Tp. Hồ Chí Minh biến rác thành điện

Ở thủ đô Hà Nội có Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. ở đó có nhà máy xử lý nước rác, có xưởng chế biến phân bón vi sinh và có lò đốt rác công nghiệp. ở thành phố Hồ Chí Minh, các công trường xử l

Cứ mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh là tôi cứ suy nghĩ hoài về chuyện những công nhân môi trường, hàng ngày phải quét bao nhiêu ki-lô-mét đường phố, hẻm, ngõ, ngách của Thành phố. Tuy chưa có số liệu so sánh nhưng chắc chắn nội đô thành phố Hồ Chí Minh lớn hơn nội đô Hà Nội. Thành phố đó có nhiều con đường rộng thênh thang, dài tít tắp, có nhiều ngõ, ngách, số nhà phải tìm đến bốn, năm ngõ, ngách, hẻm mới thấy. Qua số liệu của Hội chiếu sáng Đô thị Việt Nam, đến nay, chỉ riêng những ngõ ngách ở thành phố Hồ Chí Minh được chiếu sáng đã lên đến 2000 km.

Với vài ngàn ki-lô-mét đường phố và 5 triệu dân thường trú, vãng lai, một ngày thành phố Hồ Chi Minh thải ra hơn 6.800 kg rác, gấp 3 lần Hà Nội. Riêng rác thải xây dựng lên tới 1.400 tấn/ngày. Hiện nay, rác ở Thành phố được chuyển về Công trường xử lý ở Phước Hiệp, Gò Cát khoảng 5.000 tấn rác/ngày. Ngoài ra, còn có 2 công trường xử lý khác ở Đông Thạnh, Đa Phước. Gần đây, người dân thành phố Hồ Chí Minh đã quen gọi những bãi rác xưa kia thành công trường xử lý rác. Bởi ở đó, Thành phố đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để chôn lấp rác hợp vệ sinh, để xây dựng các hệ thống xử lý nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn loại B cho phép  xả vào môi trường. ở  các công trường xử lý rác còn có dự án xây dựng các lò đốt rác công nghiệp, có xưởng sản xuất phân bón vi sinh, đặc biệt ở công trường xử lý rác Gò Cát còn có trạm phát điện với công suất 2 MW.

Dự án trạm phát điện này được hình thành từ giữa năm 2002 và được xây dựng tại Gò Cát. ở đây, rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh gồm 5 lô, có tấm lót đáy đủ tiêu chuẩn, có hệ thống thu gom nước rác và trang bị hệ thống thu khí gas từ 22 giếng ga. Từ giếng ga có hệ thống làm lạnh gas từ 320C xuống 100C. Với  máy chiết xuất gas có công suất 1500 m3/h đủ để chạy 3 máy phát điện công suất 2430 kW. Từ máy phát điện qua trạm biến thế, điện được đưa vào  lưới điện 15-22 kV để sử dụng. Sau hơn một năm chạy máy, lượng gas thu được hơn 4.000.000 m3 gas, đủ để sản xuất được hừn 4.900.000 kWh điện. Như vậy cứ 1m3 gas sản xuất  được hơn 1,2 kWh điện. Từ tháng 5/2005 đến tháng 10/2006, trạm phát điện Gò Cát đã hoà vào lưới điện quốc gia được 6.126.000 kWh, với giá bán 600 đ/kWh.

Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh có địa bàn  phải thu gom rác và khối lượng rác phải thu gom hàng ngày nhiều gấp 3 lần so với Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội, nhưng số công nhân môi trường chỉ bằng một nửa mà vẫn hoàn thành tốt nhiêm vụ. Tại đây được trang bị khá đầy đủ phương tiện, xe cộ, máy móc chuyên dụng. Với 240 đầu xe, có 368 điểm hẹn từ xe đẩy tay sang xe cơ giới, 8 trạm trung chuyển, 5 trạm ép rác kín, có khả năng thu gom, vận chuyển 3200 kg rác một ngày. Năm 2005, Công ty Môi trường Đô thị Thành phố đã thu gom và xử lý gần 1.400.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó có khoảng 700.000 tấn rác hữu cơ. Cứ 1 tấn rác hữu cơ từ bể phân hủy kỵ khí sẽ thu được 5m3 gas, đủ để sản xuất 6 kWh điện. Nếu một năm tận dụng hết 700.000 tấn rác hữu cơ thì sản lượng điện từ rác của Thành phố sẽ lên tới 4.200.000 kWh.

Cùng với việc sản xuất điện từ rác, Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh còn chế biến phân vi sinh. Một dây chuyền ở Gò Cát đang thực nghiệm sản xuất 4-5 tấn phân một ngày. Hiện nay, Công ty đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án mới, đó là dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 800 tấn/ngày tại Đa Phước và đưa vào hoạt động Nhà máy Chế tạo Phân bón compos công suất 500 tấn/ ngày. Đặc biệt, Công ty đang tiếp tục hoàn thiện việc thu gas, sản xuất điện ổn định tại trạm phát điện Gò Cát để hòa vào lưới điện quốc gia theo đúng công suất 2 MW của dự án.... Những việc làm đó cùng với việc mở rộng các Tổ kinh doanh dịch vụ giải quyết vệ sinh ở các chợ đầu mối, siêu thị, hủy hàng phế phẩm, hàng quá thời gian sử dụng... đã giải quyết được việc làm cho lao động và giảm chi cho ngân sách Nhà nước.

Năm 2005, ngân sách Nhà nước chi cho Công ty Môi trường Đô thị Thành phố là 380 tỷ, phần kinh doanh của Công ty đạt gần 60 tỷ (bằng 1/6). Tuy nhiên, quan trọng hơn đó là việc Công ty đã biết tận dụng rác thải để sản xuất ra được một lượng điện năng, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiết kiệm điện, thiết thực làm cho thành phố sáng hơn, sạch hơn.
  • Tags: