Công nghiệp phần mềm - Đặc điểm và các giải pháp phát triển ở Việt Nam

Ngày 05/06/2000, Chính phủ đã ra Nghị định số 07/CP về phát triển nền công nghiệp phần mềm ở Việt Nam. Đây thực sự là một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp đổi mới kinh tế theo con đường CNH-HĐH đất

Công nghiệp phần mềm là ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm phần mềm máy tính phục vụ cho các lĩnh vực hoạt động khác nhau của con người, nhất là trong các hoạt động kinh tế và thương mại.

Công nghiệp phần mềm có những đặc điểm sau đây:

Một là: Trong mỗi sản phẩm của công nghiệp, thông thường đều hàm chứa một khối lượng rất lớn các nguyên vật liệu thô ban đầu như sắt, thép, xi măng, nhựa... được sản xuất ra theo một qui trình công nghệ đồng bộ, kết tinh sức lao động cơ bắp của con người. Còn trong các sản phẩm của công nghiệp phần mềm, lại chứa một hàm lượng lao động sáng tạo cao mà sử dụng rất ít nguyên vật liệu thô ban đầu. Cái quan trọng nhất ở đây là chất xám. Theo nhà khoa học Mỹ McCorduck thì “Công nghiệp phần mềm là ngành công nghiệp lý tưởng. Nó tạo ra giá trị bằng cách biến đổi năng lực trí não của con, tiêu thụ rất ít năng lượng và nguyên liệu thô”.

Hai là, Nền tảng của công nghiệp nói chung là phân xưởng, máy móc, dây chuyền công nghệ, còn trong công nghiệp phần mềm thì cơ sở vật chất quan trọng nhất là trí tuệ của con người. Nhà khoa học Mỹ Feigenbaum cho rằng: “Tri thức là quyền lực, còn máy tính điện tử là bộ khuếch đại các quyền lực đó”.

Ba là: Các sản phẩm công nghiệp phần mềm được tiêu thụ trên thị trường thế giới một cách mau chóng, tốn kém rất ít chi phí chuyên chở từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Còn trong công nghiệp, việc chuyên chở sản phẩm chiếm chi phí rất đáng kể, nhất là trong công nghiệp nặng.

Bốn là: Sản phẩm của công nghiệp phần mềm không bị tiêu hao đi trong quá trình sử dụng mà ngược lại, sẽ làm tăng giá trị của các thành phần sử dụng nó lên gấp nhiều lần.

Năm là: Công nghiệp phần mềm là sản phẩm của một nền kinh tế toàn cầu hóa, trong đó thương mại điện tử đóng vai trò trung tâm của nền thương mại thế giới.

Sáu là: Công nghiệp phần mềm tạo điều kiện cho các nước tuy công nghiệp chưa phát triển cao, cũng có thể tham gia, nếu có một tiềm năng chất xám và một chính sách phù hợp ở tầm quản lý vĩ mô.

Trước hết, cần khẳng định, Việt Nam là đất nước có tiềm năng chất xám rất to lớn. Đây là tiền đề quan trọng nhất để phát triển công nghệ phần mềm thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và tiến tới xuất khẩu. Sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước cũng là những khích lệ đáng kể cho các nhà sản xuất phần mềm ở Việt Nam. Trong một cuộc hội thảo khoa học quốc gia về nền kinh tế tri thức mới tổ chức gần đây, một số nhà khoa học cho rằng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội hiếm có vào đầu thế kỷ 19 để chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. Và bây giờ, sau gần một trăm năm, một cơ hội mới để Việt Nam hòa nhập và phát triển lại xuất hiện. Đó là sự ra đời của nền văn minh thông tin và trí tuệ. Và lần này, chúng ta không có quyền bỏ lỡ. Từ việc Chính phủ cho phép hoà mạng Internet, từng bước tham gia vào thương mại điện tử, đến Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp phần mềm đã cho thấy một tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề này.

Để phát triển công nghiệp phần mềm ở Việt Nam thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tiến tới xuất khẩu, chúng ta cần tiến hành các giải pháp cơ bản sau đây:

1. Triển khai một kế hoạch dài hạn phát triển công nghiệp phần mềm của Việt Nam đến 2020 với một tầm nhìn toàn diện về xu thế phát triển trên thế giới.

2. Tăng cường công tác đào tạo, nhất là đào tạo một đội ngũ cán bộ tin học chuyên nghiệp phục vụ trực tiếp cho công nghiệp phần mềm. Đó là các phân tích viên hệ thống, lập trình viên, chuyên viên thiết kế hệ thống, chuyên viên bảo hành hệ thống...

3. Nhà nước cần giúp đỡ các công ty phần mềm xuất khẩu sản phẩm sang các nước đang phát triển đã có nền công nghiệp phát triển cao như Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu. Điều này tưởng như là nghịch lý, nhưng lại là thực tế khả thi. Vì ở các nước phát triển, với mức độ tin học hóa cao, với một hệ thống pháp luật chặt chẽ về bảo vệ quyền sở hữu sáng chế phát minh, việc xuất khẩu phần mềm sang các nước này sẽ đảm bảo quyền cho các nhà sản xuất phần mềm Việt Nam.

4. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ là một nền tảng quan trọng cho phát triển công nghiệp phần mềm ở nước ta. Đặc điểm của sản phẩm phần mềm là rất dễ sao chép, nhân bản. Để sản xuất ra một sản phẩm phần mềm có khi phải nghiên cứu hàng chục năm trời với sức lực của nhiều nhà lập trình tài năng và vốn đầu tư không nhỏ. Nhưng để sao chép chúng thì chỉ cần rất ít thời gian. Do đó, Nhà nước phải có chính sách bảo vệ các nhà sản xuất phần mềm, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động tin tặc. Chỉ có vậy, các nhà sản xuất mới yên tâm lâu dài để cho ra đời các phần mềm có giá trị.

5. Để đảm bảo khung pháp lý cho các hoạt động thương mại trên mạng Internet và xuất khẩu phần mềm, chúng ta phải có sự chuẩn bị để soạn thảo và thông qua Luật Điện tử của Việt Nam, công nhận chữ ký điện tử trong các văn bản giao dịch Thương mại và Ngân hàng cũng có giá trị pháp lý như chữ ký giấy mực.

6. Tham gia vào hệ thống thương mại điện tử thế giới là một bước tiến quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp phần mềm. Việc Việt Nam tham gia vào thương mại điện tử sẽ làm  tăng nhu cầu sử dụng phần mềm của các doanh nghiệp, tức là tạo ra thị trường rộng lớn cho sản phẩm của công nghiệp phần mềm.

7. Công nghiệp phần mềm là một ngành công nghiệp đặc biệt. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp. Trong những năm tới, để tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghiệp phần mềm còn non trẻ của đất nước, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên về thuế xuất nhập khẩu, các sản phẩm phần mềm để họ có thể an tâm, tập trung cao độ cho việc sáng tạo ra các sản phẩm không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn làm vẻ vang cho đất nước trong thế kỷ của nền kinh tế tri thức – thông tin./.

  • Tags: