Năm 2005 là năm đầy thách thức đối với Công ty Vedan Việt Nam, do giá dầu tiếp tục tăng ở mức cao, các nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá, một số nước áp dụng chính sách chống phá giá với hàng Việt Nam... khiến sản xuất kinh doanh của Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Song, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ và những nỗ lực của tập thể CBCNV, Công ty Vedan Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh của một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Những kết quả đạt được
Về tiêu thụ sản phẩm: Do sử dụng lượng nông sản lớn của Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất, với thiết bị và công nghệ tiên tiến, chế tạo ra các loại sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, nên sản phẩm của Công ty không những đứng vững mà ngày càng tăng thêm, các sản phẩm mới và thị trường mới luôn phát triển, nhất là thị trường Đông Nam á. Năm 2005, tổng doanh thu của Công ty đạt khoảng 220 triệu USD, tăng 8,4% so với năm 2004; Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 88,3 triệu USD, tăng 19%.
Về sản xuất, chế tạo: Năm 2005, hầu như sản xuất của Công ty đã sử dụng hết công suất, trừ mặt hàng tinh bột sắn. Ngay từ đầu năm, Công ty đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và xin phép tăng vốn đầu tư. Tới quý 4 năm 2005, các hạng mục đầu tư mới đều lần lượt hoàn thành. Tính tới nay, vốn đầu tư của Công ty tại Việt Nam đã đạt tới 438,82 triệu USD. Bên cạnh việc mở rộng năng lực sản xuất các cơ sở hiện có, Công ty còn đầu tư xây dựng mới cơ sở sản xuất ở Gia Lai với công suất ban đầu là 20.000 tấn tinh bột/năm, cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh dự kiến trong năm 2006 có thể đưa vào sản xuất.
Các xưởng sản xuất của Công ty đều được chứng nhận ISO 9001 - 2000. Năm 2005, các sản phẩm mỳ chính, bột gia vị, tinh bột, tinh bột biến đổi đều được chứng nhận HACCP. Điều đó đã khẳng định rằng, Công ty có một cơ cấu sản xuất hoàn chỉnh với thiết bị công nghệ hiện đại và trình độ kỹ thuật cao của CBCNV.
Về mặt tài chính, xã hội: “Lấy từ xã hội, dùng cho xã hội” là tư tưởng nhất quán từ trước tới nay của Tập đoàn Vedan. Hàng năm, Công ty đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội và công ích như quyên góp xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình thương, tài trợ các hoạt động văn hóa, giáo dục v.v... Năm 2005, Công ty đã quyên góp cho hoạt động công ích và xã hội là 1.200 triệu đồng.
Về mặt phát triển nông thôn: Một trong các sách lược đầu tư nhất quán của Công ty là quy hoạch sản xuất kết hợp với chiến lược phát triển nông thôn của Nhà nước. Phương thức thu mua nông sản để sản xuất, cung cấp phân bón cho nông dân trồng trọt, đã trở thành mô hình sản xuất sinh thái hoàn chỉnh của Công ty. Năm 2005, Công ty đã tăng vốn đầu tư xây dựng xong Xưởng phân bón dạng khô, cung cấp loại phân bón giá rẻ cho nông dân các vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, Công ty cũng quy hoạch đầu tư khoảng 12 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất tinh bột và tinh bột biến đổi ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, Công ty cũng đang hợp tác với các công ty quốc tế nổi tiếng để du nhập vào Việt Nam các loại cây trồng mới, tăng giá trị sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nông dân và tạo điều kiện cung ứng nguyên liệu ổn định cho Công ty.
Kế hoạch phát triển Công ty trong tương lai:
Tạo nguồn nguyên liệu đa dạng: Công ty luôn dựa vào mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp của Nhà nước, tăng cường việc thu mua nông sản và hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt cho nông dân. Với cây sắn, Công ty đã có các nhà máy chế biến ở Phước Thái - Đồng Nai, Phước Long - Bình Phước, Hàm Thuận Nam - Bình Thuận và đầu tư xây dựng thêm Nhà máy Veyu ở Gia Lai, Nhà máy tinh bột và sản phẩm hữu quan tại Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
Ngoài ra, Công ty đang trồng thử một loại cây trồng mới cho nguyên liệu đường với loại giống mới nhất. Hiện cây trồng này chưa được nhân rộng ở nhiều nơi trên thế giới, nếu trồng thành công ở Việt Nam, sẽ là một mốc đáng ghi nhớ của nông nghiệp Việt Nam. Các loại nông sản phong phú khác của Việt Nam như gạo, ngô, khoai lang... Công ty cũng có kế hoạch nghiên cứu chế biến, với mong muốn nhiều loại nông sản của Việt Nam có thể gia công thành những sản phẩm có giá trị phụ gia cao.
Kế hoạch đầu tư: Việt Nam là đầu mối giao thông quan trọng ở Đông Nam á, chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh chóng, đó là tiền đề để Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cao sức cạnh tranh lâu dài và góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Dự kiến, trong năm 2006, Công ty sẽ đầu tư thêm 18 triệu USD, chỉnh hợp lại sản phẩm phát triển theo hướng xây dựng cơ sở sản xuất Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và kinh doanh của Vedan tại khu vực ASEAN và châu á.
Phát triển sản phẩm mới: Năm 2006, Công ty sẽ tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ lên men vi sinh, kết hợp môi trường sinh vật riêng có của Việt Nam. Ngoài ra, Công ty cũng tiến hành các thử nghiệm để chuyển giao kỹ thuật sản xuất nhằm phát triển sản phẩm mới hoặc nâng cao năng suất. Công nghệ chuyển đổi của các sản phẩm tinh bột và sản phẩm sau tinh bột sẽ là đối tượng phát triển trọng điểm của Công ty.
Vấn đề bản địa hóa và đào tạo: Công ty tiếp tục tăng cường công tác bản địa hóa, đào tạo các nhân tài bản địa ưu tú, lấy họ làm cốt cán để Công ty cắm rễ sâu ở Việt Nam, làm ăn và phát triển lâu dài ở Việt Nam.
Với chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu đa dạng, tận dụng nông sản của Việt Nam, phát triển với tầng sâu hơn, tăng cường quan hệ với các nước ASEAN và sự cố gắng của mọi thành viên, Công ty Vedan Việt Nam sẽ càng trưởng thành, vững vàng hơn, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm điều hành của Công ty tại ASEAN.