Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chuẩn bị những gì cho hội nhập?

Năm 2003, được đánh giá là năm quan trọng đối với nước ta, đánh dấu bước khởi đầu của việc nền kinh tế nói chung, trong đó có các doanh nghiệp thuộc ngành Công nghiệp nói riêng thực hiện cam kết về cắ

1. Ông Lê Quốc Ân, CT-HĐQT TCty Dệt- May Việt Nam: Theo tôi ngành Dệt- May Việt Nam chỉ lo ngại khi chúng ta là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong thời gian tới. Còn đối với AFTA, tôi nghĩ rằng, hàng Việt Nam hiện không thua kém gì các mặt hàng cùng chủng loại của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, hàng may mặc của chúng ta hầu như chỉ xuất sang thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản...nên không có gì đáng ngại đối với việc cắt giảm thuế để thực hiện CEPT. Song cũng phải nói thật rằng, cái khó nhất cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Dệt may nói riêng khi hội nhập, đó là tình trạng các khoản chi phí đầu vào luôn luôn tăng (như điện tăng, xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí vận tải tăng...) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Dệt – May là làm sao phải nâng tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm dệt lên trên 50% vào năm 2005. Đồng thời, tăng năng lực cạnh tranh bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm mới thị trường mới ...và như vậy, theo tôi ngành Dệt-May phải tự cứu mình trước khi trời cứu!

2. Ông Nguyễn Văn Loan - Phó giám đốc Công ty Supe phôtphát và hóa chất Lâm Thao: Để cạnh tranh tốt khi hội nhập, phải làm thật tốt các khâu như cải tiến mẫu mã, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hoá và dịch vụ bán hàng ngay từ bây giờ.

Theo dự đoán, khi hội nhập AFTA, thị trường hàng hoá nói chung, cũng như phân bón nói riêng sẽ có những biến động, mà phải ít nhất 1 năm sau mới ổn định được. Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta phải có chiến lược phát triển và xem lại cách quản lý và có phương án đầu tư thích đáng để sau năm 2004, sẽ chỉ đi vào khai thác, thì mới có thể giảm được chi phí, hạ giá thành và mới có hy vọng sản phẩm sẽ có khả năng cạnh tranh cao được. Bên cạnh những dây chuyền sẵn có cần được nâng cấp để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, để chủ động nguyên liệu cho sản xuất NPK, Công ty dự định xây dựng 1 Nhà máy sản xuất SA với công suất 100 nghìn tấn/năm tại Hải Phòng, đồng thời thêm một dây chuyền sản xuất axít thương phẩm tận dụng từ nhà máy luyện đồng tại Thái Nguyên. Về lâu dài, NPK có khả năng cạnh tranh cao hơn, nên Công ty sẽ sớm đầu tư hoàn chỉnh thêm 1 dây chuyền sản xuất các loại phân bón hỗn hợp NPK có kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, với sản lượng lớn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, tại trung tâm đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay, Công ty đã xây dựng hệ thống quản lý theo ISO 9000:2000 cho NPK và đang tiếp tục chuẩn bị áp dụng cho supe lân, đồng thời phấn đấu đạt tiêu chuẩn ISO 14000 cho cả 2 sản phẩm trên trong 1-2 năm nữa. Công ty cũng đưa ra phương án giảm giá thành, có thể giảm số lao động trong Công ty từ 4.100 người xuống 2.500 người là hợp lý. Bên cạnh đó, Công ty cũng quan tâm hơn tới việc cải tiến mẫu mã, bao bì để thực sự hấp dẫn khách hàng ngay từ mẫu mã của sản phẩm. Thị trường của Công ty là nông thôn và khách hàng là bà con nông dân, nên khâu dịch vụ bán hàng được Công ty đặc biệt chú trọng. Công ty sẽ tăng cường kết hợp với các tỉnh để có thể sản xuất tại chỗ và mở rộng hệ thống kho trung chuyển, sẵn sàng bỏ hàng tỷ đồng bù vào cước vận chuyển và chi phí lưu thông để đưa sản phẩm tới tận các thôn, xã, đồng thời kết hợp với ngân hàng để làm tốt việc bán trả chậm cho nông dân. Công ty cũng có chế độ tăng thích đáng tỷ lệ phần trăm hoa hồng cho các đại lý tiêu thụ nhiều sản phẩm cho Công ty./.

 

3. Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Giám đốc Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, 5 năm qua, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành, sẵn sàng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Toàn bộ các dây chuyền sản xuất bóng đèn tròn, phích nước được đầu tư đổi mới đồng bộ từ khâu sản xuất bán thành phẩm thủy tinh đến khâu lắp ghép, từ thủ công, bán cơ giới sang cơ giới hóa, tự động hóa ở trình độ cao. Đầu tư thêm dây chuyền hiện đại sản xuất các sản phẩm mới như đèn huỳnh quang T10, T8, đèn huỳnh quang compact... Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, nhằm đáp ứng đòi hỏi của các đối tượng khách hàng. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất phụ tùng, linh kiện để giảm nhập khẩu hoặc mua ngoài, chủ động trong sản xuất.  So với năm 1990, doanh thu tiêu thụ của Công ty tăng gấp hơn 40 lần; lợi nhuận tăng gần 70 lần; nộp ngân sách tăng 121 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 13 lần. Qua 15 năm đổi mới, con người Rạng Đông đã vượt qua nhiều thử thách bởi tinh thần đoàn kết và sự phấn đấu, tích lũy không mệt mỏi. Có thể khẳng định, Rạng Đông luôn tự  tin bước vào cuộc thử sức mới - mở cửa và hội nhập.

 4. Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam

Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm

    Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, đó là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp tham gia vào các tổ chức quốc tế như AFTA, WTO...Trong những năm gần đây (đặc biệt trong 10 năm đổi mới), Công ty Sữa Việt Nam đã tập trung xây dựng chiến lược phát triển theo hướng quy hoạch sản xuất, từng bước đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ với tổng mức đầu tư 841 tỷ đồng, trang bị nhiều dây chuyền, công nghệ hiện đại của các nước có nền công nghệ chế biến sữa hàng đầu thế giới như Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, ý, Mỹ...để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh được với các sản phẩm của các hãng sữa thế giới, đồng thời, tập trung phát triển vùng nguyên liệu trong nước nên đã chủ động trong sản xuất. Năm 2003, chúng tôi sẽ phấn đấu nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm  để tăng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường nước ngoài, đảm bảo nhịp độ tăng trưởng 14,5%; Tiếp tục đầu tư phát triển đàn bò và tiêu thụ phần lớn sản phẩm sữa tươi trong nông dân, nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị tăng thêm.

   Trên con đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Công ty đã chuẩn bị hành trang mới bằng "Chất lượng- Giá cả- Phong cách phục vụ". Việc đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đã và đang giúp Công ty nâng cao khả năng cạnh tranh, song theo quan niệm của chúng tôi thì, yếu tố quyết định là sự năng động, cầu thị, sáng tạo và ý chí vươn lên của toàn thể CBCNV Công ty trong cơ chế cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

   Công ty mong Nhà nước có một số cơ chế chính sách phù hợp để tạo cơ hội cho Công ty phát huy hết tiềm lực của mình, phù hợp với thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước./.

    5. Ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện tử – Tin học.

Theo lộ trình hội nhập AFTA/CEPT, từ ngày 1/7/2003, thuế nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc (trong đó có sản phẩm nghe nhìn là sản phẩm chủ lực củ Tổng công ty) sẽ hạ từ 50% xuống còn 20%, nên cuộc cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN có nền công nghiệp điện tử hùng mạnh sẽ diễn ra quyết liệt hơn.

Vấn đề trọng tâm trong cạnh tranh là giá bán sản phẩm. Chúng tôi bước vào hội nhập với nhiều lợi thế như: sản phẩm điện tử thương hiệu Việt Nam trong vài năm qua đã có nhiều tiến bộ, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, nên thị phần đã tăng đáng kể, khâu quảng bá thương hiệu được thực hiện tốt, phát triển mạng lưới tiêu thụ, dịch vụ sau bán hàng nên được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm. Do đó, nếu tiếp tục tận dụng được những lợi thế và có những bước đi thích hợp, ngành hàng này vẫn có thể phát triển và đạt mức tăng trưởng hàng năm 5-10%. Vấn đề mà Tổng công ty Điện tử – Tin học đang thực hiện chiến lược phát triển và hội nhập là việc tiếp tục phát huy các lợi thế trên và đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức sở hữu các doanh nghiệp thành viên, nhằm tìm ra mô hình quản lý thích hợp để giảm chi phí sản xuất, đảm bảo giá thành cạnh tranh với các nước trong khu vực. Như vậy, việc hội nhập tuy có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của Tổng công ty nhưng không vì thế mà Tổng công ty không phát triển./.

  • Tags: