1- Cấu trúc của Tập đoàn BC - VT Việt Nam
Tập đoàn BC-VT Việt Nam được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và các đơn vị thành viên, có cấu trúc như sau:
1.1 Công ty mẹ: Được đặt tên là Tập đoàn BC-VT Việt Nam, là công ty nhà nước, do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập và sở hữu 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo luật DNNN ban hành năm 2003, bao gồm:
- Đơn vị quản lý, kinh doanh đường trục viễn thông được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN); thực hiện hạch toán phụ thuộc (HTPT).
- Đơn vị quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn.
- Các đơn vị sự nghiệp gồm: Học viện Công nghệ BC-VT, 03 bệnh viện Bưu điện, 03 bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng.
- Các cơ quan quản lý, điều phối các nguồn lực về chiến lược phát triển, tài chính, nguồn nhân lực, marketing...
- Trung tâm Thông tin Bưu điện chịu trách nhiệm về quan hệ công chúng, truyền thông; thực hiện HTPT.
Công ty mẹ thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào các công ty con theo quy định của pháp luật, giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường; điều hành thống nhất mạng lưới; trực tiếp quản lý và kinh doanh mạng viễn thông đường trục. Như vậy, công ty mẹ (Công ty nắm vốn) là công ty có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư tài chính vào các công ty con, đồng thời vừa trực tiếp kinh doanh.
1.2 TCTy Bưu chính Việt Nam: là Tổng Công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập theo luật DNNN ban hành năm 2003, được giao vốn qua Công ty mẹ, kinh doanh đa ngành và thực hiện nhiệm vụ công ích về bưu chính do Nhà nước giao với tư cách là Bưu chính Việt Nam, có tư cách pháp nhân và tài sản riêng. TCTy Bưu chính Việt Nam được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị HTPT, hạch toán độc lập (HTĐL) của TCTy Bưu chính Viễn thông Việt nam và các công ty liên kết.
2- Các đặc điểm của Tập đoàn BC-VT Việt Nam
- Tập đoàn BC-VT Việt nam là một tổ hợp kinh tế gồm công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết; có sở hữu hỗn hợp trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chủ đạo với sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; kinh doanh đa lĩnh vực trong đó BC-VT và CNTT là chuyên ngành kinh doanh chính; có quy mô lớn, trình độ công nghệ cao; có sự gắn bó, liên kết chặt chẽ về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.
- Công ty mẹ, các công ty con và các công ty liên kết đều là những pháp nhân độc lập, bình đẳng trong thương trường và trước pháp luật, tuy nhiên tổ hợp Công ty mẹ- Công ty con không có tư cách pháp nhân.
- TCTy Bưu chính là Tổng Công ty do Nhà nước đầu tư thành lập và giao vốn thông qua Tập đoàn BC-VT Việt Nam - Công ty mẹ, kinh doanh đa ngành, trong đó dịch vụ bưu chính là ngành kinh doanh chính; bảo đảm cung cấp các dịch vụ bưu chính công cộng theo quy định của Pháp lệnh BC-VT và các nhiệm vụ công ích khác do Nhà nước giao. Do vậy Tổng Công ty Bưu chính là một loại hình doanh nghiệp nhà nước đặc biệt nằm trong Tập đoàn BC-VT Việt Nam, được hình thành trên cơ sở những đặc thù của ngành BC-VT Việt Nam.
- Các Tổng Công ty Viễn thông vùng là tổng công ty do Nhà nước đầu tư và thành lập, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con:
- Ban lãnh đạo của công ty mẹ gồm Hội đồng quản trị là đại diện chủ sở hữu nhà nước, Tổng Giám đốc thực hiện chức năng điều hành công ty mẹ; đồng thời là ban lãnh đạo của toàn Tập đoàn.
Hội đồng quản trị Tập đoàn có nhiều nhất 9 thành viên gồm Chủ tịch Tập đoàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn, Trưởng ban kiểm soát Tập đoàn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính, 03 Tổng Giám đốc các TCTy Viễn thông vùng I, II, III và có 01-2 chuyên gia.
- Ban lãnh đạo Tập đoàn sử dụng Ban Kiểm soát, Văn phòng, các ban chuyên môn nghiệp vụ của công ty mẹ là cơ quan giúp việc quản lý điều hành và tư vấn chuyên môn nghiệp vụ. Đứng đầu các lĩnh vực của cơ quan điều phối là các giám đốc phụ trách lĩnh vực, thực hiện chức năng nhiệm vụ được quy định trong điều lệ của công ty mẹ.
- Tập đoàn có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của TCTy Bưu chính Viễn thông Việt nam theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ chỉ can thiệp vào Công ty mẹ với tư cách là nhà đầu tư.
3- Các vấn đề cơ bản khi chuyển đổi TCTy Bưu chính Viễn thông Việt nam sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế
3.1 Nguyên tắc xác định vốn điều lệ
a) Vốn điều lệ của Tập đoàn BC-VT Việt nam (Công ty mẹ) là số vốn nhà nước đầu tư và ghi trong điều lệ của Công ty mẹ.
b) Vốn điều lệ của các TCTy Viễn thông vùng là số vốn do Công ty mẹ đầu tư và ghi trong điều lệ của TCTy, gồm:
+ Vốn của Công ty mẹ thực có trên sổ kế toán tại thời điểm thành lập Tổng Công ty Viễn thông vùng theo quy định tại các Nghị định 153/2004/NĐ-CP và Nghị định 199/2004/NĐ-CP.
+ Lợi nhuận sau thuế để lại bổ sung vốn cho TCTy.
+ Các khoản nộp ngân sách nhưng được Nhà nước để lại bổ sung vốn (nếu có).
+ Các loại vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách và coi như ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính.
c) Vốn điều lệ của các Công ty TNHH nhà nước một thành viên trong Tập đoàn là số vốn do Công ty mẹ đầu tư và ghi trong điều lệ của Công ty TNHH nhà nước một thành viên, gồm:
+ Vốn của Công ty mẹ thực có trên sổ kế toán tại thời điểm chuyển đổi từ DNNN sang Công ty theo quy định tại Nghị định 63/2001/NĐ-CP ngày 14/9/2001 của Chính phủ.
+ Lợi nhuận sau thuế để lại bổ sung vốn cho Công ty.
+ Các khoản nộp ngân sách nhưng được Nhà nước để lại bổ sung vốn (nếu có).
+ Các loại vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách và coi như ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính.
d) Vốn điều lệ của TCTy Bưu chính là số vốn do Nhà nước đầu tư và ghi trong điều lệ của TCTy, gồm:
+ Vốn nhà nước thực có trên sổ kế toán tại thời điểm thành lập TCTy theo quy định tại các Nghị định 153/2004/NĐ-CP và Nghị định 199/2004/NĐ-CP.
+ Lợi nhuận sau thuế để lại bổ sung vốn cho TCTy.
+ Các khoản nộp ngân sách nhưng được Nhà nước để lại bổ sung vốn (nếu có).
+ Các loại vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách và coi như ngân sách theo quy định của Bộ Tài chính.
e) Nhà nước chỉ đầu tư vốn cho Công ty mẹ và TCTy Bưu chính, không đầu tư trực tiếp cho các Công ty con (Tổng Công ty Viễn thông vùng, Công ty TNHH nhà nước một thành viên, Công ty cổ phần mà Công ty mẹ giữ trên 50% cổ phần) và các Công ty liên kết. Công ty mẹ tự quyết định việc đầu tư các doanh nghiệp này.
3.2- Nguyên tắc xử lý vốn, tài sản, tài chính và lao động khi chuyển đổi
- Tất cả tài sản của TCTy Bưu chính Viễn thông Việt Nam (gồm bộ máy văn phòng, các đơn vị HTPT, các đơn vị HTĐL, đơn vị sự nghiệp) khi chuyển đổi đều tính ra bằng giá trị.
- Tài sản hiện có thuộc quyền sở hữu của TCTy được kiểm kê, phân loại, xác định số lượng, thực trạng. Tài sản hiện có để hình thành tài sản do Công ty mẹ trực tiếp quản lý và tài sản chuyển giao sang TCTy Bưu chính, các TCTy Viễn thông vùng, các Công ty TNHH nhà nước một thành viên thì không đánh giá lại giá trị tài sản. Các trường hợp chuyển đổi sở hữu thì phải đánh giá lại giá trị tài sản theo giá thị trường theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu.
- Tài sản thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận ký gửi: Công ty mẹ, TCTy Bưu chính, các Công ty con có trách nhiệm tiếp tục thuê, mượn, giữ hộ, nhận ký gửi theo thoả thuận với người có tài sản cho thuê, cho mượn, ký gửi.
- Tài sản dôi thừa, không có nhu cầu sử dụng, ứ đọng chờ thanh lý, tài sản hao hụt, mất mát và các tổn thất khác về tài sản được xử lý theo quy định của pháp luật.
- Nguyên tắc xử lý công nợ
+ Đối với các khoản nợ phải thu của TCTy: Công ty mẹ, TCTy Bưu chính, các Công ty con có trách nhiệm tiếp nhận và thu hồi các khoản nợ đến hạn có thể thu hồi được. Đối với các khoản nợ phải thu nhưng không thu hồi được thì sau khi xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và thu hồi các khoản nợ được hạch toán giảm vốn của chủ sở hữu đối với phần chênh lệch giữa giá trị tổn thất và mức bồi thường của tập thể, cá nhân.
+ Đối với các khoản nợ phải trả: Công ty mẹ, TCTy Bưu chính, các Công ty con có trách nhiệm kế thừa các khoản nợ phải trả cho các chủ nợ theo cam kết, kể cả nợ thuế, các khoản nợ ngân sách, nợ CBCNV và thanh toán nợ đến hạn theo phương án đã được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt. Các khoản nợ phải trả không có người đòi và giá trị tài sản không xác định được chủ sở hữu được tính vào vốn của chủ sở hữu tại Công ty mẹ, Tổng Công ty Bưu chính hoặc các Công ty con sau khi được thành lập. Việc xử lý các khoản phải trả của các Công ty con mà Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối được thực hiện theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển Công ty nhà nước thành Công ty cổ phần.
- Công ty mẹ, TCTy Bưu chính và các Công ty con có trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có, kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ đối với người lao động theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN và các văn bản hướng dẫn kèm theo.
Số lao động dôi dư được xử lý theo chính sách chung trong quá trình đổi mới và sắp xếp lại DNNN. Người lao động tự nguyện chấm dứt hợp dồng lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.
3.3 Đăng ký kinh doanh và đăng ký lại tài sản
- Công ty mẹ, TCTy Bưu chính và các Công ty con sau khi chuyển đổi đều phải đăng ký lại theo pháp luật tương ứng, cụ thể:
+ Công ty mẹ, TCTy Bưu chính đăng ký lại theo Luật DNNN ban hành năm 2003.
+ Các Công ty TNHH nhà nước một thành viên và các Công ty con mà Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối đăng ký lại theo luật doanh nghiệp ban hành năm 1999.
- Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Công ty mẹ, TCTy Bưu chính và từng Công ty con phải làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản được chuyển đổi từ TCTy Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
4- Các kiến nghị
4.1- Về môi trường pháp lý cần hoàn thiện
- Đối với Chính phủ:
+ Phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; cho phép Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hoạt động với các cơ chế đặc thù.
+ Ban hành Nghị định của Chính phủ về sản phẩm và dịch vụ công ích, trong đó có quy định về Công ty nhà nước đặc biệt trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng và Công ty nhà nước được thành lập và đăng ký kinh doanh để thực hiện mục tiêu chủ yếu, thường xuyên và ổn định cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích.
+ Sửa đổi, bổ sung Nghị định 63/2001/NĐ-CP ngày 14/9/2001 của Chính phủ về chuyển DNNN, doanh nghiệp của các tổ chức Chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành Công ty TNHH một thành viên phù hợp với Luật DNNN ban hành năm 2003.
+ Ban hành quyết định phân định chức năng, trách nhiệm của các Cơ quan quản lý nhà nước đối với Tập đoàn BC-VT Việt Nam.
- Đối với Bộ Bưu chính, Viễn thông:
+ Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý cho Tập đoàn kinh tế của Việt Nam hoạt động trong giai đoạn thí điểm.
+ Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ tổ chức, hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn BC-VT Việt Nam.
+ Phê duyệt quyết định thành lập Tổng Công ty Bưu chính, các Tổng Công ty Viễn thông vùng I, II, III và các Công ty do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Thông qua Điều lệ tổ chức, hoạt động của các Tổng Công ty và các Công ty này để HĐQT Tập đoàn phê duyệt.
+ Phê duyệt quyết định cổ phần hoá để hình thành các Công ty con, Công ty liên kết của Tập đoàn từ việc sắp xếp, đổi mới các DNNN thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam.
- Đối với các bộ tổng hợp như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – thương binh và xã hội theo chức năng của mình, sớm ban hành các thông tư hướng dẫn về chuyển đổi các TCTy nhà nước, công ty nhà nước độc lập theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con.
4.2- Đối với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam
- Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX nhằm nâng cao nhận thức của CBCNV về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.
- Đẩy mạnh việc cổ phần hoá các DNNN thành viên theo đề án đổi mới, sắp xếp lại DNNN của TCTy đã được Chính phủ phê duyệt.
- Trên cơ sở đề án thành lập Tập đoàn được Chính phủ phê duyệt, TCTy Bưu chính Viễn thông Việt Nam cần khẩn trương:
+ Xây dựng phương án chuyển đổi TCTy Bưu chính Viễn thông Việt nam thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
+ Xây dựng Điều lệ, phương án kinh doanh và các cơ chế vận hành đi kèm (kế hoạch, tài chính, công nghệ...) của Công ty mẹ, TCTy Bưu chính, các TCTy Viễn thông vùng.
+ Bổ sung kế hoạch cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc khối kinh doanh dịch vụ BC-VT trình Chính phủ phê duyệt.
+ Xây dựng phương án chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ, tài sản, công nợ, lao động cho Công ty mẹ, TCTy Bưu chính và các Công ty con. Q