Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Hưng Yên

Hưng Yên là một tỉnh nông nghiệp nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, có hệ thống giao thông rất thuận lợi cho phát triển kinh tế như đường bộ, đường thủy và đường sắt, có nguồn lao động dồi dào

Trong giai đoạn 2001–2004, hoạt động khuyến khích phát triển TTCN trên địa bàn Tỉnh mới được bắt đầu, chủ yếu tiến hành trong lĩnh vực đào tạo nghề cho các làng nghề. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn còn chưa được quan tâm. Bộ máy quản lý hoạt động khuyến khích phát triển TTCN từ tỉnh đến xã còn thiếu và không chuyên. Do vậy, tuy một số địa phương đã mở được một số lớp đào tạo nghề, truyền nghề, thu hút và giải quyết được việc làm cho người lao động, nhưng việc xây dựng các doanh nghiệp hạt nhân còn ít, giá trị sản xuất còn thấp và chưa ổn định.

Đứng trước thực trạng đó, ngày 15/6/2005 UBND Tỉnh ra quyết định thành lập Trung tâm Khuyến công Hưng Yên với 05 biên chế để trợ giúp các doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo kiến thức quản lý doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thông tin kỹ thuật, khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.

Do mới thành lập, lực lượng còn mỏng và thiếu kinh nghiệm nên công tác khuyến công còn gặp nhiều khó khăn. Song, dưới sự chỉ đạo của UBND Tỉnh, Sở Công nghiệp, Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công nghiệp, trong 6 tháng cuối năm 2005, Trung tâm Khuyến công Hưng Yên đã thực hiện được một công việc góp phần đáng kể để phát triển TTCN ở Hưng Yên. Cụ thể là:

- Phối kết hợp với các địa phương hỗ trợ cho 21 lớp đào tạo các nghề thủ công truyền thống như: Chạm bạc (tại xã Phù ủng, huyện Ân Thi); Gỗ mỹ nghệ xuất khẩu (tại xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ); Mây tre đan (tại các huyện Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ và thị xã Hưng Yên); Dệt thảm, đan bèo bẹ chuối (tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ); Thêu tranh xuất khẩu (tại xã Nhật Quang, huyện Phù Cừ); Gốm nứa mỹ nghệ xuất khẩu (tại xã Đình Cao, huyện Phù Cừ); Sản xuất và chiết suất tinh  dầu Artemisini từ cây thanh cao hoa vàng (tại xã Đông Kết, huyện Khoái Châu).

- Tham gia Hội trợ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh và Triển lãm thành tựu kinh tế – văn hoá - xã hội của Tỉnh

- Xây dựng và thực hiện dự án thông tin tuyên truyền hoạt động khuyến công, hoạt động sản xuất CN – TTCN, tuyên truyền các chính sách của Nhà nước, của Tỉnh.

- Khen thưởng cho 07 làng nghề TTCN đạt tiêu chuẩn làng nghề năm 2005.

Đến nay, toàn Tỉnh có 18.027 cơ sở sản xuất TTCN, với 85 làng có nghề TTCN đang phát triển, trong đó có 21 làng nghề đã được Tỉnh công nhận đạt chuẩn… Giá trị sản xuất TTCN năm 2005 của Tỉnh đạt 707 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2004, thu hút được 38.000 lao động. Một số doanh nghiệp đã tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo được việc làm cho người lao động như Hợp tác xã chạm bạc Phù ủng, Doanh nghiệp tư nhân Nam Hồng, Doanh nghiệp tư nhân ánh Hồng, Doanh nghiệp tư nhân ánh Dương…

Để thực hiện tốt Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, Sở Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công tỉnh Hưng Yên đã đề ra mục tiêu công tác khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010 là: Tập trung mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài tỉnh trực tiếp đầu tư hoặc tham gia hỗ trợ đầu tư, phát triển tiểu thủ công nghiệp nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung, theo hướng công nghiệp hóa,  hiện đại hoá công nghiệp nông thôn.

 Dự kiến đến năm 2010, Hưng Yên sẽ đưa số làng nghề từ 85 lên 150 làng nghề; hình thành 10 cụm làng nghề TTCN là An Tảo, Minh Khai, Lạc Đạo, Xuân Quan, Ngọc Thanh, Lưu Xá, Phù ủng, Đình Cao, Thủ Sỹ, Liên Khê, tập trung vào một số lĩnh vực có thế mạnh như: Chế biến nông sản, thực phẩm, mây tre đan xuất khẩu, gốm sứ, chạm bạc, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm; tạo thêm việc làm cho 42 nghìn lao động. Trung tâm Khuyến công Hưng Yên đã xác định công tác phát triển TTCN trong giai đoạn 2006-2010 phải tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu sau:

- Tăng cường việc đào tạo nghề, truyền nghề. Ưu tiên đào tạo truyền nghề mới, nghề sử dụng nguyên liệu và lao động tại địa phương, nghề có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng, có thu nhập ổn định cho người lao động như: Nghề chạm bạc, sản xuất gỗ mỹ nghệ, đúc đồng, mây tre đan, sản xuất rau quả xuất khẩu…

- Khôi phục, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở địa phương .

- Nâng cao năng lực quản lý cho các chủ sản xuất kinh doanh bằng cách mở các lớp tập huấn quản lý, tiếp thị và mở rộng thị trường nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương chính sách ưu đãi, phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, chuyển giao và tiếp thu công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.

Để đạt những mục tiêu trên, Sở Công nghiệp, Trung tâm Khuyến công đã đề ra nhiều giải pháp như:

- Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, ngành (Sở Công nghiệp, UBND huyện, thị và UBND các xã, phường) về việc thực hiện các chương trình khuyến công, coi hoạt động khuyến công là một trong những biện pháp hiệu quả thực hiện mục tiêu phát triển TTCN, công nghiệp nông thôn.

- Tăng cường sự kết hợp giữa Trung tâm Khuyến công với các phòng kinh tế huyện, thị, các xã, phường, các đơn vị cơ sở địa phương, các tổ chức xã hội nhằm triển khai mạnh mẽ và hiệu quả các hoạt động khuyến công.

- Hoàn thiện khung pháp lý hoạt động khuyến công một cách đồng bộ, quy định rõ các đơn vị làm dịch vụ khuyến công để tạo hành lang pháp lý cho phát triển hoạt động khuyến công. Mở rộng các nội dung hoạt động khuyến công để chủ động xây dựng và thực hiện tốt các mô hình phát triển ngành nghề công nghiệp, làng nghề công nghiệp.

- Phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công nghiệp, các đơn vị đào tạo, mở các lớp tập huấn về quản lý công nghiệp và hoạt động khuyến công cho cán bộ công chức, viên chức của Sở Công nghiệp, các phòng kinh tế huyện thị và các đơn vị, cơ sở tiểu thủ công nghiệp.

- Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động khuyến công với các tỉnh có ngành tiểu thủ công nghiệp phát triển, xây dựng quy định về công tác thi đua, khen thưởng cho các đơn vị, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển tiểu thủ công nghiệp, đồng thời hoàn thiện và nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của tổ chức làm công tác khuyến công từ Trung tâm Khuyến công của tỉnh đến các huyện, xã.

  • Tags: