Chương trình cơ khí trọng điểm

Ngày 26-12 năm 2002, Quyết định 186/2002/QĐ-CP của Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam (CKVN) đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020. Như vậy, từ ngày đó đến nay, ngành CKVN đã

PV: Ông có thấy, ngành Cơ khí là một trong những ngành quan trọng để phát triển kinh tế - Xã hội nước ta và mãi đến năm 2002, Chính phủ mới phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Cơ khí, như vậy có phải là chậm không và nếu chậm thì vì nguyên nhân nào?

Ông Lê Dương Quang: Thực chất là Bộ Công nghiệp đã xúc tiến việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam từ lâu và năm 1997 đã trình lên đến Bộ chính trị, nhưng rất tiếc không được phê duyệt.

   PV Ông có thể nói qua về mô hình tổ chức thực hiện Chiến lược ngành Cơ khí?

   Ông Lê Dương Quang: Trong Chiến lược phát triển ngành Cơ khí, Chính phủ đã tổ chức thành 8 nhóm thiết bị ưu tiên phát triển, đó là: Thiết bị toàn bộ; Máy động lực; Cơ kim phục vụ Nông-Lâm-Ngư nghiệp và công nghiệp Chế biến; Máy Công cụ; Cơ khí xây dựng; Cơ khí Tầu thuỷ; Thiết bị kỹ thuật Điện và Địên tử; Cơ khí ô tô và ôtô vận tải. Đồng thời cũng trong Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Cơ khí trọng điểm và do một Phó Thủ tướng làm trưởng Ban. Để thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí, ngày 9-6-2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 112/QĐ-TTg giao Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Trưởng Ban, Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải làm Phó trưởng Ban và thành viên là Thứ trưởng của các bộ như Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng…Bộ Công nghiệp đã thành lập Tổ thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo Chương trình Cơ khí trọng điểm do thứ trưởng Đỗ Hữu Hào làm Tổ trưởng và tôi là Tổ phó và thành viên là Vụ phó một số vụ của Bộ Công nghiệp. Tổ thường trực lại có 8 nhóm chuyên ngành và mỗi nhóm do một tổng giám đốc Tổng Công ty làm nhóm trưởng. Gần đây nhất, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình (CT) Cơ khí trọng điểm (CKTĐ) Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 01/QĐ-CKTĐ ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình cơ khí trọng điểm.

 PV: Tóm lại, về các văn bản pháp quy xem ra rất đầy đủ, nhưng cụ thể BCĐ CT CKTĐ đã làm được những gì để phục vụ cho Chiến lược phát triển ngành Cơ khí?

Ông Lê Dương Quang: Trong khi chờ đợi vịêc ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ CT CKTĐ, Bộ Công nghiệp đã gửi công văn đến các bộ có cơ khí mạnh và yêu cầu các bộ dựa trên cơ sở của 8 nhóm ngành Cơ khí trong Chiến lược phát triển ngành Cơ khí để lựa chọn những dự án CKTĐ gửi về BCĐ CT CKTĐ. Các bộ đã lựa chọn được hơn 50 dự án CKTĐ. Qua quá trình làm việc nghiêm túc từ việc sơ chọn, mời các chuyên gia đánh giá và xin ý kiến của nhiều cơ quan hữu quan, thì trong phiên họp đầu tiên của BCĐ CT CKTĐ vào tháng 8/2003, Phó Thủ tướng Trưởng Ban Nguyễn Tấn Dũng chủ trì đã quyết định chọn 24 dự án để đưa vào CT CKTĐ.

Cũng xin nói rõ thêm, không phải CT CKTĐ chỉ có 24 dự án, mà đây chỉ là đợt đầu chọn để chỉ đạo các sản phẩm CKTĐ. 24 dự án được phân loại như sau: Những dự án đã xây dựng và đang triển khai; Những dự án đang trong quá trình xây dựng và những dự án mới chỉ là ý tưởng.

PV: Ông có thể nói rõ về những dự án được lựa chọn là dự án CKTĐ được hưởng những quyền lợi gì?

Ông Lê Dương Quang: Tất nhiên, một khi đã là dự án thuộc CT CKTĐ thì các dự án đó có nhiều quyền lợi. Ví dụ như:

Thứ nhất, những dự án này sẽ được sự chỉ đạo tập trung từ Chính phủ đến các ngành, các bộ liên quan.

 Thứ hai, được hưởng những cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt. Nhưng Chính phủ chỉ đạo không đưa ra những cơ chế, chính sách chung cho tất cả các dự án, mà tuỳ từng dự án sẽ có cơ chế, chính sách cụ thể. Tuy nhiên, cũng có những ưu đãi chung như về vốn, chính sách thuế, ưu tiên thuê đất…Và còn có nhiều cơ chế rất đặc thù, ví dụ như, đối với Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, chúng tôi đã đề xuất cho Công ty bán đấu giá đất hiện nay để lấy tiền đầu tư sản xuất động cơ ở khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh).

PV: Xem ra, những dự án CKTĐ đó là sự phối hợp của nhiều đơn vị, vậy trong khi tiến hành chọn các dự án thuộc CT CKTĐ có những khó khăn gì và biện pháp khắc phục thế nào?

Ông Lê Dương Quang: Như chúng ta đều biết, ngành Cơ khí thường bị kêu ca là: sự hợp tác kém, đầu tư khép kín, chuyên môn hoá và tự động hoá thấp…Do vậy, khi thẩm tra các dự án, chúng tôi chú trọng đến việc hợp tác trong và ngoài ngành Cơ khí. Ngoài ra, còn chú trọng tới quy mô, công suất, thị trường đầu ra của các dự án này. Sau đó, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, chúng tôi gửi công văn đi các bộ đề nghị họ cử các chuyên gia tham gia Hội đồng thẩm định dự án. Những dự án được Hội đồng thẩm định, lựa chọn theo tiêu chí đề ra sẽ được Tổ thường trực giúp việc BCĐ CT CKTĐ xem xét và trình những cơ chế, chính sách ưu tiên cụ thể. Do đó sẽ hạn chế được những nhược điểm của ngành Cơ khí hiện nay.

PV: Nhiều người cho rằng, những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, nhưng khi triển khai cụ thể thì lại vướng mắc ở các cấp, các ngành. Ngay trong CT CKTĐ cũng xảy ra những hiện tượng như thế. Ví dụ, máy tính thương hiệu Việt Nam nằm trong CT CKTĐ, nhưng do Bộ Tài chính quy định tỷ lệ nội địa hoá không hợp lý nên không một đơn vị sản xuất-lắp ráp máy vi tính nào tại Việt Nam được hưởng chế độ thuế ưu đãi. Vậy, Tổ thường trực của BCĐ CT CKTĐ đã làm gì để khắc phục tình trạng trên?

Ông Lê Dương Quang: Đúng là hiện nay, những hiện tượng vừa nêu là có. Chúng ta đã có nhiều chính sách hay, nhưng khi triển khai lại thiếu đồng bộ. Chính sách thuế của Việt Nam thường mắc những “tật” sau: chính sách thuế hay thay đổi (khi xây dựng thiếu tính dự báo); mỗi khi thay đổi thuế không như các nước là có thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị thích hợp với loại thuế mới…Nhưng có thể từ nay, các dự án trong CT CKTĐ sẽ không còn những kiểu thiếu đồng bộ như trên vì, mỗi khi BCĐ CT CKTĐ đưa ra cơ chế, chính sách mới thì đã có nhiều ban, ngành tham gia, nên sẽ có sự thống nhất cao.

 PV: Tôi thấy thành phần BCĐ CT CKTĐ có đại diện của nhiều bộ, trong khi đó, một trong những nhược điểm của người Việt Nam là tính hợp tác kém. Vậy Ông có đồng ý với tôi là nhiều khi những cơ chế, chính sách do Tổ Thường trực đưa trình BCĐ sẽ bị chậm vì khó có thể lấy được đầy đủ ý kiến của các thành viên trong BCĐ đúng thời hạn.

Ông Lê Dương Quang: Chậm có thể xẩy ra vì bộ máy hành chính hiện nay của chúng ta còn nhiều điểm yếu kém. Nhưng rút kinh nghiệm từ việc Tổ thường trực chuẩn bị nội dung Quy chế hoạt động của BCĐ CT CKTĐ thấy rằng, nếu Tổ chúng tôi chịu khó, có cách làm khoa học và bám sát các thành viên BCĐ thì sẽ tạo được sự hợp tác cao giữa các thành viên BCĐ và đẩy nhanh được tiến độ công tác.

 PV: Nhiều người vẫn băn khoăn về việc nước ta có quá nhiều liên doanh sản xuất ô tô và hầu hết các liên doanh này không thực hiện cam kết về tỷ lệ nội địa hoá?

Ông Lê Dương Quang: Chúng ta cần nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, trong nước chưa có một DN nào xin lắp ráp ô tô (bây giờ mới có nhiều DN muốn lắp ráp ô tô) và lúc đó chúng ta mới mở cửa và muốn tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài. Hầu hết 11 liên doanh ô tô hiện đang hoạt động đều đựơc ký kết cách đây cả chục năm. Muốn nội địa hoá thì trước hết sản lượng ô tô của các LD ô tô phải lớn, trong khi đó, thị trường ô tô của nước ta lại quá nhỏ.

PV: Xin cám ơn và chúc ông một năm mới có nhiều sức khoẻ và thành đạt trong công tác./.

  • Tags: