Quản lý Game online còn nhiều vướng mắc

Trò chơi trực tuyến (game online) chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây, nhưng đã thu hút đông đảo người chơi. Game online ảo mà ăn tiền thật. Vì vậy, vấn đề quản lý hoạt động này gây đau đầu các cơ quan

Cuộc cạnh tranh quyết liệt

Nghiên cứu mới nhất của IDC (International Data Coporation) về thị trường game online khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam sẽ trở thành điểm nóng của thị trường khu vực này nhờ tỉ lệ dân số trẻ cao. Ước tính, mỗi người chơi game ở Việt Nam chi 4 USD/tháng/game (gần 50 USD/năm/game). Như vậy, nếu mỗi công ty kinh doanh ít nhất một game và mỗi game thu hút được 20.000 người chơi, thì doanh thu của một công ty ít nhất cũng đạt 1 triệu USD/năm. Đến năm 2010, ngành công nghiệp game Việt Nam có thể “mơ” đến con số 83 triệu USD.

Chính vì khoản doanh thu cao ngất đó mà ngày càng có thêm nhiều công ty nhảy vào lĩnh vực kinh doanh game online. Ban đầu các công ty này phải kéo dài thời gian chơi miễn phí, sau đó mới thu phí người chơi. Thành lập từ tháng 9-2004 nhưng phải đến một năm sau, Công ty VinaGame mới chính thức thu phí người chơi và… có doanh thu. Trong thời gian này, Công ty phải “nuôi” khối nhân sự cả trăm người, chi phí cho trang thiết bị, cơ sở vật chất, phí thuê đường truyền… Công ty FPT cũng có một thời gian “tự nuôi mình” như thế tính đến ngày thu phí chính thức trò chơi MU Việt Nam-Xứng danh anh hùng, 28-4 vừa qua.

Tuy nhiên, loại hình trò chơi này làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý và mang nỗi lo lắng thật sự đến nhiều gia đình. Vì vậy, nhiều quy định pháp lý đã được ban hành.

Gây khó cho cả hai

Một trong những quy định gây tranh cãi và phiền hà cho cả người sử dụng dịch vụ lẫn người kinh doanh là người dưới 14 tuổi đến sử dụng dịch vụ Internet công cộng phải có người trên độ tuổi này kèm cặp. Rất nhiều ý kiến cho rằng, quy định giám sát người dưới 14 tuổi đến phòng Internet công cộng là một trong những qui định thể hiện rõ nhất tính không thực tế và không thể thực hiện được. Các phụ huynh không có thì giờ để làm việc giám sát này. Giả sử nếu phụ huynh làm được thì phòng Internet cũng không có chỗ cho “một kèm một”.

Thứ hai, quy định việc kinh doanh Internet công cộng phải cách xa trường học từ 200m trở lên cũng không thực tế. Nếu các em học sinh cố tình sa đà thì có… trời mới cản nổi. Ngoài ra, quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải triển khai hệ thống máy chủ, phần mềm tại máy chủ, các trang thiết bị khác... để quản lý thông tin người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, hệ thống này phải đáp ứng yêu cầu cập nhật liên tục tên, địa chỉ, số và nơi cấp chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người sử dụng dịch vụ hoặc người bảo lãnh cho người sử dụng dịch vụ dưới 14 tuổi. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ và thời gian sử dụng dịch vụ tại hệ thống máy chủ của doanh nghiệp ít nhất 30 ngày kể từ ngày sử dụng dịch vụ. Nhiều người kinh doanh Internet công cộng phản ảnh rằng, không thực hiện được quy định lưu trữ thông tin sử dụng dịch vụ của khách hàng trong 30 ngày. Muốn làm điều này, các điểm kinh doanh Internet công cộng phải trang bị máy chủ trị giá cỡ vài chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến những tình huống pháp lý rắc rối khi không may thông tin về khách hàng bị lộ. Thực tế, những quy định trên chỉ làm khó khăn thêm cho người kinh doanh.

Về phía game thủ, một trong những qui định gây xôn xao là “... trong 180 phút đầu tiên người chơi được tính 100% điểm thưởng; từ phút 181-300 chỉ được tính 50% điểm thưởng; từ phút 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức”. Về phía nhà cung cấp, đại diện Công ty VinaGame cam kết sẽ thực hiện tốt những yêu cầu do các cơ quan quản lý nhà nước đề ra.

Đành rằng những quy định trên nhằm hạn chế chơi game online, nhưng thực hiện theo những cách trên thì còn quá nhiều vướng mắc. Trước những ý kiến phản hồi, ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TP.HCM cho rằng, để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh Internet, không còn cách nào khác, chúng ta cần triển khai các biện pháp kỹ thuật.

  • Tags: