Công nghiệp phụ trợ ngành Dệt-May Hiện trạng và các giải pháp

Thực trạng công nghiệp phụ trợ trong ngành Dệt May. “Công nghiệp phụ trợ cho ngành Dệt May còn nhiều bất cập, nếu như không muốn nói là rất yếu. Năng lực các nhà máy cơ khí chuyên ngành Dệt May hiện t

 Nếu so sánh Tổng công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) với toàn ngành Dệt May cả nước, thì năng lực kéo sợi chiếm 67% (đạt 111.0000tấn/170.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu chiếm 24% (đạt trên 1 tỷ USD/ 4,3 tỷ USD); chế biến bông chiếm 85% (đạt 12.800 tấn/ 15.000tấn). Điều này khẳng định Vinatex là đơn vị chủ đạo và là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành Dệt May cả nước. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực này, còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
 Được biết, bên cạnh các xưởng cơ khí của các công ty dệt thuộc Vinatex làm nhiệm vụ sửa chữa, thay thế phụ tùng, cơ kiện thì còn có 4 công ty cơ khí chuyên ngành sản xuất các phụ tùng, cơ kiện và trang thiết bị phục vụ cho ngành Dệt May như: Công ty Cổ phần Cơ khí May Gia Lâm; Công ty Cổ phần Cơ khí May Nam Định; Công ty Cổ phần Cơ khí Hưng Yên và Công ty Cơ khí Thủ Đức.
Trong thời gian qua, các đơn này tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng do năng lực còn hạn chế, thiết bị lại lạc hậu nên không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển rất nhanh của các doanh nghiệp dệt may. Cả 4 công ty cơ khí này trị giá sản xuất mỗi năm chỉ vào khoảng 9 triệu USD, tương đương gần 4.000 tấn phụ tùng, chủ yếu là phụ tùng, trang thiết bị nhỏ lẻ như: máy trải vải, máy kiểm tra vải, máy hút hơi là, máy san chỉ, máy hút chỉ, máy dập cúc, máy cắt vải, hệ thống chiếu sáng, hệ thống làm mát và một số phụ tùng như tủ đựng hồ sơ, ghế ngồi may, kệ để nguyên liệu, xe vận chuyển nội bộ... phục vụ ngành may là chính, mà cũng mới chỉ đáp ứng được một phần. Còn phụ tùng, cơ kiện cho ngành dệt, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập từ nước ngoài từ 70- 80%..
Nghịch lý và những nguyên nhân.
Hầu hết các xưởng cơ khí nằm trong các công ty dệt đến nay đều không phát huy được hiệu quả, do không đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng của các doanh nghiệp dệt. Vì vậy, các xưởng cơ khí này thường phải gia công cho các doanh nghiệp ngoài ngành, trong khi các công ty dệt lại phải nhập khẩu những phụ tùng, cơ kiện từ nước ngoài tới 80%, trị giá hàng chục triệu USD mỗi năm. Đây chính là nghịch lý.
Nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ ngành Dệt May đã được các chuyên gia trong ngành đánh giá như sau:
Một là, do trình độ máy móc thiết bị của các Nhà máy cơ khí trong ngành quá lạc hậu, không được đổi mới, nên không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp về chất lượng và thời gian giao hàng.
Hai là, phụ tùng, cơ kiện phục vụ cho ngành Dệt May đang nhập lậu vào Việt Nam từ Trung Quốc với số lượng lớn, giá rẻ. Bên cạnh đó, tâm lý các doanh nghiệp không muốn đổi mới thiết bị cơ khí để sản xuất phụ tùng, vì sợ không cạnh tranh nổi với sản phẩm của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu, nhất là cơ chế thị trường hiện nay.
Ba là, giá sắt thép trong nước thường xuyên biến động và tăng cao, nên sản xuất phụ tùng không có hiệu quả.
Bốn là, phụ tùng cơ kiện của ngành dệt rất phức tạp, yêu cầu khắt khe về chất lượng, đòi hỏi phải có tay nghề cao và trang thiết bị hiện đại, điều này các doanh nghiệp cơ khí trong ngành chưa đủ vốn để đầu tư .
Tình hình cung cấp nguyên phụ liệu cũng không được cải thiện…
Nguyên phụ liệu cũng đang là vấn đề nan giải của ngành Dệt May. Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam thì, hiện tại, Ngành đang phải nhập khẩu từ 70-80% nguyên, phụ liệu từ nước ngoài. Đặc biệt đối với bông xơ thì tỷ lệ nay còn cao hơn. Mỗi năm ngành dệt cần khoảng 60.000 tấn bông xơ, nhưng nguồn bông trong nước chỉ mới sản xuất được từ 13.000 tấn đến 16.000 tấn, một con số nhỏ bé so với nhu cầu. 
Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ rất quan tâm đến phát triển diện tích trồng bông, nhưng do khí hậu và thổ nhưỡng nước ta chưa phù hợp, nên diện tích và sản lượng bông trong những năm qua, tuy có tăng nhưng không đáng kể. Đặc biệt, vụ bông vừa qua, diện tích trồng bị thu hẹp, làm sản lượng giảm 20% so với những vụ trước. Nguyên nhân là do người nông dân chuyển sang trồng các cây khác, hạn hán kéo dài đã làm nhiều vùng trồng bông mất trắng hàng nghìn héc ta, không cho thu hoạch.
Về phụ liệu, mặc dù thời gian qua có một số nhà máy như: Công ty Cổ phần Phụ liệu May Nha Trang, Công ty May Việt Tiến, Công ty Dệt vải Công nghiệp và các công ty tư nhân đã sản xuất được phụ liệu khóa kéo, tấm lót, cúc, chỉ .v.v. nhưng sản lượng cũng rất nhỏ bé, chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu của ngành.
Chiến lược vẫn dừng lại ở ý tưởng và dự án…
Để từng bước đáp ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may, cách đây 2 năm, Vinatex đã có dự án sản xuất nguyên phụ liệu ở khu Công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên, nhưng do hạn chế về vốn và nhiều lý do khác nên đến nay, dự án này không triển khai được. Vinatex cũng có dự kiến sẽ thành lập 2 Trung tâm nguyên phụ liệu ở phía Bắc và phía Nam chủ yếu giới thiệu nguyên phụ liệu của nước ngoài và trong nước sản xuất, để các doanh nghiệp có nhu cầu đến đó mua, tránh tình trạng bị ép giá.
Mặt khác, Vinatex cũng sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xơ Polyete để phục vụ cho ngành Dệt, dự kiến sẽ liên doanh với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.
Về cơ khí, Vinatex rất muốn đổi mới trang thiết bị và hiện đại hóa các nhà máy cơ khí để chủ động nguồn phụ tùng, cơ kiện phục vụ cho ngành. Trong thực tế, vấn đề này còn nhiều khó khăn và cần phải xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế.
Chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành Dệt May còn đang dừng ở ý tưởng và dự án. Việc tiếp tục nhập khẩu phụ tùng, cơ kiện, nguyên phụ liệu cho ngành Dệt May với khối lượng lớn vẫn phải triển khai. Đây là những khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

  • Tags: