Giai điệu tháng Tư

Tuần cuối cùng của tháng 4/2012 diễn ra rất nhiều hoạt động trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 37 năm giải phóng niền Nam, thống nhất đất nước và các hoạt động mở đầu cho mùa du lịch biển năm 2012.


Vịnh Hạ Long chào thế giới

 Tối 27/4, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình- Hà Nội diễn ra Lễ công bố Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

 Vịnh Hạ Long, danh thắng đã được UNESCO 2 công nhận là Di sản Thế giới, nay là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã làm giàu thêm giá trị của Vịnh Hạ Long, qua đó, bạn bè thế giới thêm hiểu, thêm yêu mến Việt Nam. 

Chương trình công bố danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới của Vịnh Hạ Long chính là dịp để nhân dân ta bày tỏ lòng biết ơn với tình cảm mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

 Vào tối nay, 1/5, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Lễ đón danh hiệu Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới bên bờ Vịnh Hạ Long.

Nhân sự kiện Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cũng trong ngày 27/4, tại Hà Nội đã diễn ra triển lãm của nhà sưu tầm ảnh - kiến trúc sư Đoàn Bắc với chủ đề “Vịnh Hạ Long xuyên 3 thế kỷ”. Triển lãm giới thiệu 150 bức ảnh về cảnh vật, con người Vịnh Hạ Long chụp từ năm 1885 đến năm 1953 kèm theo thông tin liên quan (người chụp, năm chụp, bối cảnh và cả những câu chuyện hấp dẫn về các bức ảnh này). Các tác phẩm hầu hết đều của nhữngngười Pháp thực hiện, trong đó nhiều bức ảnh chưa từng được công bố.

 Đây là một phần của Dự án “Khám phá Vịnh Hạ Long - Cái nhìn xuyên 3 thế kỷ” do Đoàn Bắc cùng cộng sự là các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật thực hiện.  Chủ đề của triển lãm - "Vịnh Hạ Long xuyên 3 thế kỷ" - mang ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại, bởi ẩn sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện của quá khứ.

Sắc màu Tây Bắc giữa lòng Hà Nội

 Những nét đặc sắc nhất của bức tranh văn hoá vùng Tây Bắc như: hoa ban, cọn nước, thuyền độc mộc, nhà sàn, chảo mèn mén, nồi thắng cố, rượu cần, cồng chiêng, múa sạp, xoè.... đã được tái hiện sinh động trong  chương trình "Sắc màu Tây Bắc" tại Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam- số 2, Hoa Lư (Hà Nội) từ 26 - 28/4.

 Đến với "Sắc màu Tây Bắc", du khách được thả hồn trong một không gian đầy cảm xúc do những nét văn hóa độc đáo của đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân Tây Bắc đem lại. Không gian ấy được tái hiện qua hàng nghìn tài liệu, hiện vật giới thiệu đặc trưng văn hóa vùng, miền Tây Bắc.

 Khách tham quan được ngắm các sản phẩm thủ công đặc trưng của đồng bào các dân tộc như: vải lanh của người Mông, khăn Piêu (dân tộc Thái), ngắm những bông hoa trên trang phục phụ nữ Mường, hoa văn trên trang phục người Dao đỏ; cổ áo, hàng cúc bạc trên trang phục người Thái đen, cùng nhiều đồ trang sức. Du khách có thể thưởng thức rượu ngô, thắng cố, rượu cần ở ngay cạnh bếp lửa hồng, chứng kiến các nghệ nhân đồ xôi bảy màu, nấu rượu, rèn dao, dệt thổ cẩm, hoặc xem chế biến các món ăn của núi rừng như: cơm lam, thịt hun khói, gà nướng, cá nướng.

(Ảnh: chinhphu.vn)


 Với những hoạt động phong phú và hấp dẫn, chương trình "Sắc màu Tây Bắc" giữa lòng Hà Nội một lần nữa khoe nét độc đáo của đất và người Tây Bắc, để gọi mời du khách hãy đến với núi rừng tươi đẹp, với những con người thân thiện và mến khách nơi đây.

 Bữa tiệc ánh sáng trên bầu trời Đà Nẵng

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ 5 diễn ra vào 2 đêm 29- 30/4 đã mang đến cho người dân địa phương và khán giả truyền hình cả nước thưởng  thức nét độc đáo của các màn thi bắn pháo hoa của các đội tham gia.

 Cuộc thi là nơi hội tụ của những màn pháo hoa rực rỡ sắc qua nghệ thuật trình diễn của những đại diện được xếp vào hàng anh tài của nghệ thuật pháo hoa thế giới.

Ngay sau lễ khai mạc, màn biểu diễn của đội Canada với chủ đề "Sắc màu Đà Nẵng đã làm rực sáng cả bầu trời sông Hàn, thể hiện đẳng cấp và trình độ và kỹ thuật phối hợp giữa âm nhạc, màu sắc làm rung động khán giả.

Tiếp theo màn trình diễn của đội Canada là đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam.

Màn trình diễn của đội chủ nhà Đà Nẵng chia thành 5 phần dựa trên nền của 5 ca khúc bất hủ với thời gian. Phần 1: Ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp với ca khúc “Việt Nam quê hương tôi”. Phần 2: Khẳng định vinh quang của con người Việt Nam với ca khúc “Việt Nam trên đường chúng ta đi”. Phần 3: Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó”. Phần 4: thể hiện sắc màu Đà Nẵng ngày càng đổi mới với ca khúc “Đà Nẵng - thành phố tuổi thơ tôi”. Phần 5: Vinh quang Việt Nam đất nước anh hùng với ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”.

 Trong những phần tiếp theo của cuộc thi, các đội Trung Quốc, Pháp, Italia đều đã mang đến cho người xem những màn pháo hoa vô cùng đặc sắc. Chung cuộc, đội Italia đã giành ngôi vô địch một cách xứng đáng.

 Mừng đất nước 37 năm thống nhất

Tối 25/4, tại Nhà Văn hóa lao động, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Khát vọng chiến thắng”, nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 Đêm giao lưu đã giới thiệu cuộc hành trình về miền Nam ruột thịt; Thành cổ Quảng Trị; ký ức về Nghĩa trang Trường Sơn; những câu chuyện về người lính trên chiếc xe tăng 377 đã ra đi qua nhiều thập kỷ nhưng vẫn còn nguyên vẹn sự xúc động và miền tin tự hào trong lòng mỗi người dân Việt Nam... Chương trình giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các nhà báo tham gia chiến đấu tại Quảng Trị nói về cảm xúc trong 12 cuốn nhật ký “khát vọng sống và yêu” của tác giả Bùi Kim Đỉnh - một chiến sỹ chiến đấu kiên cường ở Quảng Trị trong những ngày tháng ác liệt nhất.

 Cùng ngày, tại Đồng Nai, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Liên hoan nghệ thuật miền Đông Nam Bộ lần thứ XV với chủ đề “Miền Đông với biển đảo thân yêu”.

 Tại TPHCM, Triển lãm với chủ đề “Đất nước trọn niềm vui – Miền Nam giàu đẹp anh hùng” được tổ chức tại Công viên Lam Sơn và Công viên Chi Lăng. 220 bức ảnh, 3 bảng lớn trích số liệu tiêu biểu về cuộc đấu tranh hào hùng của quân và dân ta trong đấu tranh và xây dựng đã thu hút đông đảo người dân đến xem.

 Chiều 27/4, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật chuyên đề" Tây Nam Bộ 10 năm thành tựu và phát triển". Triển lãm là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2001- 2010 và khai mạc Hội chợ triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL .

 100 tác phẩm tuyển chọn từ 1.200 tác phẩm tham dự cuộc thi ảnh “Tây Nam Bộ 10 năm thành tựu và phát triển tập trung ca ngợi thành tựu kinh tế xã hội vùng ĐBSCL đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.

 Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức khai mạc Triển lãm các loại hình văn hoá làng nghề truyền thống của 4 dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer vùng Nam Bộ. Triển lãm có sự tham dự của 16 làng nghề truyền thống của 4 dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer vùng Nam Bộ như: làng nghề đan móc, làng nghề đan lục bình (Cần Thơ), làng nghề chiếu Định Yên (Đồng Tháp), làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa (Bến Tre), làng nghề thủ công mỹ nghệ Tre bông (An Giang), làng nghề điêu khắc gỗ (Đồng Nai).

Lễ thượng cờ thống nhất non sông tại Quảng Trị


Sáng 23/4 tại  thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã diên ra lễ khởi công xây dựng Tượng đài chiến thắng Cửa Việt. Công trình được xây dựng trên diện tích 8.100m2 với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Tượng đài thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với thế hệ cha anh, những anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Nơi đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày 29/4, TPHCM đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5). Ngày 30/4, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông với nghi lễ Thượng cờ tại cột cờ Hiền Lương.

Cũng trong dịp này, tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước đang tổ chức đợt phim chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Các bộ phim được chiếu trong dịp này như: "Mùi cỏ cháy", "Đừng đốt", "Được sống", "Sinh mệnh", "Giải phóng Sài Gòn"... và các phim tài liệu "Đại tướng Đoàn Khuê", "Bàn thờ mẹ"; "Ngày cuối cùng của chiến tranh", "Quê cha đất tổ" chắc chắn mang đến cho khán giả hôm nay những cảm xúc về quê hương đất nước trong đấu tranh cách mạng và trong xây dựng hòa bình.

  • Tags: