Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện Chương trình hành động của tỉnh về phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010. Chương trình hành động nói trên của Lào Cai được xây dựng trên quan điểm: Phát huy nội lực, tranh thủ ngân sách hỗ trợ từ TW và nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững. Từ quan điểm này, Tỉnh chủ trương tập trung đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực và sản phẩm có lợi thế. Bên cạnh đó, cũng phải chú trọng bảo vệ rừng, nguồn nước và tài nguyên môi trường sinh thái. Tiêu chí đặt ra là: Phát triển kinh tế đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân giữa các địa phương trong Tỉnh; phát triển phải đi đôi với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đẩy lùi tệ nạn xã hội, coi trọng việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cấu phát triển trong giai đoạn mới.

Để cụ thể hoá chương trình hành động nói trên, trong những năm tới, Lào Cai phấn đấu duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức độ phát triển chung của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; cải thiện rõ rệt hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh; khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thế mạnh về đất đai, khí hậu, khoáng sản, thuỷ điện, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế; cơ bản hoàn thành định canh, định cư và đưa dân trở lại biên giới, hạn chế tối đa việc di dân tự do; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị.

Một số mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai xây dựng trên cơ sở những thành tựu đã đạt được giai đoạn 2001 – 2005, cũng như những nguồn lực mà Tỉnh sẽ khai thác được, cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 12%; GDP bình quân đầu người đạt 10 triệu đồng, gấp 4 lần so năm 2000. Tỷ trọng các ngành kinh tế trong GDP được phân bổ như sau: nông - lâm nghiệp 27%, công nghiệp - xây dựng 31%, dịch vụ 42%; phấn đấu đạt giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác là 20 triệu đồng, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 2.320 tỷ đồng, bình quân tăng 29,2%/năm, giá trị kim ngạch XNK của tỉnh đạt 70 triệu USD, bình quân tăng 14,9%, trong đó XK 25 triệu USD, bình quân tăng 8%/năm. Về du lịch, phấn đấu đạt 820.000 lượt khách, bình quân tăng 10%/năm, đạt doanh thu 700 tỷ đồng, bình quân tăng 27%/năm. Về GD - ĐT, sẽ hoàn thành phổ cập GDTHCS vào năm 2007, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi và chuẩn phổ cập GDTHCS vào năm 2008, tỷ lệ huy động trẻ em 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,5%; phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 2425%. Ngoài ra, Tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 có 30% số trường mầm non, 25% trường tiểu học, 20% số trường trung học cơ sở và 20% số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Về xã hội, sẽ tạo và giải quyết việc làm mới cho 33.000 lao động, trung bình 6.600 lao động/năm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 2,5%, tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 82%; trung bình mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2010, đưa Lào Cai ra khỏi danh sách một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước. Tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,5%. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ 95%, 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ số hộ được xem truyền hình đạt 90%, tỷ lệ số hộ được nghe đài tiếng nói Việt Nam đạt 95%. 75% số hộ được dùng điện, người dân thành thị được sử dụng nước sinh hoạt sạch và 75% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Để Chương trình hành động đạt được kết quả như mong đợi, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lào Cai những năm tới là: Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa, ngô, đậu tương hàng hoá; các vùng chuyên canh tập trung với quy mô thích hợp như cây chè, cây ăn hoa quả, hoa, rau màu… tiếp tục mục tiêu phát triển chăn nuôi, nhất là đàn gia súc phù hợp vời điều kiện và lợi thế đất đai, khí hậu, gắn với sức cạnh tranh của sản phẩm. Về lâm nghiệp, chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng mới gồm rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với định canh, định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất ổn định lâu dài, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Đối với công nghiệp - xây dựng, khai thác chế biến có hiệu quả khoáng sản của các mỏ Apatit, đồng sin quyền, sắt Quý Sa… xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, hoá chất với quy mô phù hợp dựa trên khả năng tài nguyên; huy động nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế để phát triển các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ quy mô từ 1 - 90MW; Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống. Đối với thương mại - dịch vụ: ưu tiên đầu tư khai thác các điểm du lịch SaPa, Bắc Hà với nhiều loại hình du lịch thích hợp, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá; đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, hình thành và phát triển các ngành dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính viễn thông làm cầu nối mở rộng giao lưu kinh tế, văn hoá của vùng với cả nước và nước ngoài; phát triển hệ thống chợ nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế hợp đồng tiêu thụ nông, lâm sản cho nông dân.

Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: ưu tiên hàng đầu việc xây dựng, nâng cấp hệ thống đường bộ, tạo cơ sở để phát triển nhanh kinh tế của  vùng và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Cụ thể là, nâng cấp quốc lộ 70 đạt tiêu chuẩn đường 2 làn xe, triển khai xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai phía hữu ngạn sông Hồng; nâng cấp các tuyến đường đến các cửa khẩu, đường vành đai, đường tuần tra biên giới, nâng cấp quốc lộ 4D, 4E, 279; xây dựng 4.500 km đường giao thông nông thôn tới 398 thôn, bản; xây dựng các tuyến đường phục vụ vận chuyển quặng từ mỏ đồng Sin Quyền, mỏ sắt Quý Sa đến Khu công nghiệp Tằng Loỏng; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, xây dựng cầu Kim Thành tại Khu thương mại Kim Thành, xây dựng Ga hàng hoá tại Ga quốc tế Lào Cai; đầu tư, khai thác tuyến vận tải thuỷ trên sông Hồng đảm bảo xà lan 100 tấn đi được cả 4 mùa; quy hoạch, xây dựng sân bay Lào Cai. Bên cạnh đó, cần nâng cấp, tu bổ các công trình đang bị xuống cấp, đẩy mạnh việc kiên cố hoá kênh mương và công trình thuỷ điện hiện có, xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt dân cư; xây dựng các công trình kè bờ sông biên giới chống xói lở, đảm bảo an toàn đường biên và sản xuất, đời sống của nhân dân. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, nâng cao chất lượng hệ thống truyền tải điện, phát triển bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Về phát triển đô thị, quy  hoạch và phát triển hệ thống đô thị đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển đô thị tại các cửa khẩu; xây dựng các cụm dân cư, thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã gắn với việc bố trí lại dân cư trong quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn; bố trí lại dân cư ở các xã dọc tuyến biên giới, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng tài nguyên đất đai của vùng và hạn chế việc di dân tự do  đến các nơi khác trên quan điểm: Quy hoạch sản xuất gắn với sắp xếp ổn định dân cư cho 7.500 hộ tại 133 xã trên địa bàn, hình thành hệ thống trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu nối liền với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và cả nước.

Về phát triển văn hoá - xã hội: Tiếp tục xây dựng các điểm bưu điện văn hoá xã, trung tâm văn hoá cộng đồng của các làng, bản. Tăng cường đầu tư theo quy hoạch để xây dựng các trạm truyền thanh, trạm phát lại truyền hình cho các xã chưa phủ sóng phát thanh, truyền hình Việt Nam, tăng thời lượng phát thanh, truyến hình bằng tiếng các dân tộc, coi trọng việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của các dân tộc, xoá bỏ các tập tục lạc hậu. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2010 chuẩn hoá trang thiết bị cho bệnh viện cấp tỉnh và hình thành các trung tâm y tế khu vực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Tạo sự chuyển biến cơ bản về cơ cấu dân cư và chất lượng nguồn nhân lực bằng cách vừa đào tạo tại chỗ, vừa thu hút nhân tài, lao động có tay nghề làm việc ở những ngành và lĩnh vực có nhu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Để làm được như vậy, trong những năm tới, Lào Cai cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, củng cố và mở thêm các trường trung học chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề, đổi mới cơ cấu đào tạo theo ngành nghề và trình độ, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhu cầu cán bộ cho các địa phương trong vùng. Về phát triển khoa học - công nghệ: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, trước hết tập trung nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyên lâm từ tỉnh đến cơ sở.

Các giải pháp chủ yếu đặt ra là: Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành gắn quy hoạch với kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Hoàn thành hệ thống chính sách ưu đãi nhằm  thu hút các nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo, vốn FDI và các nguồn vốn trong nước để phát triển kinh tế xã hội. Giao cho các Sở hoàn thành các chính sách phục vụ cho Chương trình.

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hoàn chỉnh hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế trong nước; chính sách kinh tế cửa khẩu để đẩy mạnh hoạt động thương mại, lưu thông tiền tệ. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực qua cửa khẩu Lào Cai. Cân đối, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện mục tiêu xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới; mục tiêu của Nghị quyết 37-NQ/TW.

2. Sở Công nghiệp: Hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hoàn chỉnh chính sách khuyến khích, nghiên cứu, sản xuất các giống, cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao; chính sách phát triển các vùng chuyên canh tập trung và trồng rừng sản xuất. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

4. Sở Giao thông Vận tải: Đề xuất các phương án triển khai ký kết các hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc, các biên bản hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt là các cầu qua biên giới.

5. Bưu điện Tỉnh: Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và khuyến khích phát triển kết cấu hạ tầng bưu chính viễn thông và internet.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

7. Sở Thương mại và Du lịch: Xây dựng các giải pháp, chính sách đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường và hoàn thiện cơ chế hoạt động của ngành thương mại.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực và hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng đối với học sinh dân tộc nội trú ở các trường công lập, bán công.

9. Sở Y tế: Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư cho quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo, chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nhân viên y tế thôn bản.

10. Nội vụ: Xây dựng chính sách ưu tiên đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở vùng biên giới, vùng cao đặc biệt khó khăn; cán bộ là người dân tộc thiểu số và thu hút cán bộ chuyên môn đến công tác tại Tỉnh.

Để tổ chức thực hiện tốt Chương trình, Tỉnh giao cho các ban, ngành thực hiện và hàng năm Tỉnh sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả và biện pháp thực hiện các mục tiêu, nội dung chương trình hành động. Căn cứ vào Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Chương trình hành động của tỉnh, các ngành chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công. Thủ trưởng các ngành cần tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, dự án, đề án có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện các nhiệm vụ được giao và báo cáo kết quả theo đúng tiến độ, thời gian quy định. Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc và giám sát thực hiện Chương trình hành động này.

  • Tags: