Từ những những khó khăn
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành khoa học công nghệ nói chung và ngành tự động hóa nói riêng không thiếu, song người làm được việc không nhiều. Đây chính là căn bệnh trầm kha không chỉ của ngành tự động hoá, mà còn của toàn bộ nền công nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đào tạo chưa tốt và trình độ kĩ thuật chưa cao. Riêng với ngành tự động hoá, mặc dù đã được nâng cao, nhưng ngay từ khâu đào tạo vẫn gặp nhiều khó khăn và bất cập: Giáo trình ít và lạc hậu, sự chồng chéo giữa các môn học, sự thiếu hợp lý giữa đào tạo chuyên sâu và đào tạo cơ bản, nặng về lý thuyết, thiếu tính thực hành... Hệ quả của chất lượng đào tạo chưa tốt, chưa sát với yêu cầu thực tế là tình trạng sinh viên ra trường không đáp ứng nổi yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Việc “ đào tạo lại” là chuyện có thật ở đa số các doanh nghiệp. Đơn cử rất nhiều sinh viên điều khiển khi ra trường có thể lập trình tốt cho PLC, lập trình tốt với một ngôn ngữ bậc cao như C++ , visual Basic, Gava... nhưng lại không thể thiết lập được luật điều khiển PID . Theo ý kiến của tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, đăng trên Tạp chí Tự động hoá ngày nay, thì đây chính là hậu quả do thị trường lao động mang lại: Biết thật nhiều và mỗi thứ một ít. Chính việc chạy theo những môn học mang tính ứng dụng, nên đa số các sinh viên ra trường đều mắc phải nhược điểm là hổng kiến thức cơ bản là hệ quả của việc đào tạo chuyên sâu, ít quan tâm đến kiến thức cơ bản. Câu hỏi liệu phương pháp đào tạo đã phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hay chưa, vẫn còn bỏ ngỏ.
Cùng với trình độ kĩ thuật còn yếu kém và chất lượng đào tạo chưa cao, một khó khăn khác nữa mà ngành tự động hoá đang mắc phải, đó chính là sự thiếu thốn về các phương tiện kĩ thuật và chưa có sự đầu tư một cách hợp lí.
Mặc dù đã được Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành có liên quan quan tâm, song trên thực tế, các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và thiếu trầm trọng. Để làm được một con Rôbot tham gia cuộc thi “sáng tạo Rôbô con”, nhiều trường đại học đã phải chạy khắp nơi để thuê hoặc mượn lại các trang thiết bị của nhau. Thật ra, đã có nhiều dự án được cấp kinh phí, song lại phục vụ vào công việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Không chỉ ở các trường đại học, mà ở rất nhiều trung tâm, các viện nghiên cứu về tự động hoá thậm chí ở ngay các doanh nghiệp tình trạng thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật, các phòng thí nghiệm vẫn được coi là chuyện thường ngày. Một cái cây muốn tươi tốt cần đuợc chăm bón. Liệu ngành tự động hoá của chúng ta sẽ phát triển ra sao, nếu cứ mãi ở trong tình trạng thiếu thốn và lạc hậu.
Chưa tìm được tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp cũng đang là một bài toán khó giải khác mà ngành tự động hoá đang vấp phải. Một điều đáng buồn của ngành tự động hoá Việt Nam hiện nay là tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp. Hoạt động cá thể, manh mún, nhỏ lẻ là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp hiện nay. Các doanh nghiệp của chúng ta đang từng ngày, từng giờ giành giật nhau từng dự án nhỏ, mà quên rằng những dự án hàng triệu đôla đang rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng theo tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, chúng ta đang trở thành những người làm thuê trên chính sân nhà. Các nhà thầu nước ngoài thuê các công ty của chúng ta làm những việc “lặt vặt” còn những phần quan trọng mang lại lợi nhuận cao thì chúng ta không tới lượt. Trong cuộc tọa đàm nhân dịp Hội KHCN Tự động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam tổ chức triển lãm “Tự động hoá- Đo lường- Điều khiển”, ông Trịnh Đình Đề, Phó chủ tịch hội đã thừa nhận sự bất cập này và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ tìm thấy tiếng nói chung để tạo nên một sức mạnh tổng hợp cạnh tranh lành mạnh với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hướng giải quyết nào trong
tương lai
Tháo gỡ, khắc phục vốn không phải là việc làm dễ dàng. đã đành có nhiều cái khó: khó về nguồn lực, khó về vốn, về phương tiện kỹ thuật, về cơ cấu đấu thầu... Nhưng nếu không tìm cách khắc phục khó khăn thì ngành tự động hoá của chúng ta sẽ không thể bắt kịp vào nhịp sống công nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới. Những năm gần đây, nhiều cơ quan chức năng đã thực sự vào cuộc. Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đã được đưa ra thảo luận và thực thi. Nhưng điều cần làm và phải làm ngay là việc đào tạo và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Đã đến lúc cần phải đổi mới hơn nữa phương pháp giảng dạy ở các trường đại học trong lĩnh vực tự động hoá: Cân đối giữa lý thuyết và thực hành, hợp lý giữa kiến thức chuyên sâu và kiến thức cơ bản, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, tạo cầu nối giữa sinh viên và các doanh nghiệp... Để làm được điều này, ngành tự động hoá cần có sự quan tâm hơn nữa từ phía các cơ quan chức năng đặc biệt từ chính các doanh nghiệp. ở đa số các nước tiên tiến, các doanh nghiệp đã trực tiếp bỏ vốn và tham gia quá trình đào tạo nhân lực. Đây chính là một bài học thực tiễn để ngành tự động hoá và các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam rút kinh nghiệm và học tập. Không ít các trường hợp nhiều sinh viên, nhóm sinh viên có những đề tài khoa học mang tính ứng dụng cao, song không thể thực hiện được vì không có kinh phí. Tự động hoá Việt Nam đang rất cần những nhà đầu tư có đủ lực và sự tâm huyết với ngành. Hơn nữa, chúng ta cần có một tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp. Thực tế Hội KHCN Tự động Việt Nam đã được thành lập, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp, làm trọng tài điều tiết thị trường, tác động đến các chính sách ưu đãi về vay vốn, thuế, hải quan...Song một mình Hội thì chưa đủ, mà cần có sự tham gia trực tiếp từ chính phía các doanh nghiệp để tạo thành sức mạnh tập thể cùng nhau quyết tâm xây dựng nền tự động hoá Việt Nam phát triển có chỗ đứng và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế.