Công ty Apatít Việt Nam: Chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển

Năm 1924, Mỏ Apatít Lào Cai được hai bố con ông Trần Văn Nỏ, người dân tộc Tày ở làng Hẻo, xã Cam Đường ngẫu nhiên phát hiện ra trong một chuyến đi rừng. Sau đó, tư bản Pháp đầu tư thăm dò và tiến hàn

1. Những tháng năm lịch sử.

ở giai đoạn đầu khai thác, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Mỏ đã đạt được mục tiêu chung của 3 năm khôi phục kinh tế của Nhà nước. Ngày 23/9/1958, Mỏ Apatít Lào Cai có vinh dự lớn là được Bác Hồ về thăm. Bác động viên, khen ngợi CB,CN Mỏ đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, nhanh chóng khôi phục mỏ, đi vào sản xuất và ổn định đời sống. Bác còn căn dặn CB,CN Mỏ cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” để làm giàu cho Tổ quốc, phải giữ gìn máy móc cho thật tốt vì đó là mồ hôi, nước mắt của nhân dân Liên Xô và Trung Quốc giúp ta... Bác đã trao 5 huy hiệu cho đồng chí Giám đốc Nguyễn Văn Lang để tặng lại cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. Ghi nhớ và thi đua làm theo lời Bác, năm 1958, Mỏ đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 10%, được Bác gửi thư khen. Và cũng từ đó, ngày 23/9 hàng năm đã được lấy làm ngày truyền thống Mỏ Apatít Lào Cai.

Cuối năm 1965, Mỏ chuyển từ khai thác sang xây dựng cơ bản, phục vụ chiến lược phát triển sản xuất sau chiến tranh. Thời gian này, Mỏ đã cung cấp nhiều máy móc và lực lượng sản xuất để xây dựng nền công nghiệp nước nhà. Đồng thời, hàng trăm thanh niên của Mỏ đã gia nhập lực lượng vũ trang, lên đường vào Nam chiến đấu. Tới năm 1969, Mỏ Apatít Lào Cai lại phải đối mặt với những khó khăn là thiếu máy móc, lực lượng, trong khi trữ lượng quặng 1 đến thời kỳ giảm đáng kể, chưa có vốn đầu tư thăm dò tiếp, vì vậy Mỏ phải tiến hành khai thác vét và mở thêm khai trường mới. Cuối năm đó, Tổng cục Hoá chất đã quyết định cho Mỏ xây dựng phân xưởng nghiền apatít, công suất 100.000 tấn/năm. Nhưng phải từ năm 1974 trở đi, Mỏ Apatít Lào Cai mới thực sự phục hồi nhanh và phát triển, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón, đồng thời đảm bảo việc làm và ổn định đời sống cho CBCNV. Năm 1975, sau thống nhất đất nước, nhiệm vụ của Mỏ là cung cấp quặng cho tất cả các nhà máy hoá chất và chế biến phân bón trong cả nước. Thời kỳ này, Mỏ luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch, đảm bảo đủ nộp ngân sách nhà nước và làm ăn có lãi.

Năm 1977, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhiệm vụ thiết kế, cải tạo mở rộng Mỏ Apatít. Chính phủ Liên Xô tiếp tục cử chuyên gia sang giúp Mỏ chọn mặt bằng và chuẩn bị thiết kế, thi công Nhà máy Tuyển quặng Tằng Loỏng. Một số công trình khác cũng được triển khai xây dựng như đường sắt, đường ô tô, đường điện, điện thoại... Tuy nhiên, chiến tranh biên giới đã làm hư hỏng hầu hết cơ sở vật chất, máy móc thiết bị các nhà máy và công trình phúc lợi này. Mỏ tiếp tục phát động một phong trào thi đua mới, nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất.

