NĂM 2007 Việt Nam sẽ thu hút đầu tư nước ngoài

Dự kiến năm 2007, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó cấp mới là 7,5 tỷ USD và vốn tăng thêm là 2,5 tỷ USD, tập trung vào các đối tác lớn như Nhật Bản, H

 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, năm 2006 nguồn vốn FDI thu hút vào VN đạt khoảng 9,5 tỷ USD, tăng trên 40% so với kế hoạch đề ra và tăng khoảng 38% so với năm 2005. Đây là con số vượt rất cao so với kỳ vọng của đầu năm 2006.

Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá cao

VN hiện xếp thứ 3 về mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vị trí này của VN đã tăng 1 bậc so với năm ngoái và VN đã vượt lên thế chỗ của Thái Lan, đó là đánh giá của các công ty Nhật Bản trong báo cáo điều tra mới nhất của JBIC về triển vọng đầu tư tại VN. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu tại VN, các tập đoàn lớn của Nhật như  Toyota, Honda, Suzuki và Yamaha đang đầu tư tại Trung Quốc đang có xu hướng chuyển bớt sang VN. Bên cạnh đó, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc, Lotte, đã có kế hoạch xây dựng hàng loạt siêu thị tại VN; tập đoàn Nike đã tuyển dụng 50.000 lao động của VN, tập đoàn Meiko vừa đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử trị giá 300 triệu USD vào Cụm Công nghiệp Thạch Xá - Hà Tây, dự án sẽ sử dụng khoảng 6.700 lao động và doanh thu hàng năm ước đạt 1,7 tỷ USD. Ba đề án lớn là lấp đầy khu công nghệ cao Hoà Lạc, đường sắt cao tốc, đường cao tốc Bắc – Nam đang từng bước được triển khai. Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới đã chọn Việt Nam là điểm đầu tư sản xuất cho cả khu vực, đưa VN tham gia vào chu trình sản xuất mang tính toàn cầu của các tập đoàn lớn.

Các yếu tố được đánh giá cao khiến sức hấp dẫn của VN tăng lên là nhân công rẻ, tiềm năng thị trường và khả năng phân tán rủi ro. Qua điều tra cho thấy, yếu tố nhân công rẻ vẫn là yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng tỷ lệ đã giảm đi. Trong khi đó tiềm năng tăng trưởng của thị trường lại đang tăng lên và khả năng phân tán rủi ro, cụ thể ở đây là việc giảm tập trung rủi ro vào Trung Quốc vẫn là một trong những lý do chính. Hơn nữa, sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, Việt Nam được xem là nước an toàn nhất châu Á. Đây là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất sau khi đối mặt với những vụ khủng bố ở Bali (Indonesia) và bạo lực ở miền nam Thái Lan.

Vốn đầu tư từ Mỹ sẽ tăng gấp đôi

Năm 2006 là một năm sôi động của quan hệ Việt - Mỹ, trên tất cả các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giao lưu và chuyến thăm của các quan chức cấp cao. Mỹ đã trở thành một đối tác tốt của Việt Nam.   

 Tính đến cuối tháng 11/2006, đầu tư của Mỹ vào VN đã lên tới 4,4 tỷ USD, đứng thứ 5/75 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào VN, với khoảng 305 dự án đầu tư trực tiếp và khoảng 74 dự án đầu tư vào VN thông qua nước thứ 3. Đại sứ Hoa Kỳ tại VN ông Michael Marine nhận định: “Mỹ coi VN là đối tác tốt, có thể hợp tác trong các vấn đề liên quan đến quan hệ chính trị. Ngoài ra, Mỹ và VN không chỉ hợp tác trong các lĩnh vực có liên quan đến vấn đề khu vực mà cả các vấn đề toàn cầu. VN cần nắm lấy cơ hội vì VN đang được các nhà đầu tư và giới quan sát nước ngoài quan tâm hơn bao giờ hết”. Ôâng cho biết thêm, dự kiến sẽ có 3-4 dự án được hoàn tất vào năm 2007, như vậy, đầu tư của Mỹ vào VN có thể tăng gấp đôi so với con số hơn 4 tỷ USD trong năm nay.

Tín hiệu lạc quan đầu tiên được gõ lên bởi thông tin từ Đại sứ Mỹ tại VN là năm 2007, đầu tư của Mỹ vào VN sẽ tăng gấp đôi; và theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Klaus Rohland thì không có dấu hiệu nào cho thấy cam kết tài trợ cho VN suy giảm … Lần đầu tiên VN có những dự án công nghiệp lớn trên một tỷ USD và lần đầu tiên chúng ta thu hút được những dự án công nghệ cao như dự án đầu tư sản xuất chíp điện tử của Intel với số vốn gần 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, qua vụ các vụ kiện cá ba sa và tôm cách đây không lâu, các nhà sản xuất Việt Nam đã học hỏi được nhiều điều về hệ thống kinh doanh của Mỹ, từ đó biết cách đối phó với hệ thống này. Chính vì vậy, trong năm 2006, các mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, dệt may, giày da, hải sản của VN xuất sang Mỹ đã tăng đáng kể.

Với mức tăng trưởng trên 8%, VN đang nằm trong top 20 nước có tốc độ phát triển cao nhất thế giới. Năm 2007, thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhiều thuận lợi nhất là khi VN đã chính thức trở thành thành viên WTO và cam kết mở cửa 11 ngành với 110/115 phân ngành dịch vụ. Tình hình chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh cùng với hình ảnh VN ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế sẽ tiếp tục tạo nên sức thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Và với mục tiêu từ nay đến năm 2010 thu hút 140 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó 1/3 từ nguồn vốn của nước ngoài là có khả năng thực hiện.

  • Tags: