Hội nghị trực tuyến về bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường những tháng cuối năm

Ngày 6/10/2010, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Tham gia Hội nghị có đại diện lãnh đạo một s

Kiểm soát giá cả hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên liệu đầu vào và nhập khẩu tăng, nhưng nhờ thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đề ra nên nền kinh tế tiếp tục giữ được ổn định và có chuyển biến tích cực. Trong đó, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng ở tất cả các nhóm hàng thiết yếu. Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, đồng thời, theo dõi sát diễn biến của thị trường, nên đã kịp thời xử lý các hiện tượng sốt giá, găm hàng ở một số mặt hàng như thép, gạo, đường, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. 

Thực hiện bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm, Bộ đã chỉ đạo các sở Công Thương, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp thuộc Bộ lên phương án cụ thể từ nay đến hết năm 2010 và các tháng đầu năm 2011. 

Ông Lê Ngọc Đào - Giám đốc Sở Công Thương Tp Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, Thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Sau 9 năm thực hiện, Chương trình bình ổn đã mang lại những hiệu quả cao, góp phần vào điều tiết, dẫn dắt giá cả thị trường, bên cạnh đó, doanh nghiệp ngày càng vững vàng hơn, tạo lập được uy tín, mở rộng mạng lưới phân phối, xây dựng thêm nhiều siêu thị, cửa hàng. 

Năm nay, Tp Hà Nội cũng dành 500 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa. Đại diện thành phố cho biết, sẽ xác định các mặt hàng thiết yếu để dự trữ. Nếu có biến động về hàng hóa sẽ đáp ứng và điều tiết kịp thời theo yêu cầu của thị trường. 

Các địa phương khác như Cần Thơ, Đăklăk, Hải Phòng, Lâm Đồng, Kon Tum, Hà Nam, Hà Tĩnh… cho biết cũng xây dựng các phương án bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm. 

Không để biến động giá các mặt hàng thiết yếu 

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, mỗi một địa phương có nhu cầu tiêu dùng hàng hóa khác nhau, do đó tùy từng tỉnh, thành phố cần xác định rõ các mặt hàng dự trữ thiết yếu. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến bình ổn giá các mặt hàng như xi măng, thép, xăng dầu…, đảm bảo cung cầu mặt hàng này ở các địa phương. 

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện nay doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất được xi măng, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, do đó cần hạn chế nhập khẩu xi măng và có những quy định chặt chẽ việc nhập khẩu các loại hàng hóa (như thép, xi măng…) để không gây ra những biến động về giá trên thị trường. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng Quốc hội thông qua 8%, từ này đến cuối năm để giữ được mức này cần có những giải pháp kịp thời. Theo ông, để đảm bảo cung cầu các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, đường, muối, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng, giấy, xăng dầu, than, thuốc chữa bệnh) cần có đánh giá, dự báo nhu cầu sát với thực tế, chuẩn bị đủ các nguồn cung, không để xẩy ra biến động về giá các mặt hàng này. Về cơ bản, các mặt hàng đã đảm bảo, tuy nhiên đối với các mặt hàng nhạy cảm như điện, than… xem xét không điều chỉnh giá vào những tháng cuối năm; đối với mặt hàng xăng dầu, cần dãn thời gian điều chỉnh giá. 

Cũng theo ông Phương, nếu hai thành phố lớn là Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện tốt việc kiểm sóat giá cả các mặt hàng hóa trong những tháng cuối năm, sẽ bình ổn được thị trường chung trên cả nước.
5 nhóm giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu.
 
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường trong những tháng, quý đầu năm và 3 tháng cuối năm 2010. Theo Phó Thủ tướng, 3 tháng cuối năm, theo quy luật giá cả sẽ tăng mạnh, từ giờ đến cuối năm còn nhiều vấn đề nảy sinh như thiên tai bão lũ. Hiện nay, tình hình cung cấp nước trên các miền đang diễn ra hết sức gay go, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cung cấp điện. Dự báo trong 3 tháng thiếu khoảng 200 triệu kWh điện. Từ giờ đến cuối năm, chúng ta phải có giải pháp tiết kiệm 2 tỷ kWh dành cho vụ đổ ải năm 2010. Nếu thiếu điện và nước, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung hàng hóa. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần hết sức lưu ý tích nước và dự trữ nước trên các hồ thủy điện. 

Phó Thủ tướng đã thống nhất 5 nhóm giải pháp của Bộ Công Thương về bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường, đó là: (1) Đẩy mạnh sản xuất công nghiêp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; (2) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để đưa vào sản xuất, tạo nguồn cung cho thị trường; (3) Tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tại các địa phương; (4) Tăng cường kiểm sóat thị trường, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng trọng yếu; (5) Tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. 

Với 5 nhóm giải pháp lớn được nêu ra tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung đảm bảo cung cầu điện, theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu ở tầm vĩ mô, dự báo sớm thị trường, thông tin kịp thời, hỗ trợ việc triển khai hệ thống phân phối bán lẻ cho các địa phương. Về dài hạn, Bộ Công Thương cần xây dựng quy chế thực hiện việc bình ổn giá cả thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vấn đề lương thực, thực phẩm cuối năm, có giải pháp khôi phục đàn gia súc, sản xuất nông nghiệp trong mùa bão lũ, phòng chống dịch bệnh, chú ý mặt hàng gạo, thịt lợn và muối. Trong mùa xây dựng tới, dù nguồn cung bảo đảm, nhưng Bộ Xây dựng cần lưu ý chỉ đạo xử lý vấn đề sốt giá cục bộ. Bên cạnh đó, các địa phương phải thường xuyên đánh giá lại cung cầu, có báo cáo về từng mặt hàng thiết yếu, trên cơ sở đó xác định mặt hàng cần bình ổn để đề xuất cơ chế, giải pháp.