Sự kiện đáng ghi nhớ với Mỏ là ngày 01/4/1988, Mỏ Apatít Lào Cai được chuyển tên thành Xí nghiệp Liên hợp Mỏ Apatít Lào Cai. Tới năm 1990, Xí nghiệp Liên hợp đã được đổi mới toàn diện về cơ chế hoạt động, phương thức quản lý và chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh. Trong thời kỳ này, hàng loạt các công trình phúc lợi như bệnh viện, nhà trẻ, nhà văn hoá, sân vận động, nhà ở cho công nhân... được chú trọng cải tạo và xây dựng mới. Ngày 13/2/1993, Xí nghiệp Liên hợp Mỏ Apatít Lào Cai được đổi tên thành Công ty Apatít Việt Nam. Công ty đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hành động, như sắp xếp lại tổ chức theo hướng gọn nhẹ, ban hành nhiều quy chế về phân cấp tổ chức quản lý lao động, quản lý chi phí, quản lý kỹ thuật khai thác; thực hiện chế độ khoán, trả lương theo sản phẩm đến từng đơn vị, tổ sản xuất... Ngày 13/8/1994, Nhà máy tuyển quặng công suất 760.000 tấn/năm đã được nghiệm thu giai đoạn I, đạt công suất 400.000 tấn/năm. Cũng trong thời gian này, bên cạnh sản xuất và cung cấp sản phẩm truyền thống là quặng apatít, Công ty còn chú trọng sản xuất sản phẩm mới, đặc biệt là phân bón NPK, vật liệu xây dựng cung cấp cho thị trường các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Vì thế, các chỉ tiêu kế hoạch như doanh thu, giá trị TSL, thu nộp ngân sách trong các năm từ 1993 - 1995 đều tăng đáng kể so với những năm trước, việc làm và đời sống của CBCNVC trong Công ty được cải thiện rõ rệt. Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào lũ lụt... cũng được Công ty quan tâm, thực hiện.

Bước sang thế kỷ XXI, trước những vận hội mới của đất nước, Công ty Apatít Việt Nam đã và đang cố gắng chuẩn bị và thực hiện thật tốt các chương trình, kế hoạch, để vững bước cùng cả nước thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và sẵn sàng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Bên cạnh những biện pháp tổ chức sản xuất theo hướng chuyên sâu, đảm bảo đồng bộ sản xuất từ khâu khai thác đến tuyển quặng, Công ty còn tiếp tục đầu tư nhiều thiết bị mới phục vụ khai thác, đồng bộ hoá các thiết bị tuyển, tăng cường các biện pháp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ CBCNV. Bên cạnh đó, Công ty còn chú trọng thực hiện nhiều  dự án phục vụ công tác xử lý môi trường, tiếp tục nâng cấp các công trình phúc lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống tinh thần cho CBCNV...

Nhìn lại 50 năm qua, Công ty Apatít Việt Nam đã thực hiện được một khối lượng công việc hết sức đồ sộ: Khai thác được hơn 13,6 triệu tấn quặng loại I, quặng nghiền đạt gần 600 nghìn tấn, quặng loại 2 đạt gần 3 triệu tấn, đất đá và quặng loại 3 đạt gần 79 triệu m3, quặng tuyển đạt hơn 2,3 triệu tấn, phân trộn NPK đạt hơn 91,5 nghìn tấn, phốt pho vàng đạt 1,2 nghìn tấn, fenpat đạt gần 30,6 nghìn tấn, cao lanh đạt hơn 5 nghìn tấn, quặng sắt đạt gần 6 nghìn tấn và phụ gia nghiền đạt hơn 13 nghìn tấn. Và đóng góp to lớn nhất của Mỏ Apatít Lào Cai là nơi duy nhất cung cấp quặng apatít cho các nhà máy sản xuất hoá chất và phân bón phục vụ nông nghiệp trong cả nước, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần đem về ngày càng nhiều ngoại tệ cho đất nước từ xuất khẩu gạo.

Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh trong nửa thế kỷ qua, Công ty Apatít Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động hạng Nhì (năm 1985), hạng Ba (năm 1995) và hạng Nhất (năm 2004); Nhiều cá nhân của Mỏ đã đạt các danh hiệu cao quý, tiêu biểu như AHLĐ Nguyễn Quý Khang, CSTĐTQ Phạm Đình Thắc và nhiều CSTĐ cấp Ngành. Công ty cũng được Bộ Công nghiệp, TCty Hoá chất Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai, TLĐ Lao động Việt Nam, LĐLĐ Tỉnh... tặng nhiều cờ, bằng khen các loại. Hàng năm, Công ty đều có từ 30 - 50 CBCNV đạt danh hiệu CSTĐ cấp cơ sở. Đó chính là những cố gắng và là niềm vinh dự lớn lao của các thế hệ CBCNVC Apatít Lào Cai trong suốt nửa thế kỷ qua.

2. Phát huy truyền thống, hướng tới tương lai.

Tháng 7/2005, Công ty Apatít Việt Nam chính thức được chuyển thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Apatít Việt Nam theo quyết định số 116/2004/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với một cơ cấu tổ chức quản lý mới, mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn - sản phẩm của Công ty phải cạnh tranh quyết liệt khi Việt Nam thực hiện AFTA và gia nhập WTO... nhưng, với tiềm năng apatít duy nhất cả nước mà thiên nhiên ban tặng, những thành công của 50 năm qua, sẽ là tiền đề, động lực quan trọng để Công ty có điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.

Bên cạnh hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất phốt pho vàng, phân bón và hoá chất các loại, Công ty còn được nhà nước cho phép mở rộng sản xuất kinh doanh một số ngành nghề khác, như gia công chế tạo sản phẩm cơ khí, đúc thép; sửa chữa thiết bị máy móc; vận tải đường sắt, đường bộ; thi công các công trình kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi, đường giao thông, đường sắt, công trình đường dây tải điện và trạm biến áp 35 kV; kinh doanh xăng dầu; chế biến chất phụ gia cho sản xuất phân bón, hoá chất cơ bản; đào tạo công nhân kỹ thuật...

Mục tiêu phấn đấu của Công ty TNHH NNMTV Apatít Việt Nam trong thời gian tới (giai đoạn 2005 -1010) là đạt tốc độ tăng trưởng về GTSXCN bình quân hàng năm là 10% trở lên; Hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 5 năm do TCty giao, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tiến độ, mục tiêu đầu tư; Nâng cao lợi tức phát sinh; Phấn đấu hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách hàng năm với Nhà nước; Đạt mức thu nhập bình quân cho CBCNVC là gần 2 triệu đồng/người/tháng. Để đạt được mục tiêu này, Công ty sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp cơ bản là:

Thứ nhất, phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo có hiệu quả cao hơn: Trước mắt, sẽ tổ chức thực hiện tốt việc chuyển đổi doanh nghiệp (CPH một số đơn vị thành viên); Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kế hoạch hoá theo hướng gắn sản xuất với thị trường, phấn đấu giảm chi phí sản xuất từ 3 - 5%; Đẩy mạnh việc ứng dụng những tiến bộ của KHCN vào sản xuất và quản lý, nhằm nâng cao hệ số thu hồi, giảm hệ số tổn thất quặng nguyên khai, giảm tiêu hao vật tư, giảm độ ẩm quặng tuyển còn 15%, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; Tăng cường, đổi mới các công tác quản lý và sử dụng tài chính, quan hệ với khách hàng, đảm bảo tiêu thụ ổn định....

Thứ hai, tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh. Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đang trong kỳ kế hoạch, đó là hoàn thiện 2 dây chuyền Nhà máy Tuyển Tằng Loỏng, Nhà máy Khai thác và tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn, Dự án khai trường 7, khu Làng Cáng 3 và Dự án thăm dò trữ lượng các khai trường quặng apatít khác để chuẩn bị nguồn khai thác cho giai đoạn tiếp theo... Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các dự án đầu tư để đa dạng hoá sản phẩm, nhằm khai thác sử dụng tốt nhất nguồn nguyên liệu apatít.

Bên cạnh đó, Công ty Apatít Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa xã hội, thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động, làm tốt công tác quân sự quốc phòng... phấn đấu là một đơn vị vững mạnh trong chiến lược phòng thủ của thành phố Lào Cai và khu vực biên cương phía Bắc của Tổ quốc.

Nhiệm vụ của Công ty trong giai đoạn tới còn rất nặng nề. Cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của toàn thể CBCNVC, Công ty Apatít Việt Nam mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của Bộ Công nghiệp, TCTy Hoá chất Việt Nam, các doanh nghiệp trong Ngành, chính quyền và nhân dân địa phương... để Công ty ngày càng phát triển, bền vững.

  • Tags: