TP. HCM Dẫn đầu trong cải cách hành chính. Đẩy mạnh thí điểm cơ chế "Một cửa, một dấu"

Nhằm góp thêm những ý kiến thiết thực xung quanh vấn đề cải cách hành chính tại TP.HCM, Phóng viên Tạp chí Công nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch – Viện Trưởng Viện Kinh tế TP.HCM. Sau đ

PV: Xin Tiến sĩ cho biết một số nhận định chung về tình hình cải cách hành chính hiện nay ở TP.HCM?
TS. Trần Du Lịch: TP.HCM là một trong những địa phương trong cả nước đi đầu trong cải cách hành chính, mà nổi bật nhất là thí điểm cơ chế “một cửa, một dấu”, cơ chế “khoán quỹ lương hành chính” tại một số cơ quan hành chính trực thuộc Thành phố. Các mô hình trên đã được các cơ quan chức năng Trung ương đúc kết và triển khai ở nhiều nơi, mang lại kết quả thiết thực. Trong chương trình cải cách hành chính của Thành phố áp dụng cho cả giai đoạn 2001-2005, đã cụ thể hoá các nội dung cải cách hành chính cho từng năm, tiến hành đồng bộ cả 3 bộ phận: (1) thể chế hành chính, (2) bộ máy vận hành và (3) cán bộ, công chức ... Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của mỗi năm, trọng tâm của cải cách hành chính được đề ra tương ứng. Ví dụ; trong năm 2002, trọng tâm của cải cách là phân cấp cho Sở, Ngành, Quận, Huyện theo tinh thần Nghị định 93/CP của Chính phủ (phân cấp một số lãnh vực cho TP.HCM); trong năm 2003, trọng tâm của cải cách hành chính là quản lý đô thị, thủ tục xây dựng, nhà, đất...; trọng tâm của năm 2004 là cải thiện môi trường đầu tư thông qua cơ chế “một cửa” để cung cấp dịch vụ hành chính công cho mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước (từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cấp phép, triển khai thực hiện dự án đầu tư ...). Có thể nói rằng, trong các năm qua, Đảng bộ và Chính quyền Thành phố luôn luôn gắn nhiệm vụ cải cách hành chính với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố và thực tế cho thấy, nếu cải cách hành chính có hiệu quả, thì đó chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình cải cách hành chính, bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố vẫn còn bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị, có quy mô lớn, phực tạp như TP.HCM. Do đó, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, Thành phố đã xác định việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến hành đồng bộ cả 3 nội dung (thể chế, bộ máy, con người) là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp; xem hiệu quả, hiệu lực của cải cách hành chính như là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước Thành phố.

PV: So với các quốc gia tiên tiến khác, đặc biệt tại khu vực Đông Nam á mà Tiến sĩ  đã đi qua thì kinh nghiệm nào có thể áp dụng thích hợp cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ?
 
TS. Trần Du Lịch:  Trước hết cần thống nhất quan điểm là, việc vận dụng kinh nghiệm tích cực cải cách hành chính của nước ngoài vào nước ta, cần xem xét cụ thể sự tương đồng và khác nhau về các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa ...khi tiến hành áp dụng một nội dung cụ thể nào đó. Tôi cho rằng, đây là vấn đề khó nhất, khi đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, vì nếu không xem xét các yếu tố trên, thì tự nó đã thiếu khoa học. Tuy nhiên, theo tôi, từ kinh nghiệm của nhiều nước trong cải cách hành chính, chúng ta có thể rút ra 03 điều sau đây :
- Thứ nhất, muốn cải cách hành chính có hiệu quả, cần thí điểm đồng bộ cả 03 nội dung: Thể chế hành chính; bộ máy vận hành và cán bộ – công chức, như đã đề cập bên trên. Nếu chúng ta cứ tập trung vào thủ tục hành chính (thể chế), trong khi đó bộ máy vận hành không phù hợp với chức năng nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ-công chức không đáp ứng yêu cầu công vụ, thì dù thủ tục hành chính có đơn giản đến đâu cũng không vượt qua được sự trì trệ.
- Thứ hai, các quy định hành chính phải rất cụ thể (càng cụ thể, càng tốt), rõ ràng (ai cũng hiểu giống nhau), minh bạch, công khai đến từng đối tượng điều chỉnh để bảo đảm rằng, cán bộ-công chức khi thừa hành công vụ không thể lạm quyền hay từ chối trách nhiệm. Hiện nay, chúng ta mới chú ý đến tình trạng một bộ phận công chức lạm quyền gây nhũng nhiễu với dân, với doanh nghiệp, nhưng chưa thực sự quan tâm đến thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức “không thực hiện công vụ theo nhiệm vụ”, mà dư luận gọi là tình trạng “vô cảm” trước yêu cầu chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp.
- Thứ ba, các biện pháp chế tài phải đủ nghiêm khắc, tương xứng với hành vi vi phạm, đủ sức răng đe đối với những cán bộ-công chức lạm quyền hoặc thiếu trách nhiệm trước công vụ; đồng thời phải có chế độ đãi ngộ tương xứng với công vụ được giao. Kinh nghiệm của Pháp cho thấy, ngay từ giai đoạn đào tạo, phải trang bị cho người công chức nhận thức được rằng, làm công chức là một nghề, mà nghề này không bao giờ có thể làm giàu, nhưng cuộc sống được đảm bảo, không bị rủi ro bởi tác động của cơ chế thị trường. Còn muốn làm giàu, thì không nên chọn nghề công chức, mà làm doanh nghiệp có thể làm giàu, nhưng phải chấp nhận rủi ro. Nhận thức đó, là nền tảng văn hóa, để người công chức hành xử công vụ.

PV: Về mặt kinh tế, Viện Kinh tế có đề xuất gì với Thành phố để đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính ?
TS.Trần Du Lịch: Viện Kinh Tế của chúng tôi là cơ quan tham mưu kinh tế của UBND Thành phố, nên chúng tôi luôn luôn được UBND Thành phố giao nhiệm vụ tham gia vào quá trình cải cách hành chính, nhất là cải cách hành chính trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, trong thời gian qua chúng tôi cũng có những đóng góp vào kết quả cải cách hành chính của Thành phố và cũng thấy trách nhiệm của mình trước nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực hành chính hiện nay, nhất là vấn đề cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

PV: Xin cám ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi bổ ích này!

  • Tags: