Với lợi thế bờ biển dài, vị trí địa lý nằm trên trục giao thông quan trọng, ít ai tin rằng, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) vẫn là một xã nghèo đến vậy, người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới và nông nghiệp. Mảnh đất này được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng những sản phẩm từ biển phong phú, đa dạng song, đất đai cằn cỗi, địa hình đồi núi phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, không thuận lợi là nguyên nhân của những đói nghèo cho người dân nơi đây.
Tuy nhiên, trong cảm nhận của nhiều người, gió cát tại mảnh đất này dường như đang đổi chiều. Nó vẫn khô, rát bỏng trong cái nắng oi nồng của miền duyên hải, nhưng trong mỗi nụ cười, ánh mắt của người dân Vĩnh Tân, có một ngọn gió nồm nam đang âm thầm, từng ngày từng giờ, mang cái không khí trong lành, dịu êm đến cho những cư dân nơi đây. Cơn gió đó chính là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân - một trong những dự án nhiệt điện lớn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương hết sức chú ý quan tâm. Nó không chỉ có ý nghĩa lớn lao trong việc đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất, phát triển đất nước, mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Bình Thuận, Vĩnh Tân nói riêng.
Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân nằm trong quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có tổng vốn đầu tư khoảng 6,1 tỉ USD, gồm 3 nhà máy và một cảng biển, với quy mô công suất 4.400 MW, sản xuất khoảng 28,6 tỉ kWh/năm. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do tập đoàn Phương Nam (Trung Quốc) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng làm chủ đầu tư, dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2010 - 2011; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 3 do tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn từ 2011 - 2015. Ngoài ra, cảng biển nằm trong khu quy hoạch sẽ có công suất 30 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 tấn.
Ba dự án nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, với nhu cầu than khoảng 8,8 triệu tấn/năm, nhu cầu dầu FO khoảng 50.000 tấn/năm từ các nhà máy lọc dầu trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Than và dầu được vận chuyển đến nhà máy bằng đường biển, thông qua hệ thống bến cảng trong Trung tâm Nhiệt điện. Dự kiến, vốn đầu tư Nhà máy Vĩnh Tân 1 là 1.900 triệu USD, Nhà máy Vĩnh Tân 2 là 1.600 triệu USD và Vĩnh Tân 3 là 2.600 triệu USD.
Theo quy hoạch phát triển của ngành điện Việt Nam giai đoạn VI (2006 đến 2015 có xét đến năm 2015), hàng năm, nhu cầu phụ tải tăng thêm từ 13% đến 17%/năm, theo phương án cao có thể tăng đến 22%. Đặc biệt, theo tổng sơ đồ VI, mỗi năm ngành điện phải tăng thêm 4.000 MW điện. Chính vì thế, chuyển sang nhiệt điện trong khi đã quá quen làm thuỷ điện là thách thức không nhỏ đối với ngành điện. Tuy nhiên, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân ra đời đã chứng tỏ sự quyết tâm của Chính phủ, TKV, cũng như EVN trong việc chung tay, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất phát triển đất nước. Sự ra đời của Trung tâm sẽ làm thay đổi cơ bản tỉ trọng kinh tế tỉnh Bình Thuận; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Đây thực sự là bước chuyển mình lớn của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ.
Hiện nay, dự án san gạt mặt bằng Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã được thực hiện trên diện tích 584,76 ha, với tổng mức đầu tư 1.436 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nhà máy chính 455 ha, khu vực bãi xỉ thải 122 ha, công trình tạm và đường vào bãi xỉ thải là 7,76 ha. Trên diện tích gần 600 ha này, nhà thầu là Tổng công ty Đông Bắc sẽ tiến hành phương án xây dựng mặt bằng theo nguyên tắc san lấp lấn biển. Phần trên đất liền sẽ được san bằng máy ủi, phần dưới biển sẽ được san lấp từng lớp cho đến khi đạt cao độ thiết kế. Mặt bằng của bãi xỉ san bằng mặt, dựa trên cao độ tự nhiên của khu vực. Xung quanh Nhà máy xây dựng hệ thống kênh thoát nước để ngăn lũ. Ba tuyến đê bao cũng được xây dựng nhằm bảo vệ phấn đất lấn ra biển. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã tuân thủ theo đúng các quy định và hướng dẫn hiện hành của Nhà nước và của tỉnh Bình Thuận.
Việc triển khai Dự án Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam giống như một gói kích cầu đáng kể đối với vùng quê nghèo như Vĩnh Tân. Nó không những tạo ra nhu cầu cung cấp hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho thanh niên địa phương. Cát đã được sóng đưa vào gần bờ hơn, niềm hy vọng về sự thay đổi mang tính đột phá, thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng đã có chỗ trú ngụ. Việc thực hiện dự án là việc làm có ý nghĩa hết sức to lớn của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, góp phần đánh thức mảnh đất Vĩnh Tân đầy nắng gió./.