Hải Phòng sau một năm gia nhập WTO

Năm 2007, nền kinh tế Hải Phòng có nhiều biến động lớn, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thị trường được mở rộng, cơ hội tiếp xúc với các nền kinh tế phát triển, công nghệ, kỹ thuật mới, làn sóng đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Bên cạnh đó là những thách thức như tính cạnh tranh tăng, giá cả biến động nhiều, cơ sở hạ tầng vừa yếu, vừa thiếu; nguồn nhân lực có nhiều bất cập... Nhưng với cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, tình hình kinh tế - xã hội ở Hải Phòng tiếp tục ổn định, phát triển, kinh tế tăng trưởng cao.

Giá trị sản xuất CN năm 2007 ước tăng 18,3%, tăng đều ở các khối. Trong đó, CN trung ương tăng 14,5%, CN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,3%. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao và chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như xuất khẩu như đóng tàu, cáp điện, xi măng, may mặc… Mặc dù có nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh bệnh, giá cả đầu vào tăng, nhưng giá trị sản xuất nông- lâm- thuỷ sản vẫn tăng 5,52%. Tỉ trọng nhóm ngành chăn nuôi tăng cao, đã xuất hiện nhiều trang trại, gia trại có quy mô lớn. Nhóm ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 13,7%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của cảng. Lượng hàng thông qua các cảng biển trên địa bàn đạt 22,08 triệu tấn, tăng 27,1% so với năm 2006. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,214 tỉ USD, tăng 19,8% so với năm 2006. Thị trường xuất khẩu không ngừng đựợc mở rộng sang các nước lớn như Hoa Kỳ. EU, Nhật Bản… Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 21,1% so với năm 2006.

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) FDI đạt 400 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2006. Đầu tư trong nước tăng mạnh. Năm 2007 đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho gần 3.000 DN, cấp GCN đầu tư cho hàng trăm DN trong nước, làm cho vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 17.955,4 tỉ đồng, tăng 21%. Thu hút 3,62 triệu lượt khách du lịch, tăng 22,1% so với năm 2006, trong đó lượng khách quốc tế tăng hơn 20%. Nhiều chi nhánh ngân hàng, bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán được thành lập, làm cho thị trường vốn sôi động hơn; các DN có nhiều điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư. Mặc dù các mức thuế nhập khẩu giảm, do lộ trình hội nhập và áp dụng Luật Quản lý thuế mới, nhưng thu ngân sách trên địa bàn vẫn đạt trên 14.000 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt khoảng 3.243 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra và góp phần quan trọng cho việc cân đối ngân sách và tăng chi cho đầu tư. Việc tăng trưởng các nhóm ngành và lĩnh vực đã làm cho tổng sản phẩm trong nước của Hải Phòng tăng 12,82% so với năm 2006, cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cùng với tăng trưởng về kinh tế, năm 2007, Hải Phòng đã giải quyết việc làm cho 43.000 lượt người, chất lượng lao động và việc làm được nâng lên, đã xử lý kịp thời các cuộc ngừng việc tập thể ở một số DN. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 47%, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm, tỉ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh ước đạt trên 77%, đã hoàn thành chương trình xoá nhà tranh, nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn, cơ bản hoàn thành phổ cập trung học và nghề tại các huỵện Thuỷ Nguyên và Vĩnh Bảo…

  • Tags: