Đồng thời với sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở hạ tầng mạng máy tính (đặc biệt là trang Web) đã đem lại những lợi ích đặc biệt cho toàn xã hội (từ tổ chức đến cá nhân). Những lợi ích này đang trở thành hiện thực theo đà phát triển của TMĐT.
Đối với các tổ chức kinh doanh
TMĐT giúp công ty mở rộng thị trường (trong và ngoài nước). Chỉ cần một lượng tiền vốn tối thiểu, công ty có thể dễ dàng và nhanh chóng tăng thêm được lượng khách hàng, và các nhà cung cấp có chất lượng cao có thể lựa chọn được các đối tác thích hợp trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ trong năm 1997, Boeing Corporation đã tiết kiệm được 20% chi phí sau khi đề án sản xuất thiết bị linh kiện được đưa lên mạng Internet.
TMĐT làm giảm các chi phí phát sinh, xử lý, phân phối, dự trữ và giảm thiểu chi phí trong thu nhận thông tin, giảm các chi phí hành chính, chi phí vô hình trong quá trình mua hàng; mức này có thể đạt tới 85%.
TMĐT tạo khả năng chuyên môn hóa cao trong kinh doanh. Ví dụ như trong kinh doanh đồ chơi cho các “chú cẩu”. Trước kia, mặt hàng này chỉ có thể mua được trong các cửa hàng bán đồ dành cho vật nuôi, nay đã có một trang Web dành riêng bán mặt hàng này (http://www.dogtoys. com);
TMĐT cho phép doanh nghiệp có thể giảm mức tồn kho cũng như các chi phí quản lý thông qua áp dụng mô hình “kéo” trong việc quản lý chuỗi cung cấp. Đồng thời giúp giảm thời gian trong quá trình mua và bán, từ khâu thanh toán đến khâu giao hàng hoá và dịch vụ; Tạo tiền đề cơ cấu lại bộ máy kinh doanh với các công nhân lành nghề, các cán bộ có kinh nghiệm, cũng như đội ngũ bán hàng có triển vọng; Giảm các chi phí cho bưu chính viễn thông.
Ngoài ra, còn các lợi ích khác như quảng cáo công ty, cải tiến các dịch vụ cung cấp cho khách hàng, tìm các đối tác mới, đơn giản hoá các qui trình, giảm thời gian giao hàng, tăng hiệu quả, giảm lưu trữ giấy tờ tài liệu, dễ dàng cập nhật thông tin, giảm chi phí vận tải cũng như tăng khả năng đáp ứng linh hoạt.
Đối với khách hàng
TMĐT tạo cho khách hàng khả năng lựa chọn các nhà cung cấp khác nhau, cũng như các thị trường khác nhau về một loại sản phẩm mà họ quan tâm như giá cả, mẫu mã, dịch vụ; từ đó khách hàng ra quyết định, và thực hiện các giao dịch trên mạng, 24/24 giờ và tất cả các ngày trong tuần;
Thông qua việc so sánh nhanh các hàng hoá và giá cả từ nhiều nguồn khác nhau, khách hàng có thể mua được những sản phẩm và dịch vụ với giá cả phù hợp với túi tiền của họ. Trong một vài trường hợp, đặc biệt đối với những sản phẩm số, TMĐT cho phép việc giao hàng có thể tiến hành nhanh chóng;
TMĐT giúp khách hàng nhận được các thông tin xác thực và chi tiết một cách nhanh chóng trong môi trường mạng, thay vì trước đây việc này có thể mất khoảng vài ngày hay vài tuần.
Đối với xã hội
TMĐT tạo điều kiện cho các cá nhân có thể làm việc tại nhà và giảm chi phí, thời gian cho việc đi mua hàng ở chợ hay siêu thị, do đó có thể giảm được tình trạng nghẽn tắc giao thông ở một số điểm và giảm ô nhiễm môi trường; Cho phép một số người bán hàng có thể bán ở mức giá thấp hơn, giảm tình trạng tích trữ hàng hoá và nâng cao mức sống của người dân;
TMĐT giúp các nước thế giới thứ ba cũng như các vùng xa xôi hẻo lánh có thể biết đến những sản phẩm và dịch vụ được tạo ra không phải dành cho họ (bao gồm cả các dịch vụ giáo dục và đào tạo).
Trong bối cảnh như trên, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được vai trò cũng như tầm quan trọng của TMĐT đối với sự phát triển và thành bại của doanh nghiệp để áp dụng vào hoạt động kinh doanh. Nhưng vì đi sau các nước chừng10 năm về TMĐT, nên Việt Nam cũng có những nét khó khăn chung và riêng của TMĐT Việt Nam giai đoạn hiện nay so với thế giới.
Khó khăn về nhận thức của doanh nghiệp và người dân về TMĐT
Cho đến nay đa số người dân nước ta, kể cả một số lượng không nhỏ cán bộ quản lý nhà nước và các doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về TMĐT. Số lượng người đăng ký truy nhập Internet (so với dân số) còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (khoảng 300.000 thuê bao). Hơn nữa, trên bình diện toàn xã hội, lề lối làm việc nói chung và cách mua bán hàng hoá nói riêng, vẫn còn theo tập quán cũ: giao dịch vẫn trên giấy tờ, hợp đồng phải có văn bản gốc, phải có dấu đỏ, mua hàng phải trông thấy, sờ vào hàng hoá, nếm thử, mặc thử, đi thử; trả tiền mặt, đếm tiền mặt...
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, khoảng 1.500 doanh nghiệp ở Việt Nam đã có trang Web riêng và vài nghìn doanh nghiệp đăng quảng cáo trên Internet. Con số này là quá nhỏ bé so với hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Hơn nữa, trong số đó, chỉ có 6% doanh nghiệp quan tâm và triển khai TMĐT và 11% doanh nghiệp bắt đầu triển khai phương thức kinh doanh mới này. Cũng theo kết quả điều tra, thì trong tổng số 56.000 doanh nghiệp Việt Nam, có tới 90% các doanh nghiệp chưa quan tâm và cũng chưa có bất cứ một nghiên cứu gì về TMĐT.
Khó khăn về nhân lực cho TMĐT
Lực lượng chuyên gia tin học của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường phát triển phần mềm trong nước. Đông đảo cán bộ và dân chúng còn chưa có kỹ năng làm việc quản lý và kinh doanh trên mạng máy tính và trên các thiết bị thông tin khác. Mặt khác, sự yếu kém về trình độ tiếng Anh, ngôn ngữ chính của Internet cũng là một trở ngại không nhỏ để mọi người dân Việt Nam có thể chủ động tham gia vào TMĐT.
Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp chậm chạp trong tiếp cận với TMĐT để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn lãng phí máy móc thiết bị mà doanh nghiệp đã trang bị. Hiện nay, không ít cơ quan, doanh nghiệp đã đầu tư không ít tiền để kết nối Internet, nhưng lại chỉ sử dụng chủ yếu để trao đổi thư điện tử, vì không có cán bộ đủ trình độ khai thác những điểm mạnh của Internet,...
Khó khăn về hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và truyền thông
Viễn thông
Hiện nay hệ thống mạng thông tin và truyền thông của nước ta nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu truy cập mạng Internet nhanh của người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Giá cước truy nhập Internet hiện còn quá cao so với thu nhập của đa số dân chúng và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính điều này đã hạn chế rất nhiều đến số lượng người truy nhập vào Internet, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh TMĐT ở nước ta. Ngoài vấn đề giá cả viễn thông, chất lượng dịch vụ viễn thông, đặc biệt là chất lượng dịch vụ Internet chưa thoả đáng cũng ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai ứng dụng TMĐT ở nước ta. Hệ thống máy chủ của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) chưa thật sự đủ mạnh để đáp ứng được số lượng lớn người truy cập vào mạng khi Việt Nam ứng dụng TMĐT. Với số thuê bao chỉ đạt khoảng 0,4% dân số, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng Internet thấp nhất ASEAN (tỷ lệ sử dụng trung bình khối ASEAN là 1,5%, thế giới 8%).
Điện tử - Tin học
Lĩnh vực điện tử: Phần lớn còn tập trung ở khâu lắp ráp (máy thu thanh, thu hình, radio-cassetes). Hướng đi này chỉ thích hợp cho giai đoạn phát triển ban đầu. Ngoài ra, tổ chức sản xuất còn tản mạn, công nghệ sản xuất và trình độ quản lý còn lạc hậu.
Lĩnh vực thiết bị tin học: Phần cứng thiết bị tin học chủ yếu là nhập khẩu. Nước ta hiện vẫn là thị trường tiêu thụ máy tính của nước ngoài. Từ năm 1998, nước ta đã lắp ráp máy vi tính mang thương hiệu Việt Nam, nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, phần lớn linh, phụ kiện vẫn phải nhập khẩu với giá thành còn cao.
- Lĩnh vực điện tử công nghiệp và điện tử chuyên ngành khác: phần lớn còn nhập ngoại, phần sản xuất được trong nước cũng chỉ ở mức riêng lẻ, đơn chiếc, quy mô nhỏ.
Khó khăn về hạ tầng cơ sở pháp lý
Trong thực tế, có rất nhiều vấn đề khiến cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng băn khoăn và e ngại khi tham gia TMĐT như liệu những hợp đồng mà ta nhấn chuột vào trên trang web và in trên trang web ra ngoài có hiệu lực hay không. Khi có tranh chấp giữa các bên trong thực hiện hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp sẽ tiến hành như thế nào... Ngoài ra, còn băn khoăn là người ký hợp đồng có thẩm quyền hay không, nhất là trong trường hợp người ký ở đây lại là một cái … máy tính.
Thời điểm giao kết hợp đồng là như thế nào. Khi đã ký hợp đồng thì người ta cũng băn khoăn về việc văn bản ký thế nào, và có thể sửa đổi được không. Thế nào là chữ ký điện tử, nếu chữ ký điện tử bị bắt chước thì giải quyết ra sao...
Như vậy, có thể tạm kết luận rằng: Một khi còn tồn tại những băn khoăn chưa được giải đáp bằng các văn bản pháp luật có liên quan, thì TMĐT tại Việt Nam khó có thể phát triển.
Những thuận lợi cơ bản khi triển khai TMĐT
Về nhận thức và nguồn nhân lực
Lãnh đạo nước ta sớm quan tâm và đã có một số chủ trương định hướng cho việc phát triển CNTT từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Gần đây nhất, văn kiện Đại hội IX của Đảng có nêu nhiệm vụ phát triển TMĐT. Nhìn chung nhận thức của cán bộ và người dân về TMĐT trong thời gian qua đã được nâng lên một bước nhờ có sự tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Số lượng chuyên gia về CNTT đã được đào tạo khoảng trên 25 ngàn người và theo Chỉ thị 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị, đến năm 2005 phải đào tạo thêm được ít nhất là 50 ngàn chuyên gia về CNTT.
Về công nghệ thông tin và truyền thông
Mạng viễn thông quốc tế phát triển nhanh, hiện đại với 5 tổng đài (Gateway) và 8 trạm mặt đất, có khả năng cung cấp các kênh liên lạc trực tiếp tới gần 30 nước và liên lạc gián tiếp với trên 200 nước. Hệ thống cáp quang biển Thái Lan - Việt Nam - Hồng Kông (T-V-H) với tốc độ 565 Mbps đã được đưa vào khai thác.
Đường trục Bắc-Nam với Viba băng rộng 140 Mbps và cáp quang SDH 2,5 Gbps bước đầu đáp ứng được nhu cầu thông tin trong những năm tới. Mạng cấp I đã được trang bị thiết bị truyền dẫn Viba công nghệ số PDH và SDH tốc độ từ 2 Mbps đến 155 Mbps và cáp quang SDH tốc độ 155 Mb/s đến 2,5 Gbps. Các huyện trong toàn quốc đã được trang bị tổng đài điện tử.
Mạng điện thoại cơ bản đã được số hóa. Dịch vụ thông tin di động tiêu chuẩn GSM phát triển nhanh, phủ sóng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Đến cuối năm 2001, tổng số thuê bao điện thoại đạt trên 4 triệu máy, số thuê bao di động GSM đạt gần 1 triệu máy.
Dải tần tối đa cho người truy cập vào Internet qua mạng điện thoại công cộng là 56Kbps. Hiện có 02 cổng quốc gia kết nối với Internet với dung lượng kết nối là 34Mbit/s (có kế hoạch tăng thêm dung lượng vào cuối năm), các loại đường truyền được cung cấp: X25, ISDN, LeasedLine (Nx 64Kbps).
Mới đây, Giấy phép của Tổng cục Bưu điện (do Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực ký ngày 26/04/2002) cho phép Công ty FPT và Công ty Điện tử viễn thông quân đội (Vietel) được cung cấp loại hình dịch vụ kết nối Internet trong nước (NIX) và dịch vụ kết nối Internet quốc tế (IIG).
Ngoài ra, Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam hiện đang cung cấp dịch vụ Internet qua mạng điện thoại nội hạt ở 46 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông đã có kế hoạch giảm giá cước khi đăng ký nối mạng và truy cập Internet và tăng số lượng các IP ở Việt Nam. Công nghiệp viễn thông với nhiều dây chuyền sản xuất được cấp chứng chỉ ISO 2000 đã sản xuất tổng đài điện tử, thiết bị truyền dẫn, cáp thông tin kim loại, các sợi quang, thiết bị đầu cuối thuê bao... bước đầu thay thế được thiết bị nhập khẩu và đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu phát triển của mạng lưới.
Về hệ thống thanh toán điện tử
Hiện nay, Ngân hàng nhà nước đang vận hành hệ thống chuyển tiền điện tử phục vụ thanh toán liên ngân hàng. Ngày 15/07/2002, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức khai trương Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với tổng vốn đầu tư 13,1 triệu USD, bao gồm Trung tâm thanh toán quốc gia lắp đặt tại NHNN trung ương, các trung tâm xử lý cấp tỉnh tại Hà Nội, Tp. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và đã kết nối với gần 100 chi nhánh của các tổ chức tín dụng ở các địa bàn khác nhau trên cả nước. Với trình độ tự động và hiện đại khác nhau, nhiều ngân hàng thương mại đã có hệ thống chuyển tiền điện tử nội bộ ngân hàng mình. Một số ngân hàng thương mại đã thử nghiệm hoặc thí điểm hệ thống ATM và thanh toán thẻ như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần á châu. Một số ngân hàng thương mại đã bước đầu thí điểm các hình thức giao dịch mới như giao dịch ngân hàng trên Web (Ngân hàng Công thương Việt Nam), giao dịch ngân hàng tại nhà (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển). Về phương diện thanh toán quốc tế, nhiều ngân hàng đã tham gia hệ thống SWIFT, một số ngân hàng tham gia đại lý cho các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, Master card.
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng điện tử của Ngân hàng nhà nước, các hệ thống thanh toán điện tử nội bộ các ngân hàng thương mại nói chung đã đạt được những mức độ tự động nhất định, nhưng chỉ mới đáp ứng thanh toán điện tử giữa các chi nhánh ngân hàng mà chưa đáp ứng thanh toán điện tử tự động tới mức giữa các khách hàng.
Về chữ ký điện tử, ngày 21-3-2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định công nhận giá trị của chữ ký điện tử dùng trong thanh toán. Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng, các tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán) được sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn. Chứng từ điện tử phải có đủ yếu tố quy định cho chứng từ kế toán, bảo đảm tính pháp lý của chứng từ kế toán và phải được mã hoá để bảo đảm an ninh trong quá trình xử lý truyền tin và lưu trữ.
Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn trên mà Việt Nam chúng ta đã đặt ra mục tiêu tổng quát cho TMĐT của Việt Nam đến 2010 là:
Hoàn thiện bước đầu hạ tầng cơ sở cho TMĐT bao gồm: Hạ tầng CNTT và truyền thông có tốc độ truy cập cao, bảo mật và an ninh thông tin được đảm bảo, phổ cập TMĐT cho các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp và có chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chung của quốc gia; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đủ đáp ứng cho các hoạt động TMĐT, hệ thống tiêu chuẩn công nghiệp và thương mại quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, có văn bản luật pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng trong TMĐT, áp dụng chính sách thuế trong TMĐT.