Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc công tác ATBHLĐ và PCCN, toàn thể người lao động trong Công ty, bao gồm 414 tổ sản xuất đã cam kết thực hiện phong trào đảm bảo ATBHLĐ-PCCN một cách nghiêm túc và triệt để. Năm nào cũng vậy, Công ty đều tổ chức Hội nghị chuyên đề kiểm điểm công tác AT-BHLĐ, qua đó, rút kinh nhiệm và đề ra những phương hướng, biện pháp để triển khai công tác AT-BHLĐ của năm tiếp theo. Năm 2007, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị đồng loạt tổ chức lễ phát động “Tuần lễ Quốc gia về ATLĐ - VSLĐ - PCCN lần thứ 9” tại các đơn vị. Qua các cuộc thi, trong Công ty ngày càng xuất hiện nhiều điểm sáng trong lĩnh vực này như: Công ty Than Khánh Hòa, Công ty Than Na Dương, Công ty CP Xi măng La Hiên và Chi nhánh Than Núi Hồng, Chi nhánh Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc tại Quảng Ninh, Công ty CP VLXD… Nói đến công tác ATBHLĐ và PCCN không thể không nhắc tới vai trò của mạng lưới ATVSV và tổ chức công đoàn cơ sở. Công ty có mạng lưới ATVSV chuyên môn cao, đã được huấn luyện nghiệp vụ, có sinh hoạt kiểm điểm hàng tháng, hàng quý và có phân loại để trả phụ cấp. Trong nhiều năm qua, mạng lưới ATVSV đã có nhiều sáng kiến, đề nghị để ngăn chặn TNLĐ, sự cố và các yếu tố độc hại đặc biệt là bụi phát sinh trong quá trình sản xuất. Công đoàn Công ty đã tập huấn nghiệp vụ cho 100 ATVSV của các đơn vị có nhiều yếu tố nguy hiểm và chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập huấn nghiệp vụ cho ATVSV tại đơn vị. Để làm tốt nhiệm vụ, các đơn vị đã có kế hoạch huấn luyện ATBHLĐ, có giáo trình huấn luyện, các giáo trình huấn luyện thường xuyên được rà soát và bổ sung hoàn thiện lại, cán bộ phụ trách đã mở sổ theo dõi trong quá trình huấn luyện, những công nhân mới trước khi nhận việc đều được huấn luyện kiến thức về ATBHLĐ theo 3 bước. Việc huấn luyện định kỳ cho công nhân có liên quan đến sử dụng các thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đã được quan tâm đúng mức. Năm 2007, các đơn vị đã huấn luyện về ATVSLĐ cho 5.580 lượt người. Các đơn vị có nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục về BHLĐ như khẩu hiệu, pa nô, áp phích, treo nội quy an toàn tại nơi làm việc, tổ chức lễ phát động thi đua, cam kết đảm bảo AT - VSLĐ. Hầu hết người lao động đã chấp hành đầy đủ nội quy, quy trình kỹ thuật an toàn (KTAT), biện pháp an toàn và đảm bảo vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Các đơn vị đã cấp phát đủ trang thiết bị an toàn BHLĐ cho người lao động.
Trong công tác PCCN, Phòng chống mưa bão và thủ tiêu sự cố, các đơn vị thành viên của Công ty đã xây dựng kế hoạch PCCC hàng năm và được Công an PC 23 của tỉnh phê duyệt. Hàng năm, đội bán chuyên được phổ biến và luyện tập theo phương án. Tại nơi sản xuất đã có nội quy, biển báo, biển cấm, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, phòng chống bão lụt, thủ tiêu sự cố đã được trang bị. Năm 2007, tổng số tiền Công ty đầu tư cho công tác KTAT và PCCN là gần 1,2 tỷ đồng. Bụi, nóng, ồn, rung, hơi khí độc phát sinh trong môi trường luôn là kẻ thù của người lao động. Để đối phó với những tác nhân xấu này, các cơ sở sản xuất của Công ty đều có các công trình vệ sinh phục vụ cho CBCNV. Người lao động thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao đã được trang bị phòng hộ cá nhân chuyên dụng. Nơi phát sinh bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, các đơn vị đã có biện pháp giảm bụi (dùng nước tưới hoặc phun nước để giảm bụi), đặc biệt là Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI và 01 khu vực sàng tuyển của Công ty than Khánh Hòa thường xuyên phát huy tích cực hệ thống phun nước giảm bụi ở khu vực làm việc. Tổng giá trị thực hiện biện pháp kỹ thuật vệ sinh và cải thiện điều kiện làm việc năm 2007 đạt gần 687 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng bụi phát sinh trong quá trình sản xuất tại nơi sàng tuyển, trên đường vận chuyển, đất, than, xúc đất đá, than; nghiền đá, đóng bao xi măng nồng độ bụi vẫn còn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đây là vấn đề được Công ty đặc biệt quan tâm và không ngừng cải thiện.
Song song với nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Công ty còn thường xuyên thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường. Các đơn vị tổ chức khám sức khỏe cho người lao động theo quy định hiện hành. Năm 2007 đã khám sức khỏe định kỳ cho 4.963 trong tổng số 5.033 người, đạt 98,6%. Ngoài ra, Công ty cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ công tác quản lý y tế về khám điều trị, quản lý hồ sơ sức khỏe, phân loại sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, khảo sát các yếu tố độc hại phát sinh trong môi trường lao động để có biện pháp phòng ngừa các yếu tố độc hại đó. Tính đến thời điểm hiện nay, 100% các bếp ăn tập thể đã sử dụng nước sạch, các đơn vị đã tổ chức tốt công tác điều dưỡng và phục hồi sức khỏe cho các đối tượng lao động mắc bệnh nghề nghiệp; tai nạn lao động; sức khỏe loại IV, V và những người công nhân bậc cao, công nhân có năng suất cao. Tổng số tiền đầu tư cho công tác này trong năm 2007 hơn 6,2 tỷ đồng. Các đơn vị đã mua sắm đầy đủ trang bị BHLĐ cho người lao động, nhất là những nơi mà người lao động làm việc có tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy hiểm, độc hại.
Bước sang năm 2008, tình hình sản xuất than, sản xuất đá, xi măng và sản xuất khác tiếp tục được tăng lên do yêu cầu của thị trường. Đây là một thuận lợi lớn nhưng cũng là thách thức đối với Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc vì các đơn vị của Công ty vẫn còn duy trì hoạt động sản xuất trên dây chuyền công nghệ cũ kỹ, lạc hậu; trình độ quản lý, tay nghề của nhiều công nhân chưa theo kịp sự phát triển. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, mỗi CBCNV trong Công ty tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ. Để triệt tiêu những khuyết điểm chủ yếu còn tồn tại trong năm 2007, nhằm thực hiện tốt mục tiêu về công tác AT-BHLĐ năm 2008, Công ty triển khai thực hiện đồng bộ một số biện pháp cơ bản sau:
Công đoàn Công ty và các Công đoàn các đơn vị thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc vận động, giáo dục CBCNV thực hiện nghiêm túc nội quy, quy trình, quy phạm, biện pháp an toàn đối công việc được giao. Mỗi CBCNV đều phải làm công tác AT- VSLĐ với trách nhiệm cao nhất. 100% cá nhân, tổ sản xuất, phân xưởng đăng ký cam kết và kiểm điểm đăng ký cam kết theo quy định. 100% các đơn vị phải có đủ sổ sách quản lý về an toàn từ cấp tổ sản xuất trở lên theo đúng quy định của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và của Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV ban hành, phải có trách nhiệm ghi chép đầy đủ các nội dung theo biểu mẫu, có biện pháp an toàn đầy đủ, cụ thể cho từng công việc.
Đối với mạng lưới ATVSV, phải sinh hoạt đề đặn có kiến nghị ngăn chặn TNLĐ và sự cố thiết bị, công trình và phải kiên quyết hằng tháng từ cấp phân xưởng trở lên phải xây dựng kế hoạch BHLĐ kể cả số lượng công việc, giá trị công việc, phải báo cáo thực hiện kế hoạch ATBHLĐ theo phân cấp quản lý; đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch được giao. Hằng tuần 100% các đơn vị phải báo tình hình thực hiện công tác ATBHLĐ theo nội dung đã hướng dẫn về Công ty đúng thời gian quy định và đảm bảo chất lượng.
Về trang bị BHLĐ và trang thiết bị an toàn, người lao động vào làm việc phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn, trang bị BHLĐ cá nhân, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là những công việc, những ngành nghề, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Công ty cũng chú trọng thực hiện kiểm tra công tác KTAT tại hiện trường. Đồng thời, phải tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, liên tục và quyết liệt việc thực hiện nội quy, quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, phải coi đây là công việc đặc biệt trọng tâm để phòng ngừa TNLĐ và sự cố thiết bị, công trình. Vì vậy, tất cả các vị trí sản xuất của người lao động, đặc biệt là những nơi có tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, có hại thì phải giám sát tại chỗ các điều kiện đảm bảo về AT-VSLĐ cho người và thiết bị liên tục trong suốt thời gian làm việc. Song song đó, phải có biện pháp xử lý ngay các nguy cơ gây mất AT- VSLĐ; sau đó mới bố trí người lao động, máy, thiết bị vào làm việc. Đặc biệt hơn cả là người lao động phải thực hiện đúng, đủ nội quy, quy định, quy trình, biện pháp AT-VSLĐ đối với từng công việc mà họ đang làm. Trang bị đủ dụng cụ, phương tiện cho công tác PCCC, phòng chống mưa bão, thủ tiêu sự cố và đặt đúng vị trí, đảm bảo thuận tiện khi sử dụng. Tại nơi sản xuất, nơi có yếu tố nguy hiểm dễ xảy ra cháy nổ, sự cố phải có nội quy, biển báo, biển cấm, hiệu lệnh báo hiệu... và được đặt ở vị trí hợp lý. Về vấn đề môi trường làm việc, mọi người đều phải có trách nhiệm để tạo ra được một môi trường lao động, môi trường sống ngày càng sạch sẽ, an toàn, vệ sinh nhằm kéo dài tuổi đời và tuổi nghề cho mọi người lao động, trong đó có chính bản thân của mình.
Hy vọng rằng, với những giải pháp thiết thực như trên, Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc – TKV sẽ ngày càng phát triển bền vững, đóng góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.