Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật "Ta về ta tắm ao ta"

Có lẽ, trên thị trường trong nước ít có doanh nghiệp nào mà trong suốt quá trình tồn tại và phát triển lại mang nhiều biến cố, thăng trầm như Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật. 7 năm sau ngày chính thức b

Con đường chông gai

Thành lập năm 1996, trên cơ sở liên doanh giữa các Công ty Vật tư & thiết bị toàn bộ (MATEXIM), Công ty Thép Miền Nam (SSC), Công ty Đúc Tân Long, Công ty Cơ khí Duyên Hải của Việt Nam và Công ty TNHH Thép Kyoei của Nhật Bản, Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật (VJE) có tổng nguồn vốn 7 triệu USD và công nghệ tiên tiến, dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng bộ của Nhật Bản với năng lực sản xuất 6.000 tấn/năm, chuyên sản xuất các sản phẩm đúc phục vụ chế tạo động cơ diesel, bơm nước, phụ tùng ôtô, xe máy và các phương tiện vận tải đường thủy, đường sắt, xi măng... có trọng lượng từ 1 - 6.000 kg, theo tiêu chuẩn JIS (Nhật Bản) bằng các vật liệu gang xám, gang cầu, gang hợp kim, thép đúc thường, thép đúc hợp kim, đồng, nhôm... Cũng như bao doanh nghiệp khác, trong gần hai năm đầu tiên đi vào sản xuất (1996 -1997), Công ty đã gặp không ít khó khăn do là một doanh nghiệp mới, còn non trẻ trên thị trường trong nước, do bối cảnh chung của ngành cơ khí nội địa... Nhưng với những ưu thế về máy móc, công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật được đào tạo chính qui từ Nhật Bản, một nước có ngành công nghiệp cơ khí phát triển..., các sản phẩm của Công ty ra đời đã nhanh chóng chiếm lĩnh được lòng tin của nhiều khách hàng, kể cả những khách hàng khó tính nhất, vì chất lượng cũng như giá cả, đặc biệt là các khách hàng ngoài nước (hàng năm Công ty xuất sang Nhật Bản và các nước Đông Nam á 80% tổng sản lượng, một phần cung cấp cho thị trường nội địa). Sản phẩm của Công ty sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Nhờ đó, Công ty sớm đi vào ổn định sản xuất, từng bước đưa hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày một phát triển.

Đang trên đà phát triển, đến cuối năm 1998, chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính châu á, Công ty mẹ và một số bạn hàng lớn ở Nhật Bản làm ăn thua lỗ đã tuyên bố phá sản, bán lại cổ phần cho phía Việt Nam. Điều này đã đưa Công ty vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Nguồn vốn bị thu hẹp do đối tác rút vốn, thị trường truyền thống với các khách hàng Nhật Bản mất đi một phần đáng kể,... khiến sản xuất đình trệ, sản phẩm ứ đọng không bán ra được, đời sống anh chị em công nhân đi xuống rõ rệt, đẩy Công ty tưởng chừng rơi xuống bờ vực của sự phá sản. Giữa khi bị dồn vào bước đường cùng ấy, “cái khó đã ló cái khôn”, sau nhiều cuộc họp, thảo luận, rút kinh nghiêm, lấy ý kiến và nhất là bằng những cố gắng, phấn đấu, sáng tạo không biết mệt mỏi của từng CBCNV, cuối cùng, Công ty đã tìm ra hướng đi mới cho mình. Đó chính là “ta về ta tắm ao ta”, chuyển từ định hướng xuất khẩu là chủ yếu trước đây, sang chú trọng phục vụ nhu cầu thị trường nội địa. Bằng cách tăng cường tiếp thị, cùng nhiều biện pháp khuyến khích tiêu thụ sản phẩm, nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước, Công ty đã tìm được đầu ra cho khoảng 100 đầu sản phẩm của mình như phục vụ sửa chữa tàu biển, sơmi tàu biển, phụ tùng máy bơm nước, một số chi tiết cho xe gắn máy... Đồng thời, không những thế, để có thể tiêu thụ mạnh sản phẩm hơn nữa, Công ty đã thực hiện đẩy mạnh chương trình nội địa hoá nguồn nguyên liệu (đã thực hiện nội địa hoá được 2/3 cát tươi, sắt thép, gang và một số vật liệu làm khuôn), nhằm hạ giá thành sản phẩm, bởi theo ông Vũ Văn Hiến - TGĐ Công ty, hiện giá thành sản phẩm của Công ty đối với thị trường trong nước còn khá cao, nên chưa thu hút được nhiều khách hàng.

Với những bước đi táo bạo, đúng đắn, đầy quyết đoán trong chiến lược SXKD, đến năm 2000, 2001 sản xuất của Công ty lại một lần nữa dần dần đi vào ổn định.  Tưởng như cái ánh sáng đang le lói phía cuối đường hầm kia sẽ trở thành vầng sáng chói loà, nhưng không, lại một lần nữa, một thử thách khác lại đến với Công ty. Năm 2002, đầu 2003, giá nguyên liệu sản xuất trên thị trường tăng đột biến, khiến chi phí đầu vào tăng theo và chiếm gần 1/2 chi phí sản xuất, đã gây ra thêm không ít khó khăn cho Công ty. Không thể tăng quá cao giá thành sản phẩm, đặc biệt đối với những hợp đồng cũ đã ký kết trước đó, do vậy, Công ty đã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, chấp nhận sản xuất không có lãi hoặc lãi rất ít để cầm chừng, nhằm giữ uy tín cũng như khách hàng và được toàn thể anh chị em CBCNV ủng hộ. Con thuyền chịu gió bão nhiều là con thuyền... không sợ gió bão, có lẽ với suy nghĩ như thế nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, nhất trí của lãnh đạo và CBCNV, con thuyền Công ty lại được cập bến an toàn. Chỉ sau một thời gian ngắn, khi giá nguyên liệu thế giới giảm xuống ổn định trở lại, như nắng hạn gặp mưa, hoạt động của Công ty không những trở lại bình thường mà còn phát triển mạnh mẽ. Nhờ bạn hàng tin cậy và giữ được uy tín, kể cả khi phải đương đầu với những thử thách gay gắt nhất, Công ty đã vượt qua mọi gian khó vươn lên cả về lượng lẫn về chất, đưa doanh thu năm 2002 đạt 26 tỉ đồng, cao gấp 5 lần năm 1999 và năm 2003 dự kiến là 30 tỉ đồng. Tháng 6 năm 2002, Công ty xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9002. Và đặc biệt, nếu như năm đầu sản xuất Công ty có toàn bộ 71 CBCNV thì đến nay, Công ty có 120 CBCNV với 25 kỹ sư, hơn 30 công nhân kỹ thuật với mức lương trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Cũng chính trong thời gian này, tin vui khác mang đến cho Công ty là sản phẩm phôi đúc thân động cơ diesel, sản phẩm vành lót phanh tămbua xe máy mang đi triển lãm đã đoạt Huy chương Vàng Hội chợ Cơ khí - Điện tử - Luyện kim năm 2002 và 2003.

Thay cho lời kết

“Vượt qua được khó khăn không có nghĩa là sẽ thành công mà thành công chỉ đến khi chúng ta luôn luôn biết phải không ngừng phấn đấu”, đó là lời tâm sự của ông Vũ Văn Hiến - TGĐ Công ty cùng chúng tôi, “cả tôi và các bạn cũng vậy”. Điều này có lẽ cũng chính là phương châm, cách nghĩ, cách làm của tất thảy anh chị em CBCNV Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật. Do vậy, trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo, Công ty đã đề ra các mục tiêu là:

-  Duy trì sự phát triển.

- Tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

- Mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

- Cố gắng hướng tới xây dựng mình thành một mô hình mới cho ngành cơ khí chế tạo phôi.

Hy vọng rằng, Công ty sẽ thực hiện được thành công và thuận lợi những mong ước của mình, góp phần cho sự nghiệp phát triển ngành cơ khí nói riêng và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung trong thiên niên kỷ mới.
  • Tags: