Trong những năm Việt Nam tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các nước Châu Phi anh em đã hết lòng ủng hộ nhân dân Việt Nam. Ngược lại, chiến thắng Điện Biên phủ của nhân dan Việt Nam là nguồn cổ vũ to lớn đối với những người Châu Phi đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Những năm 1960, một loạt nước Châu Phi đã giành được độc lập. Đại thắng mùa xuân năm 1975, Việt Nam hoàn toàn được giải phóng đã là nguồn động viên to lớn đối với các nước Châu Phi, nhiều quốc gia ở châu lục này tiếp tục giành được độc lập.
Châu Phi có vị trí địa lý khá quan trọng. Nằm gần như giữa Châu á, Châu Âu và qua Đại Tây dương sang Châu Mỹ. Châu Phi là châu lục có diện tích lớn thứ 3 trên thế giới với diện tích trên 30 triệu km2, dân số trên 800 triệu người (chiếm 13% dân số thế giới). Tài nguyên thiên nhiên của Châu Phi khá phong phú, trước hết phải nói đến kim cương chiếm 90% trữ lượng thế giới, cô ban 87%, vàng 67%, măng gan 70%, thuỷ điện 35,4% và rất nhiều đầu mỏ. Tuy nhiên, Châu Phi đang phải đương đầu với đói nghèo, dịch bệnh và nhiều cuộc chiến tranh sắc tộc, tốc độ phát triển kinh tế thấp, tỷ lệ đói nghèo cao (49% dân sống dưới mức nghèo khổ, GDP bình quân đầu người năm 2003 là 671 USD, thấp nhất trong các châu lục. Trong số 54 nước Châu Phi hiện nay, đã có 41 nước là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với một số nước Châu Phi đã có từ lâu. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập với quan hệ ngọai giao với 48 quốc gia Châu Phi. Chúng ta đã có 6 Đại sứ quán ở châu Phi đặt tại Nam Phi, An-giê-ri, Li-bi, Ai-cập, Ăng-gô-la và Tan-da-ni-a. Việt Nam đã có ủy ban hỗn hợp hợp tác kinh tế-thương mại với 5 nước: An-giê-ri, Li-bi, Ai-cập, Ăng-gô-la và Cộng hòa Công-gô.
Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với 14 nước và ký hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ với gần 20 quốc gia châu Phi. Năm 2002, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Châu Phi đạt 218 triệu USD. Châu Phi chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam và bằng 0,1% tổng giá trị nhập khẩu của Châu Phi.
Một trong những yếu tố làm cho quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên là nhiều cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu rõ và chưa quan tâm đầy đủ đến các tiềm năng và cơ hội kinh doanh tại Châu Phi.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia y tế, giáo dục sang làm việc tại nhiều nước Châu Phi. Nhưng do khó khăn về kinh tế của nhiều nước châu Phi nên hiện nay chỉ còn hơn 300 chuyên gia làm việc chủ yếu ở Ăng-gô-la. Ngoài ra, có khoảng 200 chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đang làm việc ở một số nước theo chương trình hợp tác 3 bên, với sự tài trợ của Tổ chức lương nông thế giới (FAO) và 3500 lao động Việt Nam đang làm việc cho các công ty xây dựng, chủ yếu ở Li-bi.
Việt Nam và nhiều nước Châu Phi mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác về mọi mặt, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 bên có nhiều khó khăn vì vị trí địa lý xa xôi, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu ổn định, khả năng và thủ tục thanh toán trong giao dịch thương mại trực tiếp còn nhiều bất cập....Tuy nhiên, trong quan hệ hợp tác giữa 2 bên cũng có những thuận lợi vì hầu hết các nước châu Phi đều có tình cảm và quan hệ chính trị tốt với Việt Nam, trình độ và kinh nghiệm phát triển của ta phù hợp với hầu hết các nước Châu Phi; thị trường Châu Phi nói chung đang trong giai đoạn chuyển đổi, nên không quá khắt khe và có nhu cầu về những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, cà phê, cao su, chè, hàng thủ công, may mặc, điện tử, công nghiệp nhẹ, hàng gia dụng, đồ điện, dược phẩm...Nhiều nước Châu Phi được hưởng chế độ ưu đãi trong quan hệ thương mại với Mỹ và EU nên Việt Nam có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Châu Phi để xuất khẩu vào các thị trường này. Một số nước như Nhật, Pháp và các tổ chức quốc tế như FAO, UNDP mạnh về tài chính và mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước Châu Phi, nhằm đề cao uy tín của mình mà chuyên gia Việt Nam lại tương đối phù hợp với yêu cầu thực hiện các dự án của các nước này.
Mục tiêu, phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và Châu Phi từ nay đến năm 2005 là tranh thủ các nước Châu Phi ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO; thúc đẩy chương trình hợp tác 3 bên; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên trên 500 triệu USD; xuất khẩu trên 3000 lao động Việt Nam sang Châu Phi.
Trong quan hệ hợp tác với Châu Phi, ngành Công nghiệp Việt Nam mới có những bước đi đầu tiên. Trước hết là việc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã ký hợp đồng liên doanh, thăm dò khai thác dầu khí tại An-giê-ri,...Một số mặt hàng công nghiệp cũng đã xuất khẩu được sang Châu Phi như hàng đệt may, điện-điện tử, giầy dép (mỗi ngành khoảng trên dưới 10 triệu đôla Mỹ); xe máy cũng đã xuất sang Nam Phi.
Tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam-Châu Phi: Những cơ hội hợp tác và phát triển trong thế kỷ XXI” tổ chức tại Hà Nội trong tháng 5 năm 2003, lãnh đạo Bộ Công nghiệp đã giới thiệu một số sản phẩm, lĩnh vực công nghiệp có nhiều khả năng hợp tác, đồng thời cũng là mối quan tâm của một số doanh nghiệp Việt Nam:
1. Các sản phẩm hàng tiêu dùng bao gồm hàng dệt may, các loại bóng đèn điện huỳnh quang, bóng đèn tròn hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, ống thuỷ tinh kiềm để làm bóng đèn, văn phòng phẩm các loại, các mặt hàng sắt tráng men; các lọai dầu thực vật, sữa, bánh kẹo...
2. Thiết bị toàn bộ: phục vụ cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sứ dân dụng và cách điện đến 35 kV; dây chuyền sản xuất đến 1000T/năm; máy dệt; dây chuyền ươm tơ; máy cắt vải đầu bàn, máy dập cúc, là hơi, làm nẹp; dây chuyền sản xuất giầy vải; dây chuyền đùn ép nhựa; dây chuyền sản xuất mì ăn liền, dây chuyền sản xuất bia; dây chuyển sản xuất đường 2000 T mía cây/ngày; Nhà máy chế biến chè 40T/ ca; xay xát; chế biến cà phê, hạt dầu. Dây chuyền chế biến cao su công suất đến 1000 T/ngày; máy đóng bao, máy vào bao bóng kính thuốc lá.
3. Máy động lực, máy nông nghiệp và đóng tàu: máy kéo 4 bánh công suất 50 HP; máy kéo 4 bánh cỡ nhỏ 20 HP; máy kéo nhỏ 2 bánh 6-12 HP và máy canh tác các loại; sửa chữa và đóng mới nhiều loại tàu khác nhau, bao gồm: tàu vận tải hàng khô và tàu container từ 1000 T – 12.000 T; tàu hút bùn 300 m3/h; cần cẩu nổi 600 T; tàu đánh bắt cá xa bờ công suất 600 HP; tàu tuần tra ven biển tốc độ 30 hải lý/giờ; xe gắn máy các loại.
Hiện nay các Bộ, ngành đang phối hợp chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Châu Phi giai đoạn 2003-2010. Với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo khuôn khổ pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, với các quỹ xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, tạo điều kiện tiếp cận thông tin và hiểu biết đầy đủ hơn về thị trường Châu Phi cùng với sự năng động, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh... của mình, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội vượt qua những khó khăn, thách thức để tạo chỗ đứng trên thị trường đầy tiềm năng tại các nước Châu Phi, đưa quan hệ kinh tế, thương mại lên ngang tầm với quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Châu Phi.