Văn bản số 266/TTg-KTTH ngày 21 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ V/v điều hành xuất khẩu gạo.
Công văn số1746/BCT-XNK ngày 05 tháng 3 năm 2008 của Bộ Công Thương V/v Điều hành xuất khẩu gạo năm 2008
Công văn số 78/TB-VPCP ngày 25 tháng 3 năm 2008 thông báoÝ kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, thủy sản
Công điện số 612/CĐ-TTg ngày 27 tháng 04 năm 2008 của Thủ tướng
Công văn số: 2725/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ
V/v triển khai Công điện số 612/CĐ-TTg của Thủ tướng CP
NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/2008/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 2008
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2008
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 104/2008/QĐ-TTg NGÀY 21 THÁNG 07 NĂM 2008 VỀ VIỆC BAN HÀNH MỨC THUẾ TUYỆT ĐỐI THUẾ XUẤT KHẨU ĐỐI VỚI MẶT HÀNG GẠO VÀ PHÂN BÓN XUẤT KHẨU
Công văn số 5159/VPCP-KTN ngày 07 tháng 8 năm 2008 của Văn phòng Chính phủV/v một số giải pháp đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ hết lúa, gạo vụ Hè thu 2008 ở đồng bằng sông Cửu Long
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 266/TTg-KTTH
V/v điều hành xuất khẩu gạo
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2008
Kính gửi:
- Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Xét báo cáo của Bộ Công Thương tại công văn số 1169/BCT-XNK ngày 04 tháng 02 năm 2008 về việc xuất khẩu gạo năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
1. Lượng lúa, gạo xuất khẩu trong năm 2008 được điều hành ở mức dự kiến khoảng từ 4 triệu đến 4,5 triệu tấn quy gạo các loại; mức gạo xuất khẩu này được xem xét, điều chỉnh vào đầu quý III năm 2008 trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả các mùa vụ sản xuất chính trong năm 2008.
2. Việc điều hành xuất khẩu gạo thực hiện theo các nguyên tắc được quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ, trong đó chú trọng các vấn đề sau:
- Tiến độ giao hàng phải được điều hành phù hợp với nguồn hàng, bảo đảm ổn định giá lương thực trong nước và an ninh lương thực quốc gia;
- Chỉ đạo việc tập trung giao dịch, ký hợp đồng hoặc đấu thầu bán gạo có hiệu quả đối với các thị trường truyền thống có khối lượng giao dịch lớn mà Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 858/VPCP-QHQT ngày 07 tháng 9 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ; phát triển thị trường mới trên cơ sở các hợp đồng thương mại có hiệu quả;
- Việc thực hiện giao hàng theo các hợp đồng ở các thị trường truyền thống được tập trung giao dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các hợp đồng có sự thỏa thuận của Chính phủ ta với Chính phủ các nước do Hiệp hội Lương thực Việt Nam bàn với các thành viên Hiệp hội để thỏa thuận, cam kết thực hiện và có chế tài bảo đảm;
- Trên cơ sở mức gạo dự kiến xuất khẩu trong năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầy vay mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ của các vụ sản xuất trong năm.
3. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Công Thương hướng dẫn các nguyên tắc cơ bản để Hiệp hội Lương thực Việt Nam có quy chế điều phối cụ thể tiến độ giao hàng, bảo đảm các yêu cầu nêu trên. Những vấn đề vướng mắc phát sinh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam báo cáo kịp thời Bộ Công Thương và Tổ điều hành xuất khẩu gạo liên Bộ để xử lý cụ thể; những vấn đề vượt thẩm quyền các cơ quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 1746/BCT-XNK
V/v Điều hành xuất khẩu gạo năm 2008
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2008
Kính gửi:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;
- Bộ Tài Chính;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tổng cục Hải quan;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại công văn số 266/TTg-KTTH ngày 21/2/2008 về điều hành xuất khẩu gạo năm 2008;
Căn cứ kết luận của Tổ trưởng Tổ Công tác Điều hành xuất khẩu gạo của Chính Phủ (được thành lập theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7583/VPCP-KTTH ngày 28/12/2006) tại cuộc họp ngày 05/03/2008;
Bộ Công Thương hướng dẫn những nội dung cơ bản để thực hiện việc xuất khẩu gạo năm 2008 cụ thể như sau:
1. Số lượng xuất khẩu gạo năm 2008 ở mức dự kiến từ 4 đến 4,5 triệu tấn gạo các loại. Mức xuất khẩu nêu trên sẽ được Thủ tướng Chính Phủ xem xét điều chỉnh vào quý III năm 2008 trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kết quả các mùa vụ sản xuất chính trong năm 2008.
Với mức dự kiến nêu trên, giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành tiến độ xuất khẩu từng quý trong khoảng:
- Quý 1 từ 0,7 - 0,8 triệu tấn.
- Quý 2 từ 1,3 - 1,5 triệu tấn.
- Quý 3 từ 1,3 - 1,4 triệu tấn.
- Quý 4 từ 0,7 - 0,8 triệu tấn.
2. Hiệp hội Lương thực Việt Nam:
2.1 Căn cứ vào tiến độ xuát khẩu định hướng nêu trên để điều tiết tiến độ xuất khẩu và thu mua lúa, gạo phù hợp với nguồn lúa gạo hàng hóa nhằm không làm biến động giá thị trường nội địa, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh và tới mục tiêu an ninh lương thực cũng như ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung.
2.2 Tổ chức thực hiện việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo khung giá xuất khẩu do Hiệp hội công bố.
2.3 Phân công việc giao dịch, dự thầu, ký kết giao hàng theo các hợp đồng tập trung để thực hiện trên cơ sở đồng thuận giữa các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam. khi cần thiết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tham khảo ý kiến Bộ Công thương, Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo liên Bộ để quyết định cụ thể.
3. Để thực hiện hiệu quả những nội dung nêu tại các mục tiêu trên, Hiệp hội ban hành Quy chế đăng ký và thực hiện hợp đồng, trong đó quy định chế tài đảm bảo thực hiện trên cơ sở minh bạch, công khai, phù hợp với những nội dung cơ bản đã được quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 và phù hợp với nội dung các cam kết quốc tế khác liên quan.
4. Hiệp hội Lương thực Việt Nam có báo cáo định kỳ thứ sáu hàng tuần (hoặc đột xuất klhi được yêu cầu) về tình hình đăng ký hợp đồng, kết quả xuất khẩu gạo, tồn kho lúa, gạo hàng hóa dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp hội viên theo mẫu đính kèm tại công văn số 0758/TM/XNK ngày 5/02/2007. Hiệp hội báo cáo Bộ Công Thương và Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo liên Bộ các vướng mắc phát sinh liên quan đến xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý và/ hoặc tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
5. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo xuất trình hợp đồng xuất khẩu có xác nhận "đã đăng ký" của Hiệp hội Lương thực Việt Nam khi làm thủ tục xuất khẩu tại cơ quan hải quan. Mọi thay đổi bổ sung nội dung hợp đồng xuất khẩu (số lượng, thời hạn giao hàng, giá, chất lượng, phương thức thanh toán...) phải được hiệp hội Lương thực Việt Nam xác nhận mới có giá trị pháp lý khi làm thủ tục xuất khẩu. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Hải quan địa phương giải quyết thủ tục Hải quan khi doanh nghiệp xuất khẩu.
6. Trên cơ sở mức gạo dự kiến xuất khẩu trong năm 2008. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động cân đối đảm bảo nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ của các vụ sản xuất trong năm.
7. Bộ Tài chính xác định và công bố giá thành sản xuất lúa các vụ trong năm; tổ chức xử lý thông tin giá cả về lúa gạo và cung cấp cho Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo liên Bộ để có cơ sở điều hành và xuất khẩu và/ hoặc bao cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương thông báo và đề nghị các cơ quan phối hợp thực hiện./.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Số: 78/TB-VPCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2008
THÔNG BÁO
Ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, thủy sản
Ngày 20 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, thủy sản. Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản; Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và ý kiến của các cơ quan tham dự, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:
Năm 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong phát triển và ổn định tình hình kinh tế-xã hội đất nước: sản lượng lúa cả năm đạt 35,87 triệu tấn, xuất khẩu 4,558 triệu tấn gạo đạt 1,49 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2006, sản lượng thủy sản đạt 4,15 triệu tấn, tăng 11,5% so với năm 2006 (trong đó nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, khai thác đạt 2,06 triệu tấn), xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng với tốc độ cao, đạt 3,763 tỷ USD; đời sống nông ngư dân từng bước được cải thiện rõ rệt.
Bước sang năm 2008, nền kinh tế của nước ta phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới: rét đậm, rét hại kéo dài làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, giá cả nhiều loại vật tư, hàng hóa trên thế giới và trong nước tăng cao... Trước tình hình đó, nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiểm soát lạm phát, đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế của mình, tận dụng thời cơ, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế và tham gia chống lạm phát.
Cơ bản đồng ý với các giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến tham gia của các Bộ ngành; nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:
1. Đối với sản xuất lương thực: Sản xuất và xuất khẩu phải đáp ứng được 3 yêu cầu: góp phần quan trọng để ổn định mặt bằng giá lương thực đồng thời đảm bảo nông dân vẫn có lãi; đảm bảo giữ vững an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cục bộ; phải có biện pháp tiêu thụ được hết lúa hàng hóa của nông dân, không để nông dân bị thiệt thòi do rớt giá.
Các giải pháp quan trọng là:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo quyết liệt các địa phương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai trong thời gian qua, chuẩn bị tốt việc cung cấp giống lúa, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh... để nông dân cấy đủ diện tích, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
- Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, năm 2008 chỉ xuất khẩu tối đa khoảng 3,5 đến 4 triệu tấn gạo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu chưa ký thêm các hợp đồng mới và chỉ ký hợp đồng theo từng quý (quý III và quý IV), đồng thời cần nghiên cứu kỹ dự báo thị trường trước khi ký hợp đồng, tránh những bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và đảm bảo có lợi cho nông dân.
- Bộ Tài chính nghiên cứu việc áp dụng thuế xuất khẩu gạo để điều tiết xuất khẩu.
2. Về chăn nuôi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về con giống, vốn, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, các dịch bệnh ở gia súc... để nhanh chóng phát triển các đàn gia súc, gia cầm theo hướng nuôi tập trung, nuôi trang trại, đảm bảo hiệu quả, kiểm soát được dịch bệnh.
3. Về thủy sản: Thủy sản là lĩnh vực còn tiềm năng phát triển, có nhiều lợi thế, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển sản xuất và xuất khẩu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương phát triển sản xuất thủy sản, đặc biệt là phát triển nuôi thủy sản, theo đúng quy hoạch để phát triển bền vững; tập trung việc sản xuất các loại giống thủy sản có chất lượng tốt, đủ cung cấp cho người nuôi trên tất cả các loại hình mặt nước.
- Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trước hết là cải tiến các thủ tục hành chính nhằm đơn giản, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục tạm nhập tái xuất nguyên liệu chế biến thủy sản; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phí kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa ở mức hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho doanh nghiệp.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để phát triển sản xuất và xuất khẩu, bảo đảm mua hết ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
___________
Số: 612/CĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________________________
Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 2008
CÔNG ĐIỆN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:
- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Bộ: Công Thương, Tài chính,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam.
Gần đây, do tình hình khan hiếm lương thực ở một số nước trên thế giới, một số kẻ xấu đã tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước ta để tiến hành thu gom lúa, gạo nhằm mục đích đầu cơ trục lợi; lợi dụng chênh lệch giá gạo trong và ngoài nước để buôn lậu qua biên giới.
Thực tế, theo báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa vụ Đông-Xuân 2007-2008 tăng so với năm 2006-2007; lượng gạo tồn kho trong dân và ở doanh nghiệp từ sau vụ Đông-Xuân năm 2008 đạt trên 1,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục mua tăng lượng gạo dự trữ quốc gia. Như vậy, sản lượng lương thực của nước ta năm 2008 hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu. Từ tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Công ty kinh doanh lương thực tiếp tục mua lúa, gạo theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu, cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ.
Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành việc xuất khẩu gạo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 481/TTg-KTTH ngày 31/3/2008, không để xảy ra tình trạng mất cân đối lương thực trong nước và để đảm bảo lợi ích của nông dân.
2. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa, gạo; các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp đầu cơ tăng giá gạo gây bất ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu lậu lúa, gạo.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin chính xác, tránh việc bình luận thiếu chính xác và đưa ra các dự báo thiếu cơ sở đối với tình hình cân đối lương thực và giá lúa, gạo, gây tác động không tốt đến tâm lý người dân và mất ổn định thị trường.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương bảo đảm cung cấp đủ giống, vật tư nông nghiệp, chuẩn bị tốt các điều kiện cho phòng, chống dịch bệnh và sản xuất vụ Hè-Thu, vụ Mùa thắng lợi.
5. Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan chủ động nắm tình hình và điều hành theo chức năng được giao; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền./.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Số: 2725/VPCP-KTTH
V/v triển khai Công điện số 612/CĐ-TTg của Thủ tướng CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2008
Kính gửi:
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an,
Quốc phòng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 27 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 612/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, địa phương triển khai các giải pháp xử lý tình trạng mua gom gạo nhằm mục đích đầu cơ trục lợi, làm tăng giá gạo trong nước, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Công điện nói trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương triển khai ngay một số công việc sau đây:
1. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tiếp tục chỉ đạo các địa phương phát triển sản xuất, bảo đảm cân đối cung-cầu lương thực trong nước và xuất khẩu gạo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông và các địa phương tổ chức đánh giá một cách nghiêm túc sự việc này, đặc biệt lưu ý việc nắm tình hình, bảo đảm nguồn hàng, tổ chức lưu thông, cân đối cung-cầu, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát buôn lậu qua biên giới, công tác đưa tin, tuyên truyền,... chưa tốt làm cho người dân hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ về nguồn hàng và việc bảo đảm đủ gạo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, dẫn đến tình trạng đầu cơ tích trữ, làm giá gạo tăng cao như đã xảy ra trong tuần vừa qua, gây tâm lý hoang mang trong dân; đồng thời có biện pháp chỉ đạo sát sao hơn nữa để không xảy ra hiện tượng tương tự.
3. Các Bộ, địa phương có biện pháp biểu dương đơn vị, tổ chức triển khai tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, địa phương biết và thực hiện./.
NGHỊ QUYẾT
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 12/2008/NQ-CP NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 2008
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2008
…….
- Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các loại vật tư, hàng hóa, dự báo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp xử lý kịp thời; phối hợp với Bộ Công an quản lý chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và đầu cơ tăng giá;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát cân đối nguồn để duy trì an ninh lương thực trong nước và bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2008;
…….
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 104/2008/QĐ-TTg NGÀY 21 THÁNG 07 NĂM 2008 VỀ VIỆC BAN HÀNH MỨC THUẾ TUYỆT ĐỐI THUẾ XUẤT KHẨU ĐỐI VỚI MẶT HÀNG GẠO VÀ PHÂN BÓN XUẤT KHẨU
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạo và phân bón như sau:
- Đối với mặt hàng gạo (thuộc nhóm 1006):
STT
Giá gạo xuất khẩu theo giá FOB
Mức thuế tuyệt đối
(đồng/tấn)
1
Từ 600 USD/tấn đến dưới 700 USD/tấn
500.000
2
Từ 700 USD/tấn đến dưới 800 USD/tấn
600.000
3
Từ 800 USD/tấn đến dưới 900 USD/tấn
800.000
4
Từ 900 USD/tấn đến dưới 1.000 USD/tấn
1.200.000
5
Từ 1.000 USD/tấn đến dưới 1.100 USD/tấn
1.500.000
6
Từ 1.100 USD/tấn đến dưới 1.200 USD/tấn
1.900.000
7
Từ 1.200 USD/tấn đến dưới 1.300 USD/tấn
2.300.000
8
Trên 1.300 USD/tấn.
2.900.000
2. Đối với mặt hàng phân Urê (thuộc nhóm 3102), phân Amoni sunfat (viết tắt là SA thuộc nhóm 3102), phân Kali (thuộc nhóm 3104) và phân Diamonium phosphat (viết tắt là DAP thuộc nhóm 3105):
STT
Loại mặt hàng phân
Mức thuế tuyệt đối (đồng/kg)
1
Phân Urê
5.000
2
Phân SA
4.000
3
Phân Kali
5.000
4
Phân DAP
4.000
Điều 2. Căn cứ tình hình biến động của thị trường và giá cả mặt hàng gạo, phân bón trong thời kỳ, giao Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm trong phạm vi 20% mức thuế tuyệt đối quy định tại Điều 1 Quyết định này; trường hợp điều chỉnh vượt mức trên 20 % mức thuế tuyệt đối quy định tại Điều 1 Quyết định này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Số: 5159/VPCP-KTN
V/v một số giải pháp đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ hết lúa, gạo vụ Hè thu 2008 ở đồng bằng sông Cửu Long
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2008
Kính gửi:
- Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư,
Thông tin và Truyền thông;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
- Tổng công ty Lương thực miền Nam;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Báo Nhân dân.
Ngày 7 tháng 8 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp về một số giải pháp đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ hết lúa, gạo vụ Hè thu 2008 ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình tiêu thụ lúa gạo năm 2008, lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo tình hình xuất khẩu gạo 7 tháng và kế hoạch các tháng còn lại năm 2008, ý kiến các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến như sau:
Trong bối cảnh thời tiết có nhiều bất lợi rét đậm kéo dài, dịch bệnh tái phát, giá cả tăng cao, Chính phủ đã hết sức quan tâm đến kiềm chế lạm phát, chỉ đạo và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện đời sống nông dân và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.
Vụ Đông Xuân 2007-2008 trúng mùa, được giá, nông dân phấn khởi tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất vụ Hè thu và vụ Mùa năm 2008. Do chủ động dự báo sản xuất, cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và để tiêu thụ hết lúa hàng hoá của nông dân, nên ngay từ đầu năm Chính phủ đã xác định chỉ tiêu xuất khẩu cả năm từ 4,0 - 4,5 triệu tấn gạo, đồng thời chỉ đạo ký kết hợp đồng đến hết quý III năm 2008 là 3,5 triệu tấn gạo, nhờ đó các doanh nghiệp đã chủ động thương thảo, ký kết được hợp đồng xuất khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Nhưng đến hết tháng 7 cả nước mới xuất khẩu được 2,8 triệu tấn. Hiện nay, vụ lúa hè thu đang thu hoạch, trúng mùa, lượng lúa hàng hoá trong dân còn nhiều, giá đang có xu hướng giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân. Tình trạng nêu trên là do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trước hết là Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Lương thực miền Bắc chưa chủ động, tích cực mua lúa hàng hoá cho dân, thậm chí mới mua được một số lượng rất thấp so với số lượng đã ký hợp đồng xuất khẩu và phải giao ngay trong tháng 8 và tháng 9 năm 2008. Việc đưa thông tin về chủ trương xuất khẩu gạo thiếu chính xác, không đầy đủ đã làm cho nông dân lo lắng và không có lợi cho việc xuất khẩu gạo của ta.
Để tiêu thụ hết lúa hàng hoá vụ hè thu và bảo đảm cho người trồng lúa có lãi khoảng 40% trở lên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập trung chỉ đạo triển khai tốt một số giải pháp cấp bách sau:
1. Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đẩy nhanh tiến độ giao hàng để trong tháng 8 và tháng 9 năm 2008 giao hết số gạo đã ký hợp đồng (3,6 triệu tấn) và khẩn trương thương thảo, ký hợp đồng mới với giá cả có lợi theo số lượng xuất khẩu cả năm 2008 khoảng 4,5 - 4,6 triệu tấn.
2. Yêu cầu Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc triển khai ngay các biện pháp để mua khoảng 400- 500 ngàn tấn gạo trong tháng 8 năm 2008 và bảo đảm đủ số lượng gạo để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký, nhằm tiêu thụ hết lúa hàng hoá vụ Hè thu cho nông dân. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiểm tra, giám sát việc mua lúa, gạo hàng hoá của các đơn vị này.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm cho vay đủ vốn với lãi suất thích hợp cho các doanh nghiệp mua lúa hàng hóa cho nông dân; xem xét gia hạn nợ cũ và tiếp tục cho vay mới theo quy định đối với hộ nông dân chưa tiêu thụ được lúa mà có nhu cầu gia hạn hoặc vay mới để tiếp tục sản xuất.
4. Nhằm triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/2008/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2008 về mức thuế tuyệt đối thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gạo và phân bón (Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2008). Nhưng hiện nay giá lương thực và chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng giảm, vì vậy, Thủ tướng Chính phủ quyết định chưa áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với hợp đồng xuất khẩu gạo có giá xuất khẩu theo giá FOB ở mức dưới 800 đô la Mỹ/tấn. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể để triển khai, thực hiện.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin đầy đủ, chính xác, không gây bất lợi cho xuất khẩu gạo và tiêu thụ lúa gạo hiện nay cho nông dân.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam biết, thực hiện./.