Tiến tới tập đoàn công nghiệp Thương mại- tài chính mạnh

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và với những nỗ lực cao, 30 năm qua (03/9/1975 - 03/9/2005) Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành ngành

                        PV: Với những cố gắng trong các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của PETROVIETNAM, trữ lượng tiềm năng và tài nguyên dầu khí của Việt Nam được xác định như thế nào, thưa ông?

            Ông Trần Ngọc Cảnh: Trữ lượng tiềm năng và tài nguyên dầu khí của Việt Nam (chủ yếu khu vực thềm lục địa) được xác định vào khoảng 3.000 - 4.000 triệu m3 qui dầu. Tại 60 cấu tạo chứa dầu khí, trữ lượng dầu khí phát hiện và xác minh đạt khoảng 1 tỉ m3 qui dầu. Nhiều mỏ dầu khí có giá trị thương mại được phát hiện và lần lượt được đưa vào khai thác. Để hoàn thành mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí, đảm bảo cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, cùng với việc tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trong nước, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đang tích cực triển khai các dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò ở nước ngoài theo hình thức hợp tác với các nước trong khu vực có tiềm năng dầu khí như: hợp tác 3 bên giữa Petrovietnam - Petronas (Malaysia) - Pertamina (Indonexia), đấu thầu quốc tế các hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí hoặc mua cổ phần trong các hợp đồng dầu khí tại các khu vực, quốc gia có tiềm năng dầu khí trên thế giới.

            PV: Từ kết quả tìm kiếm, thăm dò, đánh giá trữ lượng dầu khí, PETROVIETNAM đã và đang triển khai các hoạt động gì để khai thác dầu khí đạt hiệu quả cao?

            Ông Trần Ngọc Cảnh: Hoạt động khai thác dầu khí đang được triển khai tại 7 khu mỏ là Bạch Hổ - Rồng, Đại Hùng, Ruby, Rạng Đông, Lan Tây - Lan Đỏ, Sư Tử Đen, cụm mỏ PM3 (vùng phát triển chung với Malaysia) và mỏ Cái nước, mỏ Tiền Hải C. Trong những năm tới, một số mỏ mới như Sư Tử Vàng thuộc cụm mỏ Sư Tử, Hải Thạch, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Kim Long, ác Quỷ, Cá Voi... sẽ được phát triển và đưa vào khai thác, nhằm duy trì và nâng cao sản lượng khai thác dầu khí. Mỏ Tiền Hải C (trữ lượng 1,3 tỉ m3 khí) được khai thác từ tháng 6/1981, cung cấp bình quân trên 20 triệu m3/năm cho Công nghiệp tỉnh Thái Bình. Sản lượng khai thác dầu khí từ khi khai thác tấn dầu đầu tiên (6/1986 tại mỏ Bạch Hổ), đến cuối năm 2004 đạt gần 189 triệu tấn qui dầu (gồm 171 triệu tấn dầu thô và 18 tỉ m3 khí). Riêng sản lượng khai thác dầu khí giai đoạn 2001 - 2004 đạt 85,36 triệu tấn qui dầu. Dự kiến giai đoạn 2001 - 2005 sẽ đạt109,4 triệu tấn qui dầu. Ngày 12/6/2005, ngành Dầu khí đã đạt mốc khai thác 200 triệu tấn dầu khí qui đổi.

            PV: Từ mỏ khí Tiền Hải C - Thái Bình (bước khởi đầu việc sử dụng khí thiên nhiên ở nước ta) đến dòng khí đồng hành đầu tiên của mỏ Bạch Hổ được đưa vào bờ (26/4/1995) đã đánh dấu bước tiến quan trọng cho sự phát triển của Công nghiệp Khí?

            Ông Trần Ngọc Cảnh: Đúng vậy, từ đó đến nay, nhiều công trình phụ trợ quan trọng và các công trình chế biến, sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ đã được đầu tư hoàn thiện như: giàn nén khí nhỏ thực hiện Gaslift, tổ hợp giàn nén trung tâm mỏ Bạch Hổ. Trạm phân phối khí Phú Mỹ, Nhà máy LPG Dinh Cố, Nhà máy chế biến Condensate, đường ống thu gom khí đồng hành mỏ Rạng Đông, hệ thống phân phối khí thấp áp... Tính đến tháng 4/2005, sau 10 năm vận hành, đường ống dẫn khí Bạch Hổ và Rạng Đông đã đưa vào bờ 13,8 tỉ m3 khí đồng hành, cung cấp 2 triệu tấn khí hóa lỏng cho thị trường trong nước. Hiện nay, toàn bộ Dự án khí Bạch Hổ tiếp tục vận hành có hiệu quả, sản lượng khí đạt 4,6 triệu m3/ngày (khoảng 1,6 - 1,7 tỉ m3/năm). Cuối tháng 11/2002, hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn (dài 399 km, công suất vận chuyển tối đa 20 triệu m3/ngày - đêm, khoảng 6 tỉ m3/năm) đã hoàn thành, đưa dòng khí đầu tiên của mỏ Lan Tây - lô 06.1 vào bờ, phục vụ đắc lực cho sản xuất điện tại khu vực Phú Mỹ và hoạt động của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Đây là điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển của Công nghiệp Khí. Từ cuối tháng 5/2005, đường ống đã thử nghiệm thành công việc nâng công suất vận chuyển khí lên trên 13 triệu m3/ngày, phục vụ kịp thời cho sản xuất điện trong tình hình khô hạn kéo dài. Tiếp tục đẩy mạnh bước phát triển Công nghiệp Khí Việt Nam, TCT đang triển khai dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thủ Đức, chuẩn bị triển khai dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, nghiên cứu khả năng liên kết các hệ thống đường ống dẫn khí và kết nối với đường ống dẫn khí khu vực.

            PV: Được biết, những năm gần đây, PETROVIETNAM đạt kết quả khả quan trong các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí?

            Ông Trần Ngọc Cảnh: Đúng là các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí của PETROVIETNAM đã đạt mức tăng trưởng cao, nhờ tích cực đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, từ dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành đến các loại hình dịch vụ phục vụ sinh hoạt. Doanh thu năm 2001 mới đạt 54.549 tỉ đồng đến năm 2004 tăng lên 114.240 tỉ đồng và năm 2005 dự kiến đạt 87.926 tỉ đồng, giai đoạn 2001 - 2005 đạt 389.813 tỉ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước năm 2001 là 27.135 tỉ đồng, năm 2004 tăng lên 49.294 tỉ đồng, năm 2005 dự kiến là 32.262 tỉ đồng và giai đoạn 2001 - 2005 đạt 175.431 tỉ đồng. Hàm lượng công nghệ của các dịch vụ không ngừng được nâng cao và từng bước mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới.

            PV: Mục tiêu chiến lược của ngành Dầu khí Việt Nam trong thế kỷ XXI là xây dựng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Thương mại - Tài chính mạnh của đất nước, hoạt động đa chức năng ở trong nước và ngoài nước, tham gia tích cực vào quá trình hợp tác với khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhiên liệu và góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ vững an ninh quốc phòng của đất nước. TCT có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

            Ông Trần Ngọc Cảnh: Những định hướng chủ đạo làm cơ sở hoạch định cho sự phát triển của TCT đoạn 2001 - 2005 là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí nhằm gia tăng trữ lượng, chính xác hóa tiềm năng dầu khí của đất nước, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển ngành Dầu khí và toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Giữ ổn định và từng bước gia tăng sản lượng khai thác dầu khí nhằm đảm bảo nguồn thu, góp phần giảm nhẹ khó khăn trong cân đối ngân sách quốc gia, đồng thời tạo tiền đề để phát triển toàn diện và bền vững ngành Công nghiệp mũi nhọn này của đất nước. Phát triển ngành Công nghiệp Khí đầy tiềm năng, khuyến khích để mở rộng thị trường tiêu thụ khí, xây dựng và vận hành an toàn hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia, tham gia liên kết vào hệ thống đường ống dẫn khí khu vực, phục vụ nền kinh tế quốc dân. Đẩy mạnh khâu chế biến khí nhằm từng bước đảm bảo an ninh nhiên liệu cho phát triển đất nước, đồng thời cung cấp nhiên liệu cho công nghiệp Hóa dầu, nguyên liệu sản xuất sợi tổng hợp cho ngành công nghiệp Dệt, sản xuất phân đạm, chất nổ, chất dẻo, nhựa đường... và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác. Phát triển công tác thương mại, tài chính, bảo hiểm và dịch vụ dầu khí. Tham gia có hiệu quả vào thị trường kinh doanh dầu thô và sản phẩm dầu khí quốc tế. Từng bước phát triển hoạt động của PETROVIETNAM ra nước ngoài cả về lĩnh vực Thăm dò - Khai tác - Dịch vụ - Thương mại... nhằm đảm bảo nguồn cung cấp dầu khí lâu dài cho đất nước. Đẩy mạnh phát triển tiềm lực KHCN của Tổng Công ty, sớm tiếp cận với trình độ chung của cộng đồng quốc tế. Phát huy nội lực, kết hợp với tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài theo nhiều hình thức, hội nhập bình đẳng vào cộng đồng dầu khí quốc tế. Phát triển các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, nhằm tạo động lực cho phát triển những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam, khu vực miền Đông và miền Tây nam Bộ.

            PV: Xin cám ơn ông!
  • Tags: