VƯỢT LÊN THÁCH THỨC

Có một tuổi đời còn rất trẻ so với các trường cao đẳng trong ngành Công nghiệp và hệ thống giáo dục quốc dân, Trường Cao đẳng công nghệ Viettronics bước vào hoạt động với rất nhiều khó khăn và thách thức. Khó khăn lớn nhất mà Nhà trường phải đối mặt là việc thiếu kinh phí dành cho công tác đào tạo. Trường hoạt động theo cơ chế tài chính của Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam, tự cân đối thu chi bằng nguồn thu học phí, không được Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí, Tổng Công ty cũng không cấp bù mà Trường phải tự trang trải. Do đó, cơ sở vật chất của Nhà trường còn rất nghèo nàn (phải thuê thêm các cơ sở bên ngoài để giảng dạy); đội ngũ cán bộ, nhân viên thì thiếu cả về số lượng, kinh nghiệm giảng dạy và quản lý, song cũng chưa được đầu tư nâng cao trình độ và chuyên môn vì thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, những bất cập từ cơ chế chính sách của Tổng Công ty cũng là những rào cản rất lớn khiến cho các hoạt động của Nhà trường ngày càng đi xuống…

Làm thế nào để vượt lên mọi khó khăn, thách thức để đưa Nhà trường đứng vững và tồn tại? Điều đó phụ thuộc vào sự quyết tâm của ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên Nhà trường. Bắt đầu bước sang năm học mới 2006-2007, Nhà trường đã quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Khác với những năm trước, năm học này, Ban tuyển sinh đã phối hợp với các phòng, khoa, Đoàn Thanh niên đi đến tất cả các trường THPT trên địa bàn TP. Hải Phòng và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình… để tuyên truyền, quảng bá về trường và trực tiếp tư vấn công tác tuyển sinh cho các em học sinh. Bên cạnh việc tích cực thực hiện công tác tuyển sinh, Nhà trường còn phối hợp với một số trường đại học, tổ chức các lớp liên kết, vừa học vừa làm và liên kết đào tạo liên thông các bậc từ trung cấp chuyên nghiệp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học. Kết quả, trong năm học 2006-2007, Nhà trường đã tuyển được 1.446 em, ở cả 3 bậc, 12 ngành, đạt 96% chỉ tiêu kế hoạch. Công tác xét tuyển được thực hiện đúng quy chế. Công tác hậu kiểm và báo cáo về các bộ đúng thời gian quy định.

Là trường mới được thành lập nên đội ngũ cán bộ quản lý còn mỏng, đội ngũ giáo viên, giảng viên còn thiếu, trình độ hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Để khắc phục những hạn chế này, Nhà trường đã chủ động bổ sung nguồn nhân lực bằng các hình thức tuyển dụng cán bộ, giáo viên cơ hữu, tuyển thêm 15 giáo viên cơ hữu (trong đó, hơn một nửa có trình độ thạc sĩ, đạt tỷ lệ 1/2 ứng viên) và 08 cán bộ quản lý, nâng tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên lên 116 người. Trường còn mời giáo viên thỉnh giảng của các trường đại học ở TP.Hải Phòng, Hà Nội về giảng dạy và bồi dưỡng cho giáo viên thông qua việc dự giảng trên lớp và hướng dẫn về tài liệu, giáo trình tham khảo, các buổi hội thảo… Trường cũng thường xuyên duy trì mối quan hệ với các viện, trường trên cả nước như: Viện Cơ điện tử, các trường đại học: Công nghệ thông tin TP.HCM, Thương mại, Công nghiệp Hà Nội và Công nghiệp TP.HCM… cùng nhiều cơ quan đơn vị khác để liên kết đào tạo, trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Trường còn thực hiện các chế độ khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ từ nguồn kinh phí Bộ Công nghiệp cấp. Giáo viên Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronis tiến tới sẽ thực hiện theo tiêu chí: sử dụng thành thạo ngoại ngữ và tin học, nắm vững các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành để tiến tới có thể giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Đối với HSSV, Nhà trường chú trọng việc tổ chức học tập và giáo dục toàn diện cho các em, coi trọng rèn luyện tay nghề, chú trọng thực hành, ứng dụng, lấy chất lượng thực tế làm mục tiêu đào tạo chính của Nhà trường. Trường đã tổ chức nhiều cuộc thi như thi Olimpic tiếng Anh, Hội thi Sinh viên giỏi-Sinh viên tài năng, Robocon… được đông đảo HSSV tham gia và đạt kết quả cao.       

Nhờ đó, năm học 2006-2007, Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics đã thu được nhiều kết quả khích lệ. Nhà trường đã có 9 giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên, giảng viên giỏi các bậc trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; 3 giáo viên được cử tham gia hội thi giáo viên giỏi bậc trung cấp chuyên nghiệp của TP. Hải Phòng năm học 2006-2007, thì có 02 giáo viên đạt giải cao nhất của Hội thi. Bên cạnh đó, sinh viên của Trường cũng mang về rất nhiều bằng khen, giấy khen như giải Ba Hội thi Olympic tiếng Anh Thành phố; nhiều sinh viên còn được tặng học bổng của các tổ chức trong và ngoài nước như học bổng của Tập đoàn giáo dục Tydanle (Singapore), học bổng Nhân tài Đất Việt, giải thưởng Sao tháng giêng…

 

KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU VTC

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm và đồng lòng của toàn thể cán bộ nhân viên, giáo viên, năm học 2006-2007 là năm thành công của Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronis. Thầy và trò của Trường đã khẳng định được sức mạnh của thương hiệu VTC, khẳng định được tầm vóc của Nhà trường trong hệ thống các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc và trong khối các trường thuộc Bộ Công nghiệp. Tiếp nối những thành công của năm học vừa qua, năm học 2007-2008, Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronis quyết tâm phát triển vững chắc về số lượng với cơ cấu ngành nghề hợp lý, bám sát nhu cầu nhân lực của xã hội, đặc biệt là trong khu vực tam giác phát triển Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh, coi trọng chất lượng đào tạo là yếu tố hàng đầu để phát triển. Với phương châm “Dạy cách học, phát huy tính chủ động của người học”, Nhà trường sẽ tăng cường sử dụng công nghệ thông tin-truyền thông và tận dụng các công cụ dạy học hiện đại; tăng thời lượng tự học, thảo luận phân tích tình huống đối với người học dưới sự hướng dẫn và giúp đỡ của giảng viên, chuẩn bị từng bước công tác đào tạo theo học chế tín chỉ. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đặc biệt chú trọng hoàn thiện quy chế dạy-học, đổi mới thi cử, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học; Thực hiện có hiệu quả việc tăng cường hoạt động tự kiểm tra, thanh tra trong Nhà trường theo quy định và hướng dẫn của Bộ; Có kế hoạch từng bước đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhà giáo theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thu hút người giỏi, người có trình độ cao; Tăng cường các hoạt động khoa học công nghệ để nâng cao trình độ và tăng thu nhập cho giảng viên. Thời gian tới, Trường sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án Xây dựng cơ sở 2, đồng thời đưa nhà 4 tầng mới xây vào sử dụng; Đầu tư 200 triệu đồng trang bị thêm 8 phòng học mới; Xây dựng và nâng cấp các phòng học cấp 4, trang bị 2 phòng thực hành (điện cơ bản và điện tử viễn thông) với tổng giá trị 400 triệu đồng; Tiếp tục hoàn thiện Thư viện điện tử cho học sinh, sinh viên; Dành 300 triệu đồng mua tài liệu giáo trình, sách cho thư viện, 30 triệu đồng cho biên soạn giáo trình thương hiệu VTC; Soạn thêm và chỉnh lý 30 giáo trình thực hành.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2007-2008, ngoài sự cố gắng nỗ lực của các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên, Nhà trường rất cần sự giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam, để hoàn tất các thủ tục chuyển đổi trường sang mô hình tư thục. Khi đó, Trường sẽ được tự chủ, phát triển nhanh, mạnh và bền vững theo hướng hiện đại hóa quá trình đào tạo, phù hợp với xu thế phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

  • Tags: